Xơ gan là tình trạng xơ hóa các tế bào, tổ chức mô gan, khiến chúng mất đi chức năng và khiến gan hoạt động kém dần. Chẩn đoán xơ gan trên siêu âm là phương pháp đơn giản, cho hiệu quả chẩn đoán ban đầu tốt, nên được áp dụng khá phổ biến.
1. Xơ gan và những biến chứng nguy hiểm không lường trước
Xơ gan xảy ra khi gan bị hư hại, tổn thương nặng trong một thời gian dài do tác nhân nào đó. Điều này kích hoạt chế độ “bảo vệ tự động” của gan, các mô xơ xuất hiện và nhân “tái sinh” chống lại tác nhân. Nhưng mô xơ xuất hiện càng nhiều, cấu trúc gan càng bị biến đổi và kém hoạt động.
Nguyên nhân thường gặp gây xơ gan là do lạm dụng uống quá nhiều rượu, do virus viêm gan B, C,...
Giai đoạn đầu, xơ gan thường không gây triệu chứng rõ ràng. Hầu hết xơ gan được phát hiện một cách tình cờ hoặc khi đã có biến chứng nặng, biểu hiện rõ ràng trên sức khỏe người bệnh. Xơ gan trải qua 4 giai đoạn, nếu xơ gan quá khả năng “bù” của gan, việc điều trị sẽ rất khó khăn, dễ gây biến chứng.
Những biến chứng nguy hiểm của xơ gan có thể kể đến như:
Xuất huyết tiêu hóa
Mô xơ trong gan cản trở sự di chuyển của dòng máu, tăng áp lực tĩnh mạch cửa và hệ nối cửa - chủ khiến chúng giãn ra. Khi tĩnh mạch bị giãn đến giới hạn sẽ vỡ, gây xuất huyết tiêu hóa. Bệnh nhân có biểu hiện đi cầu ra máu, nôn ra máu, choáng váng, thiếu máu cấp tính,...
Phù chân, cổ trướng
Tăng áp lực cửa và giảm đạm máu ở bệnh nhân xơ gan gây ra phù chân, tích tụ dịch ở bụng. Dịch tích tụ nhiều có thể gây nhiễm trùng, người bệnh bị sốt, đau bụng cấp tính, đi phân lỏng,...
Chứng não gan dễ khiến bệnh nhân tử vong
Não gan
Xơ gan khiến gan suy giảm chức năng, không đào thải được chất độc ra ngoài cơ thể, khiến máu nhiễm độc. Máu nhiễm độc đi lên não, tích tụ và gây ra chứng não gan, bệnh nhân bị rối loạn tri giác, hôn mê và nhanh chóng tử vong.
Suy thận
Suy thận do biến chứng của xơ gan sẽ khiến lượng tiểu ít dần đến khi không đi tiểu được nữa. Nếu không can thiệp kịp thời, hội chứng suy gan - suy thận sẽ nhanh chóng khiến bệnh nhân tử vong.
Nhiễm trùng
Các chất độc tích tụ do gan hoạt động kém dễ khiến người bệnh bị nhiễm trùng máu, nhiễm trùng dịch, viêm phổi,... cần sớm xử lý.
Ngoài ra, bệnh nhân xơ gan có nguy cơ mắc ung thư gan rất cao, do đó, người bị xơ gan cần tầm soát ung thư định kỳ 3 - 6 tháng/lần để phát hiện và điều trị sớm.
2. Siêu âm đàn hồi mô gan - kĩ thuật mới chẩn đoán xơ gan trên siêu âm
Theo các chuyên gia, trong theo dõi, điều trị và tiên lượng bệnh xơ gan, chẩn đoán xác định mức độ xơ hóa gan là tiêu chí vô cùng quan trọng. Trong khi đó, sinh thiết mô gan giúp đánh giá tốt tình trạng xơ hóa, song do là kĩ thuật xâm lấn nên nguy hiểm, có thể gây biến chứng.
Hình ảnh gan trên siêu âm
Do đó, siêu âm đàn hồi mô gan là phương pháp được ưu tiên hàng đầu khi xác định mức độ xơ hóa gan và khối u nếu có. Kỹ thuật siêu âm này còn gọi là kỹ thuật Fribroscan, không xâm lấn, dễ thực hiện, có thể lặp lại và cho kết quả có độ chính xác cao.
