Sốt là một dấu hiệu lâm sàng thường gặp ở trẻ em khi mắc phải những bệnh lý khác nhau. Có rất nhiều nguyên nhân khiến bé bị sốt, đôi khi chỉ do sự tác đến từ môi trường bên ngoài như sốt sau khi tiêm vaccine, thời tiết quá oi nóng hay ủ ấm cho bé quá kỹ. Dưới đây là những điều mà mẹ cần biết để có thể xử trí đúng khi bé bị sốt.
11/06/2020 | Nhận biết sốt xuất huyết để ngăn chặn biến chứng đe dọa tính mạng 09/06/2020 | Sốt virus ở trẻ em: biểu hiện và cách điều trị dứt điểm như thế nào? 08/06/2020 | Bật mí những cách hạ sốt nhanh, hiệu quả bạn không nên bỏ qua 05/06/2020 | Giải đáp thắc mắc: Trẻ sốt bao nhiêu độ thì uống thuốc
1. Thân nhiệt của bé khi bị sốt
Thân nhiệt của một người thường không ổn định mà có sự dao động nhẹ trong ngày, thường sẽ hơi thấp vào buổi sáng và sẽ cao hơn vào chiều tối. Đồng thời nhiệt độ cơ thể cũng thay đổi khi trẻ vận động như chạy, nhảy, đùa nghịch hay tập thể dục.
Khi thân nhiệt của trẻ cao hơn 1°C so với nhiệt độ bình thường của cơ thể thì có thể được coi là bị sốt, cụ thể là nhiệt độ > 38°C khi được đo ở hậu môn hoặc > 37,5 °C khi được đo ở nách. Các tình trạng sốt theo thân nhiệt:
- Nhiệt độ từ 37,5 - 38,5°C: sốt nhẹ.
- Nhiệt độ từ 38,5 - 39°C: sốt vừa.
- Nhiệt độ từ 39 - 40°C: sốt cao.
- Nhiệt độ từ 40°C trở lên: sốt rát cao, trẻ có nguy cơ bị co giật và gây tổn thương não.
Trẻ em có thể thường xuyên bị sốt nhưng không phải loại sốt nào cũng nguy hiểm, đôi khi đây còn là một dấu hiệu tốt vì đó là cách mà cơ thể bé đang chống lại sự nhiễm trùng.
Sốt là triệu chứng thường gặp ở trẻ nhỏ
Phần lớn nguyên nhân khiến bé bị sốt là do nhiễm trùng (ký sinh trùng, vi trùng, siêu vi trùng), một số khác do mắc bệnh hệ thống, bệnh ác tính hoặc sốt do thuốc (như sốt sau khi chích ngừa vaccine), do trẻ mọc răng hoặc các nguyên nhân khác.
Mức độ bệnh nặng hay nhẹ không biểu hiện ở nhiệt độ cao hay thấp, đôi khi sốt cao không phải do bệnh quá nặng và ngược lại, khi trẻ đang tiềm ẩn bệnh nặng nhưng lại không có dấu hiệu sốt, thậm chí khi bị hạ thân nhiệt một cách bất thường.
2. Cách xử lý tại nhà khi bé bị sốt
Không nên lo lắng quá khi thấy bé bị sốt, các mẹ có thể tự hạ sốt cho con bằng cách:
- Lau mát và cho bé uống thuốc hạ sốt.
- Cần cho bé uống thêm nước, đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi đang bú sữa mẹ hoàn toàn thì nên tăng lượng sữa lên bởi vì trong sữa mẹ đã có chứa nước.
Cho bé uống thêm nước để hạ sốt
- Cho bé mặc quần áo mỏng, chất liệu thoáng để cơ thể tỏa bớt nhiệt và ở trong phòng thoáng khí, thông gió, chú ý không đóng kín cửa.
2.1. Cách lau mát cho bé
Đều có thể lau mát cho trẻ cả khi bị sốt nhẹ hay sốt cao phải sử dụng thuốc hạ sốt. Lau mát sẽ phát huy hiệu quả hạ sốt rất cao nếu như lau đúng cách vì không phải cứ lau mát là dùng nước mát hay nước lạnh để lau mà phải dùng nước ấm. Có hai cách lau mát như sau:
Cách 1: Lau bằng khăn. Cần có nước ấm, 5 chiếc khăn nhúng nước được vắt nhẹ (chú ý không nên vắt kiệt nước) để khăn vào 2 hõm nách, 2 bẹn và 1 khăn lau toàn thân. Lau và thay khăn nhúng nước liên tục đến khi nhiệt độ cơ thể giảm xuống.
