Ngoài lao phổi và lao bạch huyết là các bệnh lý thường được nhắc đến, lao xương khớp là dạng bệnh lao phổ biến thứ ba. Nếu không điều trị sớm, bệnh tiến triển sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe và khả năng vận động xương khớp sau này như: biến dạng xương khớp, teo cơ, liệt cơ,…
09/02/2021 | Nỗi khổ sở của người cao tuổi mắc bệnh cơ xương khớp vào mùa lạnh 12/12/2020 | Sức khỏe xương khớp: Bị loãng xương nên ăn gì để cải thiện? 01/12/2020 | PGS. TS Nguyễn Mai Hồng - Chuyên gia Cơ xương khớp 35 năm kinh nghiệm
1. Tổng quan về bệnh lao xương khớp
Lao xương khớp là một dạng bệnh lý nhiễm khuẩn, tác nhân gây bệnh là trực khuẩn lao Mycobacterium tuberculosis gây ra. Vi khuẩn tấn công gây nhiễm khuẩn toàn bộ hệ thống xương của cơ thể hoặc một vài vị trí xương, thường gặp là xương cột sống, xương cổ, xương vùng chậu, xương ức, xương sườn, xương bàn tay hoặc bàn chân,…
Lao xương khớp là một dạng bệnh lý nhiễm khuẩn, tác nhân gây bệnh là trực khuẩn lao Mycobacterium tuberculosis
Hầu hết bệnh nhân mắc lao xương khớp là bệnh thứ phát sau một bệnh lao nào đó, phổ biến là lao phổi. Sau đó, vi khuẩn gây lao mới xâm nhập đi theo đường bạch huyết hoặc đường máu tới các xương, gây ra bệnh lao xương.
Bệnh lao nói chung và lao xương khớp nói riêng thường có mối liên hệ với bệnh suy giảm miễn dịch, khiến vi khuẩn dễ tấn công và tấn công nặng nề hơn vào cơ thể. Nếu lao xương khớp xảy ra ở người mắc bệnh suy giảm miễn dịch, cần điều trị tích cực kéo dài hơn, tránh biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.
2. Triệu chứng và biến chứng lao xương khớp
Ở giai đoạn sớm của bệnh, bệnh nhân có thể không có triệu chứng hoặc triệu chứng bệnh không rõ ràng. Vì thế, rất khó phát hiện bệnh sớm nếu không vô tình đi thăm khám bệnh liên quan. Hầu hết bệnh nhân lao xương khớp được phát hiện và điều trị ở giai đoạn tiến triển, khi triệu chứng lâm sàng đã rõ ràng và ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe.
2.1. Triệu chứng bệnh lao xương khớp
Tình trạng lao do vi khuẩn sẽ gây đồng thời triệu chứng tại vị trí xương khớp tổn thương và triệu chứng toàn thân.
Vị trí tổn thương xương khớp bị sưng to nhưng không đỏ, nóng nếu là lao xương khớp tại chỗ
Triệu chứng lao xương khớp tại chỗ
Sưng, cứng tại xương khớp bị lao: Vị trí tổn thương xương khớp bị sưng to nhưng không đỏ, nóng như trong các bệnh viêm xương khác. Ngoài ra, người bệnh còn bị hạn chế cử động như cúi, ngửa, nghiêng, gấp, duỗi các chi.
Đau tại chỗ: Đây là triệu chứng thường gặp nhất mà bệnh lao xương gây ra, đau tại vị trí tổng tương và tăng lên khi vận động, gắng sức. Lao xương khớp thường gặp ở xương cột sống, khiến bệnh nhân bị đau lưng nghiêm trọng, đặc biệt là khi về đêm.
Áp xe lạnh: Đây là triệu chứng do tổn thương lao khá thường gặp, khi mủ và tổ chức hoại tử cùng với mảnh xương chết tích tụ lại tạo thành ổ áp xe kín. Khi khám lâm sàng tại vị trí ổ áp xe sẽ thấy tình trạng bùng nhùng, chứa dịch cạnh khớp. Cần dẫn lưu loại bỏ ổ áp xe, tránh tình trạng chúng tự vỡ ra để lại lỗ dò.
Triệu chứng toàn thân
Người bệnh thường gặp tình trạng: sụt cân, cơ thể mệt mỏi, da xanh xao, thường sốt về chiều, đổ nhiều mồ hôi về đêm, kém ăn uống,…
Khi bị lao xương khớp, người bệnh có thể bị sốt về chiều và da xanh xao
2.2. Biến chứng bệnh lao xương khớp
Bệnh nhân lao xương khớp nếu phát hiện bệnh muộn, không điều trị tốt hoàn toàn có thể bị tàn phế tại vị trí tổn thương. Bên cạnh đó, sự chậm trễ trong điều trị hoặc điều trị không đúng cách có thể dẫn tới biến chứng nguy hiểm như:
-
Biến dạng xương: gù nhọn, xẹp đốt sống, chèn ép tủy sống, rễ thần kinh.
