Viêm gân gót chân là bệnh lý khá thường gặp, nhất là ở những vận động viên chuyên nghiệp. Tuy không quá nguy hiểm nhưng bệnh gây nhiều đau đớn và ảnh hưởng đến hoạt động đi lại hàng ngày, thể thao và vận động của người mắc.
21/01/2021 | Viêm gân: triệu chứng nhận biết và những vùng dễ bị nhất 18/12/2020 | Tại sao lại xuất hiện tình trạng nổi gân xanh ở chân? 12/12/2020 | Lý giải nguyên nhân bàn tay nổi gân xanh và cách điều trị
1. Nguyên nhân gây viêm gân gót chân
Gân gót chân là nơi chịu áp lực từ trọng lượng cơ thể và chịu nhiều tác động trong các hoạt động hàng ngày cho tới vận động thể thao, vì thế cũng dễ bị tổn thương hơn các gân khác trên cơ thể.
Gân gót chân là khu vực chịu nhiều lực tác động
Gân có độ linh hoạt và mềm mại cao. Các mô gân liên kết với nhau bằng collagen để có thể phối hợp nhịp nhàng cho các chuyển động. Tuy nhiên độ tuổi càng cao thì lượng collagen trong cơ thể giảm dần, vì thế độ dẻo dai đàn hồi của gân cũng suy giảm. Vì thế viêm gân hay gặp hơn ở nam giới, trên 30 tuổi.
Những vận động viên thể thao thường xuyên di chuyển với tốc độ cao, đột ngột cũng dễ bị viêm gân ở gót chân. Tùy theo tổn thương gân nặng hay nhẹ mà có thể viêm gân kéo dài và ảnh hưởng tới vận động theo mức độ khác nhau.
Người béo phì dễ bị viêm gân gót chân hơn người bình thường
Ngoài ra, đối tượng dễ bị viêm gân gót chân khác là những người béo phì, yếu cơ, khớp cổ chân lỏng lẻo, người bệnh rối loạn chuyển hóa, sử dụng kháng sinh hoặc corticoid dài ngày. Phụ nữ thường xuyên đi giày cao gót hoặc người có cấu tạo bàn chân dẹt cũng dễ bị dạng viêm gân này.
2. Những cách điều trị viêm gân gót chân hiệu quả
Viêm gân gót chân nói riêng và bệnh viêm gân nói chung thường bị người bệnh xem nhẹ, ít điều trị và chăm sóc nghiêm túc. Trường hợp bệnh nhẹ sẽ có thể tự khỏi khi chăm sóc tại nhà, tuy nhiên nếu viêm gót chân kéo dài với mức độ ngày càng tăng, cần sớm đi thăm khám và điều trị tại bệnh viện.
2.1. Nguyên tắc điều trị
Viêm gân gót chân gây những cơn đau nhẹ phía sau chân, khi cử động mạnh hoặc đột ngột, tình trạng đau thường nặng hơn. Viêm gân gót chân ảnh hưởng nhiều đến khả năng vận động của người bệnh, đặc biệt là các vận động viên thể thao cần luyện tập cường độ cao.
Do đó, nguyên tắc điều trị bệnh là:
-
Hỗ trợ làm giảm các triệu chứng, đau, sưng ở gót chân.
-
Hỗ trợ tăng tốc độ phục hồi gân viêm và chức năng vận động.
-
Phòng ngừa biến chứng rách gân, yếu gân, xơ gân.
Theo đó, tùy theo mức độ bệnh và đối tượng mắc bệnh có thể lựa chọn phương pháp điều trị viêm gân gót chân là chăm sóc tại nhà, biện pháp bảo toàn, vật lý trị liệu, dùng thuốc hay phẫu thuật.
Bệnh nhân cần được nghỉ ngơi để gân tổn thương có thể phục hồi
2.2. Chăm sóc tại nhà
Đầu tiên, khi bị viêm gân gót chân bạn cần để vị trí tổn thương đó được nghỉ ngơi. Nên tránh các vận động mạnh tác động khiến vùng mô gân bị tổn thương nghiêm trọng hơn.
