Khi nhắc đến tôm, chúng ta thường nghĩ đến một thực phẩm bổ dưỡng được không ít người ưa thích. Mặc dù vậy, lại có nhiều trường hợp bị dị ứng tôm. Trong đó, tình trạng dị ứng có thể xảy ra ở mức độ nhẹ hoặc mức độ nặng. Với bài viết sau đây, MEDLATEC sẽ cùng bạn đọc tìm hiểu dị ứng tôm là như thế nào, các triệu chứng và nên làm gì khi gặp phải.
09/11/2022 | Điểm danh các loại thuốc chống dị ứng và lưu ý khi sử dụng 10/10/2022 | Cùng điểm danh những phương pháp xét nghiệm dị ứng phổ biến nhất hiện nay 11/08/2022 | Những thông tin cần ghi nhớ về bệnh dị ứng thực phẩm
1. Dị ứng tôm là như thế nào?
Trong tôm có chứa một loại protein được gọi là tropomyosin. Dị ứng tôm là tình trạng xuất hiện các triệu chứng dị ứng khi hệ thống miễn dịch trong cơ thể con người phản ứng với loại protein này.
Cụ thể, trường hợp bị dị ứng với tôm và ăn loại thực phẩm này thì các kháng thể sẽ kích hoạt giải phóng histamine nhằm mục đích tấn công tropomyosin. Từ đó, gây ra một số triệu chứng với mức độ khác nhau, thậm chí còn có thể gây nguy hiểm đến mạng sống.
Tình trạng dị ứng với tôm có thể xảy ra ở cả đối tượng người lớn và trẻ em. Cùng với đó, cũng có thể đột ngột xuất hiện ngay cả khi bạn chưa từng gặp phải vấn đề gì khi ăn tôm trước đó.
Tình trạng này xảy ra không phải chỉ qua con đường ăn uống, mà còn qua sự tiếp xúc của người bị với tôm, hít phải không khí hay hơi nước có mùi tôm. Ví dụ như, các đối tượng nấu ăn hay làm nghề chế biến thuỷ hải sản có tôm cũng có thể xuất hiện triệu chứng dị ứng.
Tình trạng dị ứng tôm xảy ra có thể qua sự tiếp xúc như khi nấu, chế biến tôm
2. Các triệu chứng nhận biết bị dị ứng tôm
Như đã đề cập, tình trạng dị ứng tôm có thể dẫn đến các triệu chứng với mức độ khác nhau, từ nhẹ đến nặng. Các triệu chứng đó có thể xuất hiện trong vòng vài phút đến khoảng 1 giờ sau khi ăn tôm hoặc hít phải hơi nước, không khí có mùi của loài động vật này.
Cụ thể, có thể kể đến những biểu hiện sau đây:
- Cảm giác ngứa trong miệng.
- Nổi ban, xuất hiện các nốt mề đay.
- Bị đau bụng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy là những triệu chứng tại đường tiêu hóa.
- Sưng mặt, mắt, môi, lưỡi,...
- Nghẹt mũi, cảm thấy khó thở.
- Choáng váng, ngất xỉu.
Triệu chứng nổi mề đay, nổi ban có thể xuất hiện khi bị dị ứng với tôm
Bên cạnh đó, các biểu hiện sốc phản vệ cũng có thể kèm theo ở một số trường hợp bị dị ứng với tôm mức độ nặng, có thể dẫn đến tử vong. Cụ thể, đó là các biểu hiện như sưng cổ họng, khó thở, mạch đập nhanh, mất ý thức, sốc, huyết áp tụt nghiêm trọng.
3. Làm gì khi bị dị ứng tôm?
Nếu có biểu hiện dị ứng với tôm ở mức độ nhẹ, bạn có thể áp dụng một số cách giúp điều trị ngay tại nhà bằng các nguyên liệu đơn giản như mật ong, chanh hay gừng. Cụ thể với cách làm như sau:
- Sử dụng mật ong: Uống một ly nước ấm có pha thêm vài thìa mật ong có thể giúp khử trùng, tiêu diệt các vi khuẩn có hại và làm giảm bớt tình trạng ngứa, nóng râm ran khó chịu sau khi ăn tôm. Bởi trong mật ong chứa nhiều khoáng chất, trong đó có chất kháng viêm tự nhiên.
