Bệnh trĩ được mô tả là tình trạng giãn tĩnh mạch hậu môn và trực tràng. Chúng có thể mở rộng, làm phồng các mạch máu trong và xung quanh hậu môn trực tràng dưới. Vì các mô đệm hỗ trợ cách mạch bị căng ra, khiến thành mạch mỏng và dễ chảy máu.
17/10/2020 | Top 3 loại kem bôi trĩ hiệu quả được nhiều người tìm mua 13/10/2020 | Các dấu hiệu nhận biết mẹ bỉm sữa bị trĩ sau sinh 16/09/2020 | Bệnh trĩ - căn bệnh "khó chịu" ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt hàng ngày
1. Các thông tin tổng quan
Dựa vào vị trí giải phẫu, bệnh được phân thành ba nhóm chính là:
-
Trĩ nội: hình thành bên dưới lớp niêm mạc, nằm phía trên đường hậu môn - trực tràng.
-
Trĩ ngoại: phát triển phía bên dưới cạnh hậu môn, được bao phủ bởi lớp da nhạy cảm.
-
Hỗn hợp: tình trạng bệnh lý hình thành ở cả trong lẫn ngoài và những triệu chứng của cả hai loại trên.
Tùy theo sự tiến triển, bệnh được chia thành các giai đoạn sau:
-
Giai đoạn 1: có biểu hiện cương tụ, phình ra thành ống nhưng không sa ra ngoài hoặc sa hẳn vào trong (chỉ co lên trong lòng ống hậu môn), bệnh nhân có thể bị chảy máu.
-
Giai đoạn 2: búi trĩ nhô ra quanh bờ hậu môn kèm theo căng tức khi đi vệ sinh nhưng có thể trở về vị trí ban đầu.
-
Giai đoạn 3: khi bị sa ra ngoài phải dùng tay đẩy vào bên trong, không thể tự co.
-
Giai đoạn 4: thường xuyên bị sa trễ, bao gồm trong trường hợp sa tắc mạch.
Minh họa tình trạng người bệnh bị trĩ
2. Những triệu chứng thường gặp nhất là gì?
-
Đi ngoài ra máu: khi đi vệ sinh thường xuất hiện máu có màu đỏ tươi ở các mức độ khác nhau như thành tia, nhỏ giỏi, dính vào phân,… tình trạng này có thể dẫn đến hội chứng thiếu máu.
-
Xuất hiện một khối bất thường ở hậu môn: gặp khi đi ngoài hoặc trong các hoạt động gắng sức. Bộ phận sa trễ có thể trở về vị trí ban đầu hoặc phải dùng tay.
-
Các cảm giác bất thường: ngứa ngáy, khó chịu hoặc đau ở vùng hậu môn, các cơn đau có thể mang tính chất đột ngột, dữ dội.
Người bệnh có thể nhận thấy máu dính ở phân hay giấy vệ sinh
3. Tác nhân gây bệnh là gì?
Hiện nay, nguyên nhân chính xác gây ra bệnh vẫn chưa được làm rõ, bởi có rất nhiều áp lực tác động lên các tĩnh mạch trực tràng khi con người ở tư thế đứng. Tuy nhiên, một số tác nhân sau đây có thể là yếu tố tác nhân:
Lão hóa
Sự lão hóa khiến các tổ chức nâng đỡ suy yếu, cơ vòng hậu môn mất dần sự đàn hồi. Vì vậy, đây cũng là lý do khiến người già dễ mắc bệnh hơn so với các độ tuổi khác.
Chế độ dinh dưỡng
Các bữa ăn hằng ngày không được bổ sung chất xơ đầy đủ, thức ăn hằng ngày quá giàu đạm, chất béo,… Sử dụng nhiều rượu bia và các chất kích thích nhưng không được cung cấp đủ nước.
Các vấn đề về tiêu hóa
Những bệnh nhân mắc các bệnh lý mãn tính liên quan đến tiêu hóa như táo bón, tiêu chảy,… có nguy cơ dẫn đến biến chứng giãn tĩnh mạch ở hậu môn rất cao.
Thai kỳ
Sự thay đổi hormone khi mang thai, áp lực tử cung mở rộng có thể tác động và làm suy yếu các cơ nâng đỡ, hỗ trợ ở trực tràng và hậu môn.
Vận động
Thường xuyên ngồi lâu, đứng nhiều, ít vận động do tính chất công việc (nhân viên văn phòng, tài xế, lễ tân,…), cơ thể yếu nhược, thói quen đi vệ sinh quá lâu lâu,… sẽ khiến cơ thể không cung cấp đủ máu nuôi dưỡng hoặc gây tắc nghẽn mạch.
Một số yếu tố khác
-
Di truyền, cơ địa bẩm sinh dễ mắc bệnh.
-
Béo phì.
-
Quan hệ tình dục đường hậu môn.
-
Nhịn đi vệ sinh nhiều lần.
-
Thường xuyên hoạt động gắng sức: mang vác nặng, tập thể dục quá mức,…
-
Do các bệnh gây ứ trệ máu ở tiểu khung: hội chứng tăng áp lực tĩnh mạch giữa - tĩnh mạch trực tràng.
Áp lực mở rộng từ thai nhi có thể góp phần khiến mẹ bầu mắc bệnh
4. Bệnh có thể dẫn đến các biến chứng gì?
Vì tâm lý ngại ngần, e dè khiến nhiều người chần chừ việc thăm khám, dẫn đến việc phát hiện thường đã ở giai đoạn muộn. Điều này không chỉ gây khó khăn cho quá trình chữa trị, phục hồi mà còn có khả năng xuất hiện các biến chứng như sau:
Thiếu máu
Tình trạng đi ngoài ra máu quá nhiều, nhất là ở những người bệnh đã đến mức độ nặng, khiến cơ thể suy nhược, xanh xao, thường xuyên hoa mắt, chóng mặt,…
Sa Trĩ tắc mạch
Do sự hình thành huyết khối trong lòng mạch trĩ gây nên tình trạng tắc nghẽn lòng mạch, khiến bệnh nhân xuất hiện những cơ đau dữ dội, nghiêm trọng hơn có thể gây vỡ búi trĩ. Trong trường hợp sa nghẹt hậu môn khó có thể đầy vào lại, có thể kèm theo sưng, viêm.
Nhiễm khuẩn
Người bệnh sẽ thường xuyên cảm thấy ngứa ngáy hay nóng rát nguyên nhân bởi tình trạng viêm các hốc hậu môn. Trong trường hợp không khả quan có thể dẫn đến loét, hoại tử búi trĩ. Nếu không được ngăn chặn kịp thời, bệnh nhân có thể bị tử vong do các biến chứng nhiễm khuẩn nặng nề hơn hoặc ảnh hưởng đến các cơ quan lân cận
Gây rối loạn cơ năng
Tình trạng bệnh kéo dài có thể khiến các hoạt động của cơ vòng hậu môn suy giảm, gây nên di chứng đi vệ sinh không tự chủ về sau.
Trĩ có thể gây ra nhiều biến chứng khác nhau
5. Các phương pháp điều trị thích hợp
Nội khoa
Nếu tình trạng vẫn đang diễn biến ở giai đoạn sớm (từ giai đoạn 1 đến giai đoạn 2), có khả năng phục hồi cao, bệnh nhân có thể được áp dụng chữa trị như sau:
-
Cân bằng chế độ ăn: tăng cường các chất xơ rất có ích trong quá trình điều trị. Hạn chế các thức ăn giàu đạm, nhiều chất béo như thịt mỡ, bơ, phô mai,… các món ăn chiên xào hay chế biến cay. Cung cấp lượng nước đầy đủ cho cơ thể.
-
Hoạt động hằng ngày: không làm các công việc cần quá gắng sức nhưng cũng cần tránh ngồi nhiều, hoặc đứng quá lâu. Có thể kết hợp với các bài tập nhẹ nhàng.
-
Thảo dược: sử dụng một số loại thảo dược tự nhiên như nghệ, rau diếp cá, lá bỏng, lá thiên lý, vỏ lựu,… có thể giảm thiểu đáng kể các triệu chứng bệnh.
-
Sử dụng thuốc: bệnh nhân có thể được chỉ định một số thuốc kháng sinh, chống viêm, thuốc đặt hậu môn hoặc kem mỡ,… Tuy nhiên, nguyên tắc quan trọng nhất để đạt được kết quả hài lòng, chính là nghiêm túc thực hiện và kiên trì điều trị chữa trị.
Ngoại khoa
Các bệnh nhân ở giai đoạn muộn hoặc được điều trị nội khoa nhưng thất bại thường sẽ được áp dụng phẫu thuật. Một số phương pháp được sử dụng phổ biến ví dụ như:
-
Phương pháp phẫu thuật Milligan - Morgan: thường chỉ định cho các trường hợp có ba búi trĩ riêng biệt, có thể kèm tạo hình hoặc không kèm tạo hình hậu môn.
-
Phương pháp Whitehead - Toupet.
-
Phẫu thuật laser.
-
Tiêm xơ.
-
Thắt bằng vòng cao su.
-
Sử dụng tia hồng ngoại làm đông đặc niêm mạc.
-
Đốt bằng dao điện một hoặc hai tia cực tím (hiếm được áp dụng).
Các bệnh nhân cần can thiệp sớm để điều trị dứt điểm
Để phòng tránh bệnh một cách hiệu quả, bạn nên thường xuyên cập nhật kiến thức và duy trì các biện pháp ngăn ngừa bệnh trĩ như bổ sung nhiều chất xơ trong bữa ăn, uống đủ nước, vận động hợp lý,… Nếu cơ thể xuất hiện các triệu chứng bất thường, hãy đến với Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC để được nhận các dịch vụ chăm sóc tốt nhất với chi phí phải chăng. Mọi thông tin cần thiết xin liên hệ 1900.56.56.56 để được tư vấn, hỗ trợ chi tiết.