Túi mật là một bộ phận vô cùng quan trọng của hệ tiêu hóa. Bất cứ sự bất thường nào xảy ra tại đây đều sẽ gây ra những vấn đề về tiêu hóa và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe.
17/01/2021 | Polyp túi mật kiêng ăn gì để hỗ trợ hiệu quả quá trình điều trị? 23/10/2020 | Cảnh báo nguy hiểm trước tình trạng viêm túi mật hoại tử 19/07/2020 | Tìm hiểu về kỹ thuật chụp CT đối với các bệnh về túi mật hay gặp
1. Vị trí và vai trò của túi mật trong cơ thể
Túi mật có kích thước tương đối nhỏ, màu xanh, hình quả lê, nằm ở mặt dưới thùy phải gan trong khu vực hạ sườn phải. Khi căng đầy nó có thể rộng tới 3cm và dài khoảng 6 - 8cm. Bộ phận này thuộc đường dẫn mật ngoài gan, gồm 3 phần: đáy, thân và cổ. Lòng trong của phần trên ống túi mật có các van Heister giúp ống túi mật không bị gấp lại đồng thời khiến cho mật lưu thông được dễ dàng.
Túi mật là một bộ phận quan trọng của hệ tiêu hóa
Túi mật có chức năng dự trữ dịch mật do gan sản xuất để tiêu hóa chất béo đồng thời giúp cơ thể hấp thụ vitamin và chất dinh dưỡng hòa tan có trong chất béo. Trong quá trình tiêu hóa chất béo của thức ăn, túi mật có nhiệm vụ tống đẩy và điều tiết lượng dịch mật vào ống mật chủ qua tá tràng đi tới ruột non. Dịch mật được sản xuất liên tục bởi gan, có màu vàng hơi xanh lục, sền sệt, vị đắng, hỗ trợ quá trình tiêu hóa thức ăn.
Thành phần chính của dịch mật là muối mật, giữ vai trò phân huỷ chất béo và thúc đẩy nhũ tương hóa lipid. Không những thế, dịch mật còn giúp chất béo đã được tiêu hoá đi qua thành ruột và vận chuyển các vitamin hòa tan trong dầu. Sau khi sử dụng, muối mật có thể tái hấp thu, có khoảng 80 - 90% sẽ theo máu trở về gan và kích thích gan sản sinh thêm mật.
Trong dịch mật còn có sắc tố mật, cholesterol, chất điện giải,... Nếu sự tiêu hóa không diễn ra, dịch mật sẽ thông qua ống túi mật để trở về với túi mật. Tại đây, nó bị mất bớt nước và cô đặc hơn. Thời điểm chất béo đi vào tá tràng chúng sẽ kích thích túi mật co bóp để đẩy mật xuống tá tràng.
2. Các bệnh lý túi mật phổ biến
2.1. Bệnh viêm túi mật (cholecystitis)
Tình trạng bệnh lý này có thể cấp tính hoặc mãn tính. Viêm túi mật mãn tính xảy ra khi có các đợt viêm cấp tính kéo dài. Đặc biệt, túi mật có thể bị tổn thương nghiêm trọng và mất khả năng hoạt động.
2.2. Sỏi ống mật chủ
Đây là hiện tượng xuất hiện sỏi mật trong ống dẫn mật chủ. Viên sỏi này có thể được tạo nên bởi các sắc tố mật, muối cholesterol và canxi.
2.3. Sỏi mật
Sỏi mật chính là các cặn cứng nhỏ trong túi mật. Nó là kết quả của sự tích tụ và phát triển trong nhiều năm liền mà không được phát hiện. Hầu hết bệnh nhân sỏi mật chỉ phát hiện ra bệnh khi bị đau, nhiễm trùng hoặc viêm.
Sỏi túi mật có thể tồn tại nhiều năm liền mà không được phát hiện
Kích thước sỏi mật thường chỉ vào khoảng vài mm nhưng nếu không được xử lý ngay chúng có thể phát triển đến vài cm; có thể là 1 viên nhưng cũng có thể tồn tại nhiều viên. Kích thước sỏi mật đạt đến độ nhất định sẽ chặn các kênh dẫn ra khỏi túi chứa.
