Là bệnh lý ở lợn, có mức độ lây lan nhanh chóng trên diện rộng, bệnh dịch tả lợn Châu Phi đã và đang trở thành mối quan tâm của nhiều người. Để có cái nhìn tổng quan về căn bệnh trên, bài viết sau đây sẽ gửi đến bạn đọc một số thông tin cần thiết về dịch tả lợn, từ đó sớm nhận biết và đưa ra phương pháp phòng tránh hiệu quả.
23/11/2020 | Chuyên gia tư vấn cách nhận biết và phòng tránh Ebola 22/06/2020 | Dịch tả lợn Châu Phi có biểu hiện như thế nào và cách phòng tránh? 07/04/2020 | Bạn biết gì về vi khuẩn Vibrio Cholerae gây bệnh tả ở người
1. Tổng quát về dịch tả lợn Châu Phi
Đây là bệnh lý thường gặp ở mọi loại lợn trong mọi lứa tuổi với khả năng lây lan nhanh chóng, bắt nguồn từ một loại Virus có nguồn gốc xuất xứ từ Châu Phi. Qua số liệu thống kê thực tế cho thấy, tỷ lệ lợn chết do bệnh lý này đạt ở con số báo động 100%.
Dịch bài tiết, máu hoặc các cơ quan của lợn đã nhiễm bệnh là nơi được tìm thấy những loại Virus gây bệnh này. Đặc biệt, virus gây dịch tả lợn Chân Phi thường có khả năng tồn tại rất lâu trong điều kiện nhiệt độ thường và thấp. Do đó, chúng có khả năng lây lan nhanh trên diện rộng, dẫn đến hậu quả vô cùng nguy hiểm.
Bệnh dịch tả lợn không có khả năng lây lan sang người, tuy nhiên có thể thấy còn người là một trong những tác nhân phát tán loại Virus này. Chúng lây nhiễm từ lợn bệnh qua lợn khỏe mạnh thông qua hai con đường chính là hệ hô hấp và tiêu hóa. Các tiếp xúc thông thường như chung chuồng trại, phương tiện vận chuyển, thực phẩm chế biến từ lợn nhiễm bệnh,... là tác nhân dẫn đến việc lây lan nhanh chóng.
Nếu không có biện pháp kiểm soát phù hợp, dịch tả lợn sẽ lây lan nhanh chóng
Thông thường chúng sẽ có thời gian ủ bệnh từ 3 đến 15 ngày, thể cấp tính có thời gian ngắn hơn, trong khoảng từ 3 đến 4 ngày.
Thể quá cấp tính
Lợn mắc bệnh ở giai đoạn này thường không có biểu hiện lâm sàng hoặc chỉ xuất hiện triệu chứng nằm ủ rũ, sốt cao và chết nhanh chóng.
Thể cấp tính
-
Lợn sốt cao kéo dài với nhiệt độ giao động trong khoảng 40,5 đến 42 độ C.
-
Khi mới nhiễm bệnh ở 2 đến 3 ngày đầu, lợn thường chán ăn, không vận động, có xu hướng thích nằm gần nước.
-
Da lợn bắt đầu có xu hướng chuyển màu từ trắng sang đỏ tại các vùng tai, đuôi, cẳng chân,... Phần da tại ngực và bụng có thể chuyển sang màu xanh tím.
-
Trước khi chết từ 1 đến 2 ngày, lợn có những triệu chứng liên quan đến hệ thần kinh, đi lại không vững, hơi thở gấp gáp, mũi tiết dịch kèm máu, nôn mửa, táo bón,...
-
Trong trường hợp lợn có khả năng khỏi bệnh hoặc không có triệu chứng lâm sàng thì chúng có khả năng nhiễm loại Virus này cả đời và là nguồn lây nhiễm nguy hiểm.
Thể á cấp
-
Lợn thường không sốt hoặc sốt nhẹ, có dấu hiệu chán ăn, giảm cân, khó thở.
-
Lợn bước đi khó khăn, có thể bị viêm khớp và nguy cơ sảy thai cao nếu đang mang thai.
-
Tỉ lệ lợn chết ở thể á cấp là 30 - 70% sau khoảng 15 đến 45 ngày nhiễm bệnh.
Lợn bị dịch thường có triệu chứng chán ăn, mệt mỏi
3. Sức khỏe con người với Bệnh dịch tả heo Châu Phi
Bệnh dịch tả lợn có ảnh hưởng đến sức khỏe con người không?
