Cảm cúm là bệnh thường gặp, nhất là các thời điểm giao mùa và ở những đối tượng có sức đề kháng kém, trẻ em, người cao tuổi. Cảm cúm khá lành tính, thường tự khỏi sau 5 - 7 ngày. Cùng các bác sĩ của MEDLATEC tìm hiểu cách chữa cảm cúm hiệu quả, nhanh chóng và những lưu ý khi sử dụng thuốc qua bài viết dưới đây.
04/12/2013 | 10 bài thuốc chữa cảm cúm hiệu quả từ thực phẩm
1. Bệnh cảm cúm và đối tượng thường mắc
Bệnh cảm cúm gây ra do virus cúm, là bệnh viêm đường hô hấp cấp tính thường gặp. Bệnh nhân nhiễm cảm cúm thường có nhiều biểu hiện đặc trưng như: cơ thể mệt mỏi, sốt, hắt hơi, nhức đầu, đau mỏi toàn thân. Triệu chứng ho, chảy nước mũi, tức ngực, khản tiếng, ít tiểu,... thường diễn ra chậm hơn ở giai đoạn sau của bệnh.
Cảm cúm là bệnh lành tính và thường gặp
Cảm cúm thường gặp ở những người có hệ miễn dịch kém như người già, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, người mắc bệnh mạn tính. Ngoài ra, những người không giữ ấm cơ thể tốt, dinh dưỡng kém, ít vận động, thiếu ngủ,... cũng có nguy cơ nhiễm cúm cao. Có thể nói, hệ miễn dịch đóng vai trò lớn với nguy cơ mắc bệnh.
Người bệnh mắc cảm cúm quanh năm, nhưng nhiều nhất vào những ngày có thời tiết chuyển mùa, mưa lạnh, ẩm ướt kéo dài. Nếu không giữ ấm cơ thể, đặc biệt là hệ hô hấp, cũng như tăng cường sức đề kháng tự nhiên thì bất cứ ai cũng có thể mắc bệnh.
2. Các loại thuốc chữa cảm cúm
Là bệnh thường gặp và không gây nhiều biến chứng nguy hiểm, người bệnh cảm cúm hầu hết đều tự chữa tại nhà, theo chỉ định của bác sĩ. Nếu để tự nhiên, cảm cúm thường tự khỏi sau khoảng 5 - 7 ngày, khi hệ miễn dịch cơ thể chiến thắng bệnh. Trường hợp sốt cao hoặc các biến chứng khác thì cần khám tại Cơ sở y tế.
Hiện vẫn chưa có thuốc đặc hiệu điều trị cảm cúm, chỉ có một số loại thuốc giúp giảm nhanh các triệu chứng, người bệnh bớt khó chịu và nhanh khỏi bệnh hơn. Dưới đây là một số nhóm thuốc điều trị triệu chứng cảm cúm thường dùng:
Paracetamol thường dùng để giảm sốt, giảm nhức đầu, đau họng
2.1. Nhóm thuốc giảm sốt, đau họng, nhức đầu
Thuốc phổ biến nhất trong trường hợp này là Paracetamol (hay còn gọi là Acetaminophen). Thuốc này khá an toàn, giúp hạ sốt, giảm đau hiệu quả ở mức độ vừa và nhẹ, không cần kê đơn, chỉ cần hướng dẫn liều dùng.
Liều dùng Paracetamol dựa theo cân nặng, viên thuốc được chia liều uống cho mỗi đối tượng trẻ em và người trưởng thành. Cần sử dụng Paracetamol đúng liều và có khoảng cách giữa các lần hợp lý. Thông thường, cần dùng thuốc cách nhau ít nhất 4 - 6 giờ.
Dùng Paracetamol điều trị quá liều không làm tăng hiệu quả mà gây tác dụng phụ, đặc biệt là tổn thương gan.
2.2. Nhóm thuốc giảm triệu chứng ngạt mũi
Nhóm thuốc điều trị triệu chứng này là các loại thuốc co mạch, dùng dưới dạng thuốc nhỏ mũi như xylometazolin, Naphazolin,... Khi sử dụng, thuốc làm co động mạch nhỏ, tĩnh mạch hang và mao mạch, đẩy máu đi nơi khác, làm thông thoáng hốc mũi. Bệnh nhân dễ thở hơn, giảm tình trạng nghẹt mũi kéo dài.
Những loại thuốc nhỏ này được khuyến khích dùng trong 3 - 5 ngày khi bị cảm cúm, sử dụng kéo dài có thể gây tác dụng phụ như: đau đầu, viêm mũi, phù nề, khả năng ngửi kém,...
Thuốc giảm triệu chứng ngạt mũi có nhiều loại với nồng độ khác nhau, cần lưu ý lựa chọn đúng với độ tuổi người bệnh.
Thuốc nhỏ mũi giúp giảm triệu chứng ngạt mũi
2.3. Nhóm thuốc giảm ho
Người bệnh cảm cúm nếu ho ít, ho nhẹ thì thông thường sẽ không cần thiết phải dùng thuốc giảm ho. Bởi ho là phản ứng của cơ thể, loại bỏ dị vật đường thở ra ngoài. Chỉ khi mức độ ho nhiều, ho thường xuyên, gây đau rát cổ họng, khó chịu, mệt mỏi thì thuốc giảm ho sẽ được chỉ định.
