Đối với những người có cơ địa dị ứng thực phẩm thì việc ăn phải các thực phẩm làm kích hoạt tình trạng ấy sẽ vô cùng nguy hiểm, thậm chí có trường hợp nặng còn gây sốc phản vệ đe dọa tới tính mạng. Vì thế, biết được các loại thực phẩm có thể gây dị ứng để tránh xa sẽ giúp họ phòng ngừa được những nguy cơ bất lợi cho chính mình.
29/09/2021 | Dị ứng thời tiết có nguy hiểm không và cách xử lý khi bị dị ứng 01/09/2021 | Một số trường hợp dị ứng khi đang mang thai và mức độ nguy hiểm 25/08/2021 | Tất tần tật mọi điều cần biết về hội chứng dị ứng miệng
1. Dị ứng thực phẩm có triệu chứng như thế nào
1.1. Thế nào là dị ứng thực phẩm
Dị ứng thực phẩm là hiện tượng xảy ra khi hệ thống miễn dịch có phản ứng với một thực phẩm vô hại nào đó. Nguyên nhân chính của nó là do hệ thống miễn dịch xác định nhầm protein có trong thực phẩm là có hại nên sinh ra phản ứng tự bảo vệ gồm giải phóng hóa chất, điển hình là histamin và gây viêm.
1.2. Triệu chứng dị ứng thực phẩm thường gặp
Các triệu chứng dị ứng thực phẩm có thể xảy ra ngay khi tiếp xúc với thực phẩm hoặc vài giờ sau đó. Triệu chứng thường gặp nhất gồm:
Người bị dị ứng thực phẩm thường nổi ban đỏ ngứa ngáy trên da
- Mặt, miệng, lưỡi bị sưng.
- Huyết áp thấp.
- Khó thở.
- Tiêu chảy.
- Nôn.
- Nổi ban đỏ, ngứa ngáy.
- Sốc phản vệ gây nguy hiểm cho tính mạng gồm:
+ Đường thở bị thắt chặt.
+ Sưng và có cảm giác cổ họng bị nghẹn.
+ Huyết áp giảm mạnh.
+ Mạch nhanh.
+ Chóng mặt.
+ Mất ý thức
1.3. Dị ứng thực phẩm khác với không dung nạp thực phẩm
Rất nhiều người do không biết rõ thế nào là dị ứng thực phẩm nên nhầm lẫn nó với không dung nạp thực phẩm. Tuy nhiên, đây là hai hiện tượng khác nhau hoàn toàn. Trong đó, không dung nạp thực phẩm không có mối liên quan với hệ thống miễn dịch nên không gây nguy hiểm cho tính mạng.
2. Các loại thực phẩm có thể gây dị ứng cần thận trọng
2.1. Sữa bò
Sữa bò là một trong các loại thực phẩm có thể gây dị ứng phổ biến nhất. Tình trạng này dễ gặp ở trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh, nhất là những tiếp xúc với sữa bò trước 6 tháng tuổi. Nếu dị ứng với sữa bò, người bệnh sẽ xuất hiện phản ứng dị ứng trong khoảng 5 - 30 phút sau khi tiếp xúc với sữa bò hoặc các chế phẩm từ sữa bò. Triệu chứng dị ứng sữa bò thường là: sưng da, nổi mề đay, phát ban,... ít khi sốc phản vệ.
2.2. Trứng
Trứng cũng là thực phẩm rất dễ gây dị ứng ở trẻ nhỏ với các triệu chứng như: đau dạ dày, phát ban hoặc nổi mề đay trên da, có vấn đề về đường hô hấp,... ít khi sốc phản vệ.
Trứng gà là một trong các loại thực phẩm có thể gây dị ứng
Do protein trong lòng trắng có khác một chút so với lòng đỏ trứng nên có người thì dị ứng với lòng đỏ, lại có người dị ứng với lòng trắng. Tuy nhiên, chất gây dị ứng thường tìm thấy ở lòng trắng trứng.
2.3. Các loại hạt
Hạt cây là loại thực phẩm có thể gây dị ứng cho cả trẻ em và người lớn. Phổ biến nhất là các loại hạt như: hạt điều, hạt dẻ, óc chó, hạnh nhân, hồ trăn,... Đây là dạng dị ứng suốt đời và tương đối nghiêm trọng, có đến 50% trường hợp tử vong do sốc phản vệ.
