Đau dây thần kinh liên sườn tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại khiến các hoạt động thường ngày của người bệnh trở nên khó khăn, bất tiện. Để hiểu rõ hơn về nguyên nhân, triệu chứng và các biện pháp điều trị bệnh này, bạn đọc đừng bỏ qua những thông tin hữu ích mà Bệnh viện MEDLATEC chia sẻ dưới đây.
08/07/2021 | Viêm đa dây thần kinh: triệu chứng và nguyên nhân gây bệnh 13/05/2021 | Bệnh nhân đau dây thần kinh liên sườn có tự khỏi không? 03/05/2021 | Giải đáp thắc mắc: đau dây thần kinh liên sườn có nguy hiểm không?
1. Đau dây thần kinh liên sườn là gì?
Đau dây thần kinh liên sườn còn được gọi là hội chứng tổn thương các rễ thần kinh liên sườn. Khi đó, người bệnh sẽ cảm thấy đau tức phía trước ngực. Cảm giác đau tức này chỉ xảy ra ở một bên (trái hoặc phải), xuất phát từ ngực rồi lan dọc ra mạn sườn và kéo dài đến phía sau cột sống lưng.
Hội chứng bệnh này ít gặp ở trẻ em, chủ yếu xảy ra ở người trưởng thành, đặc biệt là những người lao động nặng hoặc chơi thể thao quá sức. Tuy không đe dọa đến tính mạng, nhưng nếu không can thiệp điều trị thì đau dây thần kinh liên sườn có thể khiến người bệnh cảm thấy khó thở, khó vận động.
2. Nguyên nhân
Những tổn thương hoặc sự bất thường nào đó liên quan đến cột sống, tủy sống và xương sườn sẽ ảnh hưởng đến các dây thần kinh liên sườn, gây ra cơn đau cho người bệnh. Có thể nói, nguyên nhân gây đau dây thần kinh liên sườn khá đa dạng, có thể kể đến như:
Đau dây thần kinh liên sườn chủ yếu xảy ra ở người lớn, do nhiều nguyên nhân khác nhau
-
Thoái hóa cột sống ngực.
-
Ung thư hoặc lao cột sống ngực.
-
Bệnh lý tủy sống (u tủy, u rễ thần kinh).
-
Chấn thương cột sống.
-
Bệnh lý toàn thân khác như tiểu đường, nhiễm khuẩn.
3. Triệu chứng
Ngoài cảm giác đau một bên ngực lan ra mạn sườn và kéo dài đến phía sau cột sống lưng như đã nói ở trên, tùy vào nguyên nhân mà đau dây thần kinh liên sườn sẽ có những dấu hiệu và triệu chứng khác mà người bệnh cần nắm rõ.
Thoái hoá cột sống ngực
Thoái hóa cột sống ngực có thể khiến người bệnh cảm thấy đau âm ỉ ở vùng cột sống lưng. Đặc biệt, khi cử động mạnh hoặc ấn vào giữa cột sống thì cảm giác đau sẽ tăng lên gấp bội. Tình trạng này thường xảy ra ở những người già do sức khỏe đang bị giảm sút bởi các hiện tượng lão hóa.
Ung thư hoặc lao cột sống ngực
Ung thư cột sống ngực hay lao cột sống có thể khiến người bệnh cảm thấy đau dữ dội ở đoạn cột sống lưng rồi lan rộng ra 2 bên sườn. Tình trạng này sẽ nghiêm trọng hơn nếu không được điều trị tích cực, gây nên các biến chứng mệt mỏi, sốt về chiều và sụt cân.
Tùy vào nguyên nhân mà đau dây thần kinh liên sườn sẽ xuất hiện các triệu chứng khác nhau
Bệnh lý tủy sống
Đau dây thần kinh liên sườn do liên quan đến các bệnh lý tủy sống như u tủy, u rễ thần kinh,… thường không xuất hiện triệu chứng rõ ràng, chỉ là người bệnh cảm thấy đau ở vùng tủy có vấn đề, sau đó lan ra sườn theo kiểu vòng đai. Để xác định chính xác nguyên nhân, người bệnh cần được thăm khám kỹ lưỡng hơn.
