Sốt siêu vi là thuật ngữ được dùng để chỉ chung cho các trường hợp sốt có xuất phát từ nguyên nhân do virus. Bệnh lý này có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm nếu sốt cao kéo dài không được xử lý đúng cách. Vậy sốt siêu vi có lây không?
17/01/2021 | Cảnh báo: Những điều bạn phải biết về sốt siêu vi ở người lớn 17/01/2021 | Sốt siêu vi ở trẻ và những thông tin cha mẹ cần nắm được 14/10/2020 | Triệu chứng nhận biết sốt siêu vi và khi nào cần đi khám?
1. Tác nhân gây nên và những biến chứng nguy hiểm của bệnh sốt siêu vi
1.1. Tác nhân gây bệnh
Sốt siêu vi thường dễ bùng phát vào thời điểm giao mùa vì khi thời tiết thay đổi đột ngột sẽ tạo điều kiện lý tưởng cho các loại virus phát triển và gây bệnh. Bệnh được gây ra bởi các tác nhân sau:
- Rhinovirus: thường dẫn đến sốt cao và hiện tượng cảm lạnh. Bệnh có thể dẫn đến viêm phế quản, hen suyễn, viêm phổi, viêm xoang, viêm phổi, viêm tai nếu không được điều trị hiệu quả.
Virus là tác nhân chính gây ra bệnh sốt siêu vi
- Virus cúm A,B: gây ra bệnh cúm và dễ biến chứng viêm phổi hoặc viêm mũi - họng.
- Coronavirus: dễ gây sốt cao và biến chứng viêm phổi ở trẻ em.
- RSV virus: tác nhân gây nên bệnh viêm phế quản và viêm phổi.
- Enterovirus: dẫn đến sốt cấp tính không đặc thù, chân tay miệng, sốt phát ban hoặc bệnh Bornholm.
1.2. Các biến chứng có thể xảy ra
Hầu hết các trường hợp bị sốt siêu vi nếu được chăm sóc và điều trị đúng cách có thể tự khỏi sau khoảng 7 ngày. Ngược lại, bệnh có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như:
- Mất nước
Mất nước nhiều sẽ gây ra nhiều nguy hiểm cho cơ thể bởi nó tương đồng với thể tích tuần hoàn (máu) bị giảm. Nếu lượng nước mất đi khoảng 10 - 20% thể tích thì cơ thể sẽ tự gây ra hiện tượng tự co mạch, tưới máu đến ngoại vi giảm để ưu tiên máu đến các cơ quan chính. Nếu nước mất 20 - 40% thì máu nuôi các cơ quan quan trọng khác của cơ thể cũng bị thiếu. Nếu nước mất 40% trở lên thì máu đi nuôi tim và não cũng bị thiếu và nguy cơ tử vong là rất cao.
- Ảo giác, mê sảng
Đây là hệ lụy của tình trạng sốt cao kéo dài làm tăng nhiệt độ cơ thể và thiếu máu não.
- Sốc
Biến chứng sốt siêu vi này vô cùng nặng bởi nó phản ánh tình trạng giảm tưới máu đến mô làm cơ thể không được cung cấp đủ máu và oxy. Nếu không được xử lý khẩn cấp có thể gây ra tử vong.
- Biến chứng thần kinh: hôn mê, co giật, suy đa cơ quan, nhiễm trùng huyết,
2. Bệnh sốt siêu vi có lây không và nếu lây thì lây như thế nào?
2.1. Sốt siêu vi có khả năng lây hay không
Muốn biết sốt siêu vi có lây không cần biết về nguyên nhân gây ra bệnh lý này. Như ở trên đã nói, các loại virus chính là tác nhân dẫn tới sốt siêu vi. Các loại virus này đều có kích thước rất nhỏ và có khả năng làm bệnh lây lan.
Bác sĩ tư vấn và giải đáp sốt siêu vi có lây không cho người bệnh
Nói sốt siêu vi có lây không thì bản thân hiện tượng sốt không thể có khả năng lây nhưng tác nhân gây ra sốt là virus lại có thể lan truyền từ người này sang người khác nên bệnh sốt siêu vi vẫn có khả năng lây lan nhanh chóng. Tuy nhiên, tùy vào loại virus gây bệnh mà các đường lây nhiễm sẽ không giống nhau, có người nhiễm virus bị sốt nhưng cũng có người nhiễm virus lại không sốt.
