Quai bị là bệnh có thể lây qua đường hô hấp, để lại những biến chứng nguy hiểm khi không được điều trị kịp thời và đúng cách. Phát hiện sớm và xử trí đúng được xem là biện pháp tốt nhất để ngăn chặn điều này.
1. Nguyên nhân gây ra bệnh Quai bị
1.1. Quai bị là gì?
Quai bị là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra khiến người bệnh bị sưng tuyến nước bọt và đau đớn. Bệnh thường gặp ở trẻ trong độ tuổi 2 - 14, kéo dài khoảng 12 - 24 ngày rồi tự khỏi.
Bệnh quai bị gây ra bởi virus Mumps, thuộc họ Paramyxoviridae. Đây là loại virus có thể tồn tại khá lâu khoảng 30 - 60 ngày ở nhiệt độ 15 - 200C bên ngoài cơ thể; chúng nhanh chóng bị tiêu diệt ở nhiệt độ trên 56 độ C hoặc dưới tác động của hóa chất diệt khuẩn.
Bệnh quai bị do virus Mumps gây ra, làm sưng tuyến nước bọt
Virus gây quai bị rất dễ lây qua đường hô hấp vào 2 ngày trước khi các triệu chứng của bệnh xuất hiện hoặc 6 ngày sau khi các triệu chứng biến mất. Con đường lây nhiễm virus thông qua nước bọt hoặc dịch tiết mũi họng chứa virus. Khi người bệnh hắt hơi, nói chuyện, ho, khạc nhổ,… virus sẽ theo dịch tiết của người bệnh bay ra ngoài không khí và đi vào cơ thể người hít phải nó. Điều này cũng có nghĩa là dùng chung cốc, chén, bát, đũa,... với người bệnh cũng sẽ rất dễ bị lây quai bị.
Ngoài ra, các yếu tố sau được xem là tăng nguy cơ mắc bệnh:
- Người có hệ miễn dịch không tốt.
- Trẻ em 2 - 14 tuổi, nhất là trẻ chưa được tiêm vacxin phòng ngừa quai bị.
- Người trưởng thành chưa có miễn dịch với quai bị.
2. Triệu chứng nhận biết sự xuất hiện của quai bị
Người bị quai bị thường sốt cao lên tới 39 độ C, có khi cảm thấy rét. Vài ngày sau khi sốt, tuyến nước bọt sẽ sưng lên, gây đau đớn trong khoảng 1 - 3 ngày. Ngoài ra, họ cũng sẽ xuất hiện các triệu chứng sau:
Các triệu chứng điển hình của bệnh quai bị
- Khi miệng hoạt động hoặc uống nước có axit sẽ cảm thấy đau đớn.
- Chán ăn.
- Đau ở góc hàm và họng.
- Hai bên má, mặt sưng lên.
- Sưng tuyến mang tai khoảng 3 ngày rồi 1 tuần sau đó sẽ giảm sưng dần dần.
- Nam giới có thể bị sưng bìu và đau tinh hoàn.
Nhìn chung, các triệu chứng của bệnh thường xuất hiện nhanh và đồng loạt. Thường thì vào buổi sáng sau khi ngủ dậy người bệnh đã thấy sưng một hoặc hai bên má phía quai hàm. Càng về sau vùng này càng sưng to, nóng, rắn chắc, đau,... kèm theo hiện tượng háo nước, lưỡi đỏ, môi khô, rêu lưỡi vàng. Nếu sốt cao còn gây ra mê sảng, nôn mạnh, đầu đau dữ dội,...
3. Biến chứng cần cảnh giác
Bệnh quai bị khi không được điều trị kịp thời và đúng cách có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm, điển hình như:
- Viêm tinh hoàn
Nam giới bị nhiễm trùng do quai bị có thể cảm thấy tinh hoàn bị sưng, đau, căng mào tinh trong khoảng 3 - 7 ngày. Trường hợp nặng hơn có thể teo tinh hoàn khiến cho chất lượng tinh trùng suy giảm, dẫn đến vô sinh. Đây là biến chứng khá phổ biến ở nam giới và có tính chất nguy hiểm, không thể chủ quan.
