Thông qua việc chủng ngừa bằng vaccine bại liệt, hiện nước ta đã thanh toán bệnh lý này. Tuy nhiên, virus bại liệt hoang dại vẫn tồn tại ở nhiều quốc gia và trước bối cảnh toàn cầu hóa hiện tại thì khó tránh khỏi nguy cơ tái diễn bệnh bại liệt. Do đó việc chủ động tiêm vaccine là cách tốt nhất để phòng bệnh cùng các di chứng nguy hiểm của bệnh.
03/02/2023 | Cho trẻ đi tiêm vaccine cần mang gì theo và một số điều nên nhớ 25/06/2022 | Danh sách những loại vaccine tiêm từ lọt lòng đến trưởng thành 05/03/2022 | Bỏ túi mọi thông tin cần ghi nhớ nhất về bệnh bại liệt
1. Tổng quan về bệnh bại liệt
Bại liệt là bệnh truyền nhiễm cấp tính gây ra bởi virus polio. Virus này sau khi vào cơ thể sẽ đi đến hạch bạch huyết và một số ít sẽ xâm nhập vào hệ thống thần kinh trung ương khiến cho tế bào sừng trước tủy sống cùng tế bào thần kinh vận động ở vỏ não bị tổn thương. Người bị bại liệt có thể đánh mất sự sống hoặc gặp di chứng liệt không hồi phục nên tàn tật suốt đời.
Virus polio gây bệnh bại liệt
Bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa và con người là nguồn chứa virus duy nhất. Virus này lây sang người chủ yếu qua đường miệng - phân. Virus có trong phân ô nhiễm đi vào thực phẩm, nguồn nước rồi phát triển trong đường tiêu hóa của cơ thể, sau đó đào thải ra ngoài qua phân rồi lại tiếp tục gây bệnh.
2. Vaccine bại liệt - công dụng và những vấn đề liên quan
2.1. Phòng ngừa bệnh bại liệt với vaccine bại liệt
Do con người là nguồn chứa virus duy nhất nên tiêm vaccine bại liệt chính là biện pháp phòng bệnh tốt nhất vì nó giúp cơ thể tự tạo ra miễn dịch chủ động. Thống kê của WHO chỉ ra rằng bại liệt chủ yếu ảnh hưởng đến nhóm trẻ em ở độ tuổi dưới 5, trong đó 1/200 ca nhiễm bệnh sẽ bị tê liệt vĩnh viễn. Trong nhóm này lại có 5 - 10% ca tử vong do ngừng hô hấp.
Ở nước ta, trước khi có vắc xin thì bệnh bại liệt được xếp vào nhóm nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và để lại di chứng nặng nề cho nhóm trẻ dưới 5 tuổi. Nhờ duy trì uống vaccin bại liệt và tỷ lệ uống trong nhiều năm trên 90% nên bệnh bại liệt ở nước ta đã được khống chế dần dần và đến năm 2000 nước ta đã hoàn toàn thanh toán được bệnh lý này.
Tất cả những đó đó chính là minh chứng cho tầm quan trọng của việc tiêm vaccine phòng bệnh bại liệt.
2.2. Phân loại vaccine bại liệt
Hiện nay, có 3 loại vaccine bại liệt đang được sử dụng:
- Vaccine uống (OPV)
Vaccine đường uống (OPV) là dạng vaccine sống giảm độc lực chứa virus bại liệt sống đã được làm suy yếu nên khi đi vào cơ thể sẽ kích thích phản ứng miễn dịch để phòng vệ trước sự xâm nhập của virus. Đây là vaccine nằm trong chương trình Tiêm chủng mở rộng dành cho trẻ trong độ tuổi 2 - 4 tháng.
- Vaccine tiêm (IPV)
Vaccine đường tiêm (IPV) là dạng vaccine bất hoạt chứa virus bại liệt đã chết, giúp cơ thể tạo ra miễn dịch chủ động để phòng bệnh. Vaccine này cũng nằm trong chương trình Tiêm chủng mở rộng nhưng dành cho trẻ 5 tháng tuổi.
- Vaccine phối hợp
Vaccine này hiện có ở các Trung tâm dịch vụ vaccine, có thành phần gồm:
Vaccine bại liệt IPV
+ Vaccine 6in1 Infanrix Hexa của Bỉ và 6in1 Hexaxim của Pháp: ngừa được 6 bệnh là bại liệt, ho gà, bạch hầu, uốn ván và viêm gan B cùng với bệnh gây ra bởi vi khuẩn Haemophilus influenzae type B.
+ Vaccine 5in1 Pentaxim của Pháp: ngừa được 5 bệnh là bạch hầu, bại liệt, ho gà, uốn ván và bệnh gây ra bởi vi khuẩn Haemophilus influenzae type B.
+ Vaccine Tetraxim của Pháp: ngừa được 4 bệnh là bạch hầu, bại liệt, ho gà, uốn ván.
2.3. Vaccin bại liệt dành cho ai?
Hầu hết các trẻ tiếp xúc hoặc sống cùng nhà với người có mang mầm bệnh đều đứng trước nguy cơ bị nhiễm virus bại liệt. Trong đó, đối tượng có nguy cơ cao nhất là người chưa được tiêm phòng vaccine bại liệt, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi.
Các trường hợp sau được khuyến cáo cần tiêm vaccine phòng bại liệt:
- Trẻ nhỏ từ 2 tháng tuổi.
- Người chăm sóc trẻ, nhân viên y tế hoặc kỹ thuật viên trong phòng xét nghiệm,…
2.4. Lưu ý khi tiêm vaccine bại liệt
Bộ Y tế đã quy định người có bất cứ dị ứng nghiêm trọng nào đe dọa tính mạng đều là đối tượng không được tiêm vaccine bại liệt. Trong trường hợp đang có vấn đề về sức khỏe thì cũng nên tạm hoãn chích ngừa vaccine bại liệt.
Các trường hợp sau chống chỉ định đối với vaccine bại liệt:
- Tiền sử sốc hoặc có phản ứng nặng sau khi tiêm vaccine.
- Hệ thống miễn dịch bị suy giảm.
- Những trường hợp chống chỉ định khác được nhà sản xuất khuyến cáo.
Các trường hợp sau nên tạm hoãn kế hoạch tiêm vaccine bại liệt:
- Các cơ quan đang trong tình trạng suy chức năng.
- Trẻ nhỏ có bệnh cấp tính, bệnh nhiễm trùng.
- Trẻ đang bị sốt từ 38 độ C trở lên hoặc thân nhiệt hạ từ 35.5 độ C trở xuống (nhiệt độ đo tại nách).
Hướng dẫn chăm sóc cho trẻ sau khi tiêm vaccine phòng bại liệt
- Trẻ dùng globulin miễn dịch trong vòng 3 tháng trước khi tiêm vaccine (trừ trường hợp kháng huyết thanh viêm gan B).
- Trẻ đang hoặc vừa mới kết thúc một đợt điều trị bằng corticoid liều cao, xạ trị hoặc hóa trị trong 14 ngày.
- Trẻ bị bệnh tim bẩm sinh hoặc tim mạn tính đi kèm tăng áp lực động mạch phổi.
- Những trường hợp tạm hoãn tiêm chủng khác do nhà sản xuất vaccine khuyến cáo.
Tuy vaccine bại liệt tương đối an toàn, hiếm khi xảy ra phản ứng phụ xấu cho sức khỏe nhưng để đề phòng gặp phải các phản ứng không mong muốn, thì:
- Sau khi tiêm chủng cần chú ý theo dõi kỹ lưỡng tại nhà tối thiểu 24 giờ.
- Trẻ em sau khi tiêm chủng cần được bú mẹ hoặc uống nước nhiều hơn. Cha mẹ cần thường xuyên quan sát con mình và chú ý không tác động đến vết tiêm.
- Nếu sau tiêm xuất hiện các dấu hiệu sau thì người được tiêm chủng cần được đưa đến cơ sở y tế cấp cứu ngay để tránh nguy hiểm tới sự sống: khó thở, sốc phản vệ, sốt cao co giật, trẻ khóc mãi không ngừng, ngừng thở, tím tái,…
Những thông tin về vaccine bại liệt trên đây hy vọng đã giúp bạn hiểu biết hơn về loại vaccine này trước khi tiến hành tiêm chủng và biết cách chăm sóc đảm bảo an toàn tốt nhất sau tiêm. Hệ thống Y tế MEDLATEC hiện là cơ sở cung cấp các loại vaccine bại liệt theo nhu cầu của khách hàng với điều kiện chất lượng dịch vụ cao và chi phí hợp lý. Quý khách hàng có nhu cầu tiêm phòng bại liệt có thể gọi đến số điện thoại 1900 56 56 56 để được tư vấn cụ thể.