Là một bệnh lý về xương khớp rất phổ biến hiện nay, thoái hóa đốt sống cổ được phát hiện ở ⅔ dân số đã từng gặp hiện tượng đau cổ ít nhất một lần trong đời. Đặc biệt, nhóm tuổi dễ bị tình trạng này nhất là từ 25 - 30 tuổi do thói quen sinh hoạt thiếu khoa học và tính chất công việc bận rộn. Để giải quyết tình trạng này, các chuyên gia y tế của MEDLATEC có một số lời khuyên trong điều trị thoái hóa đốt sống cổ thông qua bài viết sau đây.
18/10/2021 | Nhận biết bệnh thoát vị đĩa đệm cổ qua những dấu hiệu nào? 14/08/2021 | Bệnh thoái hóa khớp cổ chân có nguy hiểm hay không? 16/07/2021 | Thoái hóa đốt sống cổ: triệu chứng và nguyên nhân gây bệnh
1. Thế nào là thoái hóa đốt sống cổ?
Bệnh thoái hóa đốt sống cổ thuộc nhóm các bệnh lý liên quan đến xương khớp, là hiện tượng suy yếu cột sống tại vùng cổ do nhiều yếu tố tác động. Bệnh khởi phát từ việc phát triển tình trạng sưng viêm do sự lắng đọng canxi ở dây chằng bao quanh cột sống. Điều này khiến cho các lỗ liên hợp nằm ở sau đốt sống bị thu hẹp, ảnh hưởng tới sự lưu thông của các dây thần kinh và mạch máu bên trong. Tình trạng này kéo dài sẽ gây ra các triệu chứng thoái hóa đốt sống cổ, bệnh nhân có cảm giác đau nhức vùng cổ gáy, nhất là khi cúi người, vận động, ngửa hoặc xoay cổ.
Ngày nay, nam giới và nữ giới đều có tỷ lệ thoái hóa đốt sống cổ ngang bằng nhau. Đây là bệnh mạn tính diễn tiến khá chậm và bất kỳ đốt sống nào cũng có thể bị thoái hóa, hay gặp nhất là đoạn đốt sống C5 - C6 - C7.
2. Những nguyên nhân gây nên bệnh thoái hóa đốt sống cổ
Có 5 nguyên nhân chính dẫn tới thoái hóa đốt sống cổ, đó là:
Hoạt động sai tư thế:
Nếu bệnh nhân thường xuyên thực hiện sai các hoạt động như cúi hoặc ngửa nhiều, ngồi quá lâu trước màn hình vi tính, gập cổ khi sử dụng điện thoại di động, hay nâng vác vật nặng trên đầu, cổ,... sẽ khiến biến đổi cơ, dây chằng và các mô xương. Lâu ngày đốt sống cổ bị thoái hóa và đau nhức khu vực này.
Thực hiện sai tư thế lâu ngày sẽ gây tổn thương đốt sống cổ
Mất nước đĩa đệm:
Đĩa đệm là một bộ phận giống như một tấm đệm duy trì sự đàn hồi giữa các đốt sống, có tác dụng nâng đỡ trọng lượng của đầu và giảm xóc khi có chấn động. Từ độ tuổi 30 trở đi, chất gel trong đĩa đệm dần mất nước và khô lại. Hiện tượng này khiến cho các đốt sống ma sát với nhau nhiều hơn gây đau nhức vùng cổ.
Gai xương:
Nguyên nhân hình thành nên gai xương là do cột sống tăng sinh xương để củng cố độ chắc khỏe cho xương khi khớp gặp tổn thương. Các gai xương phát triển âm thầm trong thời gian dài và những gai thừa này dần dần sẽ chèn ép vào những cơ, mô, rễ thần kinh và tủy sống khiến bệnh nhân bị đau nhức kinh niên.
Xơ hóa dây chằng:
Dây chằng đóng vai trò nối các xương cột sống lại với nhau. Theo thời gian dây chằng có thể bị xơ hóa và việc này cũng khiến cho cử động cổ bị ảnh hưởng nhiều, người bệnh luôn có cảm giác căng cứng và kém linh hoạt vùng cổ.
Thoái hóa đốt sống cổ ngày càng phổ biến và trẻ hóa
Vấn đề tuổi tác:
Quá trình lão hóa tự nhiên ở con người bắt đầu diễn ra trong giai đoạn từ 40 - 50 tuổi, khu vực đốt sống cổ cũng không nằm ngoài quy luật này. Tuy vậy trong thời đại ngày nay, thoái hóa đốt sống cổ diễn ra ngày một phổ biến ở người trẻ do những yếu tố sau:
-
Chế độ sinh hoạt thiếu lành mạnh: lười tập luyện vận động, ngồi hoặc ngủ sai tư thế, lạm dụng chất kích thích;
-
Thực đơn dinh dưỡng nghèo nàn: chế độ ăn thiếu các dưỡng chất như Magie, Canxi hoặc Vitamin D;
-
Di truyền: trong gia đình có người thân mắc các bệnh về xương khớp;
-
Đã từng gặp chấn thương vùng cổ do tai nạn lao động, tai nạn giao thông hoặc tai nạn khi chơi thể thao.
