Viêm đa dây thần kinh không phải bệnh hiếm gặp nhưng rất nhiều người chưa hiểu rõ về căn bệnh này. Hơn nữa, những dấu hiệu bệnh cũng khá đa dạng, thậm chí chỉ thoáng qua nên rất khó nhận biết. Nếu không điều trị sớm, bệnh có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm.
27/02/2021 | Đau thần kinh tọa có những triệu chứng gì, nguyên nhân do đâu? 28/01/2021 | Suy nhược thần kinh nên ăn gì - 6 loại thực phẩm không thể bỏ qua 28/01/2021 | Bác sĩ giải đáp: Suy nhược thần kinh có nguy hiểm không?
1. Bệnh viêm đa dây thần kinh là gì? Bệnh có nguy hiểm không?
Viêm đa dây thần kinh xảy ra khi các dây thần kinh ngoại biên bị tổn thương do chấn thương, nhiễm trùng, cũng có thể là do rối loạn chuyển hóa, hay bất cứ các bất thường di truyền nào khác, hoặc do tiếp xúc với chất độc và một nguyên nhân phổ biến nhất trong thực tế là bệnh tiểu đường.
Viêm đa dây thần kinh không phải bệnh hiếm gặp
Cụ thể như sau:
-
Bệnh lý tự miễn chẳng hạn như bệnh Lupus ban đỏ hệ thống, hội chứng Sjogren, viêm khớp dạng thấp, Guillain-Barre, viêm mạch máu,… cũng có thể dẫn đến bệnh.
-
Bệnh tiểu đường: Những người bị bệnh này lâu năm sẽ có thể dẫn đến biến chứng là tình trạng viêm đa dây thần kinh ngoại biên, thậm chí có thể làm bàn chân dễ lở loét, bị nhiễm trùng và có thể phải đoạn chi.
-
Nhiễm trùng: Tình trạng nhiễm trùng cũng dễ dẫn đến viêm dây thần kinh, chẳng hạn như bệnh Lyme, bệnh Zona, viêm gan B và viêm gan C, bệnh HIV,…
-
Rối loạn di truyền bẩm sinh như bệnh Charcot-Marie-Tooth,…
-
U bướu: Tình trạng bệnh viêm đa dây thần kinh cũng có thể là do các khối tăng sinh bất thường, các khối u ung thư và một số trường hợp ung thư ở những cơ quan khác di căn đến.
-
Rối loạn tủy xương: Những bệnh nhân bị rối loạn tủy xương do sản xuất và giải phóng ra các protein bất thường trong máu cũng là một nguyên nhân gây bệnh.
-
Bệnh thận, gan, rối loạn mô liên kết, suy giáp,.... cũng có thể dẫn đến tổn thương dây thần kinh ngoại biên.
Bệnh tiểu đường là nguyên nhân gây viêm đa dây thần kinh phổ biến
Ngoài ra, những yếu tố sau cũng có thể gây viêm đa dây thần kinh:
-
Nghiện rượu kèm theo chế độ ăn suy dinh dưỡng, đặc biệt là thiếu vitamin B.
-
Tiếp xúc với chất độc chì, thủy ngân và các loại hóa chất công nghiệp khác.
-
Một số loại thuốc đặc trị.
-
Gặp phải chấn thương hoặc áp lực mạnh trên dây thần kinh.
-
Thiếu vitamin, chẳng hạn như vitamin nhóm B, vitamin E,… Đây là những loại vitamin rất quan trọng với sức khỏe thần kinh.
-
Vô căn: Một số trường hợp không tìm ra nguyên nhân chính xác gây bệnh.
Bệnh viêm đa dây thần kinh nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra những biến chứng sau:
Bỏng và chấn thương da: Vì khi bị bệnh, người bệnh có thể gặp phải tình trạng rối loạn cảm giác và không nhận biết rõ sự thay đổi nhiệt độ, cảm giác đau ở da vì thế có thể dễ dàng bị tổn thương da.
Nhiễm trùng: Khi bị rối loạn cảm giác, vết thương của người bệnh có thể không được phát hiện sớm và không được chăm sóc kịp thời, đúng cách, từ đó dễ gây nhiễm trùng. Những người tiểu đường cần đặc biệt chú ý đến lòng bàn chân.
Bệnh nhân có cảm giác tê, như bị châm chích hoặc có thể ngứa ran ở bàn tay
Té ngã: Bệnh nhân thường bị yếu cơ, giảm khả năng thăng bằng nên rất dễ té ngã và khiến cho người bệnh gặp nguy hiểm.
2. Triệu chứng viêm đa dây thần kinh
Những biểu hiện nhận biết của bệnh bao gồm:
-
Cảm giác tê bì như bị châm chích hoặc có thể ngứa ran ở bàn chân hay bàn tay, sau đó có thể lan dần lên phần cẳng chân, cánh tay.
-
Đau nhói.
-
Có thể tăng nhạy cảm với các kích thích từ bên ngoài.
-
Khó định vị, khó giữ thăng bằng nên rất dễ té ngã.
-
Yếu cơ, đau mỏi cơ.
-
Giảm cảm giác như đang đeo găng tay hay đi tất.
-
Yếu liệt chân tay.
Bệnh nhân có thể bị yếu liệt chân, tay
Một số trường hợp khác, biểu hiện của bệnh rất mơ hồ và dễ gây nhầm lẫn đối với các bệnh lý khác chẳng hạn như tình trạng huyết áp thất thường, dễ gây chóng mặt, ra mồ hôi quá nhiều hay cũng có thể không thể đổ mồ hôi, hay bị táo bón, tiêu chảy, bí tiểu nhưng cũng có thể tiểu không tự chủ,…
3. Phương pháp điều trị viêm đa dây thần kinh
Các bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị tùy theo mức độ bệnh, triệu chứng, thể mắc phải:
Thuốc
Mục đích dùng thuốc là để cải thiện, giảm các triệu chứng bệnh. Một số loại thuốc thường được sử dụng là thuốc giảm đau, thuốc chống động kinh, thuốc chống trầm cảm,… Tùy mỗi trường hợp, bác sĩ sẽ kê đơn cho người bệnh để đạt hiệu quả điều trị tốt nhất và hạn chế tác dụng phụ.
Sử dụng liệu pháp
Đối với một số trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện vật lý trị liệu kết hợp với thuốc để mang đến hiệu quả tốt hơn. Một số liệu pháp có thể kích thích dây thần kinh với mục đích giảm đau cho người bệnh.
Ngoài ra có thể dùng globulin miễn dịch tiêm tĩnh mạch để ức chế hoạt động miễn dịch nếu tình trạng viêm do bệnh lý tự miễn.
Trong trường hợp, viêm đa dây thần kinh do chèn ép, có thể tính đến phương pháp phẫu thuật để giải phóng sợi thần kinh khỏi áp lực và ngăn ngừa tổn thương vĩnh viễn.
Phòng ngừa viêm đa dây thần kinh
Để phòng bệnh, bạn cần kiểm soát tốt những căn bệnh có nguy cơ gây ra viêm dây thần kinh, chẳng hạn như bệnh tiểu đường, hay bệnh viêm khớp dạng thấp, nghiện rượu,..
Nên có thói quen sống lành mạnh, chế độ ăn khoa học. Nên ăn nhiều trái cây, rau củ và các loại ngũ cốc,… Đồng thời, tập thể dục thường xuyên để rèn luyện xương khớp, tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể. Tránh tiếp xúc với những hóa chất độc hại và không hút thuốc lá để tránh bị tổn thương dây thần kinh.
Trên đây là những nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa viêm đa dây thần kinh. Đây là căn bệnh có thể gây ra những triệu chứng đa dạng và mơ hồ vì thế, ngay khi có những bất thường, bạn nên đến ngay cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán và điều trị bệnh sớm, phòng ngừa những biến chứng nguy hiểm.
Nếu bạn còn băn khoăn, lo lắng, bạn có thể gọi đến số 1900 56 56 56 để được chuyên gia của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC tư vấn.