Nhồi máu cơ tim cấp xảy ra khi một phần cơ tim bị thiếu máu dẫn đến hoại tử, biến chứng này gây tỉ lệ tử vong rất cao. Trong những năm gần đây, số ca nhồi máu cơ tim ở nước ta đang tăng cao, cảnh báo mối nguy hiểm lớn đến sức khỏe cộng đồng.
25/12/2020 | 4 xét nghiệm nhồi máu cơ tim cơ bản và phổ biến nhất hiện nay 20/07/2020 | Nhồi máu cơ tim và những thông tin y khoa hữu ích 24/05/2020 | Xét nghiệm Troponin giúp ích gì trong chẩn đoán nhồi máu cơ tim
1. Nhồi máu cơ tim cấp và dấu hiệu nhận biết
Nhồi máu cơ tim cấp xảy ra khi dòng máu nuôi đến cơ tim nào đó bị đột ngột cắt đứt, khiến tế bào cơ tim không được cung cấp máu và oxy, dần bị tổn thương và hoại tử hoàn toàn. Nhồi máu cơ tim cấp thường là kết quả của tình trạng tắc nghẽn động mạch vành do mỡ máu tích tụ, bệnh lý chèn ép mạch máu hoặc do cục máu đông.
Nhồi máu cơ tim cấp là bệnh lý nguy hiểm, cần được đặc biệt chú ý
Nhồi máu cơ tim cấp tiến triển rất nhanh, tỉ lệ tử vong cao nếu bệnh nhân không được cấp cứu sớm và đúng cách. Hầu hết bệnh nhân tử vong trong giai đoạn bệnh cấp tính trước khi được đưa tới cơ sở y tế cấp cứu. Các trường hợp cấp cứu kịp thời, cứu sống được người bệnh thì tỉ lệ biến chứng cũng rất cao. Các biến chứng nghiêm trọng để lại sau cơn nhồi máu cơ tim thường là: suy tim, rối loạn nhịp tim, thuyên tắc mạch máu, viêm màng tim, rung thất,…
Hiện nay việc điều trị và phòng ngừa cơn nhồi máu cơ tim cấp được đặt lên hàng đầu, trong đó đã có nhiều thành tựu y học trong điều trị nhồi máu cơ tim cấp, cho phép cứu sống bệnh nhân và giảm thiểu biến chứng nặng.
Những dấu hiệu điển hình của bệnh là:
Đau thắt ngực
Đây là triệu chứng điển hình mà bất cứ bệnh nhân nhồi máu cơ tim nào cũng gặp phải, đặc điểm cơn đau cũng rất đặc trưng, thường là đau ở trước vùng tim hoặc sau xương ức. Cơn đau sẽ dần lan đến vai trái, cổ, sau lưng, vùng thượng vị, mặt trong tay trái và các ngón tay.
Đau thắt ngực có thể là dấu hiệu của bệnh lý nhồi máu cơ tim cấp
Triệu chứng đau thắt ngực tăng dần khi mô cơ tim không được nuôi dưỡng và dần suy giảm, hoại tử, xuất hiện đột ngột và kéo dài trong khoản 20 phút. Bệnh nhân lớn tuổi hoặc người bệnh bị tăng huyết áp, đái tháo đường,… thường ít cảm giác đau hơn người bình thường nên cũng thường chậm trễ trong cấp cứu và xử lý y tế.
Vã mồ hôi, da tái nhợt
Vã mồ hôi xảy ra khi cơn nhồi máu cơ tim xuất hiện, nguyên nhân do rối loạn nhịp tim và cơn đau co thắt ngực nặng nề. Ngoài ra, trong cơn đau, quan sát thấy da bệnh nhân tái nhợt, sờ vào thấy lạnh, nhất là các đầu chi do máu nuôi không đủ.
Khó thở
Cơn thắt nghẹt ở tim khiến người bệnh bị khó thở, hồi hộp trống ngực. Triệu chứng này càng nặng thì nguy cơ cao bệnh nhân gặp tình trạng tụt áp hoặc trụy tim mạch.
Buồn nôn và nôn
Đây không phải triệu chứng điển hình của cơn nhồi máu cơ tim cấp song nhiều bệnh nhân gặp phải tình trạng này. Dấu hiệu này cho thấy cơ quan tiêu hóa cũng bị ảnh hưởng.
