Bệnh lý về tim mạch được xem là “kẻ giết người thầm lặng” bởi những biến chứng đặc biệt nguy hiểm, thậm chí là tử vong. Đặc biệt, những người có các yếu tố nguy cơ tim mạch thì khả năng mắc bệnh lý này là cao hơn người bình thường.
02/05/2023 | Kiểm tra tim mạch tại nhà - dễ dàng kiểm soát bệnh lý trong tầm tay 14/04/2023 | Khám tim mạch cần khám những gì và các vấn đề liên quan 20/09/2022 | Hướng dẫn xử trí khi thấy người bị trụy tim mạch
1. Các yếu tố nguy cơ không thể thay đổi được
Các yếu tố nguy cơ không thể thay đổi được bao gồm:
Giới tính
So với nữ giới thì nam giới có nguy cơ mắc các vấn đề liên quan đến tim mạch cao hơn. Tuy nhiên, phụ nữ lại có nguy cơ mắc cao hơn sau khi bước qua thời kỳ mãn kinh. Và sau 65 tuổi, nguy cơ mắc ở cả 2 giới là như nhau.
Nam giới thường có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn nữ giới
Yếu tố di truyền
Bệnh tim mạch cũng có thể di truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác. Điều này có nghĩa là, nếu có người thân mắc các vấn đề về tim mạch trước 55 tuổi thì nguy cơ bạn gặp phải những vấn đề đó sẽ cao hơn những người bình thường. Không chỉ thế, các yếu tố có thể dẫn tới vấn đề tim mạch cũng có thể di truyền có thể kể đến như béo phì, cao huyết áp, tiểu đường.
Tuổi tác
Tuổi tác là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ cơ mắc các vấn đề về tim mạch. Tuổi càng cao thì hoạt động của tim mạch càng yếu dần, quá trình bơm máu và oxy để cung cấp cho các cơ quan trong cơ thể cũng trở nên khó khăn hơn.
2. Các yếu tố nguy cơ chủ quan
Ngoài các yếu tố nguy cơ không thế thay đổi được thì còn có các yếu tố nguy cơ chủ quan, có thể thay đổi được bằng chế độ ăn uống, vận động,... Chẳng hạn như:
Thừa cân béo phì
Cơ thể thừa cân sẽ khiến lượng cholesterol trong máu tăng lên, điều này tạo điều kiện cho các vấn đề tim mạch như cao huyết áp, động mạch vành xuất hiện. Nếu tình trạng thừa cân mà không được cải thiện sẽ dẫn tới béo phì, lúc này cholesterol và huyết áp tăng cao đồng thời kéo theo cả bệnh tiểu đường.
Béo phì tạo điều kiện cho bệnh tim mạch xuất hiện
Nghiện thuốc lá
Hút thuốc lá thường xuyên không chỉ gia tăng nguy cơ ung thư phổi mà còn làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về tim mạch. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, thuốc lá có thể làm tăng nhịp đập của tim, thu hẹp các động mạch lớn từ đó gây rối loạn nhịp tim, ảnh hưởng đến hiệu quả làm việc của tim. Ngoài ra, những người hút thuốc có nguy cơ bị cao huyết áp và đột quỵ nếu đang bị cao huyết áp.
Các thành phần có trong thuốc lá có hại cho tim phải kể đến như nicotine, carbon monoxide. Theo thời gian, những chất có hại này sẽ tích tụ và hình thành mảng bám ở động mạch tác động đến cholesterol và yếu tố làm đông máu là mức fibrinogen. Từ đó, tình trạng đông máu dễ xảy ra hơn khiến các cơn đau tim xuất hiện.
Ít vận động
So với những người có chế độ vận động, luyện tập thể dục thể thao thường xuyên thì những người ít vận động có xu hướng mắc bệnh tim mạch cao hơn. Bởi thông qua các hoạt động thể chất, mỡ thừa sẽ được đốt cháy, kiểm soát ổn định lượng cholesterol trong máu. Đồng thời, đây cũng là cách để có một cơ thể dẻo dai vac một trái tim khỏe mạnh cũng như các động mạch hoạt động linh hoạt hơn.
Cao huyết áp
Cao huyết áp cũng là một trong những yếu tố nguy cơ tim mạch mà bạn nên dè chừng. Vì những người bị cao huyết áp thường có nguy cơ đau tim và đột quỵ cao hơn. Nếu kết hợp với các yếu tố kể trên thì nguy cơ này tăng lên đáng kể.
Người bị cao huyết áp dễ bị tim mạch
Cholesterol trong máu
Cholesterol là một chất có sẵn trong máu do gan sản xuất ra. Cholesterol sẽ tham gia vào quá trình sản xuất một số loại hormone và hình thành màng tế bào. Tuy nhiên, một lượng cholesterol còn được nạp vào cơ thể thông qua việc tiêu thụ các thực phẩm có nguồn gốc từ động vật như thịt, cá , trứng, sữa,...
Một điều cần phải lưu ý rằng, không phải loại cholesterol nào cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về tim mạch mà tác nhân chính gây ra điều này là cholesterol xấu (LDL) tăng lên do chất béo bão hoà gây ra. Được biết, chất béo bão hoà gây ra do sản phẩm của bơ, sữa và các loại thịt đỏ gây ra.
Tiểu đường
Bệnh nhân tiểu đường thường có nguy cơ mắc các vấn đề về tim mạch và đột quỵ cao. Có khoảng 65% bệnh nhân tiểu đường tử vong là do bệnh tim mạch gây ra. Ngoài ra, bệnh nhân tiểu đường thường đi kèm với huyết áp cao và thừa cân, vì thế nguy cơ sẽ cao hơn nhiều.
3. Cách hạn chế nguy cơ mắc bệnh tim mạch
Nếu có một trong các yếu tố trên thì đồng nghĩa với việc bạn sẽ có thể mắc phải bệnh lý về tim mạch. Có càng nhiều yếu tố thì nguy cơ mắc phải sẽ càng cao. Để hạn chế tình trạng này, bạn cần có một chế độ ăn uống, vận động hợp lý. Cụ thể như sau:
Ăn nhiều hoa quả, rau xanh và cá:
Các loại rau xanh có chứa hàm lượng dinh dưỡng dồi dào trong đó có cả chất chống oxy hóa, giúp chống viêm, loại bỏ mảng bám ở các động mạch. Ngoài ra, bạn có thể điều hoà huyết áp ổn định thông qua các loại hoa quả như cam, chuối và rau củ như nấm. Các loại hải sản như cá mòi, cá hồi,...cung cấp omega-3 có tác dụng giảm triglycerides và huyết áp từ đó giảm nguy cơ mắc bệnh tim.
Hạn chế chất béo có hại và đồ ngọt
Bạn hãy bạn chế các loại chất béo bão hoà bằng cách ít tiêu thụ các thực phẩm có nguồn gốc từ sữa, các loại thịt đỏ. Đồng thời, các loại bánh kẹo, nước ngọt cũng nên được cắt giảm nếu bạn muốn có một trái tim khỏe mạnh.
Các sản phẩm từ sữa gây ảnh hưởng không tốt cho tim mạch
Luyện tập thể dục thể thao thường xuyên
Mỗi ngày bạn chỉ cần bỏ ra 30 phút để thực hiện các bài tập thể dục phù hợp để giảm nguy cơ mắc các vấn đề về tim mạch. Đồng thời, điều này còn giúp bổ sung các cholesterol có lợi và làm giảm các cholesterol có hại. Ngoài ra, nếu bạn có thói quen hút thuốc lá, thuốc lào thì nên bỏ từ bây giờ.
Việc nhận biết các yếu tố nguy cơ tim mạch là điều cần thiết để phòng ngừa hiệu quả tình trạng này. Nếu có một trong các nguy cơ có thể thay đổi trên, bạn cần có một chế độ ăn uống, vận động hợp lý để tránh xa các bệnh lý nguy hiểm liên quan và có một hệ tim mạch khỏe mạnh.
Liên hệ tổng đài 1900 56 56 56 nếu bạn cần được tư vấn sức khỏe hoặc đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC.