Nhiễm trùng tai là một bệnh lý thường gặp ở trẻ, tuy nhiên nhiều phụ huynh vẫn chưa hiểu rõ về các triệu chứng, nguyên nhân và biện pháp phòng bệnh. Theo bác sĩ, tình trạng này hoàn toàn không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng thường gây cảm giác khó chịu, đau đớn khiến trẻ quấy khóc, bỏ ăn, khó ngủ. Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về bệnh lý này và dễ dàng phòng ngừa bệnh cho trẻ, bài viết này sẽ chia sẻ nhiều thông tin hữu ích nhất.
18/05/2022 | Viêm tai giữa ở trẻ em: dấu hiệu nhận biết và cách xử trí 18/05/2022 | Viêm tai giữa cấp ở trẻ sơ sinh dấu hiệu điển hình là gì? 15/03/2022 | Dị vật chui vào trong tai nguy hiểm không? Xử trí dị vật trong tai ra sao? 09/02/2022 | Top các dấu hiệu của nhiễm trùng tai ở trẻ cha mẹ không nên bỏ qua
1. Sơ lược về tình trạng nhiễm trùng tai
Nhiễm trùng tai thường được lý giải là tình trạng túi nhỏ nằm phía sau màng nhĩ chứa không khí bị viêm nhiễm do kẹt dịch. Đây là một bệnh lý khá phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ em, đặc biệt bệnh thường dễ nảy sinh sau khi trẻ bị cảm cúm hoặc cảm lạnh. Thông thường khi mắc bệnh, trẻ sẽ có những biểu hiện như sốt, khó chịu, quấy khóc, chán ăn, đau tai. Tình trạng này thường được cải thiện khi trẻ được chăm sóc, nghỉ ngơi hoặc có thể dùng thuốc giảm đau (đối với bé lớn).
Với trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi, nếu các dấu hiệu của bệnh xuất hiện ở cả hai tai hoặc có biểu hiện sốt quá cao (hơn 39 độ C), ba mẹ nên đưa trẻ đi khám bác sĩ để được điều trị kháng sinh nếu cần thiết. Ngoài ra, phụ huynh cần lưu ý, đối với tình trạng viêm tai giữa cấp tính (AOM) sẽ khiến các bộ phận của tai giữa bị viêm và sưng nên trẻ thường cảm thấy đau đớn rất nhiều. Do đó, ba mẹ cần theo dõi các biểu hiện bất thường ở trẻ, nhất là trẻ sơ sinh.
Cảm lạnh có thể dẫn đến nhiễm trùng tai ở trẻ
Khi được hỏi về nguyên nhân gây nhiễm trùng tai ở trẻ, các bác sĩ cho rằng sự tấn công của virus và vi khuẩn là tác nhân gây bệnh chủ yếu. Đặc biệt, khi trẻ bị cảm cúm, cảm lạnh, dị ứng hoặc viêm xoang sẽ tạo điều kiện ứ đọng dịch lỏng bên trong tai giữa và gây viêm nhiễm. Ở môi trường ẩm ướt, ấm và tối, các vi khuẩn sẽ có nhiều cơ hội để phát triển và sinh sản khiến tình trạng viêm nhiễm trở nên nghiêm trọng hơn.
2. Các triệu chứng của bệnh nhiễm trùng tai
Hầu hết các trẻ khi mắc bệnh nhiễm trùng tai nói riêng và tất cả các bệnh lý khác nói chung đều cảm thấy cơ thể khó chịu, tâm trạng thay đổi. Đặc biệt, với trẻ sơ sinh, ba mẹ chỉ có thể quan sát những thay đổi khác thường trên cơ thể hoặc hành vi của trẻ để nhận biết bệnh. Do đó, khi nhận thấy con trẻ có biểu hiện quấy khóc bất thường hoặc cơ thể có dấu hiệu sốt (cao hoặc thấp), ba mẹ nên chú ý theo dõi để phát hiện sớm bệnh lý của trẻ. Đối với những trẻ bị nhiễm trùng tai, ngoài những biểu hiện trên còn xuất hiện một số dấu hiệu sau đây:
-
Thường xuyên nắm, kéo hoặc giật tai: tình trạng viêm nhiễm khiến trẻ cảm thấy khó chịu, đau đớn ở tai nên thường có những biểu hiện nắm tai, vò tai.
Trẻ thường có biểu hiện vò hoặc giật tai
-
Chảy dịch từ tai: tình trạng chảy dịch ở tai được xem là triệu chứng chắc chắn của bệnh nhiễm trùng tai. Dịch tiết ra ở tai thường ở dạng lỏng, có màu trắng hoặc vàng.
-
Nôn mửa, tiêu chảy: tình trạng viêm nhiễm ở tai có thể kiến đường tiêu hóa bị ảnh hưởng và gây ra những biểu hiện như nôn mửa, tiêu chảy.
-
Tai trẻ có mùi khó chịu: tình trạng dịch ứ đọng trong tai sau vài ngày có thể gây ra mùi khó chịu. Ba mẹ có thể ngửi tai của con để xác định tình trạng bệnh khi nghi ngờ trẻ bị viêm nhiễm ở tai.
-
Trẻ chán ăn: viêm nhiễm tai không chỉ gây cảm giác khó chịu cho trẻ mà còn tác động đến đường tiêu hóa. Phần lớn các bé khi mắc bệnh đều cảm thấy ăn không ngon miệng, gặp khó khăn khi nhai hoặc nuốt. Do đó, khi trẻ bị nhiễm trùng ở tai, trẻ thường có biểu hiện chán ăn, lười bú.
-
Sốt: tùy vào tình trạng nhiễm trùng ở tai mà trẻ có thể có biểu hiện sốt cao hoặc nhẹ, một số trẻ có biểu hiện sốt cao hơn 39 độ C nên ba mẹ cần theo dõi con thường xuyên.
-
Khó ngủ: nhiễm trùng tai có thể gây khó chịu, đau đớn hơn khi nằm và ảnh hưởng đến giấc ngủ của trẻ.
Tình trạng nhiễm trùng tai ở trẻ có nguy hiểm không?
Đối với các bé lớn, đã biết đi, tình trạng đau tai còn kèm theo biểu hiện giật mạnh tai, dễ cáu kỉnh. Trẻ có thể than phiền về tình trạng đau đầu (do cơn đau lan tỏa từ tai lên đầu), gặp khó khăn khi nghe âm thanh do sự cản trở của dịch tích tụ bên trong tai hoặc có biểu hiện đi loạng choạng, mất cân bằng.
3. Phương pháp điều trị bệnh nhiễm trùng tai ở trẻ
Để xác định phương pháp điều trị bệnh nhiễm trùng tai, trước hết bác sĩ cần nắm bắt tình trạng bệnh, độ tuổi và sức khỏe của trẻ. Phần lớn các trường hợp bác sĩ đều khuyên theo dõi thêm vài ngày kể từ khi có dấu hiệu của bệnh vì bệnh lý này có thể tự khỏi mà không cần sử dụng thuốc. Đối với trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi hoặc những trường hợp bệnh nặng, bác sĩ có thể chỉ định điều trị bằng kháng sinh.
Mặc dù thuốc kháng sinh có tác dụng rất tốt đối với việc điều trị bệnh nhiễm trùng ở tai nhưng không phải trường hợp nào bác sĩ cũng chỉ định sử dụng. Vì nếu sử dụng thuốc kháng sinh nhiều có thể dẫn đến tác dụng phụ ngoài mong muốn, điển hình như trẻ bị kháng thuốc về sau, vi khuẩn tốt trong cơ thể bị tiêu diệt,v.v. Chính vì thế, ba mẹ nên chủ động theo dõi tình trạng sức khỏe của trẻ và đưa trẻ đi thăm khám khi nhận thấy có dấu hiệu bất thường. Đặc biệt, phụ huynh tuyệt đối không nên tự ý sử dụng thuốc để điều trị bệnh cho con mà không có sự tư vấn hoặc chỉ định của bác sĩ.
Sử dụng thuốc kháng sinh điều trị viêm tai giữa
4. Các giải pháp ngăn ngừa bệnh nhiễm trùng tai
Sức khỏe và sức đề kháng ở trẻ em, nhất là trẻ sơ sinh thường rất kém. Vì vậy, ba mẹ nên chủ động phòng ngừa bệnh để bảo vệ sức khỏe cho con. Vậy làm thế nào để ngăn ngừa bệnh nhiễm trùng tai ở trẻ? Để giúp bạn đọc dễ dàng chăm sóc con khỏe mạnh, phòng ngừa tình trạng viêm nhiễm ở tai, sau đây là một số chia sẻ cụ thể nhất:
-
Khi trẻ bú nên đặt/giữ trẻ ở tư thế thẳng đứng sao cho phần đầu cao hơn các phần còn lại. Một số nghiên cứu cho thấy trẻ sơ sinh có nguy cơ cao mắc bệnh viêm tai giữa cấp khi có thói quen nằm bú.
-
Trẻ sơ sinh nên bú sữa mẹ ít nhất trong 6 tháng đầu đời vì sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng cung cấp cho trẻ kháng thể để ngăn ngừa nguy cơ bị nhiễm trùng tai.
-
Khi trẻ có dấu hiệu hoặc bị nhiễm trùng tai, ba mẹ không nên cho trẻ sử dụng núm vú giả.
-
Giữ gìn vệ sinh cá nhân và thường xuyên rửa tay: nhiễm trùng tai không phải là bệnh truyền nhiễm nhưng bệnh lý này có thể xảy ra do nhiễm trùng đường hô hấp. Do đó, ba mẹ nên thường xuyên vệ sinh tay cho trẻ, hạn chế hoặc tránh cho trẻ tiếp xúc với những người nguy cơ hoặc mắc bệnh nhiễm trùng đường hô hấp.
Thường xuyên vệ sinh tay cho trẻ để ngăn ngừa bệnh
-
Ba mẹ nên cho trẻ tiêm đầy đủ các loại vacxin để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng tai ở trẻ.
-
Tránh cho trẻ hít phải khói thuốc: một số kết quả nghiên cứu cho thấy trẻ có nguy cơ cao mắc bệnh nhiễm trùng ở tai khi có người thân hút thuốc hoặc thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc. Ngoài ra, khói thuốc lá còn gây ảnh hưởng đến phổi và một số vấn đề thính giác khác.
Để được thăm khám và điều trị bệnh nhiễm trùng tai hiệu quả, ba mẹ có thể đưa trẻ đến Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC. Với hơn 26 năm kinh nghiệm làm việc cùng đội ngũ bác sĩ giỏi, trang thiết bị máy móc hiện đại, ba mẹ có thể hoàn toàn yên tâm. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào khác, Quý khách vui lòng liên hệ đến hotline 1900 56 56 56 để được hỗ trợ tận tình.