Thời điểm giao mùa là lúc rất nhiều người bị viêm họng cấp, đặc biệt là trẻ nhỏ. Tuy không quá nguy hiểm và ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, song nếu chủ quan, bệnh kéo dài gây mệt mỏi, nguy cơ tiến triển thành thấp tim, viêm cầu thận. Do đó, hiểu rõ và điều trị bệnh sớm là hết sức cần thiết.
14/05/2021 | Viêm họng do liên cầu khuẩn nguy hiểm không và triệu chứng bệnh 10/05/2021 | Chuyên gia giải đáp: Trẻ bị viêm họng sốt bao lâu thì nên đưa đi viện? 14/10/2020 | Giải đáp thắc mắc: Viêm họng mạn tính có chữa khỏi được không?
1. Viêm họng cấp - những thông tin cơ bản
Viêm họng cấp là tình trạng tổn thương, viêm ở tổ chức niêm mạc và dưới niêm mạc họng. Viêm họng cấp thường đi kèm với viêm mũi, viêm amidan do các tổ chức này nằm gần nhau. Bệnh xảy ra do vi khuẩn hoặc virus lây qua đường hô hấp, phổ biến như vi khuẩn liên cầu A, virus cúm, sởi,…
Viêm họng cấp rất thường gặp ở trẻ nhỏ
Viêm họng cấp là bệnh thường gặp, đặc biệt là thời điểm giao mùa và mùa lạnh do điều kiện thời tiết này thích hợp cho vi khuẩn, virus gây bệnh sinh sôi phát triển. Đối tượng nào cũng có nguy cơ mắc bệnh, nhưng trẻ em do sức đề kháng kém nên dễ mắc bệnh và triệu chứng bệnh cũng nặng hơn.
Ngoài ra, viêm họng cấp cũng dễ lây lan từ người bệnh ra cộng đồng qua dịch tiết vùng mũi, họng, miệng mang theo vi khuẩn ra ngoài môi trường như: nước bọt, dịch tiết bắn qua giao tiếp, ho, hắt hơi, dịch mũi,…
2. Triệu chứng viêm họng cấp điển hình
Triệu chứng viêm họng cấp xuất hiện khá nhanh và rõ ràng, bao gồm:
Sốt
Người bị viêm họng cấp thường có triệu chứng sốt đầu tiên, nhiệt độ từ 38 - 39 độ C, đôi khi trẻ nhỏ có thể sốt đến 40 độ C.
Đau họng
Vi khuẩn, virus tấn công gây tổn thương niêm mạc họng và amidan nên triệu chứng này có thể xuất hiện muộn hơn. Tình trạng đau họng nhiều khiến bệnh nhân gặp khó khăn khi nuốt, kể cả khi nuốt chất lỏng. Khi ho hoặc nói chuyện, đau họng có thể nghiêm trọng hơn lan đến tai.
Đau họng là triệu chứng điển hình của viêm họng cấp
Tiến triển của tình trạng ho trong viêm họng cấp như sau: ban đầu là ho khan từng cơn, sau đó ho có đờm đi kèm với tình trạng ngạt mũi. Dịch mũi ban đầu là dịch nước, trong, sau đó chuyển dần sang dạng đặc, nhầy, màu vàng hoặc xanh đục.
Đau họng làm thay đổi giọng nói của người bệnh sang khàn nhẹ hoặc mất giọng nói.
Tổn thương niêm mạc họng
Quan sát sâu trong vòm họng sẽ thấy, vi khuẩn tấn công gây đỏ, sưng niêm mạc họng, có thể kèm theo xuất tiết. Tổ chức bạch huyết ở thành sau họng cũng bị ảnh hưởng, viêm đỏ, sưng mao mạch thấy rõ. Phía trên thỉnh thoảng xuất hiện chấm mủ trắng hoặc bựa trắng do vi khuẩn gây ra.
Sưng đau hạch góc hàm
Viêm họng cấp thường gây sưng nhẹ hạch góc hàm, khiến chúng nổi lên, khi sờ vào thấy đau.
Triệu chứng toàn thân
Người bệnh viêm họng cấp còn gặp nhiều triệu chứng toàn thân như: kém ăn, mệt mỏi, nhức đầu, đau nhức toàn thân, khó tập trung tinh thần để làm việc,…
3. Chẩn đoán viêm họng cấp
Hầu hết trường hợp qua thăm khám lâm sàng và khai thác thông tin triệu chứng, bác sĩ đã có thể chẩn đoán viêm họng cấp. Tuy nhiên, có những trường hợp đặc biệt, triệu chứng phức tạp, có nguy cơ chuyển biến nặng thì cần thực hiện xét nghiệm chẩn đoán mức độ bệnh và nguyên nhân.
Đa phần bác sĩ chẩn đoán viêm họng cấp dựa trên triệu chứng và khám lâm sàng
Cụ thể, bệnh nhân được chẩn đoán viêm họng cấp nếu có các biểu hiện lâm sàng như: đau rát họng, có thể ho có đờm hoặc ho khan, sốt, đau mỏi toàn thân, có hạch góc hàm di động, ấn đau, niêm mạc họng đỏ, amidan sưng nề và có chấm mủ trắng.
Xét nghiệm xác định nguyên nhân gây viêm họng cấp bao gồm:
-
Xét nghiệm công thức máu: Viêm họng cấp giai đoạn bội nhiễm sẽ khiến bạch cầu đa nhân trung tính trong máu tăng cao, đây là cơ sở để xét nghiệm chẩn đoán.
-
Phết dịch họng nuôi cấy vi khuẩn: Có vai trò tìm chính xác loại vi khuẩn gây bệnh để xây dựng kháng sinh đồ điều trị hiệu quả, tránh tình trạng nhờn thuốc.
Viêm họng cấp dễ nhầm lẫn nên cần phân biệt với các trường hợp viêm niêm mạc miệng, dị vật đường thở, lao họng, nấm họng, viêm họng bạch cầu,…
4. Phương pháp điều trị viêm họng cấp hiệu quả
Đa phần bệnh nhân viêm họng cấp không cần xét nghiệm tìm nguyên nhân gây bệnh hoặc khi chưa có kết quả xét nghiệm xác định do virus hay vi khuẩn, bác sĩ chủ yếu đều cho điều trị như viêm họng cấp do liên cầu khuẩn. Kháng sinh giữ vai trò quan trọng trong điều trị bệnh, trong đó kháng sinh nhóm beta lactam là phổ biến, ngoài ra còn có cephalexin, amoxicilin,…
Tùy vào tác nhân gây bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định phác đồ điều trị tương ứng. Kháng sinh chỉ được dùng trong trường hợp bội nhiễm, tác nhân do vi khuẩn.
Dưới đây là một số liều dùng kháng sinh tham khảo:
Penicillin V
Trẻ uống 50 - 100 UI/kg mỗi ngày, người lớn uống 3 triệu UI mỗi ngày, chia thành 3 lần uống. Cần điều trị viêm họng cấp với Penicilin kéo dài đủ liệu trình 10 ngày.
Viêm họng cấp chủ yếu được điều trị bằng kháng sinh Penicillin
Penicillin chậm
Penicillin chậm loại Benzathine-Penicillin G được dùng với liều: 600.000 UI với trẻ dưới 30kg, 1,2 triệu UI cho trẻ trên 30kg và 2,4 triệu UI mỗi ngày với người lớn.
Cephalosporin thế hệ 1 hoặc Penicillin A
Hai loại kháng sinh này điều trị với lượng tương tự, cũng cần thực hiện đủ liệu trình kéo dài 10 ngày.
Với trường hợp bệnh nhân dị ứng với Penicillin, có thể thay thế bằng nhóm Macrolid điều trị trong 5 - 7 ngày.
Bên cạnh kháng sinh, bệnh nhân viêm họng cấp cũng được điều trị giảm triệu chứng bằng các thuốc như Paracetamol, Aspirin. Các thuốc không kê đơn này có tác dụng nhanh làm giảm triệu chứng, song không nên lạm dụng do dễ gây viêm loét dạ dày, tá tràng và không có tác dụng điều trị bệnh tận gốc.
Ngoài điều trị bằng thuốc, bệnh nhân có thể dùng nước muối sinh lý để súc họng, thuốc bôi họng hoặc khí dung họng. Tăng cường sức đề kháng cho cơ thể là cần thiết để giảm nhanh triệu chứng bệnh, nên bổ sung các yếu tố vi lượng, nhất là Vitamin C và Vitamin B1.
Bệnh nhân viêm họng cấp nên tăng cường đề kháng bằng bổ sung Vitamin C
Thông thường sau 3 - 5 ngày điều trị, triệu chứng sẽ thuyên giảm phần lớn hoặc biến mất hoàn toàn, song vẫn cần duy trì điều trị hết liều kháng sinh để tránh bệnh tái phát.
Viêm họng cấp thường không nguy hiểm, sẽ khỏi sau 3 - 5 ngày nếu được chăm sóc, theo dõi và điều trị tốt. Bệnh có thể xảy ra ở bất cứ đối tượng nào, đặc biệt là trẻ em nên việc phòng ngừa chủ động là rất quan trọng.