- Sử dụng nước chanh tươi: Một cốc nước chanh tươi cũng có thể hỗ trợ bạn giảm đi các triệu chứng khó chịu khi bị dị ứng với tôm. Với thành phần chứa nhiều vitamin C, axit ascorbic, chanh có thể giúp vết thương nhanh lành hơn, duy trì các mô liên kết cũng như phục hồi các tổn thương xảy ra trên cơ thể.
- Sử dụng gừng: Với cách chữa dị ứng với tôm tại nhà bằng nguyên liệu là gừng, bạn có thể chuẩn bị một vài lát gừng đem đi pha với nước ấm để uống. Ngoài ra, cũng có thể dùng trà gừng pha sẵn hoặc kết hợp gừng tươi cùng với đậu xanh và lá tía tô đun lên lấy nước uống.
Tuy nhiên, nếu bạn bị dị ứng tôm ở mức độ nặng thì cần phải đến cơ sở y tế gặp bác sĩ để được thăm khám và thực hiện điều trị. Trong trường hợp này, bạn không nên tự điều trị tại nhà hoặc tự ý sử dụng thuốc khi chưa có chỉ định từ bác sĩ.
Cùng với việc đảm bảo thực hiện điều trị đúng cách, bạn cũng cần lưu ý một số vấn đề khi bị dị ứng với tôm. Đó là:
- Luôn mang theo thuốc chống dị ứng Epinephrine và sử dụng kịp thời trong trường hợp không may ăn phải tôm mà bị sốc phản vệ.
- Hạn chế ăn uống, tiếp xúc với loại thực phẩm này:
Người bị ứng với tôm cần chú ý tránh xa các món ăn có chứa thực phẩm này
-
Hạn chế nấu, chế biến các món ăn với loài động vật này.
-
Cẩn thận khi đi ăn ngoài như khi đi ăn uống tại các quán ăn, nhà hàng.
-
Tránh đến những nơi có xuất hiện mùi tôm như các khu chợ buôn bán hải sản.
- Khi mua các thực phẩm chế biến sẵn, đừng quên việc đảm bảo đọc kỹ nhãn mác, thành phần của chúng để tránh việc mua và dùng các sản phẩm mà trong đó có thành phần liên quan đến tôm.
Cần đọc kỹ nhãn mác, thành phần khi mua các sản phẩm được chế biến sẵn
- Giữ gìn vệ sinh da sạch sẽ, rửa tay thường xuyên, mặc trang phục rộng rãi và thoải mái, bổ sung nhiều nước cũng như tăng cường các loại vitamin cho cơ thể. Đồng thời, cũng tránh việc tiêu thụ các đồ ăn cay, nóng.
Qua bài viết trên đây, bạn đọc đã được biết về một số thông tin liên quan đến tình trạng dị ứng tôm. Việc trang bị thông tin về tình trạng này sẽ giúp bạn chủ động hơn trong việc nhận biết. Bởi hiện tượng cơ thể xuất hiện triệu chứng dị ứng khi ăn tôm có thể xảy ra một cách bất ngờ, mặc dù trước đó chưa từng có bất cứ vấn đề bất thường nào xuất hiện với bạn khi ăn loại thực phẩm này.
Để được các bác sĩ trực tiếp thăm khám tình trạng dị ứng với tôm và tư vấn phương pháp xử trí, điều trị, quý khách hàng có thể đến trực tiếp Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC. Nếu có nhu cầu đặt lịch khám và giải đáp những băn khoăn liên quan, quý khách vui lòng liên hệ đến đường dây nóng: 1900 56 56 56 của MEDLATEC để các tổng đài viên hỗ trợ.