2.2. Con đường lây nhiễm sốt siêu vi là gì
Sốt siêu vi có khả năng lây lan qua các con đường sau:
- Hô hấp
Người bị sốt siêu vi có thể khiến cho người bình thường bị lây bệnh khi hít phải các giọt bắn, dịch tiết của họ qua việc hắt hơi, ho.
- Ăn uống
Dùng chung dụng cụ ăn uống, ngồi chung bàn với người bị sốt siêu vi thì cũng có khả năng lây nhiễm bệnh lý này. Ngoài ra, ăn phải thực phẩm chứa virus gây bệnh cũng bị lây bệnh.
- Vật trung gian truyền bệnh
Tuy rất hiếm khi xảy ra nhưng côn trùng và một số loài động vật có thể mang virus gây bệnh sốt siêu vi. Mặt khác, thông qua vết cắn hoặc đốt của muỗi cũng có thể lây truyền bệnh.
- Bề mặt đồ vật
Nếu bề mặt của đồ vật có chứa dịch tiết của người bị sốt siêu vi thì người bình thường chẳng may chạm vào cũng có nguy cơ lây nhiễm bệnh.
3. Dấu hiệu gợi ý bị nhiễm sốt siêu vi
Sốt siêu vi có khá nhiều biểu hiện tương đồng với bệnh cảm cúm thông thường nên dễ nhầm lẫn. Nếu có những dấu hiệu sau hoàn toàn có cơ sở để nghi ngờ bị sốt siêu vi:
- Sốt cao: trên 39 độ C thậm chí có thể lên tới 40 - 41 độ C. Nếu không được hạ sốt nhanh rất dễ bị co giật.
- Toàn thân đau nhức: sốt cao khiến toàn thân có cảm giác đau nhức, mệt mỏi, nhiều nhất là các cơ bắp và đầu.
- Khó thở, nghẹt mũi: virus gây bệnh có thể gây ra hiện tượng ho, sổ mũi nên người bệnh dễ bị nghẹt mũi và khó thở.
Một số dấu hiệu điển hình của bệnh sốt siêu vi
- Đau rát cổ họng, hắt hơi nhiều, ho nhiều, chảy nước mũi: đây là biểu hiện của viêm đường hô hấp trên.
- Viêm kết mạc: biểu hiện là mắt lờ đờ, mắt đỏ, có nhiều rỉ mắt.
- Nôn trớ nhiều: kết quả của tình trạng có dịch nhầy trong họng và viêm họng cản trở việc nuốt thức ăn.
- Phát ban: khi đã qua giai đoạn ủ và phát bệnh, sốt siêu vi sẽ làm xuất hiện các nốt mẩn đỏ li ti ở tay hoặc chân.
- Tiêu chảy: khi virus tấn công đường tiêu hóa chúng sẽ làm rối loạn tiêu hóa và kết quả chính là hiện tượng tiêu chảy.
- Sưng hạch: nổi hạch ở cổ, đầu là hệ quả của việc virus xâm nhập vào đường hô hấp
Đến nay, mọi biện pháp điều trị sốt siêu vi đều chủ yếu tập trung vào việc làm giảm bớt triệu chứng kết hợp với tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể có đủ khả năng chống lại virus gây bệnh. Bên cạnh đó, một số biện pháp được khuyến khích áp dụng để giảm thiểu nguy cơ lây lan bệnh đó là:
- Giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ cho cả người bình thường và người bệnh.
- Không nên dùng chung vật dụng cá nhân với người bị sốt siêu vi.
- Trước và sau khi tiếp xúc với người bị sốt siêu vi, sau khi đi vệ sinh cần nhớ rửa tay sạch sẽ.
- Người bệnh nên nghỉ ngơi ở nhà, không nên đến nơi đông người để làm lây bệnh cho cộng đồng.
Như vậy bài viết trên đây đã giải đáp được băn khoăn sốt siêu vi có lây không và chia sẻ con đường lây lan bệnh lý này để các bạn biết cách chủ động phòng ngừa. Trong trường hợp bạn nghi ngờ mắc sốt siêu vi mà chưa biết làm cách nào để chẩn đoán chính xác, đừng ngần ngại liên hệ tổng đài 1900 56 56 56 để có được hướng dẫn đúng từ chuyên viên y tế của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC.