Paracetamol là hoạt chất chứa trong các loại thuốc giảm đau, hạ sốt được người dân sử dụng phổ biến. Đặc biệt các thuốc này có thể được mua tại hầu hết các hiệu thuốc mà không cần đơn kê từ bác sĩ. Tuy nhiên không phải ai cũng biết dùng paracetamol đúng cách. Trên thực tế đã có những trường hợp bị ngộ độc hoạt chất này do dùng quá liều lượng. Vậy liều ngộ độc paracetamol là bao nhiêu? Câu trả lời sẽ được giải thích ngay trong bài viết dưới đây!
28/09/2020 | Bạn biết gì về thuốc Paracetamol? Khi dùng cần lưu ý điều gì? 21/04/2020 | Những thông tin cần biết về thuốc Paracetamol 29/09/2014 | Bà bầu dùng nhiều paracetamol, con dễ tăng động giảm chú ý
1. Liều ngộ độc paracetamol
Paracetamol là thành phần chính chứa trong rất nhiều loại thuốc chống viêm, giảm đau, hạ sốt, cảm cúm,... Chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy các thuốc này tại hiệu thuốc mà không cần chỉ định kê đơn từ bác sĩ. Ngoài ra cũng không có giới hạn cho số lần mua paracetamol. Đây cũng là lý do làm gia tăng số lượt bệnh nhân phải nhập viện do không được phổ cập kiến thức về liều ngộ độc paracetamol.
4 tiếng kể từ sau khi bắt đầu uống thuốc, nồng độ paracetamol trong cơ thể sẽ đạt đỉnh. 90% hoạt chất này sẽ được chuyển hóa tại gan, hệ cytochrome P-450 sẽ tiến hành chuyển hóa 10% còn lại, biến chúng trở thành N-acetyl-p-benzoquinoneimine (NAPQI).
Paracetamol thường được dùng để giảm đau, hạ sốt
Sử dụng paracetamol quá liều lượng cho phép sẽ làm rối loạn quá trình chuyển hóa hoạt chất này tại gan. NAPQI hoạt động ở màng tế bào gan, nếu quá liều paracetamol thì NAPQI sẽ khiến lớp màng tế bào này bị tổn thương. Bên cạnh đó, chất Glutathione do gan tiết ra giữ nhiệm vụ quan trọng đó là chống lại quá trình oxy hóa diễn ra trong cơ thể. Glutathione giúp trung hòa NAPQI. Khi bệnh nhân bị ngộ độc paracetamol sẽ khiến nguồn dự trữ Glutathione bị cạn kiệt. Mất đi chất chống oxy hóa này gan sẽ bị tổn thương một cách nhanh chóng.
Trung tâm tiểu thùy (vùng 3 - khu vực chứa nhiều chất oxy hóa nhất) cũng chính là nơi có nhiều tế bào gan bị tổn thương nhất. Những bệnh nhân bị ngộ độc paracetamol nặng, thậm chí là bị hoại tử vùng 3 thì tình trạng này có thể lan sang cả vùng 1 và vùng 2 còn lại. Ngoài ra, cũng giống như cơ chế tổn thương diễn ra tại gan, NAPQL cũng có thể gây hoại tử ống thận.
Liều ngộ độc paracetamol nằm ở mức ≥ 150mg/kg cân nặng. Ví dụ như nếu bạn nặng 50kg và sử dụng 7,5gr paracetamol cho một lần uống thì sẽ bị ngộ độc gan. Ít ai biết rằng nếu không cấp cứu kịp thời và điều trị đúng cách, ngộ độc paracetamol có thể khiến người bệnh bị tử vong. Đặc biệt đối với những bệnh nhân có sẵn các bệnh lý về gan thì chỉ cần liều paracetamol thấp hơn so với mức nêu trên cũng sẽ khiến gan bị tổn thương và gây nguy hiểm đối với sức khỏe. Ở những người bị viêm gan mạn tính do virus, chỉ cần 1 liều paracetamol 4gr, sử dụng trong vòng 40 giờ là đã có thể gây ngộ độc gan. Vì vậy nếu đang mắc bệnh về gan thì bệnh nhân không được tự ý dùng paracetamol để giảm đau, hạ sốt mà cần hỏi ý kiến bác sĩ để có phương pháp điều trị phù hợp.
2. Quá liều ngộ độc paracetamol gây ra triệu chứng gì?
Khi bệnh nhân dùng quá liều paracetamol thì khoảng từ 1 - 3 ngày sau, các dấu hiệu ngộ độc sẽ bộc lộ rõ nét hơn với 2 bệnh cảnh điển hình nhất là suy gan và viêm gan. Dưới đây là 4 giai đoạn bệnh nhân có thể sẽ phải trải qua khi bị ngộ độc paracetamol:
-
Giai đoạn 1: phản ứng ngộ độc bắt đầu xảy ra sau nửa tiếng - 24 giờ đồng hồ. Các triệu chứng đặc trưng bao gồm buồn nôn, nôn ói, chán ăn, khó chịu, đổ nhiều mồ hôi, chỉ số GOT hoặc GPT gan tăng;
-
Giai đoạn 2: sau 24 - 72 tiếng uống paracetamol sẽ xuất hiện các dấu hiệu tương tự như giai đoạn 1, thêm cảm giác đau hạ sườn phải, tăng bilirubin, GPT, GOT, suy thận. Trong khi đó prothrombin giảm;
-
Giai đoạn 3: sau 72 - 96 tiếng uống thuốc. Lúc này đã bắt đầu có hiện tượng hoại tử tế bào gan, kèm với đó là suy thận, rối loạn đông máu, bệnh lý não. Nếu thực hiện sinh thiết gan có thể phát hiện tình trạng hoại tử gan vùng 3. Suy đa tạng khiến bệnh nhân có nguy cơ tử vong rất cao;
-
Giai đoạn 4: sau 4 - 14 ngày kể từ khi uống thuốc quá liều, nếu người bệnh còn sống thì có cơ hội hồi phục gan. Phải mất khoảng 30 ngày chức năng gan mới được lành lặn trở lại. Ở những người bị ngộ độc nặng có thể sẽ cần nhiều thời gian hơn.
Dùng quá liều paracetamol có thể gây ngộ độc
3. Ngộ độc paracetamol và phương pháp điều trị
Khi bệnh nhân được đưa đi cấp cứu thì điều bác sĩ cần làm đầu tiên đó là giúp bệnh nhân ổn định tình trạng bệnh, nhất là các chức năng về thần kinh, hô hấp và hệ tuần hoàn.
3.1. Lọc thải chất độc ra khỏi cơ thể người bệnh
Trong trường hợp người bệnh mới dùng thuốc sau khoảng 1 giờ thì sẽ cho bệnh nhân dùng thuốc kích thích nôn để loại bỏ chất độc. Nếu thời gian sau uống thuốc là 6 tiếng thì người bệnh cần được sục rửa dạ dày, kết hợp với than hoạt liều lượng 1g/kg và sorbitol (liều dùng tương tự).
3.2. Dùng thuốc giải độc
Nếu thời điểm cấp cứu được đưa đi kịp thời, chưa có dấu hiệu viêm gan hoặc nếu có cũng chỉ là biểu hiện nhẹ thì bác sĩ sẽ chỉ định cho bệnh nhân dùng thuốc NAC hoặc N-acetylcystein giải độc. Các thuốc này đem lại hiệu quả thải độc cao, giúp phòng ngừa và điều trị suy gan, viêm gan, hạn chế nguy cơ phù não, tránh phải vận dụng tới thuốc vận mạnh và giảm tỷ lệ tử vong cho bệnh nhân.
3.3. Các phương pháp điều trị khác
Bên cạnh 2 phương pháp nêu trên thì những cách dưới đây cũng thường được áp dụng cho các trường hợp bị quá liều ngộ độc paracetamol:
-
Bù điện giải, bù nước;
-
Sau khi nôn hết chất độc, bệnh nhân thường ăn kém nên có thể dùng bổ sung thuốc chống nôn, phục hồi thể trạng bằng cách truyền glucose 10 - 20%;
-
Điều trị biến chứng viêm gan và suy thận theo nguyên tắc chung.
Liều ngộ độc paracetamol nằm ở mức ≥ 150mg/kg cân nặng
4. Liều dùng paracetamol theo khuyến cáo của chuyên gia
Không chỉ riêng gì paracetamol mà trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào bạn cũng nên nghiên cứu kỹ thông tin trên tờ hướng dẫn sử dụng và tư vấn của bác sĩ. Người bệnh cần tuân thủ theo chỉ định, không nên tự ý thêm bớt liều lượng hoặc đổi sang loại thuốc khác.
Đối với những thuốc có chứa paracetamol thì liều dùng khuyến cáo sẽ là người lớn từ 4 - 6 viên/ngày (loại paracetamol hàm lượng 500mg/viên). Cần lưu ý đến thời gian sử dụng giữa các lần uống (mỗi lần cách nhau từ 4 - 6 tiếng). Liều dùng hợp lý nhất là khoảng 4 viên trong 24 giờ.
Đối với những người sau khi dùng paracetamol theo đúng hướng dẫn nhưng triệu chứng đau và sốt không thuyên giảm, thay vì tăng liều lượng thì cần đi khám để được chẩn đoán tìm hiểu nguyên nhân gây ra những biểu hiện này.
Nhìn chung ngộ độc paracetamol là một tình huống cấp cứu khẩn cấp. Càng được điều trị sớm thì cơ hội điều trị khỏi sẽ càng cao và tránh được những biến chứng nguy hiểm.