Sử dụng thuốc nhỏ mắt theo thói quen, theo kinh nghiệm, theo lời mách bảo,... là thực trạng đang diễn ra hiện nay ở rất nhiều người. Dùng thuốc trong tình trạng không biết phân biệt công dụng, cách dùng giữa thuốc nhỏ mắt không chứa Corticoid và có chứa Corticoid thì không khác gì đang cầm con dao hai lưỡi đe dọa thị lực của chính mình.
02/08/2021 | Điểm danh những loại thuốc nhỏ mắt chống dị ứng phổ biến 28/09/2020 | Thuốc nhỏ mắt và những thói quen sai lầm khi sử dụng 22/09/2020 | Hiểu rõ thành phần thuốc nhỏ mắt để sử dụng đúng cách
1. Thông tin nên biết về thuốc nhỏ mắt không chứa Corticoid và có chứa Corticoid
1.1. Thuốc nhỏ mắt không chứa Corticoid
Đây là loại thuốc vẫn được nhiều bác sĩ kê để chữa nhiều bệnh lý về mắt khác nhau như: Bromfenac, Nepafenac, Indomethacin, Ketorolac,... với mục đích giảm ngứa ở viêm kết mạc dị ứng, chống viêm hậu phẫu mắt, đề phòng co đồng tử khi phẫu thuật mắt.
Thuốc nhỏ mắt không chứa Corticoid tác dụng thường yếu hơn thuốc chứa Corticoid
Điểm phân biệt giữa thuốc nhỏ mắt không chứa Corticoid và có chứa Corticoid là loại thuốc này có tác dụng yếu hơn nhưng lại không để lại những tác dụng phụ nghiêm trọng lên mắt. Một số rất ít trường hợp dùng thuốc nhỏ mắt không chứa Corticoid cảm thấy chói mắt khi nhỏ thuốc và dùng kéo dài có thể khiến biểu mô giác mạc nhiễm độc.
1.2. Thuốc nhỏ mắt chứa Corticoid
1.2.1. Chỉ định dùng thuốc nhỏ mắt Corticoid
Hầu hết các loại thuốc nhỏ mắt chứa Corticoid đều có công dụng chống dị ứng, chống xuất tiết, chống viêm mạnh để điều trị:
- Viêm màng bồ đào.
- Viêm giác mạc dị ứng.
- Viêm kết mạc dị ứng.
- Viêm mống mắt.
- Hậu phẫu mắt.
- Viêm củng mạc.
1.2.1. Chống chỉ định với thuốc nhỏ mắt chứa Corticoid
Các trường hợp viêm loét giác mạc được khuyến cáo không nên dùng thuốc nhỏ mắt có chứa Corticoid vì hoạt chất này khi kìm hãm phản ứng viêm đồng thời cũng ức chế cả khả năng chống đỡ của cơ thể trước nhiễm trùng. Đây chính là cơ hội thuận lợi cho các chủng vi khuẩn trong kết mạc và giác mạc phát triển và thậm chí còn gây biến chứng nặng.
1.2.3. Tác dụng phụ có thể gặp phải
Những ai chưa hiểu rõ về thuốc nhỏ mắt không chứa Corticoid và có chứa Corticoid nên lưu ý, việc dùng thuốc chứa Corticoid có thể sẽ gặp phải một số tác dụng phụ xấu như đục thủy tinh thể và tăng nhãn áp.
Đây là tác dụng phụ gặp nhiều nhất ở thuốc Dexamethason, ít gặp ở thuốc Hydrocortison. Ngoài ra, biến chứng tăng nhãn áp ít gặp ở thuốc Clobetasone, Fluorometholone.
Dùng thuốc nhỏ mắt chứa Corticoid lâu ngày có thể làm đục thủy tinh thể
1.2.4. Cảnh báo lạm dụng thuốc nhỏ mắt chứa Corticoid
Sở dĩ những ai chưa hiểu về thuốc nhỏ mắt không chứa Corticoid và có chứa Corticoid dễ dàng mua thuốc chứa Corticoid vì chúng được bán rất nhiều trên thị trường, giá rẻ và hầu như chỉ cần được dược sĩ tư vấn là dùng được.
Khi gặp phải các triệu chứng khó chịu ở mắt như: gỉ, nhức mỏi, đau, ngứa, đỏ,... hay vướng bụi, mỏi mắt vì dùng máy tính,... chỉ cần nhỏ thuốc chứa Corticoid vài lần là triệu chứng đã cải thiện. Hệ lụy sinh ra từ việc dùng thuốc không kiểm soát này chính là tăng nhiễm trùng, mắt có nguy cơ tổn thương vĩnh viễn.
Các loại thuốc nhỏ mắt chứa Corticoid đều cần được bác sĩ nhãn khoa chỉ định. Thời gian sử dụng thuốc thường không quá 10 ngày, sau đó dù bệnh không thuyên giảm vẫn phải ngừng để chuyển sang loại thuốc khác.
Có một số trường hợp mắc bệnh mạn tính về mắt liên quan đến miễn dịch, dị ứng, nếu cần thiết, bác sĩ sẽ kê thuốc nhỏ mắt có chứa Corticoid với thời gian sử dụng lâu hơn nhưng người bệnh sẽ được hướng dẫn tuân thủ nguyên tắc giảm liều dần kết hợp và theo dõi chặt chẽ biến chứng.
2. Những điều nhất thiết phải lưu ý khi dùng thuốc nhỏ mắt
Hiểu, phân biệt được thuốc nhỏ mắt không chứa Corticoid và có chứa Corticoid là điều cần thiết để tự bảo vệ mắt của chính mình. Ngoài ra, khi dùng bất cứ loại thuốc nhỏ mắt nào cũng cần chú ý:
Nên tham khảo bác sĩ nhãn khoa về thuốc nhỏ mắt không chứa Corticoid và có chứa Corticoid trước khi sử dụng
- Không tùy tiện dùng thuốc nhỏ mắt
Đây là tình trạng dễ gặp mà nhiều người vẫn chưa thấy được mối nguy hại từ chính việc mình làm. Hãy nhớ rằng, nếu bạn có bất cứ biểu hiện bất thường nào tại mắt cũng cần khám bác sĩ nhãn khoa để xem đó là biểu hiện của bệnh gì và được hướng dẫn dùng thuốc điều trị phù hợp.
Nếu tùy tiện dùng thuốc, nhất là đối với thuốc nhỏ mắt chứa Corticoid thì có thể sẽ phải đối mặt với nhiều biến chứng như: thị lực giảm, đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp,...
- Thời gian dùng thuốc nhỏ mắt
Cũng giống như việc dùng thuốc uống, thuốc nhỏ mắt cũng cần tuân thủ nguyên tắc về thời gian sử dụng. Nhiều người cứ thấy khó chịu là nhỏ mắt hoặc nghĩ rằng muốn nhỏ lúc nào cũng được. Đây là việc làm sai lầm.
Đối với các trường hợp cần dùng thuốc nhỏ mắt, bác sĩ đều có chỉ định rất rõ ràng về thời gian nhỏ thuốc, khoảng cách giữa các lần nhỏ mắt,... Khi đã có chỉ định, người bệnh nên thực hiện đúng.
Bất cứ loại thuốc nhỏ mắt nào khi sử dụng cũng sẽ có khoảng cách giữa các lần nhỏ. Mặt khác, nếu là thuốc nhỏ mắt khác nhau thì cũng cần có khoảng cách sử dụng tối thiểu là 30 phút/loại để tránh xảy ra tương tác thuốc hoặc giảm hiệu quả của việc chữa trị.
- Không dùng chung thuốc
Để phòng ngừa các bệnh lý về mắt thì việc không dùng chung với người khác là việc cần thiết. Đặc biệt, với bệnh viêm kết mạc, nếu dùng chung thuốc nhỏ mắt có thể lây bệnh của nhau và bị nhiễm trùng.
Nói tóm lại, nếu không có kiến thức y khoa chuyên sâu, bản thân mỗi người rất khó nhận diện, khó biết cách dùng thuốc nhỏ mắt không chứa Corticoid và có chứa Corticoid sao cho đúng. Vì thế, để tránh bị “rước họa vào thân” tốt nhất nên khám bác sĩ nhãn khoa để được kê đơn và hướng dẫn sử dụng thuốc sao cho hiệu quả.
Nếu những thông tin trong bài viết này vẫn chưa giúp quý khách hiểu về thuốc nhỏ mắt không chứa Corticoid và có chứa Corticoid thì quý khách có thể gọi đến hotline tư vấn sức khỏe 24/7 1900 56 56 56 để nói về vướng mắc của mình. Tổng đài viên của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC luôn sẵn lòng giải đáp, chia sẻ cụ thể về vấn đề mà quý khách đang quan tâm.