Chảy máu cam không phải là hiện tượng hiếm gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ lứa tuổi từ 3 - 8. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, có thể là chấn thương, dị vật đường mũi hoặc bệnh lý mũi xoang, huyết học. Nếu thực hiện đúng cách sơ cứu chảy máu cam ở trẻ nhỏ, cha mẹ có thể kiểm soát tình trạng tốt hơn, đồng thời phòng ngừa biến chứng nguy hiểm.
08/02/2021 | Do đâu mà bạn bị chảy máu cam và cần làm gì khi gặp hiện tượng này 22/08/2020 | Chảy máu cam là triệu chứng bệnh gì và khi nào cần đi khám?
1. Nguyên nhân khiến trẻ bị chảy máu cam
Chảy máu mũi, hay còn gọi là chảy máu cam là tình trạng vỡ một hoặc một vài mạch máu nhỏ ở niêm mạc mũi. Trẻ nhỏ, đặc biệt trẻ từ 3 - 8 tuổi rất thường xuyên bị chảy máu cam do trẻ thường xuyên đùa nghịch dẫn đến va chạm hoặc các mạch máu mũi quá nhạy cảm, bị nứt vỡ do thời tiết lạnh hoặc hanh khô.
Ngoài ra, một số nguyên nhân khác có thể dẫn đến chảy máu cam ở trẻ, cần xác định để phòng ngừa tái phát như:
-
Mạch máu nhạy cảm quá và bị vỡ ra khi điều kiện ngoại cảnh phù hợp.
-
Trẻ bị dị ứng hoặc bị nhiễm trùng ở họng mũi và xoang.
-
Bị chấn thương, hoặc trẻ có thói quen ngoáy mũi.
-
Trẻ xì mũi quá mạnh.
-
Bị dị vật mắc trong mũi.
-
Trẻ bị táo bón và rặn mạnh khi đi.
-
Trẻ có vách ngăn mũi bị vẹo.
-
Trẻ phải thở oxy qua ống thông mũi.
-
Do sử dụng một số loại thuốc.
-
Trẻ bị gãy xương mũi hay vỡ nền sọ.
-
Bị rối loạn đông máu.
-
Do các khối u (lành tính và ác tính) nhưng khả năng này ít xảy ra.
2. Bác sĩ hướng dẫn cách sơ cứu chảy máu cam ở trẻ nhỏ đúng
Dưới đây là các bước cần thực hiện khi phát hiện trẻ nhỏ bị chảy máu cam, cần thực hiện sơ cứu một cách nhanh chóng nhưng cẩn thận, không hấp tấp. Muốn sơ cứu hiệu quả, điều quan trọng là cha mẹ, người chăm sóc cần giữ bình tĩnh và tỉnh táo, hầu hết trường hợp chảy máu cam ở trẻ nhỏ không nghiêm trọng. Khi xử lý đúng cách, trẻ không bị mất nhiều máu và sẽ phục hồi sức khỏe nhanh chóng.
Trẻ bị chảy máu cam nên đưa người và cổ về phía trước
Chỉnh tư thế cho trẻ
Tư thế đúng cho trẻ khi bị chảy máu cam là ngồi hoặc đứng, phần đầu và cổ hơi ngả nhẹ về phía trước để máu không chảy ngược vào mà tiếp tục chảy ra ngoài qua đường mũi.
Cầm máu bằng bóp ép mũi
Vị trí nên bóp ép để cầm chảy máu cam là phần nửa dưới của mũi, đây là phần mềm mà cha mẹ nên dùng lực vừa phải để đảm bảo cầm máu nhưng không gây đau cho trẻ. Nên giữ chặt việc cầm bóp mũi này trong khoảng 10 phút, thời gian này đủ để tổn thương được phục hồi nhanh chóng và máu không tiếp tục chảy.
Nếu trẻ có thể tự làm, cha mẹ hãy hướng dẫn trẻ làm động tác này để kiểm soát lực tốt hơn.
Xem xét tình trạng chảy máu
Thông thường sau khi bóp mũi khoảng 10 phút, máu sẽ tự đông lại và ngừng chảy. Tuy nhiên nếu bóp mũi không đúng kỹ thuật hoặc trẻ gặp vấn đề về máu khó đông, tình trạng chảy máu vẫn tiếp tục diễn ra. Bạn kiểm tra bằng cách thả tay ra, nghiêng đầu ra phía trước đồng thời quan sát máu chảy từ mũi trẻ.
Nếu lượng máu chảy vẫn nhiều không kiểm soát, nên sớm đưa trẻ đến cơ sở y tế.
Cho trẻ nghỉ ngơi
Nếu tình trạng chảy máu đã được kiểm soát tốt hơn, có thể cho trẻ nằm nghỉ một lúc. Nếu máu còn chảy, đặt trẻ nằm nghiêng sẽ tránh máu chảy ngược vào cổ họng, hướng dẫn trẻ nhổ ra, không nuốt máu vào vì có thể gây khó chịu, nôn mửa.
Trẻ nên nghỉ ngơi sau sơ cứu chảy máu cam
Những trường hợp chảy máu cam nghiêm trọng hơn, cần sớm đưa trẻ tới cơ sở y tế hoặc tư vấn từ bác sĩ:
-
Trẻ bị mất máu nhiều hoặc tình trạng chảy máu cam thường xuyên xảy ra không rõ nguyên nhân.
-
Trẻ bị mất máu, cơ thể nhợt nhạt, đổ mồ hôi bất thường.
-
Máu không chỉ chảy ra từ mũi mà còn từ miệng, đi kèm với ho và nôn ra máu nhưng là máu màu nâu như bã cà phê.
-
Chảy máu cam đi kèm với bệnh nghẹt mũi kinh niên, tình trạng này có thể cho thấy mạch máu mũi ở trẻ khá nhạy cảm, cần chăm sóc và điều trị đặc biệt.
Với những bước đơn giản trên, cha mẹ có thể sơ cứu chảy máu cam cho trẻ nhanh chóng, hiệu quả mà không gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe.
3. Tránh những sai lầm khi sơ cứu chảy máu cam ở trẻ nhỏ
Mặc dù tình trạng chảy máu cam ở trẻ nhỏ không phải là hiếm gặp song do quá lo lắng và không có kinh nghiệm mà không ít bậc phụ huynh, người chăm sóc xử lý sai. Xử lý sai cách có thể khiến chảy máu cam trở nên nghiêm trọng hơn, chậm hoặc không thể cầm máu dẫn đến những vấn đề sức khỏe khác.
Dưới đây là những sai lầm thường gặp khi xử lý chảy máu cam ở trẻ nhỏ, cùng tìm hiểu và phòng tránh:
Để trẻ ngửa đầu ra sau hoặc nằm xuống
Do máu cam chảy từ mũi ra ngoài nên nhiều người cho rằng, khi ngửa đầu ra phía sau hoặc nằm xuống thì máu cam sẽ bớt chảy ra. Thực tế, máu cam vẫn tiếp tục chảy nhưng do tư thế này nên không thể chảy ra ngoài qua đường mũi mà chảy ngược lại xuống cổ họng. Trẻ có thể bị ho sặc, nuốt nghẹn,… khi máu chảy ngược như vậy.
Tâm lý hoảng loạn
Do không có kinh nghiệm xử lý tình huống y tế nào hoặc quá lo lắng cho trẻ nên tâm lý hoảng loạn thường xuất hiện ở các ông bố bà mẹ khi thấy con mình bị chảy máu cam. Thực tế lúc này, bạn cần bình tĩnh để xử lý đúng từng bước, giúp cầm máu và chăm sóc trẻ đúng hơn. Nếu cần hỗ trợ, hãy nhờ sự giúp đỡ của nhân viên y tế hoặc người có kinh nghiệm, kiến thức sơ cứu trẻ bị chảy máu cam.
Dùng bông, gạc, giấy cầm máu
Thực tế chảy máu cam là do tình trạng vỡ mạch máu nhỏ trong niêm mạc mũi, đây là hệ thống mạch máu rất nhạy cảm, dễ bị tổn thương do tác động lực bên ngoài. Vì thế, việc nhét bông gạc vào mũi khi đang chảy máu cam có thể giúp cầm máu tạm thời nhưng cũng có thể khiến mạch máu vỡ nghiêm trọng hơn. Hơn nữa, nếu các vật này không đảm bảo vệ sinh, vô trùng, vi khuẩn có thể xâm nhập vào tổn thương mạch máu gây nhiễm trùng.
Tuyệt đối không cho trẻ dùng tay cạy mũi dễ gây tổn thương mạch máu
Vì thế, nên tránh những sai lầm trên, thực hiện sơ cứu chảy máu cam ở trẻ nhỏ đúng cách để trẻ nhanh chóng được cầm máu và phục hồi sức khỏe. Nếu bạn không thể tự xử lý được hoặc sơ cứu nhưng không thể cầm máu, hãy nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ.