Buồn nôn và nôn là những triệu chứng nghén khi mang thai thường gặp, phổ biến ở 70 - 80% phụ nữ trong thai kỳ. Tình trạng ốm nghén khiến mẹ bầu bị nhiều ảnh hưởng về thể chất, tâm lý. Vậy có thể can thiệp gì để giảm nghén khi mang thai an toàn? Các chuyên gia sản khoa bệnh viện MEDLATEC sẽ đưa ra những lời khuyên tốt nhất cho các thai phụ.
26/07/2020 | Lưu ý cho mẹ bầu: Đi siêu âm thai có được ăn không? 25/07/2020 | Xét nghiệm NIPT ở đâu uy tín và an toàn cho mẹ bầu? 07/05/2020 | Tìm hiểu về chứng ốm nghén khi mang thai và cách khắc phục
1. Nghén khi mang thai có hại cho thai nhi không?
Ốm nghén, nôn và buồn nôn khi mang thai là một trong những tình trạng thường gặp và gây nhiều khó chịu nhất cho phụ nữ. Tình trạng này thường xuất hiện ở khoảng 70 - 80% phụ nữ mang thai, chủ yếu ở các tuần đầu của thai kỳ. Một số trường hợp nghén nặng hơn kéo dài lâu hơn, đôi khi đến hết thai kỳ.
Nghén khi mang thai là triệu chứng khá thường gặp
Nghén khi mang thai khiến mẹ bầu gặp phải các vấn đề sức khỏe như:
- Buồn nôn thường xuyên, nhất là khi gặp tác nhân kích thích như mùi thức ăn, mùi kích thích,…
- Nôn với tần suất khác nhau ở mỗi phụ nữ mang thai.
- Mệt mỏi, mất nước, suy nhược cơ thể, thậm chí sụt cân do nôn quá nhiều.
Thông thường, nghén khi mang thai không gây hại nghiêm trọng cho sức khỏe của cả mẹ lẫn thai nhi. Tuy nhiên các trường hợp nghén nặng, mẹ bị nôn nhiều lần nhưng không có biện pháp khắc phục kịp thời có thể gây mất nước, mất cân bằng điện giải, sụt cân quá mức, không thể ăn uống, rối loạn tuyến giáp, gan và nước ối. Sự phát triển của thai nhi cũng bị ảnh hưởng.
Nghén nặng hay nhẹ phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như: sức khỏe, cơ địa của thai phụ, lần mang thai, sự phát triển của thai nhi,… Ốm nghén không nói lên sự phát triển của thai nhi gặp vấn đề, vì thế mẹ không nên quá lo lắng. Hãy cố gắng nghỉ ngơi, ăn uống đầy đủ, giai đoạn này sẽ mau qua và mẹ sẽ nhanh chóng được đón bé chào đời.
Ốm nghén không phải là dấu hiệu nguy hiểm trong thai kỳ
2. Làm gì để giảm nghén một cách an toàn?
Chúng ta đều biết rằng, cơ thể thai phụ vô cùng nhạy cảm, từ chế độ dinh dưỡng, luyện tập, đặc biệt là các loại thuốc và thực phẩm dinh dưỡng sử dụng đều cần đặc biệt cẩn thận.
Nhiều hoạt chất có thể sử dụng cho người bình thường nhưng lại gây hại cho thai phụ và đứa trẻ. Vì thế làm sao để giảm triệu chứng nghén khi mang thai, giúp mẹ đỡ Mệt mỏi một cách an toàn được nhiều người thắc mắc.
Dưới đây là một số biện pháp hiệu quả có thể áp dụng.
2.1. Biện pháp không dùng thuốc
Các biện pháp giảm nghén này luôn được khuyến khích sử dụng trước nếu tình trạng nghén của mẹ không quá nặng và có thể khắc phục được.
Tránh xa tác nhân dễ gây kích thích buồn nôn
Các thực phẩm và mùi dễ kích thích gây cơn buồn nôn cho phụ nữ mang thai thường là: thức ăn cay, nóng, đồ chiên rán chứa nhiều dầu mỡ, thực phẩm có hàm lượng protein cao, rượu bia và các thức uống có cồn,… Tránh xa những tác nhân này giúp bạn ngăn ngừa hiệu quả cơn nghén.
Thường xuyên súc miệng
Với thai phụ bị nghén, nước bọt tiết cũng nhiều hơn. Nhiều người có thói quen nuốt nước bọt nhiều, song việc này càng làm tăng thêm triệu chứng buồn nôn. Cách tốt nhất là nên nhổ nước bọt, súc miệng thường xuyên với nước muối loãng để làm sạch miệng và cổ họng. Ngoài ra, bạn cũng có thể ngăn ngừa acid dạ dày trào ngược lên ăn mòn răng.
Súc miệng với muối trắng cũng giúp giảm cơn buồn nôn
Bổ sung Vitamin đúng cách
Phụ nữ mang thai được khuyên nên bổ sung Vitamin tổng hợp vào những giai đoạn quan trọng nhất định của thai kỳ để cung cấp kịp thời nhu cầu dinh dưỡng của mẹ và thai nhi. Uống Vitamin cũng có thể là tác nhân khiến mẹ bầu bị buồn nôn, nôn ói.
Vì vậy trong 3 tháng đầu thai kỳ là thời điểm hay bị nghén, mẹ bầu có thể bổ sung acid folic, vitamin tổng hợp không chứa sắt. Có thể dùng kèm với bánh quy, uống trước khi đi ngủ để giảm cảm giác buồn nôn.
Sau khi hết giai đoạn thai nghén, mẹ có thể dùng Vitamin tổng hợp và các dưỡng chất quan trọng khác mà không cần lo lắng.
Một số thực phẩm hiệu quả trong giảm nghén, ngừa nôn
Những cơn ốm nghén khi mang thai khiến bạn không thể ăn uống? Vậy thì hãy thử chia nhỏ các bữa ăn lớn thông thường thành nhiều bữa ăn nhỏ với lượng ít hơn, ăn thường xuyên suốt cả ngày nhé.
Bánh quy, bánh mì, khoai tây nướng, kẹo cứng, gừng, chanh tươi hoặc chế phẩm từ chúng có tác dụng giảm cảm giác buồn nôn hiệu quả. Với nước uống cũng chia nhỏ uống trong ngày, đảm bảo ít nhất 2 lít chất lỏng gồm cả nước, canh, thức uống khác,…
Chế độ dinh dưỡng cũng giữ vai trò quan trọng trong giảm nghén cho mẹ
Giữ tinh thần thoải mái
Cơ thể mệt mỏi, khó chịu khi ốm nghén cần thời gian nghỉ ngơi để phục hồi. Vì thế đừng quá căng thẳng, cố gắng chia sẻ với ai đó thấu hiểu bạn về những vấn đề gặp phải để tìm cách giải quyết tốt nhất nhé. Ốm nghén dù khó chịu nhưng đó là “tiếng nói” mà đứa trẻ của bạn đang cố gắng truyền tới các bậc cha mẹ.
2.2. Trường hợp nghén khi mang thai cần can thiệp y tế
Nếu tình trạng ốm nghén nặng, gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của mẹ thì bác sĩ có thể can thiệp sử dụng thuốc chống nghén an toàn dành cho phụ nữ mang thai. Khi gặp phải các biểu hiện ốm nghén bất thường sau, mẹ bầu cần sớm liên hệ bác sĩ để được thăm khám:
- Sụt cân nhanh chóng, suy kiệt sức khỏe.
- Ốm nghén kéo dài không suy giảm sau 3 tháng thai kỳ đầu.
- Buồn nôn, nôn mửa quá mức cùng sự phát triển của bụng quá nhanh so với tuổi thai.
- Thường xuyên chóng mặt, dễ ngất xỉu.
- Đi tiểu ít, nước tiểu đỏ.
Những trường hợp thai phụ bị nghén nặng, nôn mửa nhiều không thể kiểm soát cần được nhập viện để theo dõi, truyền dịch bổ sung nước và cân bằng điện giải, truyền dinh dưỡng nếu không thể ăn uống. Giảm nghén khi mang thai sẽ giúp mẹ có một thai kỳ an toàn, thoải mái, khỏe mạnh.
Nghén nặng cần được can thiệp y tế sớm để đảm bảo an toàn cho mẹ và bé
Ốm nghén khi mang thai xuất hiện ở thai kỳ nhạy cảm nhất, vì thế cha mẹ cần đặc biệt cẩn thận, theo dõi mọi biểu hiện bất thường để can thiệp sớm. Ngoài ra, để chủ động bảo vệ sức khỏe cho mẹ và thai nhi, thai phụ nên chú ý xét nghiệm thai kỳ, siêu âm kiểm tra định kì.
Dựa trên kết quả thăm khám, bác sĩ sẽ đưa ra những lời khuyên tốt cho sức khỏe của mẹ cũng như sự phát triển của trẻ. Hãy liên hệ với Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC qua hotline 1900 56 56 56 nếu cần tư vấn thêm.