Viêm bờ mi có thể dẫn tới tình trạng viêm tấy hoặc sưng đỏ mắt. Tuy không nguy hiểm nhưng khiến người bệnh vô cùng khó chịu. Dưới đây là những thông tin cơ bản về bệnh cũng như cách điều trị bệnh hiệu quả.
04/11/2020 | Cảm ơn bác sĩ đã cho tôi đôi mắt sáng 28/10/2020 | Mắt nhìn thấy vệt đen - Dấu hiệu cần đi khám ngay bác sĩ 20/10/2020 | Mắt bị nhiễm trùng mạn tính, đi khám người bệnh được chỉ ra nguyên nhân 18/10/2020 | Các bệnh lý về mắt thường gặp ở trẻ em và trẻ sơ sinh
1. Viêm bờ mi là gì? Triệu chứng bệnh ra sao?
Khi bờ mi bị viêm hoặc sưng ở gần chân lông mi gây kích thích, đỏ mắt, rát mắt và ngứa ngáy được gọi là tình trạng Viêm bờ mi. Không tìm ra được nguyên nhân rõ ràng gây nên tình trạng này. Nhưng một số yếu tố như vi khuẩn, tình trạng khô mắt hoặc bệnh trứng cá đỏ cũng được cho là những yếu tố làm tăng nguy cơ gây bệnh này.
Viêm bờ mi do nhiều nguyên nhân gây ra
Vi khuẩn: Vi khuẩn hoặc virus là một trong những yếu tố dẫn tới viêm ở bờ mi trước, ảnh hưởng đến phần mí mắt - nơi mọc lông mi. Nếu không điều trị, tình trạng viêm này sẽ có thể khiến cho mí mắt sưng lên, dày lên có thể lật ra ngoài hoặc kéo lộn vào trong. Khi đó, lông mi cũng theo mí mắt lật vào trong và làm giác mạc bị tổn thương, lâu ngày có thể gây ảnh hưởng đến thị lực của người bệnh.
Rối loạn chức năng tuyến nhờn: Khi các tuyến nhờn nhỏ ở chân lông mi bị rối loạn thì có thể gây ra tình trạng viêm bờ mi sau, gây ra mụn lẹo hoặc tình trạng chắp mí mắt. Nước mắt của người bệnh không trong suốt mà đôi khi giống như nước bọt.
Bệnh khiến người bệnh thường xuyên khó chịu, nóng, rát mi mắt
Bệnh trứng cá đỏ là bệnh ngoài da khá phổ biến. Nó có thể làm tổn thương tuyến nhờn và gây sưng đỏ viêm mi mắt.
Bên cạnh đó, dị ứng với mỹ phẩm hoặc dị ứng với thuốc cũng chính là một trong những yếu tố gây ra tình trạng viêm ở bờ mi mắt.
2. Những triệu chứng của bệnh viêm bờ mi mắt
Một số triệu chứng thường gặp của bệnh:
-
Người bệnh bị đau, rát ở vùng mí mắt hoặc đau rát cả mắt rất khó chịu
-
Có hiện tượng cộm, đóng vảy ở phần mí mắt hoặc ở lông mi.
-
Thường xuyên ngứa mắt, lúc nào cũng muốn gãi mắt, dụi mắt.
-
Thị lực bị suy giảm, người bệnh nhìn mờ hơn.
-
Bệnh nhân bị viêm ở bờ mi mắt thường khá nhạy cảm với ánh sáng, ngại tiếp xúc với ánh sáng.
-
Người bệnh bị chảy nước mắt khá nhiều kèm theo hiện tượng đỏ trong mắt và bờ mi sưng tấy đỏ.
-
Khó chịu ở mắt, cảm giác giống như có dị vật ở trong mắt.
3. Những người dễ bị viêm bờ mi
Bệnh này có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào, bất kỳ lứa tuổi nào nhưng những người da nhờn, hay bị khô mắt hoặc có nhiều gàu sẽ có nguy cơ bị bệnh cao hơn những đối tượng khác.
Bệnh có thể xảy ra ở nhiều đối tượng, lứa tuổi
Bên cạnh đó, người bị viêm tuyến meibomius - ở gần mi mắt cũng sẽ dễ dẫn tới viêm ở bờ mi. Những trường hợp mắc bệnh trứng cá đỏ hay gây mụn và đỏ mặt cũng có thể ảnh hưởng đến mi mắt và gây viêm.
