Sốt siêu vi là thuật ngữ được sử dụng khá phổ biến, song không phải ai cũng hiểu rõ bệnh lý này cũng như cách điều trị hiệu quả khi mắc bệnh. Trong bài viết này, MEDLATEC sẽ cùng bạn tìm hiểu sốt siêu vi là gì, làm gì khi bị sốt siêu vi.
16/05/2020 | Trẻ sốt về đêm - Nỗi lo của rất nhiều mẹ bỉm sữa 07/05/2020 | Sốt virus ở người lớn: biểu hiện và cách chữa trị hiệu quả 27/04/2020 | Sốt virus và những kiến thức y khoa cần biết
1. Sốt siêu vi là gì?
Sốt siêu vi, còn gọi là sốt virus là tình trạng bệnh gây sốt do nhiễm các loại virus (siêu vi trùng). Virus có kích thước vô cùng nhỏ, cấu trúc đơn giản, có thể xâm nhập và phát triển trong cơ thể và gây bệnh. Virus không có khả năng sống trong thời gian dài ở môi trường mà phải kí sinh vào con người hay động vật để sinh sản, phát triển.
Các liệu virus thường gây sốt siêu vi gồm: Adenovirus, Rhinovirus, Coronavirus, virus cúm, Enterovirus,... Tùy theo từng loại virus mà gây ra các loại bệnh, triệu chứng và biến chứng khác nhau. Đa phần triệu chứng ban đầu chúng gây ra là sốt cao, kèm theo mệt mỏi, đau nhức,...
Sốt siêu vi khá thường gặp, đặc biệt là trẻ em và người lớn tuổi có hệ miễn dịch kém. Người trưởng thành cũng có thể mắc sốt siêu vi, song hầu hết bệnh sẽ nhanh khỏi mà không để lại biến chứng nguy hiểm nào.
Khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa ở Việt Nam là điều kiện thuận lợi cho sốt siêu vi gây bệnh, nhất là thời điểm giao mùa, thời tiết thất thường. Nếu được điều trị tích cực, sốt siêu vi sẽ nhanh chóng thuyên giảm và tự khỏi sau 7 - 10 ngày. Nhưng nếu chủ quan, hoặc ở người có hệ miễn dịch yếu, sốt siêu vi có thể dẫn tới các biến chứng nguy hiểm.
Sốt siêu vi do các loại virus gây ra
2. Sốt siêu vi lây truyền như thế nào?
Ngoài nắm được Sốt siêu vi là gì, bạn cần tìm hiểu thêm về con đường lây nhiễm sốt siêu vi để phòng ngừa bệnh hiệu quả hơn. Sốt siêu vi do virus gây ra nên tác nhân gây bệnh này rất dễ lây truyền từ người bệnh sang cộng động. Đặc biệt virus dễ lây lan và gây bệnh nặng hơn ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, người già có hệ miễn dịch kém.
Sốt siêu vi dễ lây truyền qua tiếp xúc, nói chuyện
Sốt siêu vi dễ dàng lây qua đường hô hấp hoặc tiêu hóa, qua các hoạt động giao tiếp nói chuyện, tiếp xúc trực tiếp với nước bọt hoặc dịch mũi của bệnh nhân, sử dụng chung dụng cụ cá nhân, ăn uống. Đa phần lây nhiễm sốt siêu vi qua dịch tiết bắn ra khi hắt hơi, nói chuyện, ho,... Một số ít trường hợp sốt virus lây truyền qua đường máu khi tiêm chích, quan hệ tình dục hoặc lây từ mẹ sang con lúc sinh.
Virus rất dễ lây lan và gây bùng dịch nhanh chóng, do đó việc phòng ngừa và ngăn lây nhiễm rất quan trọng. Người lớn cần lưu ý khi có biểu hiện bệnh không tiếp xúc gần với trẻ em, không hôn, thơm má trẻ. Nếu trẻ nhỏ bị bệnh cần cho bé nghỉ học, tránh tới nơi đông người gây lây lan cho mọi người.
3. Triệu chứng sốt siêu vi
Sốt siêu vi ở người trưởng thành và trẻ em có triệu chứng khá giống nhau, song ở trẻ thường rầm rộ hơn. Triệu chứng sốt siêu vi khá giống với cảm ốm thông thường, nhưng cần phân biệt rõ để điều trị đúng cách.
Sốt siêu vi gây triệu chứng sốt rất cao
Các triệu chứng thường gặp như:
- Sốt: ban đầu sốt nhẹ, sau đó sốt rất cao (từ 38 - 39°C, thậm chí lên tới 40°C). Sốt liên tục hoặc sốt theo cơn.
- Cơ thể mệt mỏi, đau nhức.
