Cha mẹ có thể không ngăn chặn kịp thời nhiều biến chứng nguy hiểm nếu bỏ qua các dấu hiệu trẻ bị viêm đường tiết niệu. Tuy khả năng xảy ra là thấp so với người lớn nhưng vẫn luôn tồn tại một tỷ lệ nhiễm bệnh ở trẻ em. Để giúp các bậc phụ huynh theo dõi sát hơn tình trạng sức khỏe của bé, MEDLATEC sẽ cung cấp một vài thông tin quan trọng sau.
06/06/2020 | Bệnh viêm đường tiết niệu có nguy hiểm không? Làm sao để nhận biết? 17/04/2020 | Bệnh viêm đường tiết niệu ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe?
1. Các dấu hiệu trẻ bị viêm đường tiết niệu
Khá nhiều bậc phụ huynh vẫn cho rằng trẻ em thì ít có khả năng bị viêm đường tiết niệu, chỉ cần vệ sinh cơ thể giúp các con là hoàn toàn có thể tránh được bệnh này. Đây là một quan niệm hoàn toàn sai lầm. Tỷ lệ trẻ em có nguy cơ viêm đường tiết niệu chỉ xếp sau hai bệnh cơ bản là viêm hô hấp (dẫn đến viêm phổi) và viêm đường tiêu hóa (dẫn đến tiêu chảy).
Có thể nói viêm đường tiết niệu cũng là một trong những căn bệnh phổ biến trong giai đoạn sơ sinh, mới lớn của các con. Thậm chí, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng các bé gái còn có tỷ lệ bị viêm đường tiết niệu cao hơn các bé trai với tỷ lệ 1:5. Điều này tương đương với việc cứ có 5 bệnh nhân là bé gái thì mới có 1 bệnh nhân là bé trai.
Các bé gái có nguy cơ viêm đường tiết niệu cao hơn các bé trai
Tuy rằng viêm đường tiết niệu có thể gây ra nhiều biến chứng sức khỏe nguy hiểm như suy thận, nhiễm trùng máu dẫn đến tử vong nhưng vẫn có cách điều trị dứt điểm nếu phát hiện kịp thời. Để đảm bảo sự an toàn về sức khỏe cho các thiên thần nhỏ, cha mẹ nên tham khảo dấu hiệu trẻ bị viêm đường tiết niệu sau đây:
Các biểu hiện lâm sàng chung
Dấu hiệu trẻ bị viêm đường tiết niệu cơ bản nhất chính là các con có nhiệt độ cơ thể tăng hoặc giảm thất thường. Tùy vào cơ địa mà có bé sốt cao không lùi, sốt li bì, ngủ triền miên hoặc có bé lạnh toát tứ chi, cơ thể suy yếu, da mặt tái xanh.
Các bé có thể sốt cao nếu bị viêm đường tiết niệu
Ngoài dấu hiệu về nhiệt độ như trên thì các phụ huynh cũng nên lưu ý thêm về đường tiêu hóa của các con. Trẻ bị viêm đường tiết niệu có thể đi kèm triệu chứng buồn nôn hay đi ngoài sau ăn.
Tuy nhiên, không ít trường hợp trẻ em bị viêm đường tiết niệu mà không có triệu chứng nào.
Dấu hiệu của trẻ đang bú mẹ
Các bé còn đang bú mẹ nếu bắt đầu bị viêm đường tiết niệu sẽ quấy khóc thường xuyên hơn, không chịu chơi và khó có thể dỗ các con ngủ. Vàng da kéo dài không được cải thiện dù đã phơi nắng và bổ sung vitamin D.
Đặc biệt, các con thường có xu hướng bỏ bú, bú ít đi, ăn chưa no nhưng cũng chướng bụng, đầy hơi. Dù chế độ ăn uống của mẹ cẩn thận thì các con vẫn có khả năng bị đi ngoài, nước tiểu đổi màu, đục hơn.
Dấu hiệu của trẻ lớn (từ 18 tháng trở lên)
Đối với các bé từ 18 tháng tuổi trở lên, khi đã dần nhận biết được thế giới xung quanh thì cha mẹ có thể giao tiếp hoặc theo sát các dấu hiệu lâm sàng của bệnh dễ dàng hơn. Bé vẫn có triệu chứng sốt cao, môi và lưỡi khô, đôi khi lưỡi có các đốm bẩn không rõ nguyên nhân. Cơ thể có xu hướng uể oải.