Hiện nay, siêu âm đàn hồi mô gan được sử dụng ngày càng rộng rãi trong chẩn đoán lâm sàng, được lựa chọn hàng đầu để chẩn đoán, kiểm tra xơ gan.
Theo đó, bệnh nhân được chỉ định siêu âm kiểm tra xơ gan khi bác sĩ phát hiện các triệu chứng lâm sàng, hoặc kết quả xét nghiệm cho thấy gặp vấn đề ở gan. Tùy theo giai đoạn bệnh mà xơ gan biểu hiện ở triệu chứng khác nhau, thường thấy là:
- Chán ăn, biếng ăn.
- Cơ thể mệt mỏi, sụt cân nhanh chóng.
- Vàng da, vàng mắt, vàng móng tay.
- Da dễ xuất hiện bầm tím, chảy máu.
- Cổ trướng (xuất hiện khi xơ gan ở giai đoạn muộn).
Chẩn đoán xơ gan trên siêu âm có thể được chỉ định thực hiện cùng các xét nghiệm khác để đánh giá chính xác hơn, bao gồm:
+ Kiểm tra thể chất, tìm dấu hiệu bệnh.
+ Xét nghiệm chức năng gan: đo định lượng men gan, protein đặc trưng như AST, albumin, bilirubin, ALT, xét nghiệm đông máu.
+ Xét nghiệm máu, tìm dấu hiệu tổn thương gan hoặc virus viêm gan B, C, kiểm tra lượng tế bào hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu.
+ Chẩn đoán hình ảnh xơ gan: chụp cộng hưởng từ MRI, chụp cắt lớp vi tính CT, siêu âm, đo độ đàn hồi mô gan.
+ Sinh thiết gan: mẫu gan được lấy và đem đi phân tích, có giá trị chẩn đoán chính xác, độ tin cậy cao nhưng có thể gây biến chứng.
Sinh thiết gan giúp chẩn đoán xơ gan chính xác
Như vậy, bệnh nhân bị nghi ngờ mắc xơ gan sẽ cần thực hiện siêu âm và các kĩ thuật, xét nghiệm khác nhằm chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh.
3. Cần chuẩn bị gì khi siêu âm chẩn đoán xơ gan
Kỹ thuật siêu âm chẩn đoán xơ gan qua hình ảnh khá đơn giản, hầu hết các trường hợp không cần phải chuẩn bị đặc biệt gì. Để bác sĩ đánh giá quan sát tốt các cơ quan nội tạng nói chung và gan nói riêng, bệnh nhân có thể được yêu cầu để bụng trống trong 8 - 12 giờ. Ngoài ra, cũng cần hạn chế bia rượu, thức uống có cồn, chất kích thích, hút thuốc lá,... trước khi siêu âm.
Bệnh nhân cần vén áo cao đến ngực và quần thấp xuống dưới nên bạn nên mặc quần áo rộng rãi, thoải mái, không mặc váy khi siêu âm. Bác sĩ sẽ bôi dịch bôi trơn lên vùng bụng, vị trí của gan, sau đó quét đầu dò để quan sát toàn bộ gan.
Các thông tin về sức khỏe gan có thể biết được sau khi siêu âm như: kích thước gan, có khối u bất thường không, có nốt nhỏ bề mặt không, nhu mô gan có đồng đều không,...
Nếu bệnh nhân xơ gan, hình ảnh siêu âm sẽ thấy: có nhiều nốt nhỏ bề mặt, bờ gan lồi lõm, nhiều nốt lớn, có dịch ổ bụng và nhu mô thô, phì đại phân thùy đuôi, teo thùy phải,...
Gan bị xơ hóa có nhiều nốt nhỏ bề mặt
Xơ gan trên siêu âm thể hiện khá rõ nét, giai đoạn càng muộn thì càng nhiều dấu hiệu, dễ phát hiện. Tuy nhiên, cần kết hợp với các kĩ thuật, xét nghiệm khác để đánh giá đúng mức độ xơ hóa gan.
Hiện nay tại Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC áp dụng siêu âm đàn hồi mô gan bằng kỹ thuật Fibroscan cùng đội ngũ chuyên gia, bác sĩ có trình độ chuyên môn giỏi, tay nghề cao cho kết quả nhanh chóng và chính xác nhất. Để được phục vụ, quý khách hàng chỉ cần gọi tới tổng đài 1900 56 56 56!