Nam giới có thể bị biến chứng viêm tinh hoàn sau quai bị
- Viêm buồng trứng
Tỷ lệ biến chứng quai bị này ở nữ giới không cao, không đến mức gây vô sinh. Cần đặc biệt chú ý nếu phụ nữ mang thai 3 tháng đầu bị quai bị bởi nó có thể dẫn đến sảy thai, tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh cho thai nhi. Với trường hợp mang thai 3 tháng cuối, bệnh quai bị cũng có thể khiến thai phụ sinh non hoặc thai lưu. Tiêm vacxin phòng ngừa quai bị trước khi mang thai được xem là biện pháp phòng ngừa hiệu quả để tránh những biến chứng nguy hiểm của bệnh trong thai kỳ.
- Viêm tụy
Đây cũng là biến chứng có tỷ lệ thấp. Nếu biến chứng viêm tụy do quai bị, người bệnh sẽ cảm thấy buồn nôn, huyết áp tụt, đau bụng.
- Viêm màng não
Người bị viêm màng não do quai bị thường gặp các hiện tượng: rối loạn thị giác, co giật, nhức đầu, rối loạn tri giác,... Do viêm nên thần kinh sọ não bị tổn thương và dẫn đến hệ lụy là viêm đa rễ thần kinh, thị lực suy giảm, điếc, viêm tủy sống cắt ngang,...
- Nhồi máu phổi
Biến chứng này thường xảy ra với đối tượng bệnh nhân mắc quai bị là nam giới trong độ tuổi sau dậy thì. Nó là hậu quả của huyết khối từ tĩnh mạch tuyến tiền liệt xảy ra sau viêm tinh hoàn do quai bị. Khi một vùng phổi thiếu máu nuôi dưỡng có thể dẫn đến hoại tử mô phổi, vô cùng nguy hiểm.
Bên cạnh những biến chứng trên đây thì quai bị còn có thể gây nên một số hệ lụy khác như: tắc ống dẫn tuyến nước bọt, xuất huyết giảm tiểu cầu, rối loạn chức năng gan, viêm thanh khí phế quản, viêm cơ tim, viêm tuyến giáp,...
4. Một số vấn đề cần lưu ý
4.1. Các biện pháp giúp người bệnh cảm thấy tốt hơn
Để cải thiện các triệu chứng do bệnh quai bị gây ra, bạn có thể:
- Sử dụng các loại thuốc do bác sĩ kê đơn giúp giảm đau và hạ sốt. Chỉ dùng kháng sinh khi có bội nhiễm và do bác sĩ chỉ định.
- Uống nhiều nước, nhất là dung dịch oresol để cân bằng nước và điện giải.
- Ăn đồ dễ nuốt, hạn chế nhai nhiều.
- Tránh bia rượu, hoa quả và thực phẩm có tính axit.
- Kiêng gió và nước lạnh, đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người khác để phòng ngừa bệnh lây nhiễm.
- Tránh vận động quá sức, chú ý nghỉ ngơi tại nhà.
- Khi cơ thể có những dấu hiệu bất thường trong quá trình điều trị cần lập tức liên hệ với bác sĩ để có hướng xử trí phù hợp.
4.2. Phòng ngừa bệnh quai bị
- Tránh tiếp xúc với người mắc bệnh quai bị.
- Đeo khẩu trang khi đến nơi đông người, nhất là những nơi có nguy cơ lây bệnh cao.
- Tiêm vacxin phòng quai bị theo liều lượng đúng với từng độ tuổi.
Qua những chia sẻ này chúng tôi hy vọng sẽ giúp bạn đọc hiểu được mức độ nguy hiểm của những biến chứng do quai bị gây ra, biết cách nhận diện sự xuất hiện của bệnh để có phương án kịp thời xử trí ngăn ngừa hệ lụy không đáng có. Nếu cần được tư vấn thêm bạn đọc có thể gọi tới tổng đài 1900 56 56 56 để được chuyên viên y tế của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC giải đáp cặn kẽ.