Bỏng là tai nạn rất dễ gặp trong cuộc sống hàng ngày và có thể xảy ra với bất cứ ai. Vì là tai nạn không thể lường trước nên khi bị bỏng việc sơ cứu là rất quan trọng. Trong bài viết này MEDLATEC sẽ chia sẻ những lưu ý khi sơ cứu bỏng mà bạn không nên bỏ qua.
24/04/2020 | Những nguyên tắc cơ bản tuyệt đối cần thực hiện đúng khi sơ cứu bỏng 21/04/2020 | Bật mí cách chữa bỏng bô xe máy hiệu quả
1. Tìm hiểu về bỏng da
Nguyên nhân gây bỏng da
Trong cuộc sống hàng ngày có rất nhiều tác nhân gây bỏng cho da có thể kể đến như do nhiệt độ; do điện; do nước sôi, dầu mỡ; do hóa chất;… Đã có nhiều trường hợp bệnh nhân bị bỏng nặng khiến cho không chỉ vùng da bị tổn thương mà lớp cơ, mạch máu cũng bị ảnh hưởng, làm thay đổi cấu trúc vùng bị bỏng.
Trong những trường hợp nặng hơn bệnh nhân bị bỏng có thể tàn phế hoặc tử vong. Vì vậy việc sơ cứu bỏng rất quan trọng mà các bạn nên nắm được.
Nếu bị bỏng nặng sẽ rất nguy hiểm, thậm chí còn tử vong
Các mức độ bỏng da
Mức độ bỏng da sẽ được phân biệt dựa vào độ sâu của vết thương. Dưới đây là các mức độ bỏng, bao gồm cả bỏng nông và bỏng sâu:
Đối với bỏng nông:
-
Mức độ 1: Ở mức độ này là bỏng nhẹ, da chỉ bị tổn thương nông ở lớp biểu bì, viêm nề, xung huyết. Dấu hiệu là vùng da bị bỏng sẽ đỏ lên. Tuy nhiên vết bỏng này có thể tự khỏi sau thời gian từ 2 đến 3 ngày
-
Mức độ 2: Bỏng mức độ 2 da sẽ bị tổn thương ở biểu bì và lớp đáy còn. Vết bỏng khiến cho lớp biểu bì của da bị tổn thương, có dịch bên trong màu vàng. Tình trạng bỏng này có thể tự khỏi sau khoảng thời gian 10 ngày và phần da bị bỏng sẽ có màu nhạt hơn so với xung quanh.
-
Mức độ 3: Mức độ này da bị tổn thương phần nhú còn các phần còn lại như gốc lông, tuyến bã, tuyến mồ hôi lại không bị ảnh hưởng. Vết bỏng mức độ 3 có vòm dày màu đỏ, dịch màu trắng đục. Vết thương sẽ tự khỏi sau khoảng thời gian 15 ngày.
-
Mức độ 4: Đây là cấp độ nặng nhất đối với bỏng nông.Vết bỏng này khiến da bị tổn thương gần hết chiều sâu của trung bì và bám dính vào vùng cận hoại tử.
Những vết bỏng nhẹ có thể tự khỏi sau một thời gian nhất định
Đối với bỏng sâu:
-
Mức độ 1: Bỏng toàn bộ lớp da khiến da bị tổn thương nghiêm trọng, phá hủy các thành phần biểu mô và hoại tử có thể ướt hoặc khô. Đối với mức độ bỏng sâu này vết thương sẽ không thể tự khỏi được do thành phần các hạt biểu mô đã không còn.
-
Mức độ 2: Đây là mức độ nguy hiểm nhất do bỏng gây ra. Người bị bỏng có thể ảnh hưởng đến các lớp gân, cơ, xương và nội tạng trong cơ thể. Trường hợp bỏng nặng này thương do bỏng điện hoặc bỏng lửa gây ra. Hậu quả khi không được sơ cứu và điều trị đúng cách sẽ rất nặng nề.
2. Những lưu ý khi sơ cứu bỏng cần nắm được
Khi bị bỏng, nếu bệnh nhân không được sơ cứu và điều trị kịp thời có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng và đặc biệt còn nguy hiểm tới tính mạng. Vì thế dù bỏng nặng hay nhẹ thì việc sơ cứu đúng cách rất quan trọng để tránh xảy ra những đáng tiếc không mong muốn. Để sơ cứu bỏng đúng cách, hiệu quả thì bạn nên lưu ý một số vấn đề như sau:
-
Việc làm đầu tiên khi sơ cứu đó là đưa nạn nhân ra khỏi tác nhân gây bỏng.