Qua thực hiện nghiên cứu, các chuyên gia nhận định rằng bệnh dịch tả lợn Châu Phi không có khả năng lây nhiễm sang người, do đó sẽ không đe dọa trực tiếp đến sức khỏe con người. Tuy nhiên, loại Virus này có khả năng tồn tại cao ở nhiều điều kiện khác nhau, lợn bị bệnh sẽ có nguy cơ mắc nhiều bệnh lý khác như: cúm, thương hàn, tai xanh,...
Đáng chú ý rằng, khi con người ăn phải thịt lợn đã nhiễm những bệnh lý trên sẽ dễ dàng gặp phải các vấn đề liên quan đến hệ tiêu hóa. Nguy hiểm hơn là khi Vi khuẩn liên cầu ở lợn nhiễm bệnh tai xanh xâm nhập trực tiếp vào cơ thể sẽ dẫn đến nhiều hậu quả khó kiểm soát như: nôn ói, đau đầu, sốt cao, thậm chí là ngộ độc đường tiêu hóa và viêm màng não.
Việc tiêu hủy lợn đã nhiễm dịch cần được tiến hành nhanh chóng, an toàn
Biện pháp ngăn ngừa Bệnh dịch tả lợn Châu Phi
Qua đó có thể thấy, dịch tả lợn Châu Phi có nguy cơ gây ảnh hưởng gián tiếp rất cao đến sức khỏe con người. Đồng thời, bệnh dịch này hiện nay vẫn chưa có vắc xin phòng ngừa hay thuốc đặc trị. Vì vậy, mỗi cá nhân cần chủ động phòng tránh dịch thông qua các biện pháp như:
-
Thường xuyên vệ sinh sạch sẽ, sát trùng chuồng trại, phương tiện vận chuyển và các dụng cụ giết mổ lợn tại các cơ sở chăn nuôi, buôn bán.
-
Người thực hiện chăn nuôi lợn nên vệ sinh cá nhân sạch sẽ bằng các dung dịch sát khuẩn sau khi tiếp xúc với lợn.
-
Lối ra vào khu vực nuôi lợn nên được bố trí hố khử trùng, người chăm sóc cần được trang bị đồ bảo hộ. Đặc biệt, cần trang bị hệ thống thu gom và xử lý chất thải đạt chuẩn theo các yêu cầu hiện hành.
-
Khi phát hiện lợn nhiễm bệnh hoặc có dấu hiệu nghi ngờ, cần nhanh chóng thực hiện cách ly và báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền, nhiệm vụ kiểm tra, xử lý.
-
Nên có phương pháp phù hợp để tiêu diệt các sinh vật lây truyền trung gian có khả năng phát tán mầm bệnh như: ruồi, muỗi, kiến,...
-
Tuyệt đối không mua, giết mổ và sử dụng lợn chưa có kiểm chứng hoặc không xác định được nguồn gốc xuất xứ.
-
Trong việc chế biến thức ăn hàng ngày cần đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, ăn chín, uống sôi.
-
Cần chú ý lựa mua những miếng thịt có màu sắc ổn định, bì mềm mại, thớ thịt săn chắc. Tuyệt đối không nên chọn mua những miếng thịt lỏng lẻo, chuyển màu sắc bất thường. Đồng thời, tránh sử dụng thịt có mùi lạ hoặc mùi của thuốc kháng sinh.
-
Thực hiện tái đàn sau dịch bệnh cần đảm bảo tuân thủ các yêu cầu, hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền trong việc nhập giống, vệ sinh chuồng trại,...
-
Khi có nhu cầu nhập lợn giống cần chọn những con có nguồn gốc, khỏe mạnh. Lợn nhập tại các khu vực ngoại tỉnh cần có giấy kiểm dịch. Đồng thời, nên nuôi cách ly 2 tháng trước khi thực hiện tái đàn.
Nên chọn mua thịt có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, không có dấu hiệu bất thường
Hiểu rõ được dấu hiệu nhận biết và biện pháp phòng ngừa là giải pháp quan trọng trong vấn đề ngăn chặn tái phát bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Nếu có thắc mắc cần được tư vấn, giải đáp, vui lòng liên hệ các chuyên gia Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC thông qua số Hotline 1900 56 56 56 để được hỗ trợ.