3. Biểu hiện của thoái hóa cột sống cổ
Thời kỳ mới khởi phát, phần lớn bệnh nhân sẽ không cảm nhận được rõ rệt những triệu chứng của thoái hóa đốt sống cổ. Đến khi bệnh đã tiến triển nặng hơn, người bệnh sẽ gặp các dấu hiệu sau:
-
Nhức mỏi, đau ê ẩm khó vận động vùng cổ. Khó chịu ngay cả khi nghỉ ngơi;
-
Cảm thấy vướng vùng cổ, đôi khi bị vẹo cổ;
-
Đôi khi tê liệt cảm giác vùng bàn tay và cánh tay;
-
Cơn đau lan từ gáy sang cổ và 2 tai, gây nên tư thế sái cổ. Đau có khi lan tới đầu, nhức đầu vùng trán, vùng chẩm, lan xuống bả vai và cánh tay ở 1 hoặc cả 2 bên;
-
Dấu hiệu Lhermitte: biểu hiện điển hình của thoái hóa đốt sống cổ đa xơ cứng. Tình trạng này gây nên cảm giác khó chịu giống như có luồng điện đột ngột chạy từ vùng cổ xuống xương sống, ngón tay, tay, ngón chân và chân. Triệu chứng này càng xảy ra mãnh liệt hơn khi bệnh nhân cúi cổ về phía trước, có thể chấm dứt nhanh chóng hoặc kéo dài nhiều ngày;
-
Khi “trái gió trở trời", kết hợp với tư thế nằm ngủ không phù hợp vào ban đêm cũng khiến nhiều người bị cứng cổ sau khi tỉnh dậy. Có trường hợp đau ê ẩm vùng gáy, đau nửa đầu sau hoặc nửa đầu bên phải. Có người thì bị cơn đau hành hạ liên tục không thể xoay cổ mà phải xoay cả người.
4. Các phương pháp điều trị thoái hóa đốt sống cổ
Khó có thể điều trị bệnh thoái hóa cột sống cổ dứt điểm vì đây là một trong những quy luật lão hóa tự nhiên của con người. Tuy vậy chúng ta có thể ngăn ngừa hoặc làm giảm triệu chứng của bệnh, đồng thời tăng cường khả năng vận động cột sống cổ bằng những biện pháp sau:
Thư giãn và nghỉ ngơi điều độ:
Trong trường hợp bị nhẹ thì để điều trị thoái hóa đốt sống cổ, bệnh nhân cần nghỉ ngơi hợp lý, kết hợp các hoạt động nhẹ nhàng, giảm stress khác như đọc sách, nghe nhạc, du lịch, dạo phố. Khi nằm nghỉ nên kê gối vừa phải và thỉnh thoảng trở mình để giúp máu lưu thông tốt hơn.
Chườm nóng hoặc lạnh:
Biện pháp này có tác dụng xoa dịu cơn đau cổ và kích thích tuần hoàn máu. Người bệnh nên thực hiện chườm nóng trước rồi sau đó mới chườm lạnh. Không áp trực tiếp đá lạnh vào vùng cổ bị đau mà cần phải bọc đá vào khăn mềm. Không được chườm liên tục và quá lâu ở chỗ bị đau hoặc những vị trí máu lưu thông kém.
Sử dụng thuốc trong điều trị thoái hóa đốt sống cổ:
Dựa trên tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ cân nhắc kê các thuốc sau (lưu ý bệnh nhân chỉ dùng khi có chỉ định và hướng dẫn từ bác sĩ chuyên khoa, tuyệt đối không được tự ý mua thuốc uống):
-
Thuốc giãn cơ: cyclobenzaprine có thể giúp giảm sự co cơ, từ đó cơn đau cũng giảm thiểu đáng kể;
-
Thuốc chống viêm, giảm đau: nhóm không steroid (NSAID), lựa chọn nhóm thuốc này còn phụ thuộc vào tình trạng bệnh lý và thể trạng của bệnh nhân;
-
Corticosteroid: có thể dùng trong trường hợp người bệnh bị đau cổ nghiêm trọng;
-
Thuốc chống trầm cảm;
-
Thuốc chống động kinh: giúp làm giảm cơn đau các dây thần kinh bị tổn thương. 1 số loại thuốc có thể kể đến là: pregabalin (Lyrica), gabapentin,...
Vật lý trị liệu cũng là một biện pháp hiệu quả trong điều trị thoái hóa đốt sống cổ. Nhằm giúp tăng cường sức cơ ở vai và cổ, bệnh nhân có thể tập luyện các bài tập như: xoa bóp vùng, kéo dãn cơ, điện phân dẫn thuốc một cách điều độ mỗi ngày.
Tập các động giãn cơ nhẹ nhàng cũng giúp ích trong việc điều trị thoái hóa đốt sống cổ
Phẫu thuật:
Nếu việc điều trị bảo tồn đốt sống cổ thất bại, hoặc biểu hiện thần kinh gia tăng như yếu ở tay thì bệnh nhân cần thực hiện phẫu thuật. Các biện pháp phẫu thuật bao gồm:
-
Loại bỏ một phần đốt sống;
-
Loại bỏ một đĩa đệm bị thoát vị hoặc xương;
-
Hợp nhất một phần ở cổ thông qua ghép phần cứng và xương lại với nhau.
Trên đây là những thông tin cơ bản về bệnh thoái hóa đốt sống cổ cũng như một số biện pháp giúp điều trị thoái hóa đốt sống cổ hiện nay. Để biết thêm nhiều kiến thức y khoa bổ ích khác, mời quý bạn đọc truy cập vào website: medlatec.vn hoặc liên hệ ngay tới hotline 1900565656 của BVĐK MEDLATEC để được tư vấn chi tiết về các gói khám sức khỏe cũng nhiều ưu đãi đang được tích cực triển khai tại viện.