Đau tức ngực là một triệu chứng gặp chủ yếu ở tuổi trung niên trở lên, với nhiều bệnh khác nhau, trong đó có trọng bệnh, nếu không phát hiện, cấp cứu kịp thời tính mạng có thể bị đe dọa..v
Nguyên nhân gây đau ngực
Đau tức ngực là một triệu chứng của nhiều bệnh nhưng đáng lo ngại nhất là do bệnh của tim mạch. Trong cuộc sống thường ngày có thể gặp đau ngực do bệnh thuộc đường hô hấp (viêm phổi, viêm dày dính, tràn dịch, tràn khí màng phổi, hen suyễn, tắc mạch phổi, ung thư phế quản, ung thư phổi, u ở cơ quan lân cận đè vào khí, phế quản), bệnh trào ngược dạ dày thực quản, bệnh thực quản, bệnh của dạ dày (viêm, loét dạ dày - tá tràng), đau dây thần kinh liên sườn, áp-xe cơ hoành. Ngoài ra đau tức ngực còn có thể nằm ngủ sai tư thế do để cánh tay, bả vai ở vị thế bất bình thường (dùng cánh tay làm gối…) hoặc trong cơn hoảng sợ, tim đập nhanh, hơi thở dồn dập, đổ mồ hôi, hụt hơi thở cũng thường có cơn đau tức ngực.
Đáng chú ý nhất là đau ngực do bệnh thuộc tim mạch. Trong đó, thiểu năng mạch vành, thiếu máu cục bộ nuôi tim gây nhiều nguy hiểm nhất mà nguyên nhân chính là do tăng mỡ máu trường diễn, đặc biệt là tăng cholesterol.
Xơ vữa động mạch có nghĩa là lòng động mạch bị thu hẹp lại, động mạch nào cũng có thể bị xơ vữa nhưng động mạch nhỏ, nếu bị xơ vữa thì nguy hiểm hơn rất nhiều. Khi lòng động mạch càng hẹp càng cản trở sự lưu thông của máu đến nuôi dưỡng tim. Sự thu hẹp này là do những mảng chất béo cholesterol bám vào thành động mạch vành. Cholesterol cần cho cơ thể, nhưng chỉ ở mức độ vừa phải, nếu cao quá và kéo dài thì bất lợi cho cơ thể. Khởi đầu là lớp màng lót của một chỗ nào đó trong động mạch trở nên mềm rồi một thời gian sau cứng lại. Cholesterol bắt đầu bám vào đó, mỗi ngày càng nhiều hơn, nhất là các động mạch nhỏ (động mạch vành tim, động mạch não…). Khoáng chất canxi trong máu cũng nhân cơ hội này chúng bám dính vào tạo thành động mạch càng cứng và khó tan. Xơ vữa động mạch diễn biến rất chậm, có khi cả năm và không có triệu chứng báo hiệu.
Ngoài ra, xơ vữa động mạch còn có các yếu tố nguy cơ khác như: nghiện thuốc lá, bệnh đái tháo đường, bệnh tăng huyết áp, béo phì. Xơ vữa làm cho lòng động mạch hẹp lại từ từ và khi đường kính động mạch giảm tới 75% thì sự cung cấp máu cho cơ tim sẽ diễn ra rõ rệt và cơn đau tức ngực xuất hiện gọi là co thắt mạch vành, thiếu máu cục bộ cơ tim.
Khi nào xuất hiện cơn đau tức ngực?
Đau thắt ngực xuất hiện gặp nhiều nhất là sau một hoạt động gắng sức (làm việc nặng, chạy, leo dốc, leo cầu thang, quan hệ tình dục). Yếu tố tâm lý cũng có thể gây xuất hiện cơn đau tức ngực (xúc động mạnh, bực tức, cáu giận, lo sợ). Động mạch vành càng hẹp thì ngưỡng đau càng thấp, có những bệnh nhân chỉ vận động tăng lên một chút là đã xuất hiện cơn đau. Ngưỡng đau là mức độ gắng sức của người bệnh để xuất hiện cơn đau. Đa số bệnh nhân có ngưỡng đau ổn định hay còn gọi là cơn đau thắt ngực ổn định. Tuy vậy, có một số người bệnh có cơn đau thắt ngực không ổn định. Đó là biểu hiện của bệnh càng ngày càng nặng lên, các cơn đau xuất hiện dày lên, đau dữ dội hơn.
Đau thắt ngực không ổn định rất nguy hiểm vì khó phân biệt với nhồi máu cơ tim (nếu cơn đau kéo dài trên 15 phút). Cần lưu ý là thiếu máu cục bộ cơ tim có trường hợp không đau tức ngực, vì vậy, khám bệnh định kỳ là hết sức cần thiết.
Vị trí xuất hiện cơn đau tức ngực là đa số đau xuất phát từ giữa ngực ngay sau xương ức, hoặc bên ngực trái vùng trước tim lan lên cổ, hàm, má, bả vai, cánh tay và xuống cả vùng giữa bụng hoặc giữa hai xương bả vai. Mỗi cơn đau như vậy kéo dài không quá 10 hoặc 20 phút, đôi khi chỉ thoáng qua rồi tự khỏi và hầu như chấm dứt khi ngưng hoạt động đã gây ra cơn đau hoặc đặt dưới lưỡi một viên thuốc giảm đau ngực (nitroglycerin). Nếu cơn đau ngực kéo dài cả ngày hay nhiều ngày mà điện tim không thay đổi thì khả năng không phải đau tức ngực do tim mạch.
Đau tức ngực có nhiều nguyên nhân khác nhau. Vì vậy, cần được xác định rõ nguyên nhân bằng các kỹ thuật chuyên môn sâu của từng chuyên khoa khi nghi ngờ. Với đau tức ngực nghi do thiểu năng mạch mành cần làm điện tim, siêu âm tim hoặc chụp động mạch vành tim có cản quang; nghi do bệnh về phổi cần chụp X-quang phổi hoặc chụp CT, cộng hưởng từ, siêu âm màng phổi; nghi do bệnh dạ dày cần nội soi, chụp X-quang có thuốc cản quang…
Phòng đau thắt ngực
Ở tuổi trung niên, cao tuổi khi có đau tức ngực cần đi khám bệnh càng sớm càng tốt để xác định nguyên nhân. Cần điều trị nghiêm túc khi mắc bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, tăng mỡ máu.
Khi xác định đau tức ngực do thiểu năng mạch vành cần bỏ thuốc lá, rượu, bia, cà phê. Nếu mắc các bệnh về phổi hoặc tiêu hóa (thực quản, dạ dày…) cần điều trị theo đơn của bác sĩ để bệnh chóng khỏi.
Cần có chế độ ăn hợp lý không nên lạm dụng các loại thực phẩm có khả năng làm tăng mỡ máu (mỡ, phủ tạng động vật, các loại thịt hun khói, chiên, rán…). Người đau thắt ngực không cần nghỉ ngơi tuyệt đối nhưng cần hạn chế lao động nặng (chân tay) và tránh căng thẳng (trí óc). Cần tránh gắng sức, nhất là gắng sức đột ngột (chơi thể thao nặng, đi bộ nhanh, lên dốc, lên cầu thang), tránh lạnh, tránh gió lùa, không được tắm đêm, sống điều độ. Cần có giờ giấc nghỉ ngơi hợp lý và tránh làm việc ngay sau bữa ăn. Tập thể dục nhẹ, đi bộ ngắn và chú trọng giải trí, nghe nhạc, đọc sách báo...
Nguồn: suckhoedoisong.vn