2.4. Viêm túi mật không do sỏi
Bệnh lý này có thể xảy ra do các chấn thương nặng, đại phẫu, bỏng hoặc căng thẳng kéo dài. Ngoài ra, viêm gan A, tiểu đường, nhiễm khuẩn, nhịn đói kéo dài hoặc xơ vữa động mạch cũng có thể trở thành tác nhân viêm túi mật không do sỏi.
2.5. Nhiễm trùng ống mật chung
Nếu ống mật chung bị tắc nghẽn sẽ sinh ra nhiễm trùng. Bệnh lý này không được điều trị sớm sẽ làm lây lan nhiễm trùng và dẫn tới tử vong.
2.6. Áp xe túi mật
Đây là hậu quả của tình trạng viêm túi mật kéo dài không được hoặc điều trị không hiệu quả. Nó khiến cho các tế bào bạch cầu, mô chết và vi khuẩn tạo thành mủ tích tụ tại đây nên gọi là áp xe. Người bị áp xe túi mật rất dễ có những cơn đau bụng dữ dội. Bệnh có thể trở nên nguy hiểm tới tính mạng nếu nhiễm trùng lây lan đến các bộ phận khác của cơ thể.
2.7. Polyp túi mật
Polyp là kết quả của sự tăng trưởng mô bất thường. Nó có thể lành tính hoặc không gây ung thư nên đa phần polyp túi mật nhỏ ít gây rủi ro tiềm ẩn và không cần loại bỏ. Một số polyp lớn có thể cần phẫu thuật cắt bỏ trước khi chúng gây ra các vấn đề khác hoặc phát triển thành ung thư.
2.8. Vỡ túi mật
Đây là biến chứng ít gặp của sỏi mật và viêm túi mật. Bệnh có thể đe dọa trực tiếp đến tính mạng. Trường hợp vết thủng không được phát hiện sớm dễ khiến cho vùng bụng bị nhiễm trùng và viêm phúc mạc.
2.9. Túi mật sứ
Sự tích tụ canxi do viêm mạn tính kéo dài có thể tạo thành túi mật sứ. Khi nó dày lên, túi mật bị mất khả năng đàn hồi, giảm khả năng co bóp tống xuất dịch mật gây ra rối loạn chức năng tiêu hóa. Tình trạng này có thể gây ung thư túi mật.
2.10. Ung thư túi mật
Tuy không phải là bệnh phổ biến nhưng ung thư túi mật nếu không được điều trị nhanh có thể lan từ các thành bên trong ra các lớp bên ngoài gây biến chứng nguy hiểm cho tính mạng.
3. Dấu hiệu nhận biết bệnh túi mật
Khi xuất hiện các dấu hiệu sau, bạn có thể xem xét nguy cơ mắc bệnh túi mật:
- Đau hạ sườn phải, có thể lan sang ngực, thượng vị hoặc sau lưng. Cơn đau này rất dễ nhầm với bệnh viêm tụy hoặc đau dạ dày. Cảm giác đau có thể ngắt quãng, âm ỉ hoặc dữ dội.
Đau hạ sườn phải là một trong những dấu hiệu của bệnh túi mật
- Ớn lạnh, sốt nếu có tình trạng nhiễm trùng.
- Da vàng, nước tiểu vàng. Đây là dấu hiệu tắc nghẽn dịch mật, sỏi đường dẫn mật, viêm đường dẫn mật hoặc sỏi túi mật.
- Đầy bụng, buồn nôn, khó tiêu, chán ăn.
- Bất thường nhu động ruột gây ra các dấu hiệu tiêu chảy không rõ nguyên nhân, đại tiện khó, phân sáng màu,...
Nhìn chung, các bệnh lý túi mật tương đối nhiều và dấu hiệu của chúng rất dễ nhầm lẫn với bệnh dạ dày. Vì thế, khi có các hiện tượng như trên, tốt nhất bạn nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa thăm khám để được chẩn đoán và điều trị bệnh từ sớm, tránh tình trạng bệnh nặng phải cắt bỏ túi mật gây nguy hại cho sức khỏe.
Mọi băn khoăn khác về các bệnh lý túi mật bạn đọc có thể liên hệ tổng đài 1900 56 56 56 để được chuyên gia y tế của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC giải đáp cặn kẽ hơn.