Viêm chu vai thường là hệ lụy của thoái hóa do tuổi tác nhưng cũng có không ít trường hợp do tác viêm nhiễm bất thường ở vùng vai. Bình thường, bệnh lý này chỉ ảnh hưởng đến khả năng vận động tay gây suy giảm lao động nhưng không điều trị sớm có thể làm biến dạng khớp vai, thậm chí là tàn phế vĩnh viễn.
10/01/2023 | Khớp vai kêu lạch cạch là do nguyên nhân nào? 19/04/2022 | Những điều bạn nên biết về tình trạng viêm quanh khớp vai thể đông cứng 18/04/2022 | Đối tượng nào có nguy cơ bị viêm quanh khớp vai
1. Viêm chu vai là bệnh gì?
Viêm chu vai (viêm chu vi khớp vai, viêm quanh khớp vai) là tình trạng vùng khớp vai bị đau và hạn chế về khả năng vận động xảy ra do bị tổn thương phần mềm như: bao khớp, bao hoạt dịch, dây chằng, gân cơ,... mà không có tổn thương ở xương khớp vai và sụn, không do nhiễm trùng.
Thể đông cứng khớp vai ở bệnh viêm chu vai
Bệnh có đặc trưng lâm sàng là cơn đau ở khớp vai và vận động vùng khớp này bị hạn chế. Viêm chu vai gồm 4 thể: viêm khớp vi tinh thể, viêm gân mạn tính xung quanh khớp vai, đứt mũ gân cơ quay và đông cứng khớp vai.
2. Bệnh viêm chu vai có nguy hiểm không?
So với các khớp khác trong cơ thể thì khớp vai có tầm vận động rộng nhất. Bệnh viêm chu vai thường xảy ra ở một bên tay, số ít trường hợp mắc bệnh lý về khớp hay tiểu đường sẽ bị viêm đồng thời ở hai bên. Về cơ bản, bệnh không gây nguy hiểm cho tính mạng nhưng ở mức độ nhẹ, viêm chu vai làm suy giảm khả năng lao động của người bệnh vì vận động tay bị hạn chế.
Khi không được điều trị sớm, bệnh lý này có thể gây ra những biến chứng nặng nề như: cứng khớp vai, biến dạng khớp vai, viêm bao hoạt dịch khớp vai, viêm hoặc rách nhóm cơ chóp xoay,… Nguy hiểm hơn cả là người bệnh sẽ bị tàn phế chi trên vĩnh viễn do mắc hội chứng vai - tay làm mất chức năng tay.
Cụ thể, với trường hợp viêm chu vai kéo dài sẽ gây tràn dịch khớp, làm cho cấu trúc vốn có của khớp vai bị phá hỏng. Kết quả là khớp bị biến dạng trầm trọng. Khi tổn thương sâu do viêm khớp vai lâu ngày sẽ dẫn đến suy giảm chức năng và ngưng hoạt động khớp vai, kết quả là khớp vai gần như mất khả năng phục hồi sau đó mất khả năng hoạt động vĩnh viễn.
Viêm chu vai khiến người bệnh bị đau dữ dội, khó vận động tay
Nếu chỉ viêm chu vai đơn thuần không do viêm dây chằng quanh khớp, không do viêm gân thì người bệnh không bị yếu cơ, không bị hạn chế vận động vai. Tuy nhiên, thể cấp viêm chu vai do viêm túi thanh mạc cấp lại khiến người bệnh phải trải qua những cơn đau dữ dội đến mức mất ngủ, đau lan xuống bàn tay hoặc lên cổ làm mất vận động cánh tay.
Trường hợp bị viêm chu vai thể giả liệt xuất phát từ tình trạng đứt toàn bộ hay đứt bán phần gân cơ chóp xoay, người bệnh sẽ không thể chủ động nâng cánh tay về phía trước, không thể dang vai sang ngang và xoay ngoài khớp vai. Với trường hợp bị thể vai đông cứng, người bệnh sẽ bị hạn chế cử động khớp vai ở tất cả các hướng.
