Rối loạn khớp thái dương - hàm là chứng bệnh xảy ra ở các cơ nhai, khớp thái dương hàm khiến người bệnh đau đớn, khó chịu khi mở miệng nói chuyện hay nhai thức ăn. Nguyên nhân gây ra tình trạng rối loạn này khá đa dạng như chấn thương xương hàm, viêm khớp, hàm siết quá chặt, thói quen nghiến răng,...
05/05/2022 | Hỏi đáp: Trẻ hở hàm ếch khi nào cần phẫu thuật? 12/03/2022 | Viêm xoang hàm và những điều người bệnh nên biết! 24/01/2022 | Nổi hạch dưới hàm có phải là bệnh lý ác tính hay không?
1. Rối loạn khớp thái dương - hàm là bệnh gì?
Khớp thái dương hàm là khớp nằm ở hai bên đầu, ngay phía trước tai, nối xương hàm dưới với xương thái dương. Để hệ cơ xương hoạt động bình thường, đảm bảo việc nhai, nuốt, nói hoặc ngáp, khớp thái dương hàm cần xoay hoặc di chuyển ra trước - sau, từ bên này sang bên kia. Chứng rối loạn khớp thái dương - hàm tình trạng trạng cơ, xương hoặc các mô khác thuộc khớp này bị tổn thương.
Khi đó, bệnh nhân sẽ có các triệu chứng như: đau, nhức trong hoặc xung quanh tai, khớp hàm, cơ hàm, mặt hoặc thái dương. Các hoạt động nhai thức ăn, ngáp, nói chuyện,... liên quan đến khớp thái dương - hàm cũng bị ảnh hưởng. Thậm chí ở một số người, chứng rối loạn nặng khiến họ khó có thể đóng hoặc mở miệng, phát ra tiếng kêu lạo xạo khi dùng cơ xương hàm, nhai ngáp hoặc mở miệng.
Biểu hiện ban đầu của chứng rối loạn khớp thái dương - hàm thường không rõ ràng, nhiều người chỉ có triệu chứng thoáng qua rồi khỏi nên hầu hết mọi người không bận tâm. Song không ít người bệnh tiến triển âm thầm, phát hiện và điều trị muộn nên rất khó điều trị, ảnh hưởng rất lớn đến cơ xương hàm, hoạt động nhai, nói chuyện hàng ngày.
Những nguyên nhân gây ra chứng rối loạn khớp thái dương - hàm bao gồm:
Rối loạn khớp thái dương - hàm có thể do tật nghiến răng
-
Yếu tố di truyền ảnh hưởng đến cấu tạo, hoạt động và khiến khớp thái dương - hàm bị sai lệch.
-
Tác động từ bên ngoài dẫn đến chấn thương trật khớp thái dương - hàm, thường là tai nạn lao động, tai nạn giao thông hoặc thể thao.
-
Do tật nghiến răng, thói quen siết chặt hàm răng làm tăng áp lực lên vùng cơ hàm, tổn thương khớp thái dương - hàm.
-
Thói quen ăn uống không khoa học, nhai thực phẩm cứng hàng ngày hoặc chỉ tập trung nhai ở một bên răng.
-
Hàm răng thừa, lệch lạc, khớp cắn không đều, thiếu hoặc mất răng,...
-
Căng thẳng tâm lý dẫn đến tình trạng co cơ hàm không tự chủ khi bình thường hoặc khi ngủ.
2. Triệu chứng rối loạn khớp thái dương - hàm
Tỉ lệ mắc chứng rối loạn khớp thái dương - hàm ở nữ giới cao hơn so với nam giới, các nhà khoa học chưa tìm ra nguyên nhân lí giải chính xác song được cho là có liên quan đến thay đổi nội tiết tố.
Kết luận này dựa trên cơ sở là các nghiên cứu về ảnh hưởng của các thụ thể estrogen trong não và mô hàm, có thể làm tăng căng thẳng, khiến não thiếu khả năng điều hướng và kiểm soát cơn đau. Ngoài ra, hormone progesterone cũng ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển của xương, sụn, protein trong cơ thể và cũng liên quan đến chứng bệnh này.
Rối loạn khớp thái dương - hàm ảnh hưởng tới hoạt động cơ miệng hàm
Những người mắc hội chứng rối loạn khớp thái dương - hàm có thể gặp những triệu chứng sau đây thoáng qua hoặc liên tục xuất hiện bao gồm:
-
Cảm giác đau vùng trước tai hoặc trong tai.
