Viêm mũi dị ứng - Làm gì để hết khó chịu? | Medlatec

Viêm mũi dị ứng - Làm gì để hết khó chịu?

Ngày 30/09/2014 ThS BS Mai Hương

Nước ta là một nước nhiệt đới, gió mùa, vì vậy, nóng ẩm, môi trường ô nhiễm luôn là điều kiện thuận lợi làm xuất hiện và tái diễn bệnh viêm mũi dị ứng. Viêm mũi dị ứng gây nên nhiều phiền toái, khó chịu cho người bệnh, đặc biệt đối với người cao tuổi.


 

Viêm mũi dị ứng liên quan mật thiết với hen suyễn

Viêm mũi dị ứng (VMDƯ) có liên quan mật thiết với hiện tượng dị ứng, nhất là ở người có cơ địa dị ứng. Dị ứng là một bệnh toàn thân và viêm mũi dị ứng 
chỉ là biểu hiện tại chỗ, có liên quan mật thiết với bệnh hen suyễn. Người bị viêm mũi dị ứng mà có cơ địa dị ứng (viêm da dị ứng, mề đay mạn tính, eczema, tổ đỉa, hen suyễn...) thì tỷ lệ cao hơn người bị viêm mũi dị ứng mà không có cơ địa dị ứng. Chính vì lẽ đó mà cùng một tác nhân gây kích thích nhưng có người bị bệnh viêm mũi dị ứng, có người không. Một số dị nguyên có khả năng gây viêm mũi dị ứng như bụi nhà, bụi công nghiệp (bông, vải, sợi), bụi ở môi trường xung quanh, phấn hoa, hóa chất, khói thuốc, thực phẩm, lông (chó, mèo, gia cầm), ký sinh trùng (bào tử nấm mốc, bọ chét, mò, mạt...), vi khuẩn (S. pneumoniae, H. influenzae, cầu khuẩn), thời tiết nóng lạnh đột ngột...

Yếu tố liên quan đến VMDƯ như nhà chật chội dễ ẩm ướt, sức khỏe yếu kém do tuổi cao, bản thân hoặc trong nhà có người hút thuốc lá, đun nấu bếp than, củi..., làm nghề may mặc có thể hít phải nhiều bụi bông, tiền sử và hiện tại bị hen phế quản.

 


Các nguyên nhân trên đóng vai trò như một kháng nguyên không hoàn toàn (hapten) khi gặp kháng thể (có trong cơ thể) tương ứng thì xảy ra hiện tượng phản ứng tức thì. Hiện tượng phản ứng dị ứng này xảy ra ngay ở lớp nhày niêm mạc của hệ thống đường hô hấp trên như mũi, họng, xoang... gây nên hiện tượng viêm và kích thích niêm mạc mà được biểu hiện là ngứa, hắt hơi.


Tuy nhiên các tác nhân gây kích thích gây VMDƯ cũng có thể theo đường hô hấp nhưng cũng có thể vào cơ thể theo đường khác như qua da hoặc theo đường ăn uống.


VMDƯ dễ nhầm với viêm xoang, khiến người bệnh mệt mỏi


VMDƯ có hai loại, loại có chu kỳ và loại không có chu kỳ.


Loại có chu kỳ thường xảy ra đột ngột vào đầu mùa lạnh hay đầu mùa nóng hoặc nóng ẩm. Người bệnh thấy cay cay trong mũi, hắt hơi liên tục, thêm vào đó có thể thấy ngứa mũi, cay mắt, đỏ mắt, chảy nước mắt (rất dễ nhầm với bệnh của mắt). Tiếp đến là chảy nhiều nước mũi trong như nước lã. Có cảm giác rát bỏng ở vòm hầu họng. Ban ngày xuất hiện nhiều cơn như vậy, đặc biệt là vào lúc sáng sớm vừa ngủ dậy, nhưng tối đến lại dịu đi và kéo dài vài ba ngày đến vài tuần, nếu không được điều trị.


VMDƯ không có chu kỳ có triệu chứng giống như loại có chu kỳ nhưng khác ở chỗ là bệnh xuất hiện không theo mùa, không phụ thuộc thời tiết, cơn viêm không kịch phát, chỉ thỉnh thoảng hắt hơi nhưng nghẹt mũi tăng dần và kéo dài hơn giữa 2 cơn.


Khi VMDƯ đã thành bệnh mạn tính thì có thể bị nghẹt mũi gần như thường xuyên, có thể bị ù tai, nhức đầu kèm theo (những triệu chứng này rất dễ nhầm với viêm xoang). Một số trường hợp VMDƯ mạn tính kéo dài có thể gây nên loạn khứu giác (mất mùi) hoặc ngủ ngáy do nghẹt mũi. Bệnh VMDƯ tuy không nguy hiểm đến tính mạng và không thuộc bệnh truyền nhiễm hoặc bệnh cấp cứu nhưng gây nhiều phiền toái cho người bệnh, do vậy ảnh hưởng xấu không nhỏ đến sức khỏe của người bệnh.


VMDƯ nếu không được điều trị thỏa đáng thì có thể dẫn đến một số biến chứng (viêm xoang dị ứng, polyp mũi, polyp xoang) và bệnh hay tái phát. Và do nghẹt mũi cho nên người bệnh phải thở bằng miệng dẫn đến viêm họng, viêm phế quản, dị ứng phế quản và rất có thể dẫn đến bệnh hen suyễn hoặc hen tái diễn. Người bệnh luôn cảm thấy mệt mỏi, giảm trí nhớ, lo lắng nhiều đôi khi dẫn đến trầm cảm.


Phòng và điều trị thế nào?


Cần xác định nguyên nhân để điều trị mới có hiệu quả cao. Đa số những biện pháp điều trị viêm mũi dị ứng là xịt glucocorticoid (fluticasone) vào trong mũi hoặc uống thuốc chống viêm, chống dị ứng (loratidin, chlophenoramine, clrytine,...).


Không nên nuôi chó, mèo trong nhà, nhất là trong gia đình có người bị bệnh dị ứng. Và nếu không thể không nuôi thì nên hạn chế đến mức tối đa tiếp xúc với chúng, không cho chúng vào phòng ngủ. Cần vệ sinh định kỳ chăn, ga, gối, đệm, vải bọc ghế, bọc đệm để hạn chế sự tồn tại và sinh trưởng của một số ký sinh trùng (mò, mạt). Nhà ở cần thoáng, mát, sạch sẽ, tránh ẩm ướt để hạn chế nấm mốc phát triển. Cần bỏ hút thuốc lá, thuốc lào và không nên ăn các loại thực phẩm mà xác định hoặc nghi ngờ gây viêm mũi dị ứng cho bản thân mình (tôm, cua, ốc). Khi đi ra đường hoặc lúc quét, dọn nhà cần đeo khẩu trang. Những người có cơ địa dị ứng cần tránh lạnh đột ngột (tắm, phòng máy lạnh,...).


Nguồn: suckhoedoisong.vn

Đăng ký khám, tư vấn

Tại sao nên chọn bệnh viện đa khoa MEDLATEC

Bệnh viện đa khoa nhiều năm kinh nghiệm.
Đội ngũ giáo sư, bác sĩ đầu ngành
Đội ngũ giáo sư, bác sĩ đầu ngành
Cơ sở vật chất hiện đại
Áp dụng thanh toán bảo hiểm y tế lên tới 100%
Quy trình khám chữa bệnh nhanh chóng
Chi phí khám chữa bệnh hợp lý.

Tin cùng chuyên mục

Hít thở sâu - Chìa khóa vàng cho cơ thể khỏe mạnh mỗi ngày

Hiện nay thế giới ngày càng hiện đại, sôi động đòi hỏi con người luôn phải sống nhanh hơn, ngay cả trong công việc và sinh hoạt hàng ngày. Điều này khiến cho không ít người đã bỏ qua việc chăm sóc sức khỏe chủ động bằng những thói quen hàng ngày, đặc biệt là thói quen hít thở sâu. Hãy cùng tìm hiểu lợi ích của cách hít thở này nhé. 
Ngày 22/06/2023

Những biểu hiện của viêm phổi thùy và cách thức phòng tránh

Viêm phổi là một loại bệnh lý thường gặp. Bệnh được chia ra gồm có viêm phổi thùy và chứng phế quản phế viêm. Trong đó, bệnh viêm phổi thùy được đánh giá nhẹ hơn và hiệu quả điều trị cũng tốt hơn. Vậy viêm phổi thùy là gì? Những triệu chứng nhận biết của bệnh như thế nào? 
Ngày 21/06/2023

Phân độ suy hô hấp được phân chia như thế nào?

Suy hô hấp là một trong các dạng bệnh lý khá phổ biến ở trẻ nhỏ và người cao tuổi. Suy hô hấp không chỉ có tác động xấu với sức khỏe mà còn ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày của người bệnh. Vậy các phân độ suy hô hấp được chia như thế nào?
Ngày 21/06/2023

Phổi nằm ở đâu? Tìm hiểu nguyên lý hoạt động của phổi

Tầm quan trọng của lá phổi đối với các hoạt động sống của cơ thể đã được chứng minh bằng nhiều nghiên cứu khoa học. Thế nhưng, không phải ai cũng biết rõ cấu tạo và nhiệm vụ của phổi cụ thể ra sao. Vậy phổi nằm ở đâu? Phổi có vai trò gì đối với cơ thể? Những thông tin sau đây sẽ giúp bạn hiểu rõ được tầm quan trọng của cơ quan này. 
Ngày 21/06/2023
Call Now
  Đặt lịch lấy mẫu tại nhà
  Đặt lịch KSK doanh nghiệp