Siêu âm là kỹ thuật chẩn đoán chính xác, đơn giản để xác nhận rằng mẹ có đang mang thai và sự phát triển của thai thế nào. Thông thường, mẹ bầu đi siêu âm phát hiện thai và kiểm tra vào tuần thai thứ 4 - 7, vậy nếu thai 2 tuần siêu âm có thấy không?
1. Thai 2 tuần siêu âm thấy không?
Chu kỳ mang thai bình thường khoảng 40 tuần, tính từ ngày kinh nguyệt cuối cùng của kỳ kinh gần nhất. Do đó, ở tuần thai thứ 2, đây là giai đoạn trứng rụng, không có gì đảm bảo rằng bạn đã thụ thai. Hơn nữa, nếu trứng đã được thụ tinh thì hợp tử vẫn đang trên đường di chuyển vào tử cung làm tổ.
Do đó, thai 2 tuần siêu âm sẽ không thấy, ở thời điểm sớm này thì kết quả siêu âm sẽ không chính xác. Kể cả thai nhi 2 tuần tuổi đã được hình thành thì kích thước cũng vô cùng nhỏ, dù siêu âm đầu dò âm đạo hay siêu âm qua thành bụng cũng chưa thấy rõ ràng.
Do đó, mẹ nóng lòng muốn biết mình mang thai hay chưa thì cũng nên đợi thêm đến tuần thai thứ 6 - 10 để siêu âm, đây là thời điểm lý tưởng nhất. Hơn nữa, siêu âm thai 2 tuần là quá sớm, bạn không có được kết quả chính xác, mà có thể ảnh hưởng đến thai nếu siêu âm đầu dò.
Các bác sĩ khuyên rằng, nếu mẹ thấy hiện tượng trễ kinh sau 3 tuần và nhiều biểu hiện cho thấy đang mang thai khác thì đi khám siêu âm là hợp lý nhất. Ngoài siêu âm, mẹ cũng nên thực hiện kiểm tra sức khỏe, xét nghiệm máu để đánh giá tốt hơn tình trạng của mẹ và bé.
Mẹ nên siêu âm phát hiện thai từ tuần 6 - 10
2. Những điều cần biết khi thai 2 tuần tuổi
Mẹ bầu mang thai luôn có nhiều lo lắng, suy nghĩ cho sức khỏe của thai nhi. Đặc biệt là các mẹ mang thai lần đầu tiên. Do đó, MEDLATEC sẽ giải đáp một số thắc mắc thường gặp khi mang thai 2 tuần để mẹ có thể yên tâm hơn.
Thai 2 tuần đã vào tử cung chưa?
Theo quá trình thông thường, sau khi thụ tinh thành công, hợp tử phải mất từ 7 - 10 ngày để di chuyển và làm tổ trong tử cung. Tuy nhiên, thể trạng của mẹ tốt thì thai mới vào tử cung nhanh chóng.
Vì thế có những trường hợp thai vào tử cung muộn hơn, khoảng 12 - 14 ngày sau thụ tinh thành công. Giai đoạn đầu này do rất khó xác định được ngày rụng trứng nên bác sĩ sẽ tính tuổi thai dựa vào ngày kinh cuối cùng, nên sẽ có thể sai lệch 1 - 2 tuần.
Thai 2 tuần quan hệ có sao không?
Mẹ mang thai 2 tuần tuổi, cho đến những tháng cuối thì vẫn có thể quan hệ tình dục, tuy nhiên cần chọn tư thế quan hệ an toàn, phù hợp với từng giai đoạn. Các tư thế an toàn sẽ bảo vệ cho thai phát triển bình thường, hơn nữa còn mang lại nhiều lợi ích tích cực cho cả mẹ và bé.
Thai 2 tuần mẹ vẫn có thể quan hệ tình dục an toàn
Thai 2 tuần uống thuốc Tây có ảnh hưởng gì không?
Trong 2 tuần đầu thai kỳ, hầu hết mẹ đều chưa phát hiện và chắc chắn mang thai bé, nên thường vẫn sinh hoạt và uống thuốc bình thường.
