Bệnh đậu mùa khỉ là căn bệnh lưu hành tại nhiều quốc gia châu Phi. Tuy nhiên trong thời gian gần đây, căn bệnh này đã lan rộng ra nhiều quốc gia trên toàn thế giới. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu hơn về mức độ nguy hiểm của căn bệnh này, đặc biệt là tỷ lệ tử vong của bệnh đậu mùa khỉ.
01/07/2022 | Chuyên gia giải đáp: Nguồn gốc của bệnh đậu mùa khỉ 23/06/2022 | Chữa bệnh đậu mùa khỉ như nào - Kinh nghiệm phòng bệnh bạn nên biết 23/06/2022 | Những dấu hiệu của bệnh đậu mùa khỉ bạn không nên bỏ qua 23/06/2022 | Giải đáp: Bệnh đậu mùa khỉ trông như thế nào?
1. Đậu mùa khỉ gây ra những triệu chứng như thế nào?
Đây là căn bệnh do virus Orthopoxvirus. Trường hợp đầu tiên nhiễm virus đậu mùa khỉ trên thế giới được xác nhận ở nước Cộng hòa Dân chủ Congo vào năm 1970. Sau đó căn bệnh này lan rộng và gây ra những đợt dịch tại các quốc gia Châu Phi. Kể từ đó, nó trở thành bệnh đặc hữu của các quốc gia này.
Bệnh đậu mùa khỉ có nguồn gốc từ châu Phi
Tuy nhiên, tháng 5/2022, trường hợp bệnh nhân người Anh đầu tiên đã xác định bị nhiễm loại virus đặc biệt này. Sau đó, hàng chục quốc gia trên thế giới cũng ghi nhận những trường hợp nhiễm bệnh đậu mùa khỉ.
Những nghiên cứu của các nhà khoa học được đăng trên tạp chí Nature Medicine vào ngày 23/6 đã cho biết, virus đậu mùa khỉ có nhiều đột biến hơn so với dự kiến, đã có hơn 50 biến thể di truyền so với những loại virus lưu hành vào năm 2018 đến 2019.
Kết quả của những nghiên cứu gần đây cũng khiến nhiều nhà khoa học bất ngờ vì theo đặc điểm thông thường của bộ gen của virus đậu mùa khỉ thì rất hiếm khi xảy ra những đột biến. Đó cũng chính là lý do khiến căn bệnh này chỉ lưu hành tại các quốc gia châu Phi và rất hiếm khi lan rộng ra các quốc gia khác. Hiện tại các chuyên gia vẫn đang tiếp tục nghiên cứu sâu hơn để hiểu rõ về nguyên nhân gây ra đợt bùng phát dịch nghiêm trọng này.
Một số triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ
Bệnh đậu mùa khỉ có những triệu chứng khá giống với bệnh đậu mùa nhưng mức độ ít nghiêm trọng hơn. Khi nhiễm virus, bệnh nhân có thể ủ bệnh từ 5 đến 21 ngày. Khi khởi phát, bệnh gây ra một số triệu chứng như sốt, đau đầu, đau cơ và đau lưng. Bên cạnh đó là những triệu chứng phát ban và tổn thương trên da.
Phát ban trên da do đậu mùa khỉ
Những nốt phát ban trên da thường xuất hiện sau khi bệnh nhân đã có triệu chứng sốt trong 1 đến 3 ngày. Người bệnh có thể xuất hiện một vài nội đến hàng nghìn nốt trên khắp các vùng da cơ thể, nhưng tập trung chủ yếu ở mặt, lòng bàn tay và bàn chân, hay cũng có thể xuất hiện ở mắt hoặc bộ phận sinh dục của người bệnh…. Trong các nốt có chứa dịch vàng hoặc trong. Sau đó, chúng sẽ vỡ ra, khô lại và đóng vảy.
Phần lớn những triệu chứng của bệnh sẽ kéo dài khoảng 2 đến 4 tuần. Sau đó chúng sẽ tự biến mất mà không cần áp dụng những biện pháp điều trị đặc biệt nào cả. Nếu xuất hiện những triệu chứng bệnh, bạn không nên chủ quan mà hãy liên hệ với nhân viên y tế để được tư vấn và theo dõi điều trị, đồng thời cách ly để tránh lây nhiễm bệnh cho cộng đồng.
2. Tỷ lệ tử vong của bệnh đậu mùa khỉ
Bệnh đậu mùa khỉ thường không diễn biến nặng và có thể tự khỏi trong vòng 2 tuần mà không cần điều trị. Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong của bệnh đậu mùa khỉ cũng khá cao đối với những trường hợp mắc bệnh là trẻ em hoặc những đối tượng bị suy giảm hệ miễn dịch mà không được chăm sóc đúng cách.
Người suy giảm hệ miễn dịch nhiễm virus có nguy cơ tử vong cao
Một trong những di chứng mà bệnh có thể gây ra đó là sẹo hay còn gọi là rỗ trên da. Nguyên nhân là do trên da người bệnh thường phát hiện những nốt phát ban và những nốt này có thể tổn thương sâu dưới tầng tế bào sinh sản của lớp thượng bì. Do đó, khi chúng khô đi, tróc vảy sẽ có thể để lại sẹo trên da. Trong đó, vùng da chịu ảnh hưởng nhiều nhất là da mặt và những vết sẹo trên mặt còn được gọi là mặt rỗ.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là những biến chứng và tỷ lệ tử vong của bệnh đậu mùa khỉ tại các quốc gia lưu hành có thể cao hơn với con số ghi nhận. Nguyên nhân là do hoạt động giám sát, theo dõi dịch bệnh tại những quốc gia này còn rất nhiều hạn chế.
3. Bệnh đậu mùa khỉ lây truyền như thế nào?
Bệnh đậu mùa khỉ có thể lây từ động vật sang người và lây từ người sang người. Virus có thể lây truyền qua đường máu, tiếp xúc với giọt bắn đường hô hấp, dịch lỏng trong cơ thể hoặc từ vết thương ở niêm mạc, da của người bệnh và động vật nhiễm bệnh. Do đó tiếp xúc gần với bệnh nhân sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Bên cạnh đó, nếu ăn phải thịt động vật nhiễm bệnh, dùng chung đồ với người bị bệnh (bao gồm một số vật dụng cá nhân như quần áo, chăn gối, khăn tắm, khăn mặt,…) hoặc bị động vật cào cắn, cũng có thể lây nhiễm virus đậu mùa khỉ. Do đó nếu không cách ly mà sống chung với người bị bệnh thì khả năng lây nhiễm bệnh sẽ rất cao.
Ai cũng cần có ý thức phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ
Bên cạnh đó, bệnh cũng có thể lây truyền từ mẹ sang cho thai nhi dẫn đến nhiều trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ bẩm sinh. Trẻ sơ sinh tiếp xúc gần mẹ cũng có nguy cơ lây nhiễm bệnh từ mẹ.
Hiện tại, bệnh đậu mùa khỉ có lây qua đường tình dục hay không là một vấn đề được nhiều người quan tâm. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết, cần phải nghiên cứu sâu hơn nữa mới có thể làm rõ và xác định nguy cơ lây nhiễm của virus đậu mùa khỉ qua đường tình dục.
Mỗi chúng ta nên có ý thức phòng ngừa căn bệnh nguy hiểm này bằng những phương pháp sau:
- Không tiếp xúc với động vật nhiễm bệnh, động vật chết không rõ lý do hoặc nghi ngờ nhiễm bệnh.
- Thực hiện ăn chín, uống sôi, không nên ăn những loại thịt động vật không có nguồn gốc rõ ràng.
- Người bị bệnh cần cách ly để tránh lây nhiễm sang cộng đồng.
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng.
- Thường xuyên cập nhật thông tin bệnh.
Trên đây là một số thông tin về bệnh đậu mùa khỉ, đặc biệt là tỷ lệ tử vong của bệnh đậu mùa khỉ. Nếu có bất cứ thắc mắc gì về căn bệnh này hoặc các vấn đề sức khỏe, mời bạn liên hệ đến tổng đài 1900 56 56 56 để được các tổng đài viên của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC tư vấn chi tiết.