U dây thần kinh thính giác là u lành tính, chiếm tỷ lệ vào khoảng 8% trong tổng số những khối u phát triển trong não của con người. Bệnh có thể dẫn đến các biến chứng khó lường khi không được sớm phát hiện và điều trị, thậm chí có thể khiến người bệnh tử vong. Mời bạn đọc cùng MEDLATEC tìm hiểu tổng quan về bệnh này với bài chia sẻ sau đây.
07/07/2022 | Tìm hiểu những phương pháp kiểm tra thính giác ở trẻ hiệu quả nhất hiện nay 25/05/2021 | Hối hận vì bỏ qua dấu hiệu cảnh báo, bệnh nhân lấy lại thính giác nhờ phương pháp hữu hiệu này
1. U dây thần kinh thính giác là bệnh như thế nào?
U dây thần kinh thính giác là một loại khối u lành tính, phát triển chậm, chiếm tỷ lệ vào khoảng 8% trong tổng số những khối u phát triển trong não.
Khối u này có kích thước bằng đầu ngón tay hoặc quả trứng gà, thường xuất phát từ dây thần kinh sọ thứ 8 (dây thần kinh tiền đình) của não bộ. Nó có thể tác động đến chỉ một bên hoặc là cả hai bên tai, nhưng thường là một bên. Do nằm trong hố não sau của sọ nên căn bệnh này có thể dẫn đến nhiều rối loạn nghiêm trọng.
U dây thần kinh thính giác thường tác động đến một bên tai, nhưng cũng có thể là cả hai bên
Căn bệnh này thường xảy ra ở những người thuộc độ tuổi từ 30 đến 60 tuổi. Nguyên nhân gây bệnh cho đến nay vẫn chưa được xác định rõ ràng. Yếu tố nguy cơ làm tăng rủi ro mắc bệnh là bởi bố mẹ mang rối loạn gen thần kinh type 2 truyền sang cho con.
2. U dây thần kinh thính giác có những triệu chứng nào?
U dây thần kinh thính giác phát triển chậm với những triệu chứng ở giai đoạn đầu và giai đoạn sau cụ thể như sau:
2.1. Ở giai đoạn đầu
Các dấu hiệu của bệnh ở giai đoạn đầu thường mờ nhạt làm người mắc không dễ dàng để phát hiện bệnh sớm. Có thể kể đến một số triệu chứng đặc trưng bao gồm:
- Ù tai:
Người bệnh nghe thấy trong tai như có xuất hiện tiếng chuông hay âm thanh rít lên.
Người bệnh u dây thần kinh thính giác ở giai đoạn đầu có triệu chứng ù tai
- Nghe kém:
Tình trạng này diễn ra chậm, từ từ, kéo dài có thể là trong vài tháng tới vài chục năm, thường trong vòng khoảng 2 năm. Bệnh nhân có thể bị mất khả năng nghe một cách đột ngột hoặc thoáng qua.
- Tình trạng chóng mặt, mất thăng bằng, bị rung giật nhãn cầu.
2.2. Ở giai đoạn sau
Vào giai đoạn sau, khối u lan vào hố não sau của người bệnh, gây liệt một số dây thần kinh sọ. Cụ thể, làm xuất hiện những triệu chứng như sau:
- Liệt dây thần kinh số 5 (còn gọi là dây thần kinh tam thoa hay dây thần kinh sinh ba):
Người bệnh bị mất phản xạ giác mạc, cảm giác ngoài da ở nửa bên mặt xuất hiện khối u bị giảm. Về sau, bị liệt các cơ nhai, cơ cắn.
- Liệt dây thần kinh số 6 (hay dây thần kinh vận nhãn ngoài):
Mắt của bệnh nhân ở bên có sự xuất hiện của khối u bị lác vào trong, không xoay ngoài được. Cùng với đó, gặp tình trạng nhức đầu từng cơn hoặc thỉnh thoảng có những cơn đau đầu một cách dữ dội.
Khối u có thể gây liệt dây thần kinh số 6 làm người bệnh nhức đầu từng cơn
- Liệt dây thần kinh số 7:
Nửa mặt bị liệt nhẹ hoặc ở bên có khối u bị co cơ mặt, mắt nhắm không kín, không nhe răng hay huýt sáo được.
- Khối u phát triển lớn hơn, lan vào góc tiểu cầu não và thân não gây rối loạn các chi, người bệnh bị loạng choạng khi đi đứng, có hiện tượng run tay chân, khó phối hợp động tác tay chân, khi đi lại thường bị ngã về bên khối u xuất hiện.
- Ngoài ra, có các triệu chứng tăng áp lực nội sọ như: Người bệnh bị đau đầu nặng ở vùng đỉnh đầu và gáy, bị nôn mửa,...
3. Chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa bệnh
3.1. Về chẩn đoán
Việc chẩn đoán sớm sẽ có thể giúp ngăn chặn những hậu quả khó lường gây ra bởi u dây thần kinh thính giác.
Cụ thể, tùy vào mỗi trường hợp bệnh nhân, bác sĩ sẽ áp dụng những phương pháp như:
-
Chẩn đoán dựa trên những triệu chứng lâm sàng của bệnh.
-
Chụp sọ qui ước.
-
Đo thính lực đồ.
-
Chụp cộng hưởng từ (MRI).
-
Chụp cắt lớp vi tính (CT).
3.2. Về điều trị
Bác sĩ sẽ đưa ra lựa chọn về phương pháp điều trị phù hợp cho bệnh nhân. Theo đó, thực hiện phẫu thuật, xạ phẫu và theo dõi tình trạng người bệnh là những phương pháp điều trị u dây thần kinh thính giác.
Đi kèm với đó, trong và sau khi điều trị căn bệnh này, bệnh nhân cần lưu ý những điều sau:
-
Chú ý các di chứng có thể gặp phải do việc điều trị bằng phương pháp phẫu thuật như mất thính lực, liệt nửa mặt, rối loạn thăng bằng,...
-
Thực hiện việc đi tái khám thường xuyên theo đúng lịch hẹn để được thăm khám, kiểm tra, theo dõi.
-
Tuân thủ theo đúng hướng dẫn từ bác sĩ điều trị, uống thuốc đúng theo chỉ định, không được tự ý bỏ thuốc hoặc tự ý uống thuốc chưa được kê đơn.
Người bệnh cần đi tái khám theo đúng lịch hẹn
-
Bổ sung đầy đủ các dưỡng chất cần thiết có lợi cho cơ thể, tăng cường và cải thiện tình trạng sức khỏe.
-
Có những thói quen sống khoa học, lành mạnh.
3.3. Về phòng ngừa
Bên cạnh đó, người bệnh có thể tham khảo một số biện pháp gợi ý sau để phần nào đó phòng ngừa, hạn chế nguy cơ mắc bệnh.
-
Ăn uống điều độ, cân đối và đầy đủ các dưỡng chất. Bên cạnh đó, hạn chế sử dụng rượu bia, không hút thuốc lá,...
-
Có lối sống lành mạnh, giữ tinh thần thoải mái, vui vẻ, tránh để bị căng thẳng hay áp lực kéo dài, thường xuyên tập luyện thể dục thể thao.
-
Tìm hiểu bệnh sử của các thành viên trong gia đình.
-
Đi thăm khám sức khỏe định kỳ.
Bài viết trên đây đã chia sẻ tổng quan các thông tin về bệnh u dây thần kinh thính giác. Đây là một loại khối u lành tính, không phải là ung thư. Tuy nhiên, nếu nó phát triển lớn mà không được chẩn đoán, điều trị kịp thời thì có thể dẫn đến các hậu quả khó lường, thậm chí gây tử vong. Vì thế, các trường hợp xuất hiện những triệu chứng bất thường thì nên sớm đi thăm khám, chẩn đoán và có hướng điều trị tối ưu.
Nếu có nhu cầu kiểm tra, thăm khám và điều trị vấn đề sức khỏe bản thân đang gặp phải, quý khách hàng hãy đến trực tiếp Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC. Quý khách có thể liên hệ với bệnh viện qua tổng đài: 1900 56 56 56 để được hỗ trợ đặt lịch khám sớm.