Ưỡn cột sống là một trong những tật cong vẹo cột sống thường gặp ở trẻ nhỏ và người cao tuổi. Tình trạng này xảy ra không chỉ ảnh hưởng tới dáng đi và thẩm mỹ mà có thể nguy hiểm với chức năng hô hấp và tiêu hóa. Do đó, cần điều trị ưỡn cột sống sớm để ngăn chặn sự tiến triển của bệnh cũng như khả năng biến dạng cột sống.
04/01/2022 | Bệnh viêm xương tủy có thể điều trị dứt điểm được hay không? 16/12/2021 | Điều trị loãng xương ở phụ nữ mãn kinh như thế nào? 11/12/2021 | Chăm sóc, dự phòng tình trạng loãng xương ở phụ nữ mãn kinh
1. Tật ưỡn cột sống và phân loại
Tật ưỡn cột sống còn gọi là võng lưng là một trong hai dạng rối loạn cong cột sống thường gặp nhất.
Ưỡn cột sống là tật cong vẹo cột sống thường gặp
Đây là tình trạng các đốt sống lưng dưới bị cong quá mức về phía trước, dẫn đến sự thay đổi đặc trưng mà người bệnh gặp phải như:
-
Xương chậu bị nghiêng về phía trước tạo thành tư thế võng lưng.
-
Phần lưng ưỡn cong ra phía trước rõ rệt so với mông.
-
Di chuyển và đi lại khó khăn.
-
Thường xuyên bị đau lưng, nhất là phần lưng dưới.
-
Khi nằm ngửa thấy khoảng trống lớn giữa lưng và sàn, đường cong cột sống có thể tự đảo ngược hoặc không tùy vào tình trạng ưỡn cột sống.
Dựa trên nguyên nhân và đặc điểm bệnh, ưỡn cột sống được phân thành 5 loại chính bao gồm:
1.1. Tật ưỡn cột sống bẩm sinh hoặc chấn thương
Một chấn thương xảy ra ở phần cột sống - thắt lưng có thể làm gãy phần nối các đốt sống là một trong những nguyên nhân gây cong vẹo cột sống. Chấn thương dạng này thường gặp ở trẻ nhỏ do ngã từ trên cao xuống hoặc chấn thương khi chơi thể thao.
Ngoài ra, tật ưỡn cột sống có thể phát triển do sự khiếm khuyết của các bộ phận của cột sống từ khi trẻ sinh ra. Dù cho nguyên nhân nào thì tình trạng ưỡn cột sống cũng sẽ phát triển nặng dần theo thời gian, khi các đốt sống trượt dần về phía trước chèn ép lên dây thần kinh.
Ưỡn cột sống có thể do chấn thương vùng cột sống gây ra
1.2. Chứng ưỡn cột sống tư thế
Ưỡn cột sống tư thế không phải do chấn thương hoặc bẩm sinh, nguyên nhân là do tình trạng béo phì dẫn đến mất cân bằng giữa phần cơ lưng và dạ dày. Trọng lượng khi nghiêng quá nhiều về phía trước ở vùng bụng, dạ dày sẽ khiến một phần thắt lưng bị kéo về trước.
Tình trạng này càng kéo dài sẽ càng khiến cơ lưng trở nên yếu hơn, tạo đường cong về phía trước gây ra tật ưỡn cột sống.
1.3. Ưỡn cột sống thể rối loạn thần kinh - cơ
Ưỡn cột sống có thể là một trong các chứng cong vẹo cột sống do rối loạn thần kinh - cơ. Có rất nhiều nguyên nhân thần kinh - cơ hoặc cơ bắp cùng gây ra chứng biến dạng cột sống này, bác sĩ sẽ cần chẩn đoán tìm ra nguyên nhân để điều trị tương ứng.
1.4. Ưỡn cột sống hậu phẫu thuật cắt cung sau cột sống cổ
Phẫu thuật cắt cung sau cột sống cổ thực hiện để làm giảm áp lực do hẹp cột sống đè lên vùng tủy sống, rễ thần kinh cột sống. Khi thực hiện, phẫu thuật dễ gây những ảnh hưởng tiêu cực đến cột sống, một trong những ảnh hưởng thường gặp là khiến cột sống không ổn định, bị ưỡn cong quá mức.
Phẫu thuật cắt cung sau cột sống cổ có thể gây ưỡn cột sống
Ưỡn cột sống hậu phẫu thuật cắt cung sau cột sống cổ thường gặp hơn ở trẻ nhỏ do cột sống và hệ xương còn yếu ớt.