- Sốt siêu vi bội nhiễm gây triệu chứng: chảy nước mũi, ho, nghẹt mũi, viêm đỏ hầu họng, đỏ mắt, đau khớp, nhức đầu, nổi ban trên da,...
Ở trẻ nhỏ khi sốt cao không được hạ sốt kịp thời, trẻ dễ bị co giật, tăng tiết đàm nhớt dẫn đến suy hô hấp, thiếu oxy não, nếu không được xử lý kịp thời.
Đặc biệt, nếu trẻ < 2 tháng tuổi xuất hiện các triệu chứng sau, cần ngay lập tức đưa trẻ tới cơ sở y tế để thăm khám và điều trị như:
- Nổi ban toàn thân.
- Sốt cao liên tục trên 2 ngày.
- Tay chân run rẩy bất thường.
- Đi ngoài ra phân đen hoặc lẫn máu tươi.
- Đau bụng hoặc nôn ói.
- Thường xuyên giật mình.
4. Làm gì khi bị sốt siêu vi?
Hiện nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu sốt siêu vi, các loại thuốc điều trị sử dụng chủ yếu để điều trị triệu chứng, giảm khó chịu, tăng cường sức đề kháng, ngăn ngừa biến chứng có thể xảy ra.
Sốt siêu vi thường tự khỏi sau 7 - 10 ngày điều trị tích cực
Nếu sức đề kháng tốt, nghỉ ngơi điều trị tích cực, bệnh sẽ nhanh chóng thuyên giảm và khỏi hẳn sau 7- 10 ngày. Tuy nhiên trong thời gian đó, cần thường xuyên kiểm tra nhiệt độ cơ thể và các triệu chứng bệnh. Nếu nhiệt độ quá cao, kèm theo triệu chứng nặng cần sớm đi khám và điều trị tại cơ sở y tế.
Đặc biệt với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, cần đo nhiệt độ cơ thể trẻ thường xuyên. Đồng thời sử dụng thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ nếu trẻ sốt cao trên 38 oC. Thuốc thường dùng là Paracetamol dùng theo liều 10 - 15mg/kg/lần, dùng các lần cách nhau 4 - 6 giờ.
Bên cạnh đó, người bệnh cần nghỉ ngơi trong phòng yên tĩnh, thoáng mát, vệ sinh sạch sẽ cơ thể bằng khăn ấm lau người, mặc quần áo thoáng mát, thấm hút mồ hôi tốt.
Do sốt cao nên người bệnh sẽ mất nước, rối loạn điện giải nên cần bổ sung nhiều nước và điện giải bằng Oresol pha uống. Người bệnh sốt siêu vi, đặc biệt là trẻ nhỏ thường chán ăn, khó ăn, nên ăn các loại thức ăn lỏng, dễ nuốt như cháo, súp, chia nhỏ thành nhiều bữa ăn trong ngày. Ngoài ra, bổ sung Vitamin C từ hoa quả, trái cây cũng giúp tăng sức đề kháng, thúc đẩy bệnh nhanh chóng thuyên giảm.
Không tự ý sử dụng thuốc điều trị bệnh khi không có chỉ định của bác sĩ. Rất nhiều người tự ý sử dụng kháng sinh khi gặp các triệu chứng bệnh, nhưng kháng sinh chỉ có tác dụng với vi khuẩn, sốt siêu vi do virus gây ra nên không có tác dụng.
5. Phòng ngừa sốt siêu vi
Tăng cường sức đề kháng cơ thể, phòng ngừa sốt siêu vi luôn là cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe tốt nhất. Dưới đây là một số biện pháp phòng ngừa bệnh chủ động, an toàn và hiệu quả:
- Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, đúng bữa, khoa học để nâng cao thể trạng và hệ miễn dịch.
- Giữ gìn vệ sinh cá nhân sạch sẽ, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
- Tạo môi trường sống và làm việc sạch sẽ, thoáng mát, ngăn ngừa sự xâm nhập và phát triển của tác nhân gây bệnh.
- Tập thể dục hàng ngày để tăng cường sức khỏe.
Tiêm vắc xin cho trẻ em giúp phòng ngừa 1 số bệnh thường gặp
- Tiêm phòng đầy đủ vắc xin¸ đặc biệt là trẻ em.
- Không tiếp xúc với người bị bệnh hoặc có triệu chứng nghi ngờ bệnh.
- Không đến nơi đông người khi đang có dịch.
- Khi hắt hơi, sổ mũi nên dùng tay hoặc khăn giấy che lại, tránh lây nhiễm cho mọi người.
Hiểu rõ sốt siêu vi là gì, cách xử lý khi mắc bệnh và phòng ngừa hiệu quả sẽ giúp bạn không còn quá lo lắng về bệnh lý này nữa. Đây là bệnh lý khá thường gặp và không quá nguy hiểm, nhất là khi mọi người có kiến thức để xử lý và phòng bệnh đúng cách.