Viêm da cơ địa không thể trị dứt điểm hoàn toàn mà chỉ có thể điều trị triệu chứng, ngăn ngừa hạn chế tái phát và biến chứng. Bệnh có thể xuất hiện ở cả trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ lẫn người trưởng thành, gây ra tình trạng ngứa vô cùng khó chịu và những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe làn da.
21/12/2020 | Mách mẹ cách xử trí bệnh viêm da cơ địa ở trẻ sơ sinh 17/12/2020 | Bỏ túi ngay cách chữa viêm da cơ địa an toàn và hiệu quả 14/11/2020 | Những thông tin bạn cần biết về bệnh viêm da tiếp xúc
1. Người bị viêm da cơ địa có biểu hiện thế nào?
viêm da cơ địa rất dễ nhầm lẫn với nhiều bệnh lý da liễu khác, trước hết cần nhận biết đúng bệnh để lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp.
Viêm da cơ địa thường tái phát nhiều lần
Dưới đây là những đặc điểm nhận biết bệnh:
Thường xuất hiện ở những vùng da có nếp gấp hoặc da kín
Các vùng da dễ bị viêm cơ địa như: bàn tay, gấp khuỷu tay, gấp khoeo chân, da má trong cánh tay, cổ, ngực trên,… Dĩ nhiên các vùng da khác cũng có thể mắc bệnh nhưng thường không khởi phát đầu tiên mà do bệnh tiến triển gây lây lan.
Ngứa
Đây là triệu chứng điển hình nhất, cũng gây khó chịu nhất cho người bệnh viêm da cơ địa. Đầu tiên vùng da mắc bệnh sẽ nổi mẩn đỏ, ngứa. Ngứa thường nặng hơn vào ban đêm, nhiều bệnh nhân không thể ngủ được.
Ngứa nhiều và kéo dài khiến người bệnh phải gãi, điều này khiến vùng da bệnh vốn yếu ớt càng dễ bị trầy xước, nhiễm trùng, tổn thương. Nếu vi khuẩn xâm nhập, vùng da này có thể sưng viêm, gây đau và nhiễm trùng.
Viêm da cơ địa gây ngứa và khó chịu
Da nổi mẩn đỏ, nứt nẻ
Vùng da bị viêm cơ địa ngoài nổi mẩn đỏ và gây ngứa thường khô và nứt nẻ.
Da ban đầu mắc bệnh sẽ có màu đỏ, nổi mẩn, dần dần chuyển sang màu nâu, xám gây mất thẩm mỹ. Da vùng này cũng trở nên dày, thô ráp hơn do chà xát nhiều khi gãi ngứa.
Tái phát nhiều lần
Viêm da cơ địa do rối loạn miễn dịch, hiện nay vẫn chưa tìm được phương pháp điều trị triệt để. Bệnh có đặc trưng là thường biểu hiện theo đợt, triệu chứng rầm rộ rồi thuyên giảm, một thời gian sau sẽ tái phát lại. Mức độ bệnh khi tái phát còn tùy theo vào yếu tố môi trường, tác nhân gây kích ứng,…
Dù không quá nguy hiểm nhưng bệnh gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe, khiến người bệnh mệt mỏi, khó chịu, mất tự tin với làn da của bản thân.
2. Nguyên nhân gây viêm da cơ địa
Nguyên nhân chính xác hiện vẫn chưa được xác định rõ ràng, có nhiều giả thiết đưa ra và các yếu tố liên quan được xác định như:
2.1. Da quá khô và nhạy cảm
Khi da khô, nhạy cảm sẽ dễ bị kích thích hơn với sự thay đổi của thời tiết. Điều này lí giải tại sao những người thường tắm nước nóng hoặc tắm quá lâu, chăm sóc da kém dễ bị viêm da khởi phát.
Da khô làm mất lớp bảo vệ và gây viêm da
2.2. Rối loạn miễn dịch
Đây cũng là một dạng bệnh dị ứng, liên quan đến rối loạn miễn dịch bẩm sinh liên quan đến yếu tố gia đình. Vì thế bệnh lý này có thể khởi phát ở trẻ sơ sinh và kéo dài cho đến khi trưởng thành. Gia đình có thành viên mắc bệnh viêm mũi dị ứng, viêm da cơ địa, hen suyễn,… thì trẻ sinh ra cũng dễ mắc bệnh hơn.
2.3. Yếu tố gây kích ứng
Có nhiều yếu tố có thể gây kích ứng cho làn da nhạy cảm: thay đổi nhiệt độ, môi trường độ ẩm thấp, bụi bẩn, lông động vật, khói thuốc lá, vải nhân tạo, lông cừu, thực phẩm, mồ hôi,…
Để xác định nguyên nhân gây viêm da dị ứng là khó khăn, vì thế người bệnh thường được khuyến cáo nên tránh xa và hạn chế tối đa những yếu tố có thể ảnh hưởng đến da như trên. Việc này vừa giúp hạn chế bệnh tiến triển, vừa giúp phòng ngừa bệnh tái phát.
3. Viêm da cơ địa và biến chứng
Tuy không quá nguy hiểm, song bệnh có thể kéo dài, lây lan rộng và gây những biến chứng sau:
Gãi ngứa nhiều có thể gây nhiễm trùng sưng mủ
3.1. Ngứa mạn tính, bong tróc da
Viêm da cơ địa có thể tiến triển đến viêm da thần kinh, nó khiến cơn ngứa kéo dài hơn trên một vùng da nhất định của cơ thể. Ngứa khiến tay bạn không ngừng gãi và càng gãi cơn ngứa càng nặng hơn. Kèm theo đó, vùng da do chà xát mạnh và kéo dài cũng bị đổi màu, cứng và dày hơn.
3.2. Nhiễm trùng da
Gãi ngứa liên tục khiến da bị chà xát nhiều, đặc biệt nếu bạn để móng tay dài, sắc nhọn. Điều này sẽ khiến da bị tổn thương, chảy máu, dễ bị nhiễm trùng nếu vi khuẩn hoặc virus xâm nhập. Nếu da xuất hiện những vệt đỏ, có mủ hoặc vết tróc da màu vàng thì bạn cần đi khám da liễu để được điều trị nhiễm trùng tránh bội nhiễm.
3.3. Viêm da tiếp xúc dị ứng
Tình trạng này rất phổ biến với người viêm da cơ địa, khi làn da yếu hơn, dễ bị kích ứng và dị ứng khi tiếp xúc với nhiều dị nguyên.
3.4. Ảnh hưởng đến giấc ngủ
Khi cảm giác ngứa kéo dài, không thuyên giảm và còn nặng hơn về ban đêm, nó khiến người bệnh muốn gãi liên tục và không thể ngủ được. Chất lượng giấc ngủ không tốt sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống. Lúc này bạn cần điều trị nghiêm túc với những biện pháp giảm nhanh triệu chứng như thuốc bôi chống ngứa.
Thuốc bôi giảm ngứa, giảm viêm thường dùng để điều trị viêm da cơ địa
Viêm da cơ địa dễ bị nhầm lẫn với các trường hợp ghẻ nước rôm sảy, zona. Cần xác định và phân biệt rõ ràng, nếu gặp khó khăn trong điều này, hãy cho bác sĩ biết. Dựa trên thăm khám lâm sàng, test dị ứng và các phương pháp chẩn đoán khác, bác sĩ sẽ xác định được nguyên nhân bệnh lý, từ đó lên liệu trình điều trị thích hợp.
Viêm da cơ địa ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và vẻ đẹp làn da, bệnh sẽ tiến triển ngày càng nặng nếu không được điều trị tích cực. Vì thế ngay khi có dấu hiệu nghi ngờ của bệnh, hãy điều trị nghiêm túc bằng biện pháp tại nhà hoặc dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
Nếu cần tư vấn thêm với chuyên gia da liễu, hãy liên hệ với MEDLATEC qua hotline 1900 56 56 56.