-
Đau ở các cơ nhai như: vùng dưới hàm, vùng góc hàm.
-
Cảm giác đau, mỏi vùng cơ hàm khi hoạt động liên quan như: há miệng, ăn, nhai thức ăn, nói chuyện, siết chặt hai hàm, nhai thức ăn cứng,...
-
Khi mở hoặc đóng hàm nghe rõ tiếng kêu lục cục do các khớp.
-
Đau có thể lan đến vùng thái dương, các cơ vùng cổ vai gáy, đau vùng trước tai và trong tai.
-
Đau nhức đầu, nửa đầu.
-
Cứng khớp hàm khiến người bệnh gặp khó khăn khi há miệng lớn.
Hầu hết người bệnh ở giai đoạn đầu không nhận thấy rõ các triệu chứng rối loạn khớp thái dương - hàm vì những triệu chứng này tương đối nhẹ và không xảy ra thường xuyên. Tuy nhiên khi kéo dài thời gian, khớp này bị rối loạn nặng thì người bệnh sẽ phải đối mặt với những cơn đau và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, sinh hoạt hàng ngày.
Rối loạn khớp thái dương - hàm nặng cần điều trị để giảm đau và phục hồi hoạt động bình thường
3. Điều trị chứng rối loạn khớp thái dương - hàm thế nào?
Chứng rối loạn khớp thái dương - hàm hoàn toàn có thể điều trị được và phương pháp điều trị ở mỗi bệnh nhân là khác nhau tùy theo tình trạng và nguyên nhân gây bệnh. Phương pháp điều trị được đánh giá cao về hiệu quả là nội khoa kết hợp với bài tập trị liệu hồi phục chức năng cơ khớp thái dương - hàm. Ngoài ra, bệnh nhân cũng sẽ được tư vấn về chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi, mài chỉnh khớp cắn, chỉnh nha,... tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh.
-
Thuốc điều trị rối loạn khớp thái dương - hàm: bác sĩ có thể chỉ định thuốc giãn cơ, thuốc giảm đau,... để giảm nhẹ triệu chứng, người bệnh có thể nhai cắn hay nói chuyện dễ dàng hơn.
-
Điều trị tâm lý nếu chứng rối loạn khớp thái dương - hàm có liên quan đến căng thẳng, lo âu để học kỹ thuật thư giãn, quản lý căng thẳng,...
-
Thuốc hoặc biện pháp bảo vệ khớp cắn, hạn chế tình trạng mài răng không chủ động vào ban đêm, nghiêm trọng hơn có thể phải phẫu thuật sửa chữa phần khớp cắn.
Bên cạnh điều trị y học, các chuyên gia khuyên người bị rối loạn khớp thái dương - hàm nên chủ động tránh những tác động tiêu cực bằng các biện pháp sau:
-
Chế biến ăn các loại thức ăn mềm, đã được cắt thành miếng nhỏ để giảm gánh nặng cho khớp răng hàm.
-
Tránh thực phẩm dính, dai như kẹo cao su, kẹo dẻo khiến bạn phải nhai lâu và mỏi hàm.
-
Tránh mở miệng quá rộng khi ngáp.
-
Tập bỏ thói quen siết chặt quá mức cơ quai hàm không chủ đích hoặc khi căng thẳng.
-
Thực hiện xoa bóp, tập kéo căng các cơ hàm.
-
Sử dụng nước ấm, khăn chườm mặt vùng hàm để làm thư giãn cơ, giảm đau đớn.
Người bệnh nên ưu tiên ăn thức ăn mềm để giảm gánh nặng cho khớp răng hàm
Khi được điều trị tốt, triệu chứng của chứng rối loạn khớp thái dương - hàm sẽ được cải thiện, không còn gây đau đớn, bất tiện nữa. Hi vọng với những chia sẻ của MEDLATEC trên bài viết này có thể giúp bạn đọc chủ động hơn trong phát hiện và điều trị bệnh sớm, tránh ảnh hưởng tới hoạt động của khớp thái dương - hàm để đảm bảo chất lượng cuộc sống tốt hơn.
Để đặt lịch thăm khám và tư vấn các bệnh lý chuyên khoa Răng hàm mặt của MEDLATEC, quý khách hàng liên hệ Tổng đài 1900 56 56 56.