Ngày nay, nhiều người không còn xa lạ gì với kĩ thuật sinh thiết khối u. Tuy nhiên để hiểu rõ về sinh thiết, chỉ định và chống chỉ định, cũng như các lưu ý trong kĩ thuật này; các bạn có thể tham khảo bài viết sau đây.
23/05/2022 | Những điều cần biết và giá trị của sinh thiết tuyến tiền liệt 21/05/2022 | Sinh thiết màng hoạt dịch dưới hướng dẫn siêu âm 11/01/2022 | Tư vấn mẹ bầu: Thời điểm chọc ối và sinh thiết gai rau chính xác nhất 28/12/2021 | Sinh thiết gan là gì?
1. Sinh thiết khối u là gì?
Sinh thiết là thủ thuật cắt lấy mảnh bệnh phẩm ở vị trí tổn thương, sau đó đưa mảnh bệnh phẩm này lên phòng giải phẫu bệnh, để cắt và nhuộm - soi tổn thương dưới kính hiển vi. Từ đó đánh giá bản chất mô bệnh học của tổn thương, giúp đưa ra chẩn đoán chính xác. Theo đó, sinh thiết khối u là kĩ thuật cắt lấy mảnh khối u để làm giải phẫu bệnh; từ đó xem bản chất khối u là lành tính hay ác tính; và từ đó có hướng xử trí - can thiệp thích hợp.
Sinh thiết khối u giúp xác định chính xác bản chất tổn thương
Những kĩ thuật chẩn đoán hình ảnh hiện nay như Xquang, siêu âm, chụp CT hay MRI cũng chỉ đem lại cái nhìn về đại thể của khối u. Các đặc điểm về hình ảnh như vị trí, số lượng, tính chất cản quang - cản âm, mức độ tín hiệu của khối u, hay sự xâm lấn - bờ viền của khối u; tất cả chỉ đưa ra được định hướng đến bản chất của khối u là gì. Sinh thiết sẽ giúp hỗ trợ thêm trong chẩn đoán, bằng cách lấy các mảnh cắt của khối u ra soi dưới kính hiển vi, để từ đó đưa ra kết quả giải phẫu bệnh - tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán xác định khối u.
2. Có những loại sinh thiết khối u nào?
Trên thực tế lâm sàng, có nhiều loại sinh thiết được sử dụng, tuy nhiên có những loại sinh thiết sau thường được sử dụng: sinh thiết lỏng, sinh thiết kim lõi và sinh thiết mở. Trong đó sinh thiết kim lõi là kĩ thuật được áp dụng nhiều nhất và phổ biến hiện nay.
Sinh thiết lỏng là kĩ thuật sử dụng kim để lấy một lượng máu nhỏ, để từ đó xét nghiệm xem có các tế bào bất thường của khối u lưu hành trong máu hay không. Đặc biệt là các đoạn gen của khối u trong máu hoàn toàn có thể phát hiện được. Có nhiều người coi đây là xét nghiệm máu, tuy nhiên về bản chất của kĩ thuật là có sự khác biệt do việc phát hiện được tế bào khối u và đoạn gen của các tế bào u trong máu. Đây là kĩ thuật rất mới, có nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai do là kĩ thuật không xâm lấn, sử dụng được cho mọi đối tượng.
Sinh thiết lỏng là kĩ thuật phát hiện thành phần hoặc tế bào của khối u lưu hành trong máu
Sinh thiết mở là thủ thuật bộc lộ khối u ra ngoài bằng phẫu thuật hoặc bằng nội soi, từ đó bác sĩ sẽ quan sát và cắt lấy mảnh bệnh phẩm cần thiết. Đây là kĩ thuật ít được sử dụng do phải xâm lấn nhiều - có nguy cơ chảy máu, do phải bộc lộ khối u; tuy nhiên có ưu điểm với những khối u nhỏ có thể kết hợp để bóc và loại bỏ hoàn toàn khối u.
Sinh thiết kim lõi là kĩ thuật phổ biến nhất hiện hay. Kĩ thuật này sử dụng một kim có kích thước phù hợp, sau đó đưa kim vào vùng trung tâm khối u, đầu kim có lưỡi dao sẽ cắt lấy các mảnh tế bào của khối u, từ ngoài vào trong tùy theo vị trí mà bác sĩ nghi ngờ. Sau đó các mảnh bệnh phẩm này sẽ được chuyển đến phòng giải phẫu bệnh để cắt và nhuộm soi, để từ đó đưa ra kết quả giải phẫu bệnh - là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán các bệnh lý khối u. Đây là kĩ thuật xâm lân lấn tối thiểu nhưng mang lại giá trị cao trong chẩn đoán nên đang được ưu tiên chỉ định hiện nay.
Sinh thiết khối u phổi dưới sự dẫn đường của cắt lớp vi tính đem lại độ chính xác cao
Đặc biệt, kĩ thuật sinh thiết kim lõi dưới sự dẫn đường của các phương tiện chẩn đoán hình ảnh như siêu âm hay cắt lớp vi tính, đang là những xu hương phổ biến trong y học hiện đại. Bằng việc quan sát dưới siêu âm và cắt lớp vi tính, việc định hướng đường chọc kim sẽ được tốt hơn, tránh các vị trí nguy hiểm như mạch máu, thần kinh và tìm đường vào ngắn nhất đến tốn thương, đưa kim và cắt các vị trí nghi ngờ nhất.
3. Sinh thiết khối u khi nào và cần lưu ý gì?
Mặc dù là kĩ thuật phổ biến hiện nay nhưng không phải khi nào cũng cần sinh thiết khối u. Khi người bệnh đi khám tại các cơ sở y tế, sau khi được các bác sĩ thăm khám và hỏi bệnh, sẽ được chỉ định làm bổ sung như xét nghiệm máu hay các thăm dò chức năng và chẩn đoán hình ảnh. Chỉ khi có tất cả các kết quả về lâm sàng, xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh mà vẫn chưa thể khẳng định bệnh, khi đó bác sĩ mới chỉ định thêm sinh thiết khối u để bổ sung chẩn đoán.
Kết quả giải phẫu bệnh là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán, giúp bác sĩ khẳng định bệnh và đưa ra phác đồ xử trí. Tuy nhiên trong một số trường hợp đặc biệt, bác sĩ có thể sẽ cần sinh thiết lại ngay hoặc sau một khoảng thời gian nào đó để theo dõi tiến triển của khối u.
Do sinh thiết khối u là thủ thuật xâm lấn, nên với một số trường hợp bệnh nhân có rối loạn đông máu, suy tạng hoặc một số trường hợp bệnh nhân có bệnh lý đặc biệt, bác sĩ sẽ quyết định không thực hiện sinh thiết nữa do không đảm bảo đến sức khỏe của người bệnh. Nên những người có các bệnh lý mạn tính, hoặc sử dụng thuốc chống đông cần lưu ý khai báo ngay cho bác sĩ trước khi thực hiện sinh thiết.
Một phần quan trọng của sinh thiết khối u là kinh nghiệm và trình độ của bác sĩ thực hiện kĩ thuật và bác sĩ đọc kết quả giải phẫu bệnh. Do kinh nghiệm và chuyên môn mà bác sĩ thực hiện sinh thiết khối u sẽ chọn phần nào của khối u để cắt bệnh phẩm đi xét nghiệm, đặc biệt nếu được sự dẫn đường của siêu âm hoặc cắt lớp vi tính thì độ chính xác càng cao. Sau khi cắt được mảnh bệnh phẩm, bác sĩ giải phẫu bệnh sẽ nhận định hình ảnh dưới kính hiển vi, đo đó trình độ và kinh nghiệm của bác sĩ đóng vai trò quyết định đến việc nhận định kết quả.
4. Sinh thiết khối u ở bệnh viện nào tốt?
Hệ thống y tế MEDLATEC là cơ sở y tế với đội ngũ bác sĩ, chuyên gia có trình độ chuyên môn cao và nhiều kinh nghiệm trong chẩn đoán các bệnh lý khối u. Đặc biệt với hệ thống máy móc chẩn đoán hình ảnh hiện đại, việc sinh thiết khối u trở nên chính xác và an toàn hơn, mang lại kết quả tốt nhất cho người bệnh.
Bác sĩ thực hiện sinh thiết khối u dưới hướng dẫn của chụp cắt lớp vi tính tại BVĐK MEDLATEC
Hãy gọi điện ngay đến số hotline 1900 565656 để đặt lịch khám và tư vấn bạn nhé.