1.5. Ưỡn cột sống sau cứng khớp háng
Ưỡn cột sống có thể phát triển sau một chấn thương, nhiễm trùng hoặc bệnh lý khác gây mất cân bằng khớp háng và cứng khớp háng.
2. Chẩn đoán ưỡn cột sống như thế nào?
Dựa trên triệu chứng bệnh, bác sĩ sẽ chẩn đoán ưỡn cột sống dựa trên kiểm tra tính linh hoạt của cột sống bằng cách: yêu cầu người bệnh gập người về phía trước, uốn cong sang một bên. Nếu cột sống bị cong quá mức, bác sĩ sẽ yêu cầu chẩn đoán hình ảnh để xác định mức độ ưỡn cột sống.
Các phương pháp chẩn đoán bao gồm:
-
Chụp X-quang: Giúp bác sĩ đo góc đường cong cột sống, từ đó chẩn đoán được mức độ ưỡn cột sống và chỉ định phương pháp điều trị phù hợp.
-
Chụp cộng hưởng từ MRI: Cho thấy chi tiết cấu trúc các mô, xương và dây thần kinh khu vực cột sống, từ đó chẩn đoán các tổn thương hoặc bất thường liên quan đến ưỡn cột sống.
-
Chụp CT xương để kiểm tra có gãy xương cột sống hay nhiễm trùng hay không.
-
Xét nghiệm máu khi nghi ngờ có dấu hiệu nhiễm trùng.
Hầu hết ưỡn cột sống được chẩn đoán bằng chụp X-quang
Hầu hết ưỡn cột sống được chẩn đoán bằng khám thực thể và chụp X-quang, chỉ các trường hợp đặc biệt nghi ngờ tổn thương khác mới cùng chỉ định bằng các xét nghiệm khác.
3. Điều trị ưỡn cột sống như thế nào cho hiệu quả?
Phương pháp và chỉ định điều trị ưỡn cột sống sẽ dựa trên mức độ cong vẹo cột sống, triệu chứng bệnh, tuổi tác và sức khỏe của người bệnh. Trẻ em là đối tượng cần điều trị sớm ngay khi có dấu hiệu ưỡn cột sống bởi bệnh sẽ phát triển nặng dần theo thời gian, dẫn đến những ảnh hưởng nghiêm trọng cho cuộc sống sau này.
Mục tiêu của điều trị ưỡn cột sống là làm giảm đường cong cột sống, ngăn ngừa biến dạng quá mức chèn ép lên dây thần kinh. Các phương pháp điều trị hướng đến mục tiêu này bao gồm:
Vật lý trị liệu là phương pháp được khuyến khích trong mọi trường hợp bị ưỡn cột sống, đặc biệt là trẻ nhỏ. Khi thực hiện những bài tập tại nhà và vật lý trị liệu phù hợp trong thời gian thích hợp, tình trạng rối loạn cong cột sống sẽ được cải thiện. Hơn nữa, người bệnh cũng cải thiện được khả năng vận động và tính linh hoạt của cột sống.
3.2. Đeo nẹp lưng
Khi ưỡn cột sống xảy ra với trẻ nhỏ, đeo nẹp lưng là phương pháp có thể được chỉ định khi xương của trẻ còn có khả năng phát triển và thay đổi.
3.3. Kiểm soát cân nặng
Khi ưỡn cột sống do béo phì, người bệnh cần giảm cân ngay lập tức, đặc biệt là phần mỡ thừa vùng bụng - dạ dày.
3.4. Điều trị nguyên nhân
Nguyên nhân bệnh lý gây ưỡn cột sống như cứng khớp háng sẽ cần điều trị để tránh dẫn đến làm hỏng đường cong cột sống.
3.5. Phẫu thuật thay đĩa đệm
Đây là phương pháp điều trị được lựa chọn cuối cùng nếu các biện pháp điều trị khác không hiệu quả do ưỡn cột sống quá mức hoặc xảy ra ở người già.
Ưỡn cột sống nặng sẽ cần điều trị bằng thay đĩa đệm
Trong quá trình điều trị, bác sĩ có thể kê thuốc giảm đau để người bệnh ưỡn cột sống cảm thấy dễ chịu hơn.
Phát hiện và điều trị ưỡn cột sống càng sớm sẽ càng đơn giản và mang lại hiệu quả tốt, do đó các chuyên gia khuyên rằng nên đi khám sớm khi có các dấu hiệu bất thường về đường cong cột sống và dáng đi. Nếu có thắc mắc khác hãy liên hệ với MEDLATEC qua Hotline 1900 56 56 56 để được tư vấn.