Lưu ý, không sử dụng cách này trong môi trường lạnh, vì lúc này khăn lau sẽ bị nguột rất nhanh, khiến cho trẻ cảm thấy khó chịu, đồng thời nước lạnh sẽ làm co các mạch máu dẫn đến việc giữ nhiệt trong cơ thể bé.
Lau mát giúp trẻ hạ sốt hiệu quả
Cách 2: Tắm nước ấm. Hãy để trẻ ngồi trong một chậu nước ấm, sau đó dội nước lên khắp người. Sau 5 - 7 phút thì nhanh chóng lau khô và mặc quần áo, chú ý nên mặc quần áo mỏng và thoáng, đồng thời theo dõi trẻ có xuất hiện triệu chứng nào khác kèm theo hay không.
Những điều cần chú ý khi quan sát bé bị sốt: tinh thần có vui tươi không? Lượng thức ăn của bé, tình trạng nôn ói, tiêu, tiểu thế nào? Có ho, thở nhanh, khó thở hay thở bất thường hay không? Sau khi uống thuốc hạ sốt có hạ sốt hay không?,…
Các mẹ có thể theo dõi và tự hạ sốt cho con tại nhà trong trường hợp trẻ vẫn tươi tỉnh, chơi đùa, ăn uống bình thường và sắc da hồng hào. Dự kiến sẽ hết sốt trong vòng 2 ngày và không xảy ra dấu hiệu gì khác.
2.2. Cách dùng thuốc hạ sốt
Cách này áp dụng trong trường hợp bé bị sốt vừa hoặc sốt cao nhưng lau mát không đem lại hiệu quả. Sử dụng thuốc có chứa paracetamol liều 10 - 15mg/kg cân nặng/lần và cách 4 - 6h/lần nếu bé vẫn còn sốt.
Sử dụng thuốc chứa paracetamol liều 10 -15mg để hạ sốt cho trẻ
Nếu trẻ đang ngủ hoặc bị nôn ói, không thể cho uống thuốc được thì hãy đưa viên thuốc vào hậu môn với cùng liều lượng như trên.
3. Khi nào cần cho trẻ bị sốt đi khám
Trẻ bị sốt là một triệu chứng thường gặp và có thể tự chữa trị, tuy nhiên đối với các trường hợp bệnh nặng hơn, các mẹ cần phải đưa trẻ đi khám bác sĩ ngay trong vòng 24 giờ nếu có các biểu hiện như:
- Đối với bé dưới 2 tháng tuổi: sốt trên 38°C, có dấu hiệu lừ đừ, ngủ li bì hay khó đánh thức.
- Đối với bé từ 2 - 4 tháng tuổi: trừ trường hợp bị sốt trong 48 giờ sau khi được tiêm phòng vaccine và không có triệu chứng đi kèm nào khác thì nên đưa trẻ đi khám.
- Đối với trẻ dưới 3 tuổi: bị sốt cao hơn 40°C.
- Cảm thấy đau khi đi tiểu.
- Bị sốt hơn 24 giờ nhưng không có nguyên nhân rõ ràng hoặc kéo dài hơn 72 giờ vì bất cứ nguyên nhân nào.
- Sốt tái phát sau hơn 24 giờ hạ sốt.
4. Những điều cần tránh khi chăm sóc bé bị sốt
- Tránh tâm lý sốt ruột, nóng lòng muốn trẻ hạ sốt nhanh mà vừa cho bé uống thuốc hạ sốt vừa nhét thuốc vào hậu môn cùng lúc sẽ gây ra tình trạng quá liều.
- Không ủ ấm hay mặc nhiều lớp quần áo cho bé khi đang sốt.
- Không sử dụng nước lạnh để lau mát hạ sốt cho trẻ.
- Không pha rượu, cồn hay dấm vào nước lau mát của trẻ.
- Không nặn chanh vào miệng của trẻ.
- Tuyệt đối không hạ sốt bằng Aspirin vì chúng có thể gây tổn thương não của bé (hay hội chứng Reye).
Không sử dụng Aspirin để hạ sốt cho trẻ
- Trong trường hợp bé được lau mát và dùng thuốc hạ sốt mà vẫn không thấy hạ nhiệt, các mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Khi trẻ bị sốt cao, ba mẹ có thể đưa bé đến cơ sở y tế kịp thời để bé tránh gặp phải những biến chứng nguy hiểm. Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC hiện là địa chỉ tin cậy của các bậc phụ huynh. Nếu bé nhà bạn có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào, liên hệ qua hotline 1900 56 56 56 để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.