Bệnh nhân nhồi máu cơ tim không được cấp cứu kịp thời có thể tử vong
2. Phác đồ điều trị nhồi máu cơ tim cấp hiệu quả
Trước hết cần biết rằng, đặc điểm của cơn nhồi máu cơ tim cấp cần phải được cấp cứu càng sớm càng tốt mới giữ được tính mạng và giảm thiểu biến chứng. Điều trị nhồi máu cơ tim cấp gồm 2 giai đoạn:
-
Giai đoạn cấp cứu: Khắc phục nhanh tình trạng nhồi máu, tái tưới máu cơ tim và hỗ trợ thở để cứu sống bệnh nhân.
-
Giai đoạn điều trị phục hồi: Sau cấp cứu thành công, bệnh nhân tiếp tục được theo dõi và điều trị phục hồi.
2.1. Điều trị cấp cứu
Bệnh nhân nhồi máu cơ tim phải được đánh giá tình trạng nhanh, chuyển đến khu vực điều trị tái tưới máu để cứu sống người bệnh:
-
Đặt bệnh nhân nằm bất động trên giường, đây là tư thế phù hợp nhất.
-
Hỗ trợ thở bằng oxy để đảm bảo cơ thể được cung cấp đủ oxy, nhiều trường hợp nhồi máu cơ tim bị suy hô hấp nặng, phải cho thở máy hoặc đặt nội khí quản.
-
Thuốc giảm đau: Đau thắt ngực khiến người bệnh không thể kiểm soát được bản thân, vì thế thuốc giảm đau nhanh như Morphin qua đường tiêm tĩnh mạch được lựa chọn hàng đầu.
-
Thuốc kiểm soát huyết áp: Thường dùng là thuốc Nitroglycerin dạng ngậm, nếu huyết áp tốt sẽ truyền tĩnh mạch để điều chỉnh huyết áp phù hợp.
Bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cần được hỗ trợ thở
Bên cạnh các phương pháp cấp cứu hỗ trợ trên, cần nhanh chóng điều trị tái tưới máu bằng cấp cứu can thiệp động mạch vành hoặc mổ làm cầu nối chủ - vành. Trong đó, can thiệp động mạch vành cấp không thực hiện ở bệnh nhân huyết động không ổn định, rối loạn nhịp tim, không đáp ứng với thuốc tiêu huyết khối. Trường hợp can thiệp động mạch vành không thích hợp hoặc bệnh nhân bị đau ngực tái phát nhiều lần, mổ làm cầu chủ - vành sẽ được xem xét.
2.2. Điều trị phục hồi
Sau điều trị cấp cứu cứu sống được người bệnh, giai đoạn điều trị phục hồi này chủ yếu bệnh nhân sẽ được theo dõi tình trạng, kiểm tra và phòng ngừa biến chứng. Bác sĩ có thể xem xét chỉ định 1 số thuốc hỗ trợ phục hồi, giảm đau đớn.
Để phòng ngừa tái phát cơn nhồi máu cơ tim cấp, người bệnh cần lưu ý:
Chế độ dinh dưỡng đảm bảo
-
Nguyên tắc là đầy đủ dinh dưỡng, tăng cường thực phẩm giúp phục hồi và phòng ngừa cơn nhồi máu cơ tim:
-
Rau xanh, hoa quả tươi giàu chất xơ, Vitamin và khoáng chất.
-
Các loại hải sản như: sò biển, cá, tôm,…
-
Thức ăn dễ nuốt như cháo hầm, cháo loãng, súp, canh, nước rau củ nghiền giàu dinh dưỡng.
Tăng cường hoạt động thể dục
Bệnh nhân sau nhồi máu cơ tim thường có sức khỏe tim yếu hơn, vì thế trước khi chọn bài tập và cường độ tập phù hợp, hãy kiểm tra cơ thể có thể chịu đựng được ở mức nào. Quá trình luyện tập cần kéo dài và phù hợp với sức khỏe, tập luyện quá mức càng khiến người bệnh khó hồi phục hơn.
Người béo phì dễ bị nhồi máu cơ tim hơn
Lối sống lành mạnh
Nếu bạn đang có những thói quen sống kém lành mạnh sau, hãy loại bỏ càng sớm càng tốt: béo phì, thừa cân, huyết áp bất thường, hút thuốc lá, ngủ muộn, thời gian ngủ ít, làm việc quá sức,…
Cấp cứu và điều trị nhanh cho bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp giúp giảm tỷ lệ tử vong và biến chứng. Ngoài ra, nên chủ động phòng ngừa bằng cách áp dụng lối sống, sinh hoạt và dinh dưỡng lành mạnh.