-
Biến chứng thần kinh: Liệt 2 chi dưới hoặc liệt hoàn toàn tứ chi.
-
Lao lan rộng: Khi vi khuẩn theo đường máu lan rộng gây lan ra nhiều cơ quan như phổi, màng não,…
-
Hạn chế vận động: bệnh nhân lao xương khớp, nhất là lao cột sống thường gặp khó khăn trong vận động, đặc biệt là hoạt động ngửa hoặc cúi.
-
Liệt cơ tròn: đây là biến chứng do áp xe lạnh chèn ép tủy sống.
-
Teo cơ vận động khớp.
-
Cắt cụt chi nếu tổn thương xương khớp không thể khắc phục và có nguy cơ lan rộng.
3. Bệnh lao xương khớp có chữa khỏi được không?
Lao xương khớp là bệnh khá thường gặp song không nhiều người hiểu rõ về bệnh lý này. Cột sống thắt lưng là vị trí dễ bị lao nhất, bệnh có mối liên hệ với các bệnh lao phổi, lao thận, viêm nhiễm bàng quang,… Đặc điểm bệnh lao xương khớp là tiến triển chậm, âm ỉ, triệu chứng theo đợt nên người bệnh dễ chủ quan và bỏ qua.
Khi triệu chứng lao xương khớp đã rõ ràng, đau đớn nghiêm trọng, điều trị lúc này gặp không ít khó khăn do tổn thương nặng, đôi khi là những biến chứng không thể phục hồi. Với sự tiến bộ của y học hiện đại, bệnh lao xương khớp hiện nay hoàn toàn có thể điều trị khỏi hoàn toàn trong vòng 9 - 12 tháng. Tuy nhiên, bệnh nhân cần tuân thủ đúng theo chế độ điều trị cũng như dùng thuốc đúng chỉ định của bác sĩ.
Tác nhân gây lao xương khớp là do trực khuẩn lao Mycobacterium tuberculosis, vi khuẩn này thường gây nhiễm trùng tại cơ quan khác, sau đó mới lây nhiễm vào máu và tấn công xương khớp. Vì thế, vi khuẩn gây bệnh rất có thể đã bị nhờn kháng sinh, điều trị khó khăn và không đạt hiệu quả cao. Muốn điều trị hiệu quả, giảm nguy cơ vi khuẩn kháng thuốc, bệnh nhân lao xương khớp phải tuân thủ hoàn toàn theo liệu trình điều trị và hướng dẫn dùng thuốc.
Sau điều trị thuốc, bệnh nhân có thể thực hiện các bài tập vận động khớp
Hầu hết trường hợp điều trị lao xương khớp vẫn sử dụng thuốc chống lao toàn thân. Bên cạnh đó, thông thường giai đoạn đầu khoảng 4 - 5 tuần, khớp cần được nghỉ ngơi tương đối bằng cách nằm nghỉ ngơi trên giường, hạn chế vận động nhiều và mạnh. Sau đó, bác sĩ sẽ hướng dẫn bài tập vận động khớp để hạn chế tình trạng cứng khớp, tăng khả năng vận động.
Nếu có ổ viêm áp xe lớn, phải can thiệp dẫn lưu mủ, nạo lấy hết xương chết nếu có,… Điều trị sớm và tích cực đúng liệu trình của bác sĩ sẽ giúp bệnh nhân phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm như: liệt tứ chi, biến dạng cột sống, chèn ép tủy sống và rễ thần kinh,…
Nên thăm khám bác sĩ để được điều trị kịp thời, tránh biến chứng của bệnh
Như vậy, lao xương khớp là một dạng bệnh nhiễm trùng tiến triển gây nhiều đau đớn, tổn thương và nguy cơ biến chứng làm suy giảm khả năng vận động khớp. Vì thế, khi có dấu hiệu bệnh, cần sớm tới bệnh viện thăm khám, chẩn đoán và điều trị. Điều trị tích cực sẽ giúp cải thiện bệnh, ngăn ngừa tình trạng vi khuẩn kháng thuốc đảm bảo việc điều trị sau này dễ dàng hơn.
Nếu cần tư vấn thêm, đừng ngần ngại liên hệ 1900 56 56 56 - Tổng đài chăm sóc sức khỏe của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC. Chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn 24/7.