2.4. Lạc
Lạc có thể gây ra phản ứng dị ứng rất nghiêm trọng và dễ dẫn đến tử vong. Loại dị ứng này ảnh hưởng tới 4 - 8% trẻ em và 1 - 2% người lớn. Điều đáng nói là 15 - 22% trẻ em dị ứng với lạc sẽ cải thiện bệnh khi đến tuổi thiếu niên.
2.5. Hải sản
Hải sản là loại thực phẩm có thể gây dị ứng nguy hiểm. Sở dĩ nó xảy ra là do cơ thể tấn công các protein từ động vật thân mềm hoặc cá giáp xác như mực ống, tôm, ốc, sò,… Protein gây dị ứng trong hải sản là tropomyosin. Ngoài ra, cũng có một số protein khác có thể kích hoạt phản ứng miễn dịch như chuỗi myosin và arginine kinase.
Test lẩy da giúp tìm ra nguyên nhân gây dị ứng thực phẩm
Dị ứng hải sản thường khởi phát triệu chứng rất nhanh, khó giải quyết theo thời gian. Do đó, nhiều người bị dị ứng với hải sản bắt buộc phải loại trừ nó ra khỏi thực đơn của mình.
2.6. Lúa mì
Lúa mì là loại thực phẩm có thể gây dị ứng vì nó khiến cho cơ thể sinh ra phản ứng với protein có trong lúa mì. Bệnh phổ biến ở trẻ em. Người bị dị ứng lúa mì thường có biểu hiện nổi mẩn, sưng da, nôn mửa, nổi mề đay, suy hô hấp. Do vậy người bị dị ứng lúa mì nên tránh dùng sản phẩm làm từ lúa mì.
2.7. Đậu nành
Có khoảng 0.4% trẻ em bị dị ứng với đậu nành, nhất là trẻ sơ sinh và trẻ dưới 3 tuổi. Sở dĩ tình trạng này xảy ra là do cơ thể phản ứng với một loại protein có ở đậu nành và sản phẩm làm từ nó. Dị ứng đậu nành thường gây ra các triệu chứng như: ngứa miệng, chảy nước mũi, khó thở, phát ban, hen suyễn, số ít sẽ bị sốc phản vệ.
2.8. Cá
Ít ai nghĩ rằng có cũng là loại thực phẩm có thể gây dị ứng. Thế nhưng lại có khoảng 2% người trưởng thành dị ứng với cá. Cũng giống như dị ứng hải sản, dị ứng cá có thể gây ra phản ứng dị ứng nghiêm trọng đe dọa đến tính mạng. Triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân là tiêu chảy, nôn mửa, số hiếm có thể bị sốc phản vệ.
3. Phương thức chẩn đoán dị ứng thực phẩm
Để chẩn đoán bệnh nhân có bị dị ứng với thực phẩm hay không các bác sĩ thường:
- Khai thác chi tiết các loại thực phẩm đã ăn trong ít nhất 48 giờ, thời gian ăn và triệu chứng xuất hiện.
- Thực hiện xét nghiệm:
+ Chích da: lấy một lượng nhỏ dị nguyên cho vào kim tiêm rồi đem chích vào da sau đó quan sát phản ứng trên da.
+ Thử nghiệm ăn thử thực phẩm: người bệnh nghi ngờ bị dị ứng với thực phẩm nào thì sẽ ăn thực phẩm ấy với liều lượng tăng dần dưới sự giám sát của bác sĩ.
+ Xét nghiệm máu: lấy mẫu máu để đo mức độ kháng thể IgE.
Các loại thực phẩm có thể gây dị ứng là bởi hệ miễn dịch không xác định đúng được protein có trong nó là vô hại. Ở cấp độ cao nhất nó có thể gây ra sốc phản vệ gây tử vong khi không được cấp cứu kịp thời. Đến nay cách điều trị duy nhất là tìm ra loại thực phẩm có thể gây dị ứng để loại nó khỏi chế độ ăn của người bệnh.
Vì thế, nếu bạn không thể xác định được mình dị ứng với loại thực phẩm nào, hãy đến gặp bác sĩ chuyên khoa hoặc liên hệ với tổng đài của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC: 1900 56 56 56 để được hướng dẫn cách thức xét nghiệm tìm dị nguyên gây dị ứng. Sau khi đã tìm được loại thực phẩm có thể gây dị ứng cho mình bạn sẽ biết cách phòng ngừa hiệu quả bệnh lý này.