4. Cách chẩn đoán và điều trị viêm bờ mi
Để chẩn đoán bệnh, bác sĩ sẽ kiểm tra mí mắt và lông mi của người bệnh. Thông thường bằng cách này đã có thể chẩn đoán bệnh, nhưng đối với một số trường hợp phức tạp hơn, người bệnh sẽ được kiểm tra thị lực bằng kính hiển vi khe đèn hoặc có thể được kiểm tra thêm nhãn áp.
Một số trường hợp, tình trạng viêm bờ mi có thể là bệnh mạn tính hoặc có thể tiến triển ngày càng nghiêm trọng hơn. Bên cạnh đó cũng nhiều người bệnh có thể tái phát tình trạng viêm nhiều lần. Vì thế, bạn không nên chủ quan mà cần phải điều trị bệnh theo đúng chỉ định của bác sĩ. Một số phương pháp điều trị bệnh thường được áp dụng là
Chườm gạc ấm đề điều trị bệnh
Chườm gạc ấm: Phương pháp này khá đơn giản. Bạn chỉ cần dùng một chiếc khăn sạch, sau đó thấm bằng nước ấm, vắt khô khăn và đắp lên mí mắt khoảng 1 phút (nhớ nhắm mắt trước khi đắp). Lặp đi lặp lại khoảng 3 lần.
Lưu ý, nên để độ ấm vừa phải, nếu lạnh quá sẽ không có tác dụng nhưng nóng quá cũng không đạt được hiệu quả mong muốn. Độ ấm vừa phải sẽ giúp làm bong vảy chỗ bị viêm sưng. Làm sạch các tuyến nhờn và đồng thời phòng ngừa nguy cơ phát triển chắp mắt - là tình trạng khi chất nhầy trong mí mắt bị tắc dẫn tới việc hình thành một khối u phình to.
Tẩy tế bào chết ở mí mắt: Với phương pháp này bạn có thể dùng một miếng gạc, khăn nhỏ hoặc bông gòn ngâm trong nước ấm và dùng nó để lau nhẹ lên bờ mi khoảng 15 giây giúp làm sạch tế bào chết ở mi mắt. Trong một số trường hợp, nếu có chỉ định của bác sĩ, bệnh nhân có thể dùng sữa tắm trẻ em và với nước ấm để làm sạch mi mắt.
Thuốc mỡ kháng sinh: Để điều trị bệnh, bác sĩ có thể kê một số loại thuốc mỡ kháng sinh cho người bệnh. Người bệnh vệ sinh tay sạch sẽ, dùng tay nhẹ nhàng thoa thuốc ở phần mi mắt trước khi đi ngủ hoặc cũng có thể dùng bông gòn chấm vào thuốc và thoa lên mi mắt.
Với những trường hợp bị khô mắt hay viêm mắt, bác sĩ có thể chỉ định dùng các loại thuốc nhỏ mắt để cải thiện tình trạng này đồng thời dùng một số loại thuốc kháng sinh để cải thiện tình trạng viêm do vi khuẩn từ đó cải thiện tình trạng tiết nhờn của tuyến meibomius.
Chế độ dinh dưỡng: Dinh dưỡng có vai trò quan trọng đối với sức khỏe của chúng ta, trong đó, nó cũng có những tác dụng và vai trò đặc biệt quan trọng đối với mắt. Thiếu dưỡng chất cũng có thể gây viêm tuyến meibomius và dẫn tới viêm ở bờ mi mắt. Chuyên gia khuyên bạn nên cung cấp và duy trì sự cân bằng của axit béo omega. Sự cân bằng này sẽ giúp tuyến nhờn làm việc hiệu quả giúp mắt được bôi trơn, không bị quá khô. Bạn có thể tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ về vấn đề này.
Chú ý giữ gìn vệ sinh mắt: Cần vệ sinh lông mi sạch sẽ, vệ sinh mí mắt hằng ngày để phòng tránh bệnh và giảm nguy cơ tái phát bệnh. Tránh dùng tay bẩn để dụi lên mắt, gãi mắt.
Bên cạnh những lưu ý kể trên, bạn cũng nên rửa tay sạch và mát-xa nhẹ nhàng quanh vùng mi mắt. Hạn chế để mắt tiếp xúc với khói bụi và ánh nắng mặt trời, không nên làm việc nhiều với máy tính, cần ngủ đủ giấc để mắt được nghỉ ngơi.
Bạn có thể gọi đến tổng đài 1900 56 56 56, chuyên gia của bệnh viện Đa khoa MEDLATEC sẽ giúp bạn giải đáp mọi thắc mắc về viêm bờ mi hoặc những vấn đề về sức khỏe thường gặp.