Hiểu đúng, đủ quá trình phát triển của thai nhi là là điều cần thiết để chuẩn bị tốt hơn cho việc chào đón con yêu chào đời. Ngoài tìm hiểu quá trình phát triển này, cha mẹ cũng cần lưu ý những yếu tố có thể đe dọa đến thai, gây phát triển bất thường hoặc bệnh lý bẩm sinh.
24/05/2021 | Bác sĩ giải thích chi tiết các giai đoạn phát triển của thai nhi 22/04/2021 | Hở eo tử cung là bệnh gì? Có ảnh hưởng đến thai nhi không? 20/04/2021 | TORCH - Các nhiễm trùng từ mẹ có thể gây nguy hiểm cho thai nhi
1. Sự hình thành cơ quan trong quá trình phát triển của thai nhi
Quá trình phát triển của thai nhi gồm 3 giai đoạn chính, mỗi giai đoạn đặc trưng bởi sự hình thành, phát triển và hoàn thiện của các cơ quan từ quan trọng đến ít quan trọng.
Thai nhi phát triển là một quá trình kỳ diệu
1.1. Tam cá nguyệt thứ nhất
Đây là giai đoạn đầu tiên đặc trưng là sự hình thành các phần và cơ quan chính của cơ thể, bắt đầu là phôi nang kích thước rất nhỏ đến bào thai kích thước tương đối lớn. Sau tam cá nguyệt thứ nhất, một số cơ quan nội tạng quan trọng đã hình thành cơ bản và bắt đầu hoạt động.
Trái tim
Trái tim là cơ quan hình thành đầu tiên bắt đầu từ tuần thứ 5 - 6, đến tuần 7 trở đi đã có thể nghe thấy nhịp tim thai.
Các chi
Các chi bắt đầu hình thành từ tuần thai thứ 7 - 8, sau đó phát triển liên tục đến cuối thai kỳ để hoàn thiện các chi tiết nhỏ nhất.
Mắt
Mắt trẻ phát triển từ khoảng tuần thai thứ 9 nhưng cần nhiều tuần sau đó mới cảm nhận được ánh sáng và đóng mở.
Nội tạng
Nội tạng của thai bắt đầu hình thành và phát triển ở khoảng tuần thai 9 - 10.
Cơ quan sinh dục
Cơ quan sinh dục ngoài phát triển vào khoảng tuần thai thứ 11 - 12, cho biết giới tính thai.
Cơ quan sinh dục của thai bắt đầu phát triển từ cuối tam cá nguyệt thứ nhất
1.2. Tam cá nguyệt thứ hai
Giai đoạn này đặc trưng bởi sự phát triển chi tiết hơn, hoàn thiện hơn các cơ quan quan trọng và hình thành, phát triển các cơ quan khác trong cơ thể. Khi thai bước sang tam cá nguyệt thứ hai, mẹ sẽ bắt đầu cảm nhận được những cử động đầu tiên, ngoài ra thị giác, vị giác và thính xác phát triển nên trẻ đã cảm nhận được phần nào cuộc sống.
Thận
Thận thai bắt đầu sản xuất nước tiểu từ khoảng tuần thai 14 - 15.
Não
Não của trẻ ở giai đoạn này phát triển rất nhanh và vô cùng phức tạp.
Phổi
Phổi của trẻ đến khoảng tuần thứ 27 đã phát triển tương đối hoàn thiện, song chưa thể hoạt động đầy đủ chức năng. Cần một thời gian luyện tập để trẻ hít thở được khi ra môi trường ngoài.
1.3. Tam cá nguyệt thứ 3
Sang đến giai đoạn này, thai nhi cơ bản đã hoàn thiện với đầy đủ các bộ phận, cơ quan cần thiết cho sự sống. Song những tuần thai cuối cùng này, các bộ phận, cơ quan sẽ tiếp tục phát triển hoàn thiện hơn, đảm bảo hoạt động tốt hơn để chuẩn bị sẵn sàng cho sự kiện chào đời.
Phổi và não
Đây là hai cơ quan hoàn thiện nhiều nhất ở giai đoạn này.
Tế bào thần kinh
Vô số tế bào thần kinh hình thành trong não bộ thai nhi.
Tam cá nguyệt thứ 3 là giai đoạn hoàn thiện phát triển cuối cùng
Một điểm khác biệt lớn giữa tam cá nguyệt thứ 3 và các giai đoạn khác là sự hình thành của lớp chất béo tích tụ khắp cơ thể, giúp trẻ giữ ấm và trông mũm mĩm hơn.
Có thể thấy, quá trình phát triển của thai nhi trong bụng mẹ là rất phức tạp và nhanh chóng. Chỉ sau khoảng thời gian 9 tháng 10 ngày, một cơ thể đã hoàn thiện và tồn tại được khi chào đời.
2. Các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình phát triển của thai nhi
Thai nhi phát triển trong bụng mẹ được bảo vệ bằng nhiều lớp, song vẫn không tránh khỏi bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố tác động.
2.1. Tình trạng sức khỏe của mẹ bầu
Sức khỏe của mẹ ảnh hưởng rất lớn đến việc nuôi dưỡng thai, từ đó khiến quá trình phát triển của thai nhi có thể bị rối loạn. Nếu thai phụ bị suy tim, co bóp yếu, máu không được đưa đủ đến các cơ quan cũng như qua rau thai để nuôi dưỡng thai nhi.
Thiếu hụt dinh dưỡng ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của thai, dễ gây các vấn đề như: chậm phát triển, thai nhẹ cân, thai sinh non,… Nghiêm trọng hơn, sức khỏe mẹ quá kém có thể gây thai chết non.
2.2. Vấn đề gen di truyền
Thai nhi phát triển được nhận gen từ cả hai bố mẹ, bất thường gen gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến sự phát triển của thai. Vấn đề di truyền nghiêm trọng thường thể hiện thành bệnh lý thai ngay sau khi thụ tinh và phát triển thai. Theo quy luật chọn lọc tự nhiên những thai này thường bị chết non, sảy thai,…
Gen di truyền ảnh hưởng rất lớn đến quá trình phát triển của thai nhi
Những khuyết tật không gây chết thai cũng sẽ ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của thai, thường gây dị tật bẩm sinh nghiêm trọng.
2.3. Biến chứng bệnh lý
Người mẹ mắc các bệnh lý, đặc biệt là bệnh lý về cơ quan sinh sản như: hẹp vòi dẫn trứng, viêm nhiễm phụ khoa, ung thư tử cung,… có thể gặp biến chứng sau điều trị. Biến chứng này cũng đe dọa trực tiếp đến sức khỏe và sự phát triển của thai, nguy cơ gây nhiễm trùng thai, chửa ngoài dạ con, thai sinh non,…
2.4. Chế độ dinh dưỡng của thai phụ
Chế độ dinh dưỡng rất quan trọng với sự phát triển của thai nhi và sức khỏe của thai phụ. Vì thế, mẹ bầu cần ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, hợp lý và khoa học. Thiếu hụt dinh dưỡng, đặc biệt là các nhóm chất quan trọng sẽ ảnh hưởng xấu đến cả mẹ và trẻ.
Với mẹ bầu, thiếu dinh dưỡng sẽ gây sút cân, gầy gò, giảm đề kháng, nguy cơ biến chứng thai kỳ cao. Với thai nhi, ảnh hưởng sẽ là chậm phát triển, suy dinh dưỡng, sức khỏe kém, tỉ lệ tử vong sau sinh cao.
2.5. Sức khỏe tinh thần của thai phụ
Sức khỏe tinh thần cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến quá trình phát triển của thai nhi. Mẹ bầu thường xuyên u uất, trầm cảm, buồn sầu, vợ chồng thường xuyên cãi vã thì trẻ sinh ra có tỉ lệ chậm phát triển trí tuệ, tự kỷ bẩm sinh cao hơn bình thường.
Tia phóng xạ ảnh hưởng rất lớn đến quá trình phát triển thai
2.6. Các yếu tố bên ngoài
Mặc dù được bảo vệ nhiều lớp để thai nhi phát triển tốt nhất trong bụng mẹ song một số yếu tố gây hại mạnh vẫn ảnh hưởng như: sang chấn va đập mạnh, tia phóng xạ, hóa chất độc hại, thuốc kháng sinh, thuốc chứa chất gây hại đến thai kỳ, vi sinh vật,…
Để đảm bảo sức khỏe và sự phát triển tốt nhất, mẹ bầu nên được chăm sóc tốt, hạn chế tối đa yếu tố ảnh hưởng đến quá trình phát triển của thai nhi. Nếu có những yếu tố gây hại này, mẹ bầu nên chủ động đi kiểm tra, sàng lọc thai để phát hiện, can thiệp sớm những vấn đề bất thường của thai.