Thuốc chứa thành phần codein hay Dextromethorphan điều trị hiệu quả với các trường hợp ho khan. Có thể dùng thuốc chứa Decolgen, Atussin, Rhumenol,... để điều trị ho khan kèm theo sổ mũi, ngạt mũi.
Các thuốc giảm ho dextromethorphan chứa hoạt chất kháng histamin như fexofenadine, chlorpheniramine đồng thời giúp giảm nhanh triệu chứng ngạt mũi, sổ mũi, hắt hơi. Cần lưu ý các thuốc kháng histamin thường khiến người bệnh buồn ngủ, mất tập trung nên sau khi dùng thuốc, không lái xe hoặc vận hành máy móc.
Người bệnh cảm cúm nếu ho có đờm nên sử dụng các thuốc chứa Ambroxol, Bromhexin, Acetylcystein,... giúp làm long đờm, tiêu đờm, giúp ho dễ dàng và bớt khó chịu hơn.
Ngoài ra, việc nhỏ mũi, súc họng bằng nước muối sinh lí hàng ngày, uống nước chanh nóng - mật ong hoặc gừng cũng giúp làm ấm cơ thể, dịu họng và giảm ho hiệu quả.
Nhiều người vẫn có quan niệm sử dụng thuốc kháng sinh để điều trị cảm cúm. Nhưng quan điểm này hoàn toàn sai lầm, bởi kháng sinh chỉ giúp tiêu diệt vi khuẩn chứ không có hiệu quả trong điều trị các bệnh do virus gây ra, trong đó có cảm cúm. Vì thế, không sử dụng kháng sinh bừa bãi, cần dùng khi có chỉ định của bác sĩ.
Chữa cảm cúm nói chung khá đơn giản, hầu hết mọi người đều khỏi bệnh sau một vài ngày, có thể không cần dùng thuốc. Nhưng một vài trường hợp, bệnh có thể diễn tiến nặng cần can thiệp y tế.
Các triệu chứng cho thấy bệnh diễn tiến nặng như: sốt cao kéo dài, dùng thuốc hạ sốt không hiệu quả, ho nhiều, khó thở, tức ngực, đau nhức, mệt mỏi kéo dài hơn 1 tuần. Bệnh diễn tiến nặng thường xảy ra ở người bệnh suy giảm miễn dịch, người già, trẻ nhỏ, phụ nữ có thai, người nghiện rượu, mắc bệnh mạn tính,... Cần sớm đưa bệnh nhân tới cơ sở y tế để được theo dõi và can thiệp y tế.
Có thể tiêm vắc xin cúm hàng năm với các đối tượng hệ miễn dịch yếu để ngăn ngừa bệnh. Ngoài ra, cần chú ý ăn uống, nghỉ ngơi lành mạnh, tập thể dục tăng cường sức khỏe, giữ ấm cơ thể để phòng ngừa bệnh.
4. Lưu ý khi chăm sóc, chữa cảm cúm ở trẻ nhỏ
Trẻ nhỏ có hệ miễn dịch yếu nên rất dễ mắc bệnh, bệnh có nguy cơ tiến triển nặng và điều trị khó khăn. Do đó, bậc phụ huynh cần đặc biệt lưu ý khi chăm sóc và điều trị cảm cúm ở trẻ nhỏ. Dưới đây là một số hướng dẫn chăm sóc cho trẻ bị cảm cúm:
- Sử dụng thuốc giảm ho, hạ sốt,... theo chỉ định và hướng dẫn của nhân viên y tế.
- Vệ sinh mũi, mắt, họng của trẻ hàng ngày với dung dịch nước muối sinh lí.
- Thường xuyên theo dõi nhịp thở thân nhiệt, đặc biệt dấu hiệu tím môi, da, tím đầu ngón tay
- Cho trẻ ăn các thức ăn lỏng, mềm, dễ tiêu hóa như: bột, sữa, cháo, nước hoa quả,...
- Giữ ấm đầy đủ cho trẻ.
- Hạn chế người tiếp xúc, hôn trẻ,... đặc biệt là người có triệu chứng bệnh.
- Đeo khẩu trang cho trẻ khi ra ngoài để tránh lây nhiễm cho người khác.
Đeo khẩu trang cho trẻ khi ra ngoài
- Mặc quần áo vải mềm, thấm hút mồ hôi tốt.
- Vệ sinh sạch sẽ dụng cụ cá nhân, bô, thau chậu, khay ăn,... của trẻ với xà phòng diệt khuẩn.
- Tắm nhanh bằng nước ấm, thay quần áo nếu trẻ không sốt.
Tiêm phòng cúm là một trong những biện pháp hiệu quả giúp ngăn ngừa cảm cúm ở trẻ cũng như các đối tượng dễ mắc bệnh khác. Hi vọng với những kiến thức MEDLATEC chia sẻ trên đây, bạn đọc sẽ có cách xử lý, chữa cảm cúm hiệu quả. Nếu có thắc mắc, hãy liên hệ với MEDLATEC qua hotline 1900 56 56 56 để được tư vấn hoàn toàn miễn phí.