Siêu âm tim là kỹ thuật chẩn đoán có vai trò quan trọng trong việc thăm khám tình trạng tim và phát triển những bất thường liên quan. Siêu âm tim tiết lộ độ dày mỏng của cơ tim, khả năng bơm máu, kích cỡ, nhịp đập và hoạt động của tim, giúp ích rất nhiều trong chẩn đoán và điều trị bệnh tim mạch.
1. Siêu âm tim giúp phát hiện sớm các bệnh lí về tim mạch
Bác sĩ sẽ dùng một đầu dò có phát sóng siêu âm cho di chuyển trên phần da ngực của bệnh nhân. Các tín hiệu âm phản hồi sẽ được đầu dò ghi lại và truyền đến màn hình chiếu giúp bác sĩ quan sát được hoạt động hiện tại trực tiếp của tim.
Cụ thể sẽ biết được:
- Cách mà tim hoạt động và co bóp.
- Nhịp tim chuyển động trong mỗi phút
- Sự thay đổi hình dáng và kích thước của tim.
- Sự chuyển động bơm của các thành tim.
- Sức bơm của tim đến các cơ quan và thể tích máu được bơm trong tim trong mỗi phút.
- Các hoạt động và sự rộng hay hẹp của van tim.
- Phát hiện được những tổn thương ở cơ tim như: có bị hở van tim hay không, có cục máu đông ở các buồng tim không.
- Có các dị tật phức tạp ở tim, các khối u hay khối viêm nhiễm xung quanh van tim và mạch máu hay không.
Hình ảnh từ siêu âm tim
Từ việc siêu âm tim, các bác sĩ sẽ sớm phát hiện ra các vấn đề bệnh lí về tim mạch như: nhồi máu cơ tim, hở van tim, suy tim,… để người bệnh được biết và điều trị kịp thời nhất có thể.
2. Khi nào bạn cần siêu âm tim?
Nếu bạn có các dấu hiệu bất thường về tim như khó thở hay bị đau tức ngực thì việc siêu âm tim là rất cần thiết. Khi đó, các bác sĩ sẽ yêu cầu bạn siêu âm tim trong các trường hợp:
- Phát hiện ra những bất thường từ các xét nghiệm khác hoặc trong khi bác sĩ nghe tim thông qua ống nghe.
- Phát hiện ra các dấu hiệu về tim như tim đập nhanh và rung trong tim.
- Phát hiện dị tật trong tim như: tim bẩm sinh,…
- Phát hiện bệnh về tim như: hở van tim thông qua các triệu chứng khó thở, đau thắt ngực, tiểu đêm nhiều, hay chóng mặt, choáng váng và mất tập trung khi làm việc,…
- Nghi ngờ người bệnh mắc tăng áp động mạch phổi.
- Phát hiện người bệnh có người thân bị mắc các bệnh về tim trước đó.
Nên siêu âm tim khi phát hiện dấu hiệu bất thường về tim
3. Các bước thực hiện trước, trong và sau quá trình siêu âm tim?
Trước khi siêu âm tim
Trước khi đi siêu âm tim, bạn có thể ăn, uống nước và uống thuốc như bình thường nếu bạn chỉ siêu âm tim thông thường. Còn trong các trường hợp bạn bị khó nuốt thì nên thông báo cho bác sĩ được biết vì điều này có thể gây ra những khó khăn trong quá trình siêu âm tim qua thực quản.
Ngoài ra, khi siêu âm tim thông qua thực quản hay siêu âm tim gắng sức thì bác sĩ có thể yêu cầu bạn không ăn gì trong vài giờ để việc siêu âm tim mang lại hiệu quả chính xác nhất.
Trong quá trình siêu âm tim thông qua thực quản, bác sĩ có thể sử dụng tới thuốc an thần nên trước khi đi siêu âm, bạn nên đi cùng với người thân của mình để sự di chuyển được an toàn.
Quá trình thực hiện siêu âm tim
Hầu hết các quá trình siêu âm tim đều chỉ diễn ra chưa đến 1 giờ đồng hồ. Quãng thời gian này có thể thay đổi tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe cũng như bệnh lí của bạn. Bác sĩ sẽ thực hiện siêu âm tim trực tiếp tại phòng khám hoặc tại bệnh viện.
Quá trình thực hiện siêu âm tim diễn ra khoảng 1 tiếng
Trong khi thực hiện siêu âm tim
Bác sĩ sẽ yêu cầu bạn nằm trên giường và kéo áo từ eo lên để bác sĩ dùng các miếng dán là các điện cực vào cơ thể đồng thời sẽ theo dõi điện tim chạy trên màn hình chiếu trực tiếp.
Bác sĩ cũng sẽ dùng một loại gel để bôi lên phần cần siêu âm để tăng khả năng dẫn truyền sóng siêu âm. Lúc này, đầu dò sẽ được di chuyển qua lại trên ngực và ghi hình ảnh siêu âm tim của bạn. Bác sĩ sẽ chụp lại những phần quan trọng nhất trong quá trình siêu âm tim của bạn nếu phát hiện ra có bệnh lí về tim hay sự lưu thông máu đến các cơ tim bị hạn chế.
Nếu siêu âm tim qua thực quản, bạn sẽ được gây tê bằng ống xịt hoặc được chỉ định uống thuốc an thần để việc siêu âm diễn ra dễ dàng hơn.
Sau khi siêu âm tim
Sau khi bạn siêu âm tim xong, nếu không có vấn đề gì xảy ra, bạn có thể nhận kết quả và ra về cũng như có thể tham gia các hoạt động thường ngày. Còn nếu trường hợp phát hiện ra bệnh lí, bác sĩ sẽ chỉ định cho bạn ở lại điều trị hoặc kê đơn thuốc cho bạn tùy vào tình trạng bệnh của bạn.
4. Các tác dụng phụ nhẹ có thể gặp phải khi siêu âm tim?
Siêu âm tim nói riêng và phương pháp siêu âm nói chung là kỹ thuật chẩn đoán an toàn, nhanh chóng, cho hình ảnh rõ nét theo thời gian thực. Đến nay chưa ghi nhận tình trạng người bệnh gặp phải vấn đề sức khỏe gì khi thực hiện siêu âm. Tuy nhiên, bệnh nhân thực hiện siêu âm tim có thể gặp phải một số tác dụng phụ như:
- Hơi dính dính khi bác sĩ tháo bỏ băng dính gắn các điện cực khỏi ngực.
- Cổ họng có thể đau trong vài giờ nếu siêu âm tim qua thực quản, hoặc sẽ gặp phải một vài vấn đề về hô hấp do trong quá trình siêu âm có dùng một lượng thuốc an thần.
- Sự căng thẳng trong quá trình siêu âm tim hay dùng thuốc trong siêu âm tim gắng sức có thể làm tim đập nhanh hoặc loạn nhịp tim tạm thời. Điều này sẽ nhanh chóng chấm dứt và cơ thể bạn sẽ trở lại bình thường trong quãng thời gian ngắn.
Siêu âm tim qua thực quản có thể gây khó chịu cho bệnh nhân
Siêu âm tim là một trong những phương pháp hiện đại thăm dò không xâm lấn, không gây đau và không gây hại cho cơ thể nên bạn hoàn toàn có thể yên tâm.
Nếu bạn đang gặp phải vấn đề về tim hay có bất cứ thắc mắc nào, hãy liên hệ với MEDLATEC để được tư vấn nhanh nhất!