Đây là một kết luận rất mới của các nhà khoa học từ trường Đại học Lincoln, Đại học Y Harvard và Đại học Connecticut (Mỹ), khi tiến hành phân tích dữ liệu từ các thử nghiệm lâm sàng của thuốc ngủ và so sánh các tác dụng của thuốc với các tác dụng giả dược (placebo - thuốc vờ không có tác dụng dược lý).
Các nhà nghiên cứu đã phân tích lại những kết quả nghiên cứu từ hơn chục cuộc thử nghiệm lâm sàng về một loại thuốc ngủ được dùng rất phổ biến có tên là Z (benzodiazepine). Đây là những loại thuốc thường được sử dụng ở Anh và Mỹ để điều trị cho các bệnh nhân mắc chứng bệnh mất ngủ trong thời gian ngắn. Ngoài ra, các chuyên gia cũng nghi ngờ lợi ích của các loại thuốc Z này có tác dụng phụ như giảm trí nhớ, mệt mỏi… Các nhà khoa học đã tiến hành một phân tích tổng hợp về các dữ liệu từ 13 cuộc thử nghiệm lâm sàng với hơn 4.300 người tham gia, 65 so sánh khác nhau.
Giáo sư Niroshan Siriwardena thuộc trường ĐH Lincoln cho biết: “Phân tích này của chúng tôi cho thấy, các loại thuốc Z làm giảm thời gian để các bệnh nhân chìm vào giấc ngủ, nhưng khoảng 1/2 tác dụng của loại thuốc này là một phản ứng của giả dược”. Ông cho biết thêm, khoảng 1/5 bệnh nhân uống thuốc ngủ bị các tác dụng phụ của thuốc và 1% số người cao tuổi sẽ bị ngã, gãy xương hay tai nạn giao thông sau khi sử dụng thuốc này. “Các phương pháp điều trị tâm lý cho chứng mất ngủ rất hữu hiệu, có tác dụng như các loại thuốc ngủ trong thời gian ngắn và cũng có tác dụng lâu dài. Vì vậy, chúng ta nên chú ý hơn đến việc dùng liệu pháp tâm lý để điều trị chứng bệnh mất ngủ”, Giáo sư Niroshan nhấn mạnh.
Nguồn: anninhthudo.vn