Nhiều loại thuốc Tây được khuyến cáo không nên sử dụng cho mẹ bầu, do đó hãy thông báo cho bác sĩ về loại thuốc mình đã uống, đồng thời khám thai định kỳ để xác định tình trạng của mẹ và bé.
3. Những thời điểm mẹ bầu nên siêu âm và khám thai
Ngoài thời điểm siêu âm lần đầu, ở tuần thai 6 - 10 để biết mẹ có đang mang thai hay không, các chuyên gia khuyến cáo mẹ bầu nên siêu âm ở 3 thời điểm quan trọng là:
Tuần thai 11 - 13 tuần 6 ngày
Siêu âm ở thời điểm này giúp tầm soát dị tật thai nhi tốt nhất, gồm:
-
Sàng lọc bất thường và nguy cơ bất thường nhiễm sắc thể.
-
Chẩn đoán số lượng thai, nếu bạn mang đa thai thì sẽ chẩn đoán số lượng buồng ối, số lượng bánh nhau.
-
Tính tuổi thai và dự kiến sinh chính xác nhất, dựa theo chiều dài đầu mông.
-
Sàng lọc nguy cơ tiền sản giật.
-
Đánh giá khoảng sáng sau gáy để dự đoán nguy cơ bất thường nhiễm sắc thể.
-
Quan sát sớm cấu trúc giải phẫu của tim, thành bụng, tay chân, hộp sọ, bánh rau,… để phát hiện các bất thường của thai.
Siêu âm giúp sàng lọc dị tật thai nhi
Tuần thai 18 - 22
Đây là thời điểm tốt nhất trong thai kỳ để siêu âm đánh giá, tầm soát các bất thường về cấu trúc của thai nhi. Bao gồm:
-
Quan sát gương mặt bé, xác định có bị sứt môi, hở hàm,…
-
Quan sát hình thái và cấu trúc hộp sọ, não bộ.
-
Quan sát thành bụng xem thành bụng có liên tục không, có che phủ tất cả cơ quan trong cơ thể không.
-
Quan sát cột sống của bé, đảm bảo xương đầy đủ, thẳng hàng, không có khe hở cột sống.
-
Quan sát tim thai, đánh giá động mạch và tĩnh mạch lớn có vai trò đưa máu đến và đi.
-
Quan sát 2 thận và bàng quang, đảm bảo đủ 2 thận, cấu trúc bình thường, hệ tiết niệu hoạt động bình thường.
-
Quan sát bánh nhau, dây rốn, nước ối.
-
Đo các chỉ số sinh học, đánh giá tình trạng phát triển của thai nhi, xem bé phát triển có tương ứng với tuổi thai không. Nếu thai nhỏ hay lớn thì xác định nguy cơ có thể gặp phải.
-
Đo chiều dài cổ tử cung, đánh giá nguy cơ đẻ non.
-
Siêu âm thời điểm thai nhi 18 - 22 tuần giúp phát hiện, sàng lọc sớm phần lớn các dị tật, song không thể loại trừ tất cả các bất thường của thai.
Siêu âm và khám thai định kỳ rất quan trọng
Tuần thai 30 - 32
Thời điểm siêu âm này giúp đánh giá tăng trưởng của thai, xem thai nhi có phát triển bình thường và nguy cơ có thể gặp phải. Bao gồm:
-
Đánh giá cấu trúc các cơ quan của thai giống siêu âm tuần thai 22.
-
Đánh giá tuần hoàn thông qua động mạch chính, dự đoán nguy cơ thiếu hụt oxy, suy giảm chức năng bánh rau của thai nhi.
-
Đánh giá bất thường trong quá trình phát triển và hoàn thiện cấu trúc thai.
Như vậy, mẹ không nên siêu âm thai 2 tuần bởi chưa thể thấy rõ hình ảnh thai và xác định mẹ có thực sự mang thai hay không. Hãy đợi thêm vài tuần nữa để siêu âm và kiểm tra sức khoẻ.