-
Hãy lấy nước sạch xối trực tiếp vào vùng da bị bỏng trong khoảng thời gian 20 phút. Mục đích là để giảm nhiệt độ trên bề mặt vùng da bị bỏng, đồng thời làm giảm độ sâu do vết bỏng gây ra. Lưu ý là tuyệt đối không sử dụng đá lạnh để xối trực tiếp vào vết thương, chỉ lấy nước sạch thông thường là được.
-
Sau khi làm sạch vùng da bị tổn thương hãy lấy bông gạc hoặc khăn sạch để băng bó vết thương.
-
Bạn có thể nhận biết mức độ bỏng theo các cấp độ nêu trên để có thể đưa ra biện pháp sơ cứu bỏng thích hợp. Nếu vết bỏng nhẹ, không quá nguy hiểm thì bạn có thể tự thoa thuốc bỏng tại nhà. Còn tình trạng nặng hãy nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời.
-
Không bôi kem đánh răng lên vùng da bị bỏng, đây là cách sơ cứu bỏng sai lầm.
-
Nếu vết bỏng xuất hiện các bọc nước thì bạn nên cẩn thận, tránh làm vỡ bọc nước gây rát, khó chịu.
-
Nếu nạn nhân bị bỏng là trẻ em, để giúp trẻ không bị hoảng, cha mẹ nên cố gắng trấn tĩnh tâm lý của con.
Nếu đối tượng bị bỏng là trẻ em cha mẹ nên cố gắng trấn tĩnh trẻ
3. Sơ cứu bỏng trong một số trường hợp đặc biệt
Dưới đây là biện pháp sơ cứu bỏng trong trường hợp đặc biệt:
Bỏng do điện
Đối với sơ cứu bỏng do điện thì việc làm đầu tiên là ngắt nguồn điện tiếp xúc với nạn nhân bằng cách cắt cầu dao hoặc sử dụng vật dụng không truyền điện để đưa nạn nhân ra ngoài. Trong trường hợp tim nạn nhân ngừng đập cần cấp cứu để tim đập trở lại sau đó đưa bệnh nhân đi cấp cứu tại bệnh viện, cơ sở y tế gần nhất. Bỏng do điện rất nguy hiểm và để lại ảnh hưởng nặng nề, vì vậy việc sơ cứu đúng cách rất quan trọng mà bạn cần lưu ý.
Bỏng do hóa chất
Nếu vết bỏng do hóa chất gây ra bạn cần rửa với nước sạch để làm giảm nồng độ hóa chất. Nếu bỏng do acid có thể lấy thêm bicarbonat vào nước hoặc do bazo thì thêm chanh hoặc giấm để trung hòa hai loại dung dịch này. Nếu vùng bị bỏng ở mắt chỉ nên rửa bằng nước sạch trong khoảng 20 phút rồi nhanh chóng đi bệnh viện.
Nên sơ cứu bỏng nhanh chóng rồi đưa bệnh nhân đến bệnh viện gần nhất
Bỏng lửa
Bỏng lửa thường gặp trong cuộc sống. Việc đầu tiên khi sơ cứu bỏng do lửa đó là dập tắt lửa cháy trên quần áo của nạn nhân. Bạn có thể sử dụng chăn trùm lên, cách này khá hiệu quả. Có thể cởi bỏ quần áo đang cháy âm ỉ hoặc bị thấm nước nóng ra khỏi cơ thể để tránh khiến vết thương nặng hơn. Tuy nhiên nếu quần áo bị dính chặt vào vết bỏng thì bạn không nên cố gắng gỡ ra vì điều đó sẽ làm vết thương nặng hơn.
Việc sơ cứu bỏng không thể xem nhẹ bởi nó có thể gây bội nhiễm và để lại biến chứng nếu không được làm đúng cách. Vì vậy để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người xung quanh, bạn nên nắm rõ cách sơ cứu khi bị bỏng. Nếu còn bất kỳ câu hỏi hoặc thắc mắc cần được tư vấn hãy liên hệ ngay với MEDLATEC theo số điện thoại hotline 1900 56 56 56 để được hỗ trợ.