Viêm mũi họng là bệnh lý hô hấp trên rất thường gặp, xuất hiện ở mọi lứa tuổi, bệnh tuy không nguy hiểm song dễ lây lan và gây nhiều triệu chứng khó chịu. Hiểu về nguyên nhân, cách điều trị khi bị viêm mũi họng sẽ giúp mỗi chúng ta chủ động trong phòng và điều trị. Khi đó, bệnh sẽ không phải là nỗi ám ảnh mỗi khi thời tiết chuyển mùa nữa.
04/09/2021 | Khi nào cần chụp X-quang tai mũi họng và có những dạng chụp nào? 03/06/2021 | Viêm mũi họng cấp ở trẻ em - cách chăm sóc trẻ đúng khoa học 03/06/2021 | Triệu chứng thường gặp và biến chứng viêm mũi họng cấp
1. Viêm mũi họng và triệu chứng điển hình nhận biết bệnh
Viêm mũi họng còn được gọi là cảm lạnh, chỉ chung cho tình trạng viêm nhiễm, phù nề ở niêm mạc trong các ống mũi và vòm họng. Bệnh thường gặp hơn trong thời tiết chuyển mùa do điều kiện thời tiết này thuận lợi cho vi khuẩn, virus gây bệnh phát triển và hệ miễn dịch của con người cũng suy yếu hơn. Ở hầu hết trường hợp, viêm mũi họng chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, triệu chứng ồ ạt và thường không kéo dài.
Viêm mũi họng là bệnh lý đường hô hấp thường gặp
Tác nhân gây viêm mũi họng chủ yếu là virus và vi khuẩn, chúng có thể lây lan khi người bệnh có các triệu chứng như:
1.1. Ho
Vi khuẩn, virus gây viêm mũi họng làm sưng đỏ, đau rát niêm mạc họng nên người bệnh có cảm giác ngứa, khó chịu cổ họng. Tình trạng này kích thích phản ứng ho để cơ thể loại bỏ tác nhân gây bệnh ra khỏi hệ hô hấp. Tuy nhiên, hoạt động này cũng vô tình làm phát tán tác nhân gây bệnh, khiến viêm mũi họng lây lan sang những người xung quanh.
Hắt hơi là triệu chứng điển hình của viêm mũi họng
1.2. Hắt hơi
Hắt hơi là triệu chứng viêm mũi họng thường gặp do tác nhân gây bệnh cùng dịch tiết hô hấp ứ đọng gây kích thích niêm mạc mũi. Người bệnh vì thế bị hắt hơi nhiều hơn, triệu chứng này thường xuất hiện sớm trước các triệu chứng viêm mũi họng khác.
1.3. Chảy nước mũi, nghẹt mũi
Triệu chứng này xuất hiện trong vòng 1 - 3 ngày sau khi nhiễm bệnh, dịch mũi có thể trong nếu do virus hoặc dịch đặc, màu vàng hoặc xanh nếu do vi khuẩn. Triệu chứng này khiến người bệnh cảm thấy khó chịu, có thể kéo dài một vài ngày hoặc tới 10 ngày nếu bệnh nhân không điều trị tốt viêm mũi họng.
1.4. Sốt
Sốt là triệu chứng thường gặp của viêm mũi họng, bệnh nhân thường sốt nhẹ đến vừa. Trẻ nhỏ bị viêm mũi họng có thể sốt cao nguy hiểm, cha mẹ cần đặc biệt theo dõi sát sao dấu hiệu sốt và nhiệt độ cơ thể trẻ. Sốt cao có thể gây mất nước, khiến trẻ co giật, ngủ li bì, chán ăn,..
Trẻ bị viêm mũi họng có thể bị sốt cao
Ngoài những triệu chứng điển hình trên, viêm mũi họng còn có thể gây 1 số triệu chứng khác như: nhức mỏi cơ thể, chảy nước mắt, ngứa mắt, chảy dịch mũi sau, đau rát họng, nổi hạch ở cổ,… Thông thường, tác nhân gây bệnh là vi khuẩn sẽ gây triệu chứng bệnh nặng hơn so với virus, bệnh cũng thường kéo dài và nguy cơ gây biến chứng nguy hiểm như thấp tim, viêm khớp cấp,…
2. Những đối tượng nào dễ mắc bệnh viêm mũi họng?
Tác nhân gây viêm mũi họng thường gặp là virus hoặc vi khuẩn, trong đó virus là phổ biến hơn, đặc biệt bệnh dễ lây lan và có thể bùng thành dịch. Thực tế có đến hơn 100 loại virus đã được các nhà khoa học xác nhận gây bệnh viêm mũi họng, trong đó phổ biến nhất là nhóm rhinovirus. Ngoài ra, bệnh còn có thể do 1 số loại vi khuẩn như tụ cầu, phế cầu, Haemophilus influenzae,… Trong đó, liên cầu khuẩn nhóm A là tác nhân nguy hiểm nhất, có thể gây biến chứng nặng nếu không điều trị tốt như: viêm nội tâm mạc, viêm cầu thận cấp, thấp khớp cấp,…
Khi nhiễm phải tác nhân gây bệnh, bất cứ đối tượng nào cũng có thể mắc viêm mũi họng. Tuy nhiên, tùy vào tác nhân và hệ miễn dịch mà triệu chứng bệnh có thể khác nhau. Trong đó, trẻ em và trẻ sơ sinh là đối tượng có nguy cơ cao hơn do hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, dễ bị lây lan khi đi học.
Trẻ nhỏ dễ bị viêm mũi họng do hệ miễn dịch yếu
Ngoài trẻ nhỏ thì các đối tượng có hệ miễn dịch yếu cũng có nguy cơ nhiễm virus, vi khuẩn gây viêm mũi họng cao hơn. Cùng với đó là các yếu tố nguy cơ như: khói thuốc lá, khói bụi, thời tiết thay đổi như mưa ẩm, không khí lạnh,…
3. Có thể điều trị viêm mũi họng bằng cách nào?
Nếu tác nhân gây viêm mũi họng là virus, không thể dùng kháng sinh để điều trị, thay vào đó bệnh nhân sẽ tập trung điều trị triệu chứng và tăng cường hệ miễn dịch. Bằng việc nghỉ ngơi, uống nhiều nước, ăn nhiều hoa quả và có thể dùng thêm thuốc điều trị triệu chứng, bệnh sẽ dần được cải thiện sau vài ngày.
Nếu viêm mũi họng do vi khuẩn, có thể dùng kháng sinh điều trị song nên dùng theo chỉ định của bác sĩ với liều lượng phù hợp. Một số thuốc điều trị viêm mũi họng thường dùng bao gồm:
3.1. Thuốc trị viêm mũi họng cho người lớn
Các loại thuốc không kê đơn, có tác dụng giảm nhẹ triệu chứng sẽ được dùng điều trị viêm mũi họng cho người lớn như:
-
Thuốc giảm đau, thuốc kháng histamin kết hợp.
-
Thuốc kháng viêm không steroid.
-
Thuốc làm dịu cơn đau họng.
-
Hoạt chất làm loãng chất nhầy.
-
Thuốc trị ho.
-
Thuốc bổ sung kẽm, thuốc kháng virus.
Trẻ nhỏ cần được chăm sóc và theo dõi khi có triệu chứng viêm mũi họng
3.2. Điều trị viêm mũi họng ở trẻ nhỏ
Nhiều loại thuốc điều trị triệu chứng viêm mũi họng ở người lớn không được dùng cho trẻ em, thay vào đó là các loại thuốc như: xịt mũi, rửa mũi bằng nước muối sinh lý, siro ho, dầu thoa,…
Khi bị viêm mũi họng, các phương pháp khắc phục tại nhà luôn được ưu tiên thay vì sử dụng thuốc điều trị như: tránh xa khói thuốc lá, dùng máy làm ẩm, uống nhiều nước, súc miệng nước muối ấm, dùng mật ong và các dược liệu tự nhiên,…
Nhìn chung, viêm mũi họng thường không phải là bệnh lý nguy hiểm đến sức khỏe nếu được chăm sóc và điều trị tốt. Tuy nhiên không nên chủ quan nếu triệu chứng bệnh nặng, kéo dài, đặc biệt là ở trẻ nhỏ thì cần đi khám và điều trị sớm.
Nếu cần tư vấn thêm, hãy liên hệ với MEDLATEC qua hotline 1900 56 56 56.