Chụp cắt lớp gan là một phương pháp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong hỗ trợ chẩn đoán và điều trị các bệnh lý về gan. Thông qua kỹ thuật này, mọi bất thường dù là nhỏ nhất ở mô tế bào cũng có thể được phát hiện một cách chính xác.
23/06/2020 | Chẩn đoán ung thư gan bằng phương pháp chụp cắt lớp gan 25/07/2019 | Kỹ thuật chụp cắt lớp gan - giải pháp mới hỗ trợ người bị bệnh gan
1. Tổng quan về gan
Gan nằm bên dưới lồng ngực phải, ngăn cách với phổi bằng cơ hoành. Đây là cơ quan duy nhất trong cơ thể có khả năng tiếp nhận cùng lúc máu từ 2 nguồn khác nhau là động và tĩnh mạch.
Gan thực hiện nhiều chức năng quan trọng đối với cơ thể
Gan có chức năng vô cùng quan trọng trong cơ thể:
- Chuyển hóa
Quá trình chuyển hóa các chất cơ bản ở gan diễn ra vô cùng mạnh mẽ. Theo đó, gan chuyển hóa glucid bằng cách tổng hợp glycogen dự trữ và tăng phân giải glycogen cung cấp năng lượng cho cơ thể. Mặt khác, gan cũng tổng hợp các acid béo để tạo thành lipoprotein sau đó đưa vào máu rồi vận chuyển chúng đi nuôi các tế bào và tổ chức khác. Lượng protein được dự trữ ở gan sau khi phân giải sẽ tạo thành các acid amin để đưa vào máu cung cấp cho các tế bào.
- Chống độc
Gan thực hiện chức năng chống độc của mình bằng các phản ứng hóa học; cố định và đào thải các chất qua đường mật. Nhờ cơ chế này mà gan trở thành một tấm lá chắn kiên cố có khả năng giảm độc tính, ngăn chặn chất độc xâm nhập vào cơ thể qua đường tiêu hóa đồng thời đào thải chất cặn bã ra ngoài cơ thể.
- Tạo mật
Các tế bào gan liên tục sản xuất ra mật rồi cô đặc chúng và dự trữ ở túi mật sau đó mới bơm xuống ruột non vào các bữa ăn. Lượng mật này sẽ giúp tiêu hóa thức ăn tan trong dầu để cơ thể hấp thu dinh dưỡng một cách tốt nhất.
- Dự trữ
Gan là nơi dự trữ rất nhiều loại vitamin, máu và khoáng chất nuôi cơ thể như: vitamin B12, A, D, E; sắt; máu;...
2.1. Vai trò của chụp cắt lớp gan
Chụp cắt lớp gan là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh hiện đại cho phép phân biệt mọi ngóc ngách của cấu trúc gan trên cùng một mặt phẳng. Đặc biệt, nếu thế hệ máy hiện đại với thời gian ghi 1 quang ảnh trên dưới 1 giây thì có thể nghiên cứu động học u gan đồng thời tăng độ nhạy với tổn thương có kích thước dưới 1cm. Không những thế, thông qua hình ảnh thu được từ phương pháp này mà bác sĩ có thể phát hiện sớm, chẩn đoán chính xác bệnh lý ung thư gan và theo dõi đánh giá tiên lượng, diễn tiến giai đoạn bệnh lý sau phẫu thuật điều trị bệnh.
2.2. Chỉ định và chống chỉ định
- Chỉ định
Phương pháp chụp CT cắt lớp gan được chỉ định đối với các trường hợp:
+ Cần bổ sung hình ảnh cho siêu âm trong chẩn đoán bệnh lý gan mật hay bất thường hệ tiết niệu.
+ Tìm kiếm, theo dõi bệnh lý gan và đường mật khi gặp hạn chế đối với siêu âm.
+ Đã thực hiện siêu âm và phát hiện bất thường khu trú trong gan đồng thời phối hợp với lâm sàng nghi ngờ nguy cơ tổn thương.
Ảnh chụp cắt lớp tĩnh mạch gan
+ Xác định đặc điểm tổn thương gan ngấm thuốc trong các trường hợp: khối u gan lành tính, di căn ung thư nội tiết, u tế bào gan,...
+ Các trường hợp bị: tổn thương dạng nang, tăng áp lực tĩnh mạch cửa, khối u gan nghèo mạch,...
- Chống chỉ định
Không có chống chỉ định tuyệt đối với chụp cắt lớp gan. Cần xem xét chống chỉ định tiêm thuốc cản quang trong các trường hợp: phụ nữ mang thai, dị ứng với iod trong thuốc cản quang, suy thận,...
3. Kỹ thuật chụp cắt lớp gan và những vấn đề cần lưu ý
3.1. Kỹ thuật chụp
- Bệnh nhân cần nằm ngửa trong suốt quá trình chụp. Một số trường hợp cần thiết, để tránh hình giả gây ra do khí và cản quang trong dạ dày, có thể cho bệnh nhân nằm nghiêng.
- Trong thời gian thực hiện các lớp cắt bệnh nhân cần nín thở. Bác sĩ cần giải thích cặn kẽ cách nín thở vào cùng một thời điểm của chu kỳ thở để có sự phối hợp nhịp nhàng, tránh sự sai lệch giữa các lớp cắt so với các lớp cắt chuẩn đã được xác định.
Bệnh nhân chụp cắt lớp gan tại Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC
- Tùy theo kích thước tổn thương mà chiều dày lớp cắt có thể 5 - 10 mm. Tổn thương đường mật nên thực hiện cắt lớp mỏng kiểu cắt xoắn ốc.
- Trường khảo sát (FOV) tùy thuộc vào thể trạng của từng bệnh nhân, sao cho có thể thấy được toàn bộ ổ bụng phần có gan mà vẫn không quá rộng để đảm bảo độ phân giải không gian ở mức tốt nhất.
- Để đánh giá toàn bộ cấu trúc xung quanh gan cần quan sát gan trên các thì trước và sau tiêm thuốc. Đặc biệt, trường hợp tổn thương nằm ở ranh giới gan, cơ hoành và đáy phổi, cửa sổ nhu mô phổi là cần thiết đối với các lớp cắt đầu tiên.
3.2. Những vấn đề cần lưu ý
- Trường hợp được yêu cầu chụp cắt lớp gan có tiêm thuốc cản quang, bệnh nhân cần nhịn ăn 6h trước khi chụp. Cũng có trường hợp bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh uống nhiều chất lỏng trong suốt hoặc dùng thuốc theo quy định trước khi kiểm tra. Nếu chụp cắt lớp không tiêm thuốc cản quang, người bệnh có thể ăn uống bình thường vào thời điểm trước đó.
- Phụ nữ mang thai hoặc nghi ngờ mang thai nên kiểm tra bởi bác sĩ nếu có chỉ định chụp CT cắt lớp gan để có được những tư vấn và phương pháp chẩn đoán tối ưu.
- Thuốc cản quang giúp bác sĩ nhìn rõ được các hình ảnh bên trong gan nên nếu bị dị ứng với chất cản quang iod hoặc chức năng thận có vấn đề thì cần thông báo với bác sĩ để chụp mà không cần thuốc tương phản hoặc thay thế bằng một phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác.
Nhìn chung, chụp cắt lớp gan là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh hiện đại không chỉ cung cấp thông tin hình thể bên ngoài, chi tiết cấu trúc bên trong của gan mà còn giúp quan sát rõ các thành phần đường mật, mạch máu. Thông qua những hình này mà bác sĩ có cơ sở để xác định chính xác vị trí gan bị tổn thương từ đó có phác đồ điều trị phù hợp nhất.
Muốn biết trường hợp của mình có nên thực hiện phương pháp này không, tốt nhất bạn nên gặp trực tiếp bác sĩ để được thăm khám và có chỉ định phù hợp. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào khác, bạn đọc cũng có thể gọi tới hotline 1900 56 56 56 để được chuyên viên y tế của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC giải đáp cặn kẽ.