Tầm soát các bệnh lý ung thư di truyền | Medlatec

Tầm soát các bệnh lý ung thư di truyền

Ngày 06/08/2021 ThS.BSNT Bùi Thị Nga Tham vấn y khoa : ThS.BSNT Nguyễn Bá Sơn

Xét nghiệm ung thư di truyền ước tính nguy cơ mắc phải ung thư của một người liên quan đến gene di truyền trong gia đình. Cơ chế của xét nghiệm này là tìm kiếm và phát hiện những bất thường cụ thể trong bộ gene, nhiễm sắc thể hoặc protein của người bệnh.


23/07/2021 | Ưu nhược điểm của xét nghiệm gen đánh giá nguy cơ mắc ung thư di truyền
22/07/2021 | Ung thư di truyền là gì? Những điều cần biết về ung thư di truyền

Các bệnh lý ung thư ngày càng trở thành gánh nặng to lớn cho nền y tế toàn cầu. Theo thống kê của GLOBOCAN vào năm 2020, toàn thế giới có 19,292,789 ca mắc mới ở cả hai giới; trong đó 5 loại ung thư hàng đầu là ung thư vú, ung thư phổi, ung thư dạ dày, ung thư đại trực tràng, ung thư tuyến tiền liệt

Thống kê GLOBOCAN 2020 về số ca mắc bệnh và tử vong do ung thư của thế giới và Việt Nam

Tại Việt Nam, con số này cũng rất đáng báo động (182,563 ca mắc mới:122,690 ca tử vong) và không ngừng tăng lên. Mỗi ngày hơn 300 người Việt Nam chết vì ung thư.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng bệnh ung thư là quá trình tích lũy các đột biến gen. Các đột biến này có thể có sẵn khi chúng ta sinh ra, được di truyền qua các thế hệ (đột biến dòng mầm) hay mắc phải do cơ thể tiếp xúc với các tác nhân gây ung thư trong quá trình sống (tia bức xạ, virus, hóa chất, môi trường ô nhiễm, quá trình lão hóa của cơ thể…). Việc xét nghiệm phát hiện các đột biến gây bệnh đặc biệt với các bệnh lý ung thư có tính chất di truyền có ý nghĩa quan trọng trong tầm soát, sàng lọc phát hiện sớm ngay cả khi tế bào ung thư chưa hình thành, từ đó có các biện pháp dự phòng, can thiệp điều trị có hiệu quả.

Theo nguồn gốc phát sinh khối u người ta chia thành 3 loại: Ung thư di truyền, ung thư có tính chất gia đình và ung thư lẻ tẻ (ung thư mắc phải). Ung thư di truyền chiếm 10-15% trong tổng số các bệnh ung thư nói chung, phát sinh từ các đột biến gen có tính di truyền (đột biến dòng mầm- germline). Khi một người nhận đột biến gen di truyền, nguy cơ ung thư trong cuộc đời họ tăng gấp 10-100 lần. Điển hình chúng ta thấy trong nhiều gia đình xuất hiện mô hình ung thư tái phát qua nhiều thế hệ và các thành viên được chẩn đoán mắc bệnh ở độ tuổi trẻ hơn so với mức trung bình của quần thể chung. Đột biến dòng mầm không chỉ làm tăng tính nhạy cảm với bệnh ung thư, mà còn hoạt động như yếu tố định hình phát triển, tiên lượng khối u.

Phân loại các bệnh lý ung thư theo nguồn gốc phát sinh

Ung thư gia đình đề cập đến các bệnh ung thư có vẻ xảy ra thường xuyên hơn trong gia đình so với ngẫu nhiên, tuy nhiên chưa phát hiện được đột biến gây ung thư cụ thể nào có liên quan. Có thể có một nguyên nhân di truyền vẫn chưa được xác định, hoặc là những người mắc bệnh có chung yếu tố nguy cơ trong lối sống, sinh hoạt, môi trường...

Ung thư mắc phải chiếm tỷ lệ nhiều hơn, nguyên nhân từ các đột biến gen tích lũy trong quá trình sống do con người tiếp xúc với các tác nhân có hại. Thông thường các đột biến này chỉ xuất hiện ở tế bào/ mô cơ quan nhất định và không có tính di truyền qua các thế hệ.

Như vậy, các đột biến dòng mầm có thể không quá phổ biến, nhưng khi xuất hiện, chúng làm tăng đáng kể khả năng mắc ung thư

Nguy cơ ung thư gia tăng khi mang đột biến gen UT di truyền so với quần thể chung

 

Tùy thuộc vào loại đột biến gen và tiền sử gia đình mà nguy cơ mắc ung thư của một người mang gen bệnh có thể tăng lên ở các mức độ khác nhau. Ví dụ đột biến gen BRCA1 có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú của một người phụ nữ lên đến 87% ở tuổi trên 80 (nguy cơ trung bình của quần thể khoảng 12-13%). Gen APC đột biến có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng của một cá thể lên 70-100% ở độ tuổi 70-80 nếu không có sự can thiệp kịp thời.

Ung thư là bệnh lý tiến triển âm thầm, ít triệu chứng. Phần lớn các trường hợp người bệnh đi khám phát hiện bệnh khi ở giai đoạn muộn, các can thiệp điều trị rất hạn chế, tiên lượng xấu. Việc phát triển các kỹ thuật giúp phát hiện sớm ung thư sẽ cải thiện tỷ lệ sống sót, tăng số lượng bệnh nhân ung thư được tiếp nhận phương pháp điều trị triệt căn.