Chấn thương cột sống
Đây là nguyên nhân phổ biến và rất hay gặp ở những người lao động nặng hoặc tập thể thao quá sức. Cụ thể, nếu khuân vác vật nặng trong thời gian dài hay tập sai tư thế với cường độ mạnh, người bệnh có thể bị đau dọc khung xương sườn hoặc ngay vị trí cột sống bị chấn thương.
Do nhiễm khuẩn
Nếu bị nhiễm khuẩn, cơ thể sẽ xuất hiện những mụn nước nhỏ li ti dọc theo đường đi của dây thần kinh liên sườn, và người bệnh sẽ cảm thấy đau ở khu vực này, kèm theo đó là các triệu chứng mệt mỏi, sốt nhẹ. Khi các mụn nước vỡ, khô, bong vảy và để lại sẹo thì cảm giác đau ở sườn cũng sẽ biến mất.
Ngoài ra, bệnh nhân bị tiểu đường, nhiễm độc, viêm đa dây thần kinh,… sau khi xuất hiện các triệu chứng của bệnh lý nền thì cũng sẽ gặp phải các cơn đau dọc khung xương sườn và lan theo đường đi của dây thần kinh liên sườn.
Đau dây thần kinh liên sườn nguyên phát, tiên phát
Trong một số trường hợp, người bệnh bị đau dọc khung xương sườn mà không tìm ra nguyên nhân cụ thể, chỉ đơn thuần là do thời tiết trở lạnh, vận động sai tư thế, va chạm vùng liên sườn,… thì được gọi là đau dây thần kinh liên sườn nguyên phát hoặc tiên phát.
Đau vùng xương sườn, cột sống không rõ nguyên nhân có thể là biểu hiện của tình trạng
4. Các biện pháp điều trị
Do đau dây thần kinh liên sườn có nhiều nguyên nhân với những triệu chứng không giống nhau nên cách điều trị cũng sẽ khác nhau. Tùy vào từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ sẽ tư vấn, hướng dẫn và chỉ định điều trị phù hợp
Thường thì bác sĩ sẽ kết hợp điều trị giảm đau với điều trị nguyên nhân gây đau.
Riêng đối với đau dây thần kinh liên sườn nguyên phát, tiên phát, người bệnh có thể được điều trị bằng cách kết hợp nhiều phương pháp, nhưng đều với mục đích là giảm đau hoặc loại bỏ cảm giác đau. Cụ thể như sau:
Điều trị bằng thuốc
Các cơn đau sẽ được giải quyết tạm thời bằng cách sử dụng các loại thuốc giảm đau như paracetamol, ibuprofen, diclofenac,... Tuy nhiên, nhóm thuốc này mang lại hiệu quả không cao, nếu uống quá liều có thể gây tổn thương gan hay viêm loét dạ dày.
Đối với các cơn đau dây thần kinh liên sườn thì bác sĩ sẽ kê thuốc gabapentin - thuốc giảm đau hướng thần kinh. Liều sử dụng sẽ được bác sĩ kê tăng dần cho phù hợp với tình trạng bệnh. Thuốc có thể gây tác dụng phụ không mong muốn (chóng mặt, choáng váng).
Tùy vào nguyên nhân và triệu chứng đau mà bác sĩ sẽ chỉ định cách điều trị phù hợp
Nếu các cơn đau quá nhiều và quá sức chịu đựng của người bệnh, bác sĩ sẽ bổ sung thêm thuốc giãn cơ giúp nhằm giảm co thắt các cơ gian sườn. Song song đó là các vitamin nhóm B (B1, B2, B6 và B12) để hỗ trợ hoạt động của bao myelin và các tế bào thần kinh.
Can thiệp gây tê
Khi việc sử dụng thuốc không mang lại tác dụng giảm đau như mong muốn, người bệnh sẽ được bác sĩ chỉ định gây tê các dây thần kinh liên sườn.
Tóm lại, đau dây thần kinh liên sườn tuy không nguy hiểm nhưng nếu để cơn đau diễn ra liên tục và dai dẳng, người bệnh không chỉ khó chịu đơn thuần mà còn kiệt quệ tinh thần do khó thở, mất ngủ, không thể vận động,… Do đó, bất cứ khi nào xuất hiện cảm giác đau, người bệnh cần được thăm khám và điều trị tích cực để tránh ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày.