Nhồi máu cơ tim cấp tính là tình trạng rất nguy hiểm. Tuy nhiên, ở mỗi trường hợp, tiên lượng bệnh sẽ khác nhau. Trong đó, thang điểm TIMI chính là một phương pháp giúp phân tầng về nguy cơ của người bệnh. Cùng tìm hiểu chi tiết về ý nghĩa của thang điểm này trong bài viết sau.
09/05/2023 | Các yếu tố nguy cơ tim mạch cần biết 02/05/2023 | Kiểm tra tim mạch tại nhà - dễ dàng kiểm soát bệnh lý trong tầm tay 14/04/2023 | Khám tim mạch cần khám những gì và các vấn đề liên quan
1. Thang điểm TIMI và tiên lượng nhồi máu cơ tim cấp
Đối với từng người bệnh nhồi máu cơ tim, các chuyên gia sẽ có đánh giá tiên lượng cụ thể để lên phác đồ điều trị phù hợp và giải thích để người thân hiểu rõ hơn về tình trạng sức khỏe của bệnh nhân. Trong đó, thang điểm TIMI chính là một cơ sở để các bác sĩ đưa ra những đánh giá quan trọng. Các bác sĩ sẽ tính điểm dựa trên các đặc điểm lâm sàng của người bệnh.
Thang điểm TIMI để đánh giá nguy cơ tử vong do nhồi máu cơ tim
- Thang điểm TIMI đối với những trường hợp nhồi máu cơ tim không có sự chênh lên của đoạn ST trên kết quả đo điện tâm đồ và người bệnh có biểu hiện đau thắt ngực không ổn định:
Khi tính điểm sẽ dựa trên 7 yếu tố như sau:
+ Độ tuổi trên 65.
+ Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh động mạch vành.
+ Tiền sử về bệnh hẹp động mạch vành.
+ Người bệnh xảy ra ít nhất 2 cơn đau thắt ngực trong vòng 24 giờ trước khi nhập viện.
+ Tăng dấu ấn sinh học tim trong huyết thanh.
+ Đoạn ST thay đổi ≥ 0,5 mm trên kết quả đo điện tâm đồ lúc nhập viện.
+ Đã dùng aspirin trong vòng 7 ngày trước đó.
Mỗi yếu tố này sẽ được cho 1 điểm. Điểm TIMI càng cao thì tiên lượng của người bệnh càng xấu.
- Thang điểm TIMI đối với những trường hợp nhồi máu cơ tim cấp có ST chênh lên trong kết quả đo điện tim và được tính dựa trên 8 yếu tố như sau:
+ Độ tuổi: Từ 75 tuổi trở lên (3 điểm), từ 65 đến 74 tuổi (2 điểm), dưới 65 tuổi (0 điểm).
+ Có tiền sử về bệnh tiểu đường, bị tăng huyết áp và đau thắt ngực – tương ứng với 1 điểm.
+ Huyết áp tâm thu nhỏ hơn 100 mmHg – 3 điểm.
+ Nhịp tim trên 100 lần/phút – tương ứng 2 điểm.
+ Phân độ Killip II-IV – tương ứng với 2 điểm.
+ Cân nặng của người bệnh thấp hơn 67 kg – tương ứng với 1 điểm.
+ ST chênh lên thành trước hay block nhánh trái.
+ Người bệnh bị trì hoãn điều trị hơn 4 giờ đồng hồ - tương ứng với 1 điểm.
Dựa vào số điểm có thể dự đoán được tỉ lệ tử vong 30 ngày sau khi bị nhồi máu cơ tim.
+ Nếu 0 điểm: Nguy cơ tử vong là 0,8%.
+ Nếu 1 điểm: Nguy cơ tử vong là 1,6%.
+ Nếu 2 điểm: Nguy cơ tử vong là 2,2%.
+ Nếu 3 điểm: Nguy cơ tử vong là 4,4%.
+ Nếu 4 điểm: Nguy cơ tử vong là 7,3%.
+ Nếu 5 điểm: Nguy cơ tử vong là 12%.
+ Nếu 6 điểm: Nguy cơ tử vong là 16%.
+ Nếu 7 điểm: Nguy cơ tử vong là 23%.
+ Nếu 8 điểm: Nguy cơ tử vong là 27%.
+ Nếu 9 điểm: Nguy cơ tử vong là 36%.
Thang điểm TIMI được đánh giá là dễ ứng dụng ngay tại giường bệnh với những dữ liệu dễ dàng thu thập.
2. Các phương pháp chẩn đoán bệnh nhồi máu cơ tim cấp
- Điện tâm đồ: Thường được thực hiện ngay khi có nghi ngờ bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim. Thậm chí được áp dụng nhiều lần để phục vụ quá trình chẩn đoán và theo dõi bệnh.
Điện tâm đồ rất quan trọng trong chẩn đoán nhồi máu cơ tim
- Các men sinh học: Gồm men Troponin và men CK. Trong đó:
+ Troponin bao gồm Troponin I và T: Những men này thường tăng sớm ở những giờ đầu tiên khi người bệnh bị nhồi máu cơ tim. Sau đó, có thể đạt định ở giờ thứ 24 đến 48. Do đó, đây là một trong những loại men sinh học rất đặc hiệu trong chẩn đoán nhồi máu cơ tim.
+ Men CK: Thường tăng trong khoảng 3 đến 12 giờ đầu khi xảy ra tình trạng nhồi máu cơ tim. Đến giờ 24, chỉ số men có thể đạt đỉnh và sau đó trở về mức bình thường từ giờ thứ 48 đến 72. Tuy nhiên, men CK cũng có thể tăng trong các trường hợp bị viêm màng ngoài tim, chấn thương sọ não, bệnh nhân vừa phẫu thuật tim, người bệnh suy thận mạn tính, bị viêm cơ, vận động thể chất cường độ cao,... Do đó để chẩn đoán chính xác tình trạng của người bệnh cần thực hiện thêm một số chẩn đoán phân biệt khác.
Bên cạnh 2 loại men kể trên, còn có thể chẩn đoán nhồi máu cơ tim dựa vào các loại men khác như Lactate DeHydrogenase, Transaminase SGOT hay SGPT. Tùy theo từng bệnh nhân cụ thể, bác sĩ sẽ lựa chọn kiểm tra chỉ số men tim phù hợp để làm căn cứ chẩn đoán bệnh.
Siêu âm tim cũng được áp dụng để chẩn đoán nhồi máu cơ tim
- Siêu âm tim: Kết quả siêu âm tim có ý nghĩa rất quan trọng trong chẩn đoán nhồi máu cơ tim, nhất là với những trường hợp bị nhồi máu cơ tim không Q hoặc xảy ra block nhánh.
Những hình ảnh rối loạn vận động giúp bác sĩ xác định rõ vị trí nhồi máu. Mức độ rối loạn có thể khác nhau bao gồm giảm động, không động, phình thành tim hay vận động nghịch thường.
Ngoài ra, phương pháp này còn có thể đánh giá về chức năng thất trái hay một số biến chứng cơ học của tình trạng nhồi máu cơ tim, bao gồm hở van tim do đứt dây chằng, thủng vách tim dẫn đến thông liên thất, có huyết khối ở buồng tim, tràn dịch màng tim,...
- Chẩn đoán phân biệt
Ngoài những phương pháp chẩn đoán xác định, người bệnh còn cần thực hiện chẩn đoán phân biệt với nhiều bệnh lý khác như viêm ngoài màng tim, viêm cơ tim cấp, tình trạng nhồi máu cơ tim,...
Nên lựa chọn cơ sở y tế đáng tin cậy để kiểm tra sức khỏe tim mạch
Với những thông tin trên, hi vọng bạn đã hiểu rõ hơn về thang điểm TIMI và một số phương pháp chẩn đoán bệnh nhồi máu cơ tim. Nhồi máu cơ tim là tình trạng vô cùng nguy hiểm. Do đó khi có biểu hiện nghi ngờ nhồi máu cơ tim như đau ngực, toát mồ hôi, đau đầu nhẹ, buồn nôn,... cần đưa người bệnh đến các cơ sở y tế để được cấp cứu và điều trị kịp thời.
Chuyên khoa Tim Mạch của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC là nơi quy tụ các bác sĩ hàng đầu về tim mạch và được đầu tư các thiết bị máy móc hiện đại như máy siêu âm Doppler tim – mạch máu, Holter điện tim, máy đo điện tim,... và cũng chính là địa chỉ khám tim mạch uy tín, chất lượng.
Để được tìm hiểu thêm về các bệnh lý về tim mạch và có nhu cầu được kiểm tra sức khỏe tim mạch, bạn có thể liên hệ đến tổng đài 1900 56 56 56 để được hướng dẫn cụ thể.