Trẻ nhỏ có sức đề kháng kém nên rất dễ bị ốm, trong đó sốt siêu vi là bệnh lý thường gặp nhất. Nếu được chăm sóc đúng cách, trẻ có thể khỏi sau vài ngày. Tuy nhiên, một số trường hợp bệnh tiến triển nhanh khiến trẻ có thể gặp nguy hiểm. Do đó, các bậc phụ huynh cần trang bị những kiến thức cơ bản để nhận biết nhanh nhất những dấu hiệu sốt siêu vi ở trẻ nhỏ và xử lý kịp thời, giúp con hạn chế nguy cơ biến chứng.
11/11/2021 | Triệu chứng sốt siêu vi ở người lớn thường biểu hiện như thế nào? 25/10/2021 | 6 dấu hiệu sốt siêu vi điển hình và cách xử lý an toàn, hiệu quả 06/05/2021 | Đi tìm lời giải cho băn khoăn sốt siêu vi có lây không 17/01/2021 | Cảnh báo: Những điều bạn phải biết về sốt siêu vi ở người lớn
1. Những nguyên nhân nào gây ra tình trạng sốt siêu vi ở trẻ nhỏ
Sốt siêu vi hay còn gọi là sốt virus. Đây là tình trạng thường gặp ở trẻ nhỏ và người lớn có hệ miễn dịch kém. Một số loại virus gây bệnh phổ biến là virus Rhinovirus, Enterovirus, Adenovirus và virus cúm,…
Bệnh thường gặp ở thời điểm giao mùa hoặc khi thời tiết thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh hoặc từ lạnh sang nóng. Đây là những điều kiện thời tiết rất thuận lợi để virus sinh sôi, phát triển và gây bệnh cho trẻ nhỏ và những đối tượng có hệ miễn dịch yếu.
Thời tiết thay đổi dễ khiến trẻ bị sốt
Tình trạng sốt siêu vi ở trẻ nhỏ thường kéo dài khoảng 7 đến 10 ngày. Nếu được điều trị đúng cách, bệnh sẽ nhanh chóng thuyên giảm, trẻ cũng sớm hồi phục sức khỏe. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh không nên chủ quan. Khi virus xâm nhập vào cơ thể trẻ, nó có thể hoạt động mạnh khiến bệnh diễn biến nhanh chóng, gây nguy hiểm cho trẻ nếu không được điều trị kịp thời.
2. Những dấu hiệu cảnh báo tình trạng sốt siêu vi ở trẻ nhỏ
Sốt siêu vi ở trẻ nhỏ có thể do các tác nhân siêu vi khác nhau gây ra nhưng thường là đều có một vài biểu hiện tương tự nhau, các bậc phụ huynh cần lưu ý quan sát và theo dõi trẻ nhiều hơn, để kịp xử lý các diễn biến hay biến chứng nguy hiểm. Dưới đây là những biểu hiện bệnh phổ biến:
Ở giai đoạn ủ bệnh: Trẻ thường xuất hiện một số biểu hiện như đau nhức cơ khớp, người mệt mỏi, trẻ bị viêm họng, ho, nhức đầu, nghẹt mũi, đỏ mắt và có thể nổi ban trên da,… Đối với những trẻ dưới 1 tuổi, các bé thường có biểu hiện quấy khóc nhiều và bỏ bú.
Trẻ quấy khóc, bỏ bú do sốt siêu vi
Trẻ bị bệnh có thể bị sốt nhẹ hoặc sốt cao, sốt ngắt quãng, một số trường hợp có thể sốt tới 40 độ C. Nếu không được xử trí kịp thời, những trường hợp này có thể chuyển sang giai đoạn toàn phát với những biểu hiện như sốt co giật, thậm chí trẻ có thể bị hôn mê, gặp nguy hiểm đến tính mạng.
Nếu thấy những biểu hiện sau, mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện để được các bác sĩ kịp thời khám và xử lý bệnh cho trẻ:
+ Trẻ sốt cao liên tục, kèm theo đó là tình trạng chân tay lạnh hơn và run bất thường.
+ Toàn thân trẻ có hiện tượng phát ban.
+ Trẻ bị đau bụng, nôn mửa.
+ Trẻ hay giật mình, hoảng sợ.
+ Trẻ xuất hiện tình trạng đi ngoài phân đen hoặc đi ngoài ra máu.
3. Mẹ cần lưu ý những gì khi nhận biết tình trạng sốt siêu vi ở trẻ nhỏ
Khi nhận biết được tình trạng sốt siêu vi ở trẻ nhỏ, mẹ cần chăm sóc con đúng cách để sức khỏe của bé sớm được cải thiện. Hiện nay, chưa có loại thuốc nào có thể đặc trị bệnh này, phần lớn các phương pháp được áp dụng để điều trị bệnh là giúp trẻ tăng cường sức đề kháng, nâng cao thể trạng sức khỏe của trẻ, điều trị triệu chứng cho trẻ và hạn chế tốt nhất nguy cơ biến chứng bệnh.
Mẹ nên thường xuyên kiểm tra thân nhiệt cho bé
- Điều quan trọng nhất mẹ cần làm là kiểm soát nhiệt độ của trẻ. Nếu trẻ bị sốt, mẹ nên áp dụng một số biện pháp đơn giản và an toàn để giúp trẻ hạ sốt, chẳng hạn như:
+ Cho bé mặc những bộ đồ thoáng mát, thấm hút mồ hôi.
+ Lau người, nhất là vùng bẹn và nách của trẻ bằng khăn sạch và ấm.
Nếu trẻ sốt cao, mẹ có thể cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của bác sĩ, tuân thủ đúng liều lượng dùng để tránh gây những hậu quả đáng tiếc. Thông thường trẻ sẽ được chỉ định sử dụng thuốc Paracetamol liều 10 - 15mg/kg/lần và mỗi liều dùng cách nhau ít nhất từ 4 đến 6 tiếng.
- Mẹ nên để trẻ nghỉ ngơi trong phòng thoáng và yên tĩnh.
- Nên cho trẻ uống nhiều nước để trẻ hạ sốt nhanh hơn, phòng ngừa nguy cơ mất nước. Tốt nhất, để tránh nguy cơ rối loạn điện giải, mẹ nên pha oresol theo đúng tỉ lệ cho trẻ.
- Sốt siêu vi khiến trẻ cảm thấy mệt mỏi và không muốn ăn, vì thế mẹ cần lưu ý nhiều hơn trong việc lựa chọn thực phẩm và chế biến đồ ăn cho trẻ. Nên cho trẻ ăn những thực phẩm dạng lỏng, mềm, dễ nuốt, chẳng hạn như cháo, súp,… Mẹ không nên ép trẻ ăn quá nhiều trong một bữa vì lúc này trẻ rất mệt mỏi, khó ăn. Thay vì thế, hãy chia nhỏ các bữa ăn để trẻ có thể dễ dàng hấp thụ dinh dưỡng.
Nên cho trẻ ăn cháo hoặc những món ăn dạng lỏng khác
- Trong chế độ ăn của trẻ, mẹ nên bổ sung nhiều chất dinh dưỡng và đặc biệt nên cho trẻ uống nhiều loại nước ép chứa vitamin C để tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ.
- Nếu thấy con có những biểu hiện bất thường, mẹ không nên chủ quan hoặc tự ý xử lý. Hãy nhanh chóng đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được các bác sĩ khám và điều trị sớm. Nếu mẹ để trẻ sốt quá cao có thể gây ra những biến chứng vô cùng nguy hiểm, thậm chí có thể dẫn tới tử vong.
4. Phải làm sao để phòng ngừa sốt siêu vi ở trẻ
Tình trạng sốt siêu vi ở trẻ có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe của con nếu mẹ không biết cách xử trí đúng. Do đó, cách tốt nhất là mẹ hãy trang bị những kiến thức để giúp con phòng ngừa bệnh hiệu quả. Dưới đây là những gợi ý cho mẹ:
- Mẹ nên đặc biệt quan tâm đến chế độ dinh dưỡng của trẻ. Một chế độ dinh dưỡng khoa học, hợp lý sẽ giúp con nâng cao thể trạng, tăng cường hệ miễn dịch để phòng chống tốt nhất các loại bệnh tật.
- Mẹ cũng cần chú trọng đến việc vệ sinh nhà cửa cũng như môi trường sống, vui chơi xung quanh trẻ, để hạn chế tối đa sự xâm nhập của virus vào cơ thể trẻ.
- Mẹ nên lựa chọn thực phẩm sạch, an toàn cho trẻ.
- Rửa tay sạch sẽ trước khi chế biến món ăn cho trẻ.
- Tiêm phòng đầy đủ cho trẻ.
Để tìm hiểu thêm về vấn đề sốt siêu vi ở trẻ nhỏ, mẹ có thể gọi đến Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC để được các bác sĩ khoa Nhi tư vấn chi tiết hơn.