Quan trọng là quá trình đi tiểu của bé sẽ thể hiện rõ ràng một số dấu hiệu đường tiết niệu đang bị tổn thương. Cụ thể, nước tiểu của con sẽ bị đổi màu, không còn màu vàng tiêu chuẩn. Dần dần các con sẽ sợ tiểu vì khi đi tiểu cơ quan sinh dục bị buốt hoặc rát ở bên trong. Tiểu rắt cũng là một trong các dấu hiệu cảnh báo bệnh viêm đường tiết niệu.
2. Cha mẹ nên phản ứng như thế nào nếu phát hiện dấu hiệu trẻ bị viêm đường tiết niệu?
Đường tiết niệu là một trong những cơ quan có vị trí, vai trò rất quan trọng đối với cơ thể. Các bậc phụ huynh nên lưu ý theo dõi các dấu hiệu bất thường của cơ quan này để xác định trở ngại sức khỏe mà con đang gặp phải.
Các dấu hiệu trẻ bị viêm đường tiết niệu trên đây có phần giống với triệu chứng của một số bệnh về hô hấp và tiêu hóa. Cha mẹ nên bình tĩnh, tiếp tục theo dõi xem có đúng là con đang phải đối mặt với các nguy cơ viêm đường tiết niệu hay không.
Ngay khi xác định được con có khả năng cao đang gặp vấn đề thì cha mẹ nên đưa bé đến cơ sở y tế để được thăm khám và hỗ trợ kịp thời. Phát hiện và chẩn đoán càng sớm thì bệnh có khả năng trị khỏi dứt điểm.
Cha mẹ nên đưa con đến các cơ sở y tế nếu nghi ngờ con bị viêm đường tiết niệu
3. Các biện pháp cha mẹ nên thực hiện để giúp con tránh bị viêm đường tiết niệu
Các bậc phụ huynh nên lưu ý áp dụng các biện pháp phòng tránh sau đây hàng ngày để hạ nguy cơ mắc bệnh viêm đường tiết niệu của bé yêu:
-
Cho con uống đủ nước để quá trình bài tiết của cơ thể diễn ra nhịp nhàng. Ngoài ra, chế độ dinh dưỡng cũng là yếu tố quan trọng có thể tác động đến sức đề kháng và hệ miễn dịch của con.
-
Nếu con còn trong giai đoạn sơ sinh, đang dùng tã, bỉm thì cha mẹ cần lưu tâm lau thật khô vùng kín của bé rồi mới thay bỉm hoặc tã. Định kỳ kiểm tra nước tiểu của con xem có màu sắc bất thường hay không.
Cha mẹ cần thay bỉm cho con đúng cách để đảm bảo vệ sinh
-
Khi vệ sinh vùng kín cho bé gái nên vệ sinh kĩ vì hình thái sinh học cơ quan sinh dục của con khá đặc biệt. Tốt nhất là phụ huynh nên vệ sinh từ trước ra sau để đảm bảo vi khuẩn từ nước tiểu, lỗ tiểu không làm ảnh hưởng đến các bộ phận khác.
-
Đối với bé trai thì phụ huynh lại cần lưu tâm việc bé đi tiểu nhiều hơn. Các dấu hiệu như tia tiểu nhỏ, bao quy đầu phồng bất thường trong lúc tiểu đều có thể cảnh báo bệnh viêm đường tiết niệu.
-
Cha mẹ hãy để con tự đi vệ sinh đúng cách cũng như rèn luyện việc tự vệ sinh cá nhân cho mình sau khi đi đại tiện hoặc tiểu tiện.
-
Đặc biệt, môi trường sống của con cần đảm bảo sạch sẽ, tránh để vi khuẩn phát triển.
Vừa rồi là các tư vấn của MEDLATEC liên quan đến dấu hiệu trẻ bị viêm đường tiết niệu. Các bậc phụ huynh nên thường xuyên theo sát sức khỏe của con để đảm bảo con có sự phát triển toàn diện nhất. Mọi thắc mắc hoặc yêu cầu hỗ trợ khi bé bị viêm đường tiết niệu xin gửi về đường dây nóng 1900 56 56 56. MEDLATEC hân hạnh được đồng hành cùng sự phát triển của bé yêu!