Siêu âm tim cho kết quả nhanh chóng về tình trạng hoạt động của tim cũng như những bất thường, bệnh lý gặp phải. Vậy khi nào cần siêu âm tim? Bác sĩ sẽ chỉ định kỹ thuật chẩn đoán này cho những bệnh nhân theo dõi điều trị hoặc nghi ngờ có bệnh lý tim mạch.
28/07/2021 | Siêu âm tim phát hiện bệnh gì và những thông tin liên quan 24/06/2021 | Siêu âm tim thai là gì? Vì sao cần siêu âm tầm soát tim thai? 21/03/2021 | Siêu âm tim thai ở tuần thứ mấy cho kết quả chính xác
1. Có những phương pháp siêu âm tim nào?
Siêu âm tim cho phép quan sát hình ảnh cấu trúc tim và hoạt động bơm máu tuần hoàn của cơ quan này. Các thông tin chi tiết như nhịp tim, kích thước và độ dày van tim, hướng máu chảy qua tim, tình trạng tràn dịch màng tim, cơ tim bị suy yếu hoặc tổn thương,… giúp đánh giá tình trạng sức khỏe và hoạt động của cơ quan này.
Siêu âm tim là phương pháp kiểm tra tim phổ biến
Tùy vào mục đích kiểm tra mà bác sĩ sẽ chỉ định các kỹ thuật siêu âm tim khác nhau như:
1.1. Siêu âm tim qua thành ngực
Đây là phương pháp siêu âm tim phổ biến nhất, cho kết quả nhanh chóng và chính xác. Đầu dò siêu âm được đặt bên ngoài ngực vùng gần tim, ngoài ra bác sĩ cũng bôi gel lên ngực để sóng âm truyền tốt hơn, hình ảnh siêu âm thu được rõ nét hơn.
1.2. Siêu âm qua thực quản
Để thực hiện phương pháp này, đầu dò kích thước nhỏ được gắn vào ống nội soi để đưa vào thực quản. Phương pháp này có ưu điểm là cho hình ảnh siêu âm tim theo góc nhìn từ phía sau chi tiết hơn.
1.3. Siêu âm tim Doppler
Kỹ thuật siêu âm tim này có hiệu quả trong kiểm tra lưu lượng máu và đo áp lực động mạch phổi, bên cạnh việc quan sát cấu trúc và hoạt động của trái tim. Dựa trên phản ứng Doppler, kết quả siêu âm giúp bác sĩ lập bản đồ hướng và tốc độ chảy của dòng máu trong tim.
1.4. Siêu âm tim 3 chiều
Kỹ thuật siêu âm 3D tạo hình ảnh chi tiết ở nhiều góc nhìn hơn, giúp đánh giá và chẩn đoán bệnh tốt hơn.
1.5. Siêu âm tim gắng sức
Bệnh nhân được yêu cầu thực hiện gắng sức như: tập thể dục, chạy bộ,… Bác sĩ sẽ kiểm tra nhịp tim, huyết áp, hoạt động xung điện của tim trong quá trình này và chẩn đoán bệnh lý liên quan.
1.6. Siêu âm tim thai
Siêu âm tim thai được thực hiện khoảng tuần thai thứ 18 - 22 để kiểm tra hoạt động tim thai có bình thường hay không.
2. Bác sĩ trả lời: Khi nào cần siêu âm tim?
Bệnh lý ở tim gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến sức khỏe bởi trái tim là trung tâm tuần hoàn máu, có nhiệm vụ bơm máu giàu oxy và dinh dưỡng đi khắp cơ thể. Máu từ các cơ quan trở về tim qua tĩnh mạch lại tiếp tục được bơm oxy để tuần hoàn. Vì thế, những bất thường ở tim sẽ gây ảnh hưởng tới hoạt động của nhiều cơ quan. Vậy khi nào cần siêu âm tim?
Nếu bạn thấy có những triệu chứng bất thường sau, hãy tới khám bác sĩ để siêu âm tim kiểm tra:
-
Tình trạng chóng mặt, hoa mắt, đau đầu đột ngột theo cơn.
-
Nhịp tim không ổn định, loạn nhịp, nhịp tim lúc nhanh lúc chậm.
-
Cảm giác đau tim, hụt hơi, nôn ói đột ngột khi đang làm việc hoặc đang ngồi.
-
Gia đình có tiền sử mắc bệnh tim và có triệu chứng nghi ngờ.
-
Tức ngực, đau thắt vùng ngực, khó thở.
Nên siêu âm tim nếu có triệu chứng nghi ngờ bệnh lý ở tim
Kết quả siêu âm tim sẽ cho biết những triệu chứng bất thường này có phải do bệnh lý tim mạch hay không. Nếu chưa thể khẳng định kết quả, một số phương pháp chẩn đoán khác sẽ được chỉ định sau để cung cấp thêm thông tin chẩn đoán.
Ngoài những trường hợp chẩn đoán bệnh trên, trong điều trị và theo dõi sau điều trị, siêu âm tim cũng được chỉ định với mục đích:
-
Kiểm tra các thông số tim mạch trước khi tiến hành phẫu thuật tim, van tim, mạch máu,…
-
Thăm khám định kỳ sức khỏe tim mạch.
-
Xác định chính xác độ rộng của lỗ van tim, cho thấy van tim đóng hở hay kín, có bị giãn, viêm hay tổn thương bất thường không.
-
Đánh giá tình trạng hoạt động của tim sau cơn đột quỵ, đau tim,…
-
Theo dõi và can thiệp sớm biến chứng của bệnh mạch vành.
Siêu âm tim không chỉ thực hiện ở trẻ nhỏ và người trưởng thành, thai nhi phát triển trong bụng mẹ cũng được siêu âm để kiểm tra. Bắt đầu từ khoảng tuần thai thứ 7, siêu âm tim thai đã có thể phát hiện được nhịp tim thai. Các tuần sau đó, kỹ thuật này cũng được thực hiện để phát hiện sớm bất thường ở nhịp tim thai do dị tật bẩm sinh.
Dị tật bẩm sinh liên quan đến tim mạch thường ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe thai cũng như sau khi ra đời. Vì thế siêu âm tim thai phát hiện bất thường sớm giúp can thiệp có hiệu quả hơn, tránh trẻ sinh ra mang dị tật nguy hiểm.
Bắt đầu từ khoảng tuần thai thứ 7, siêu âm tim thai đã có thể phát hiện được nhịp tim thai
3. Quy trình thực hiện khi siêu âm tim
Chắc hẳn chúng ta đã nhiều lần nghe đến kỹ thuật siêu âm tim và có thể đã từng thực hiện, song hầu hết chưa hiểu quy trình tiến hành và mục đích của các công việc. Tìm hiểu rõ về siêu âm tim giúp người bệnh yên tâm cũng như tuân thủ hướng dẫn hơn.
Thời gian cho một trường hợp siêu âm thường kéo dài từ 15 - 30 phút tùy vào tình trạng của người bệnh, trường hợp càng phức tạp thì siêu âm càng lâu do cần phải đánh giá nhiều yếu tố. Phòng siêu âm được thiết kế riêng, bạn sẽ được hướng dẫn nằm trên giường hoặc ghế, kéo áo từ eo lên để bác sĩ đính miếng dán vào cơ thể. Đây thực chất là các điện cực giúp theo dõi điện tim.
Sau đó, phòng siêu âm sẽ được giảm ánh sáng, gel chuyên dụng được bôi lên vùng ngực cần siêu âm để tăng khả năng dẫn truyền tín hiệu. Đầu dò sẽ được di chuyển trên khu vực ngực gần tim, hình ảnh siêu âm gần như ngay lập tức được hiển thị trên màn hình. Ở những vị trí có dấu hiệu bất thường, bác sĩ sẽ chụp lại để phân tích.
Sau khi siêu âm, bạn sẽ dùng giấy hoặc khăn để lau sạch gel, gel không gây hại cho sức khỏe nên bạn có thể yên tâm. Thời gian sau là chờ đợi kết quả và bác sĩ sẽ phân tích tình trạng hoạt động tim của bạn cũng như nguy cơ bệnh lý từ những bất thường phát hiện được.
Siêu âm tim không gây ảnh hưởng đến sức khỏe
Siêu âm tim sử dụng sóng âm để thu tín hiệu, chuyển thành dạng hình ảnh nên không gây hại, không xâm lấn cũng như để lại biến chứng cho sức khỏe. Tuy nhiên, một số người có thể gặp phải tác dụng phụ sau siêu âm như: cảm giác khó chịu khi tháo bỏ băng dính dán điện cực, khi gắng sức hoặc dùng thuốc khi siêu âm tim,…
Nếu gặp phải những vấn đề khó chịu khác, hãy trao đổi trực tiếp với bác sĩ siêu âm tim của bạn để được giải đáp.