3. Làm cách nào để nhận biết sớm bệnh viêm chu vai?
3.1. Nhận biết qua triệu chứng lâm sàng
Do bệnh viêm chu vai có 4 thể khác nhau nên triệu chứng lâm sàng của bệnh cũng có sự khác biệt theo thể:
- Với thể viêm gân mạn tính xung quanh khớp vai
+ Cơn đau đến tự nhiên, mức độ vừa phải, đau tăng lên khi có vận động ở vai.
+ Sờ ấn vào vai sẽ thấy đau nhói ở một vài điểm.
- Với thể viêm khớp vi tinh thể
+ Cơn đau quanh khớp vai đến đột ngột, có thể lan lên cổ hoặc lan xuống dưới cánh tay.
+ Sưng to khớp vai.
+ Sốt nhẹ.
+ Hạn chế vận động khớp vai.
+ Để bớt đau, người bệnh thường có xu hướng ép sát vai vào nách.
- Với thể đứt mũ gân cơ quay
+ Khi vận động khớp vai sai tư thế sẽ nghe thấy tiếng kêu răng rắc.
+ Có cơn đau rất dữ dội ở khớp vai.
+ Xuất hiện khối bầm tím nhẹ trên da ở vùng trước cánh tay.
+ Khó hoặc không thể nâng vai được.
- Với thể đông cứng khớp vai
+ Đau ít.
+ Khớp vai vận động gặp khó khăn.
+ Khó thực hiện các động tác xoay hay dạng ngoài khớp vai.
3.2. Nhận biết chẩn đoán y khoa
Bệnh viêm chu vai chỉ có thể được nhận biết chính xác khi người bệnh thăm khám bác sĩ chuyên khoa. Khi đó, ngoài thăm khám triệu chứng lâm sàng, người bệnh sẽ được bác sĩ chỉ định những chẩn đoán hình ảnh cần thiết như: chụp X-quang hai bên khớp vai, chụp MRI khớp vai, siêu âm khớp vai.
Chụp X-quang giúp phát hiện tổn thương do viêm chu vai
Kết quả thu được từ những chẩn đoán hình ảnh này là cơ sở để bác sĩ đưa ra kết luận, tiên lượng về bệnh và phác đồ điều trị hiệu quả. Cụ thể:
- Siêu âm khớp vai: thấy hình ảnh gân giảm âm hơn so với bình thường, vôi hóa gân, dày bao khớp, tổn thương rách gân bán hoặc toàn phần, tụ dịch bên dưới cơ delta,...
- Chụp X-quang hai bên khớp vai: thấy hình ảnh canxi hóa gân, canxi hóa khớp, thoái hóa khớp, giảm cản quang khớp, loãng xương.
- Chụp MRI khớp vai: thấy hình ảnh đụng dập cơ, đứt gân, khớp bị tụ dịch, bao khớp co thắt và dày, phản ứng màng hoạt dịch,...
Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể yêu cầu bệnh nhân chụp CT-Scanner hoặc làm xét nghiệm máu (hiếm khi chỉ định vì ít có giá trị chẩn đoán bệnh).
4. Biện pháp phòng ngừa viêm chu vai
Bằng cách lưu ý một số vấn đề sau, mỗi cá nhân sẽ chủ động phòng ngừa được bệnh viêm chu vai:
- Không mang vác quá nặng hay khiến vai phải làm việc quá sức.
- Thận trọng khi tham gia các môn thể thao có nguy cơ gây tổn thương vai.
- Không đột ngột thay đổi tư thế vai.
- Trước khi thực hiện môn thể thao nào cũng nên khởi động làm nóng cánh tay và khớp vai.
- Sau khi có vận động nhiều ở vùng vai cần dành thời gian cho vùng này được nghỉ ngơi.
- Tránh những tác động gây chèn ép khớp vai.
Thăm khám chuyên khoa khi có dấu hiệu bất thường ở tay, nhất là vùng vai hay khám sức khỏe định kỳ là cách để phát hiện và điều trị sớm bệnh viêm chu vai. Muốn thực hiện điều này, quý khách hàng có thể gọi tới hotline 1900 56 56 56 để được Tổng đài viên của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC hướng dẫn đặt lịch cùng bác sĩ chuyên khoa Cơ xương khớp. Từ kết quả thăm khám và kiểm tra của quý khách, bác sĩ sẽ đưa ra nhận định và tư vấn hướng xử trí hiệu quả.