Để mạch máu vùng gân gót chân giãn ra, giảm sưng đau thì chườm lạnh là một phương pháp khá hiệu quả. Nên chườm bắt đầu từ khi gân gót chân bị viêm, có thể dùng nước đá lạnh hoặc đá viên bọc trong tâm vải mỏng, chườm từ 15 - 20 phút vào chỗ bị sưng. Kiên trì vài ngày, chắc chắn vùng sưng đau sẽ giảm.
Có thể dùng vải mềm co giãn để bó vùng sưng gân, vừa giảm sưng giảm đau và cố định giúp gân phục hồi tốt hơn. Lưu ý nên nằm tư thế nâng chân cao hơn tim để máu không bị dồn xuống chân.
2.3. Thuốc
Thông thường, thuốc điều trị chỉ hỗ trợ giảm đau, tăng tốc độ hồi phục viêm gân gót chân. Điều quan trọng vẫn là tạo điều kiện nghỉ ngơi, chăm sóc tốt nhất để gân viêm bị tổn thương có thể tự phục hồi. Các loại thuốc giảm đau thường được kê trong trường hợp này là thuốc không Steroid hoặc Corticoid. Nếu không đỡ, bác sĩ có thể tiêm thuốc vào gân để điều trị.
Thuốc hỗ trợ giảm đau được biết có thể gây nhiều tác dụng phụ
Tuy nhiên những thuốc điều trị này đều gây tác dụng phụ nhất định, ảnh hưởng đến dạ dày và sức khỏe nên tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc giảm đau. Sử dụng thuốc giảm đau theo đơn sẽ giúp kiểm soát liều lượng và thời gian sử dụng, vừa đạt hiệu quả điều trị tốt vừa không gây hại cho sức khỏe.
2.4. Vật lý trị liệu
Để hỗ trợ hồi phục gân Achilles gót chân, bệnh nhân có thể thực hiện bài tập kéo dài và tăng cường chức năng với sự hỗ trợ của bác sĩ hoặc chuyên gia thể hình.
Bạn cần một dụng cụ chỉnh hình, có thể là nệm nâng nhẹ gót chân hoặc miếng lót giày mềm. Sử dụng nó thường xuyên sẽ giúp giảm căng gân, giảm lực tác động đột ngột lên gân gót chân, từ đó hỗ trợ chữa lành và củng cố chức năng gân tốt hơn.
2.5. Phẫu thuật
Đa số các trường hợp viêm gân gót chân đều không quá nghiêm trọng và có thể tự phục hồi bằng các phương pháp điều trị trên. Tuy nhiên ở vận động viên thể thao hoặc những người bị tổn thương nghiêm trọng, để lấy lại chức năng vận động như ban đầu, phẫu thuật can thiệp sẽ được xem xét.
Phẫu thuật sẽ thực hiện căn chỉnh vị trí gân tổn thương, nối liền nếu gân bị rách, đứt. Tuy nhiên cần thời gian dài hơn sau phẫu thuật, bệnh nhân cũng cần nằm viện theo dõi, nghỉ ngơi lâu hơn.
Phẫu thuật chỉ áp dụng cho trường hợp gân bị rách, đứt
Nhìn chung, viêm gân gót chân là tình trạng phổ biến ở những người thường xuyên vận động và tác động lực mạnh lên khu vực này, đặc biệt là các vận động viên thể thao chuyên nghiệp như cầu thủ bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ,... Chăm sóc, nghỉ ngơi tại nhà, có thể dùng thuốc hỗ trợ giảm đau và vật lý trị liệu giúp hầu hết các trường hợp mắc bệnh hồi phục. Tuy nhiên không nên chủ quan mà không chăm sóc, thăm khám để biến chứng bệnh như đứt gót chân, biến dạng xương gót,… xảy ra.
Nếu cần tư vấn thêm, liên hệ với MEDLATEC để được sự tư vấn từ các chuyên gia hàng đầu trong ngành qua hotline 1900565656.