Tỷ lệ sống sót sau 5 năm ở bệnh nhân ung thư vú được phát hiện ở giai đoạn sớm (98%) và muộn (25%)

Các phương pháp tầm soát, sàng lọc, chẩn đoán sớm ung thư trước đây thường bao gồm xét nghiệm máu tìm các sản phẩm do các tế bào u tiết ra (các dấu ấn khối u như CEA, CA19-9, CA72-4…) hay các phương tiện chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, X-quang, chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ…chỉ phát hiện khi kích thước khối u đủ lớn. Gần đây, những tiến bộ trong việc giải mã và phân tích trình tự DNA giúp việc sàng lọc cho bệnh nhân sớm hơn, nhanh hơn, đầy đủ hơn về các đột biến bất lợi trong toàn bộ các gen liên quan đến tăng nguy cơ phát triển khối u. Từ đó giúp bệnh nhân và bác sĩ có cách tiếp cận chủ động trong việc quản lý hiệu quả các bệnh ung thư.

Những đối tượng nào nên làm xét nghiệm xác định đột biến ung thư di truyền? 

Các đột biến gen xác định được phần lớn có vai trò sửa chữa DNA, ức chế khối u nên mọi người lo lắng về nguy cơ mắc ung thư di truyền của bản thân đều có thể đăng kí thực hiện xét nghiệm. Tuy nhiên khuyến cáo mạnh ở những cá nhân có tiền sử bản thân và gia đình có yếu tố nguy cơ như:

- Bản thân hoặc có người thân mắc ung thư ở tuổi trẻ bất thường 

- Gia đình có nhiều thành viên mắc ung thư hoặc một người mắc cùng lúc nhiều loại ung thư liên quan hoặc mắc ung thư ở các cơ quan theo cặp cả hai bên (ví dụ ung thư vú cả hai bên)

- Trong gia đình đã xác định có người mang đột biến gen gây bệnh

- Mắc các loại ung thư hiếm gặp như ung thư vú ở nam giới…

Kết quả xét nghiệm âm tính có thể trấn an bản thân và gia đình không mang các đột biến gây tăng nguy cơ mắc ung thư di truyền. Kết quả dương tính không chỉ xác định các thành viên trong gia đình có nguy cơ mà còn đưa ra chiến lược tầm soát, can thiệp y khoa như phẫu thuật dự phòng hoặc hóa dự phòng có hiệu quả, tư vấn thay đổi lối sống lành mạnh, khám sức khỏe định kỳ.

Bệnh viện Đa khoa Medlatec hiện đang triển khai các gói xét nghiệm phát hiện các đột biến gen tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư di truyền bằng công nghệ giải trình tự gen thế hệ mới , đánh giá nguy cơ mắc trên 20 loại ung thư di truyền tiềm ẩn. Mọi sự quan tâm đến dịch vụ vui lòng liên hệ Hệ thống Y tế Medlatec hoặc Tổng đài 1900 56 56 56 để được tư vấn.

Đăng ký khám, tư vấn

Tại sao nên chọn bệnh viện đa khoa MEDLATEC

Bệnh viện đa khoa nhiều năm kinh nghiệm.
Đội ngũ giáo sư, bác sĩ đầu ngành
Đội ngũ giáo sư, bác sĩ đầu ngành
Cơ sở vật chất hiện đại
Áp dụng thanh toán bảo hiểm y tế lên tới 100%
Quy trình khám chữa bệnh nhanh chóng
Chi phí khám chữa bệnh hợp lý.

Tin cùng chuyên mục

Vai trò của xạ trị đối với ung thư tiền liệt tuyến

Xạ trị đối với ung thư tiền liệt tuyến đóng một vai trò quan trọng, có tác dụng tiêu diệt hoặc ngăn ngừa quá trình phân chia, phát triển của khối u ác tính. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn tìm hiểu về tầm quan trọng của xạ trị trong điều trị ung thư tuyến tiền liệt.
Ngày 22/06/2023

Những điều cần biết về ung thư thanh quản

Ung thư thanh quản là một căn bệnh nguy hiểm và đáng lo ngại. Bài viết này sẽ chỉ ra nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp chẩn đoán ung thư thanh quản, giúp bạn có thể nhận biết và đối phó với căn bệnh này.
Ngày 21/06/2023

Cách tiếp cận chẩn đoán và điều trị U lympho không Hodgkin

U lympho là một dạng ung thư hệ thống lympho và việc tiếp cận điều trị U lympho không Hodgkin đòi hỏi một chiến lược toàn diện và cẩn thận. Bài viết sau cung cấp các thông tin về căn bệnh này và đưa ra một số phương pháp tiếp cận điều trị thường được áp dụng trong quá trình chăm sóc bệnh nhân U lympho không Hodgkin.
Ngày 21/06/2023

Tìm hiểu chung về ung thư hắc tố

Ung thư hắc tố là bệnh ung thư có nguồn gốc từ tế bào hắc tố melanocytes. Bài viết sau cung cấp định nghĩa về ung thư hắc tố, những nguyên nhân gây ra bệnh và các triệu chứng thường xuất hiện. Hiểu rõ về căn bệnh này sẽ giúp bạn nhận biết và xử lý kịp thời bệnh, từ đó tăng cơ hội điều trị thành công.
Ngày 21/06/2023
Call Now
  Đặt lịch lấy mẫu tại nhà
  Đặt lịch KSK doanh nghiệp