Ngày nay, trước những áp lực của xã hội, tỷ lệ người bị mất ngủ ngày càng nhiều, do đó mà việc sử dụng thuốc ngủ cũng trở nên phổ biến hơn. Điều đáng lo ngại là nhiều người tự tìm mua thuốc để cải thiện giấc ngủ thay vì đi khám và uống thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ. Nếu bạn đã từng hoặc đang có ý định như vậy thì không nên bỏ qua bài viết này!
12/01/2013 | Một nửa thuốc ngủ gây hiệu ứng giả dược 15/04/2011 | Cảnh giác với tác dụng phụ của các thuốc ngủ thế hệ mới 11/12/2010 | Thuốc ngủ, an thần: Dùng đúng không lạm dụng
1. Thuốc ngủ có tác dụng gì?
Tác dụng của thuốc thể hiện ngay qua tên gọi. Sử dụng thuốc giúp bệnh nhân duy trì giấc ngủ tương tự như giấc ngủ sinh lý bình thường hoặc kéo dài thời gian ngủ. Thuốc tác động đến hệ thần kinh trung ương, có thể giúp bạn nhanh chóng tìm đến giấc ngủ khi bạn đang bị căng thẳng hoặc bất kỳ nguyên nhân nào khiến bạn luôn trong trạng thái tỉnh táo.
Tùy theo liều dùng mà thuốc có tác dụng khác nhau. Ở liều thấp, thuốc có tác dụng an thần, liều trung bình là thuốc gây ngủ và liều cao là liều độc, có thể dẫn đến hôn mê, thậm chí là tử vong.
Thuốc ngủ hiểu đơn giản chính là thuốc chữa bệnh mất ngủ
Các thuốc ngủ khi cần sử dụng phải được chỉ định của bác sĩ. Người dân không nên tự ý sử dụng.
2. Phân loại thuốc ngủ
Dựa theo cấu trúc hóa học, thuốc ngủ chia thành các nhóm:
Dẫn xuất của Barbituric
Nhóm này bao gồm các loại gây ức chế hệ thần kinh trung ương. Đại diện nhóm này là thuốc phenobarbital. Thuốc có tác dụng an thần, gây ngủ, chống co giật, chống động kinh tùy vào liều lượng. Thuốc có tác dụng trong khoảng thời gian khá lâu từ 8 - 12 giờ.
Thuốc được chỉ định trong những trường hợp: động kinh, co giật, hạn chế các cơn co giật ở trẻ em, thần kinh căng thẳng, mất ngủ, tăng bilirubin huyết, vàng da ở trẻ sơ sinh. Ngoài ra còn được sử dụng phối hợp với các thuốc điều trị cơn đau thắt ngực, đau đầu, nhồi máu não hay rối loạn thần kinh để tăng hiệu quả.
Khi sử dụng thuốc thuộc nhóm này cần lưu ý các tác dụng phụ như thường xuyên buồn ngủ, ngủ gà ngủ gật, đau đầu, lú lẫn,… Đôi khi cũng gây mất ngủ, kinh hãi, ác mộng nếu lạm dụng thuốc. Liều độc thường cao hơn liều bình thường từ 5-10 lần gây ra trạng thái ngủ sâu, mất phản xạ, hạ thân nhiệt, giãn đồng tử mắt, trụy tim, trụy hô hấp và có thể gây tử vong.
Dẫn xuất của Benzodiazepin
Các dẫn xuất của benzodiazepin có tác dụng chủ yếu là an thần và gây ngủ. Tùy vào cường độ tác dụng mà người ta tạm chia thành hai nhóm:
-
Nhóm thuốc có tác dụng chủ yếu là an thần, hay sử dụng là alprazolam, clordiazepoxido, clonazepam, lorazepam, oxazepam.
-
Nhóm thuốc có tác dụng chủ yếu là gây ngủ như Midazolam.
Thuốc an thần Diazepam
Có thể đưa thuốc vào cơ thể thông qua uống hoặc tiêm tĩnh mạch. Sau 30 phút thuốc sẽ bắt đầu có tác dụng và hiệu quả trong vòng 6 giờ.
Thuốc được chỉ định cho các trường hợp hệ thần kinh trung ương bị kích thích, lo âu, căng thẳng, người mất ngủ. Ngoài ra thuốc được dùng để hạn chế các cơn động kinh nhỏ, co giật do sốt cao, hội chứng cai rượu, thuốc tiền mê và chấm dứt các cơn co cứng cơ.
Các trường hợp không mong muốn có thể xảy ra khi sử dụng thuốc gồm: buồn ngủ, chóng mặt, mất sự phối hợp vận động, lú lẫn và hay quên. So với các nhóm thuốc ngủ khác, các dẫn xuất của benzodiazepin khi sử dụng quá liều thường có mức độ nguy hiểm thấp hơn. Độc tính có thể tăng khi sử dụng kèm với rượu. Sử dụng thuốc lâu ngày có thể dẫn đến tình trạng lệ thuộc vào thuốc. Nếu dừng đột ngột có thể gây mất ngủ, đau đầu, chóng mặt, thần kinh dễ bị kích thích bởi các yếu tố bên ngoài, run cơ, đau nhức xương khớp,…
Ngoài ra, còn có một số dẫn xuất khác cũng được xếp là thuốc ngủ như: ureide, aldehyde, rượu, piperidin dion, muối bromide,... Thuốc có nguồn gốc thiên nhiên như tetrahydropalmatine.
3. Một số lưu ý khi sử dụng thuốc ngủ
Đối với những người đang sử dụng thuốc ngủ cần lưu ý:
-
Không nên uống rượu khi đang sử dụng thuốc ngủ vì rượu có thể làm tăng tác dụng của thuốc dẫn đến liều độc. Nếu trường hợp cần phải uống thì chỉ nên uống từ 1 - 2 chén rượu hoặc tối đa 2 cốc bia và trước khi ngủ 6 giờ.
-
Không nên ăn quá no đối với người bị mất ngủ và đang sử dụng thuốc. Ăn quá no ở bất kỳ thời điểm nào cũng đều gây bất lợi đến giấc ngủ vì khi đó lượng đường trong máu tăng cao, cơ thể thêm năng lượng sẽ gây ra tình trạng khó ngủ.
-
Không nên làm tăng thêm stress. Theo kết quả nghiên cứu của các chuyên gia tại trung tâm SDC mới đưa ra, trạng thái thần kinh căng thẳng sẽ làm giảm hiệu quả của thuốc ngủ.
-
Cần phải biết tác dụng của thuốc để ngủ đủ giấc và thức dậy đúng giờ. Thuốc ngủ có thể dẫn đến tình trạng ngủ mê man, khó thức dậy, điều đó có thể gây ảnh hưởng đến công việc của bạn ngày hôm sau. Thông thường thuốc ngủ có tác dụng trong vòng từ 6 - 8 giờ, vì vậy bạn cần phải được tư vấn hoặc canh thời gian để ngủ, tránh trường hợp uống thuốc quá muộn hay thức dậy quá sớm. Trường hợp nếu không ngủ đủ theo đúng giờ quy định của thuốc sẽ khiến bạn trong tình trạng buồn ngủ, mơ màng, điều này vô cùng nguy hiểm, nhất là khi bạn phải điều khiển phương tiện giao thông.
-
Nếu bạn sử dụng thuốc ngủ nhưng lại nằm trên một chiếc giường chật chội, lạ chỗ, cũng có thể khiến giấc ngủ đến với bạn khó khăn hơn. Không gian ngủ chính là một phần quan trọng để giúp bạn có một giấc ngủ ngon. Việc dùng thuốc ngủ chỉ được sử dụng cho các trường hợp cần thiết hoặc mất ngủ lâu ngày. Do đó, một phòng ngủ được trang trí theo ý thích của bạn, giường, gối, chăn, ga… là những vật dụng hỗ trợ bạn nhanh chóng đi sâu vào giấc ngủ. Nếu phòng ngủ có thêm mùi mà bạn yêu thích hoặc mùi tinh dầu nhẹ thì sẽ là nơi lý tưởng cho giấc ngủ của bạn.
Không gian ngủ chính là một phần quan trọng để giúp bạn có một giấc ngủ ngon
Mặc dù thuốc ngủ có tác dụng giúp bạn có thể ngủ được nhưng đây là “con dao hai lưỡi” khi sử dụng lâu dài và quá lạm dụng. Hãy chăm sóc giấc ngủ của bạn đúng cách, quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe của cơ thể, nhất là não bộ. Duy trì các thói quen sinh hoạt điều độ, ăn uống lành mạnh để tạo ra một cuộc sống thoải mái, từ đó giấc ngủ sẽ đến với bạn nhanh hơn và chất lượng hơn.