Chứng ngưng thở khi ngủ có thể bắt gặp ở bất kỳ độ tuổi nào và nếu không được chẩn đoán, điều trị từ sớm có thể gây nên những biến chứng nghiêm trọng gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của bệnh nhân. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này, hãy cùng đi tìm câu trả lời trong bài viết sau đây nhé!
01/06/2022 | Ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ có nguy hiểm không? 20/04/2022 | Những thông tin cơ bản về hội chứng ngưng thở khi ngủ 02/03/2022 | Bác sĩ giải thích: Hội chứng ngưng thở khi ngủ nguy hiểm như thế nào?
1. Tìm hiểu chung về chứng ngưng thở khi ngủ
Chứng ngưng thở khi ngủ là tình trạng rối loạn về giấc ngủ, biểu hiện thông qua những đợt ngừng thở trong quá trình ngủ. Một người được cho là mắc phải hội chứng này là khi mỗi lần ngưng thở kéo dài khoảng 10 giây hoặc nhịp thở trên 10 giây giảm hơn 50%, diễn ra ít nhất từ 5 lần hoặc thậm chí là trăm lần mỗi giờ.
Mặc dù mức độ nguy hiểm cao có thể khiến bệnh nhân tử vong trong thầm lặng nhưng chứng ngưng thở khi ngủ lại khó được phát hiện ra, thậm chí ngay cả chính bệnh nhân cũng có khi không biết rằng mình đang mắc hội chứng này vì nó diễn ra trong lúc ngủ.
Chứng ngưng thở khi ngủ được cho là một “sát thủ” thầm lặng có thể khiến bệnh nhân gặp nguy hiểm bất cứ lúc nào
Có 3 loại chứng ngưng thở khi ngủ đó là:
-
Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (OSA - Obstructive Sleep Apnea): tình trạng này phổ biến nhất, nguyên nhân dẫn đến OSA là do bệnh nhân bị tắc nghẽn hoặc thu hẹp đường thở. Đối tượng mắc phải loại này thường là người thừa cân béo phì, phì đại tuyến amidan, tật hàm nhỏ hoặc nghiện rượu,...;
-
Ngưng thở khi ngủ do trung ương (CSA - Central Sleep Apnea): gặp phải khi trung tâm hô hấp rơi vào tình trạng bất ổn, gây nhiễu loạn hoạt động gửi tín hiệu từ não đến các cơ kiểm soát hoạt động thở. Nguyên nhân khiến người bệnh bị CSA là do mắc bệnh viêm não, đột quỵ, tổn thương thân não, suy tim sung huyết, chấn thương cổ, dùng các thuốc như oxycodone, morphine, codeine hoặc thuốc phiện;
-
Ngưng thở hỗn hợp (MSA - Multiple Sleep Apnea): là sự kết hợp của OSA và CSA.
2. Các biểu hiện điển hình của chứng ngưng thở khi ngủ
Khi trải qua một giấc ngủ xuất hiện hội chứng này, bệnh nhân thường có những dấu hiệu như sau:
-
Sáng hôm sau thức dậy có biểu hiện đau đầu, miệng khô, đau họng;
-
Ngủ ngáy, khi ngủ có triệu chứng ngưng thở, ngạt thở mà chỉ có người bên cạnh kiểm tra mới phát hiện được;
-
Ban ngày uể oải, buồn ngủ nhiều ngay cả khi có một giấc ngủ ban đêm kéo dài đủ tiếng và không bị thức giấc giữa chừng;
-
Thiếu tập trung, suy giảm trí nhớ do thiếu oxy lên não và chất lượng giấc ngủ kém;
-
Trong đêm đi tiểu nhiều lần do bị tỉnh giấc. Tình trạng ngưng thở khi ngủ sẽ làm gián đoạn quá trình cung cấp oxy cho não hoạt động, lúc này não sẽ tạo xung để kích thích hoạt động thở hồi phục lại;
-
Đột nhiên bị tỉnh dậy do khịt mũi, ngạt thở hay thở hổn hển;
-
Tâm trạng thay đổi, dễ trở nên cáu gắt và trầm cảm;
-
Giảm hứng thú chuyện “chăn gối", thậm chí bị rối loạn chức năng tình dục.
Bệnh nhân thường có biểu hiện ngủ ngáy, ngạt thở và mệt mỏi
Những biểu hiện trên cũng có thể là triệu chứng cảnh báo bệnh lý khác. Do đó để kết luận chính xác bản thân có bị chứng ngưng thở khi ngủ hay không thì bạn cần đến bệnh viện để kiểm tra. Nhiều trường hợp do không phát hiện bệnh kịp thời nên đã biến chứng thành những bệnh lý nguy hiểm như giảm sút trí nhớ, các bệnh tim mạch (rối loạn nhịp tim, nhồi máu cơ tim, , đau thắt ngực, suy tim), tai biến mạch máu não, mất tập trung, đột tử trong đêm, huyết áp cao, thay đổi cảm xúc, trầm cảm, mệt mỏi ban ngày có nguy cơ bị tai nạn khi tham gia giao thông, tai nạn lao động và ảnh hưởng tới cuộc sống sinh hoạt hàng ngày,...
Chứng ngưng thở khi ngủ xuất hiện nhiều ở bệnh nhân tuổi trung niên nhưng trẻ em vẫn có thể gặp phải hội chứng này. Ở những trẻ bị ngưng thở khi ngủ sẽ kèm theo các biểu hiện như hiếu động thái quá, tinh thần bất ổn, hay gây gổ, đái dầm, thành tích học tập giảm sút,...
3. Phương pháp chẩn đoán chứng ngưng thở khi ngủ
Do chứng ngưng thở khi ngủ rất khó để bệnh nhân tự phát hiện ra, vì vậy cần có sự quan tâm, quan sát, theo dõi từ người thân để giúp nhận ra bệnh kịp thời.
Bên cạnh việc khai thác các triệu chứng lâm sàng nêu trên, bác sĩ sẽ vận dụng phương pháp đo đa ký giấc ngủ để chẩn đoán xác định hội chứng này. Phương pháp này có tác dụng kiểm tra hơi thở và giám sát chức năng khác của cơ thể trong giấc ngủ. Thông qua đó giúp phát hiện bệnh nhân có đang bị chứng ngưng thở khi ngủ hay không và đó là loại OSA, CSA hay MSA.
Ngoài ra, bệnh nhân cần được đánh giá chỉ số cơ thể BMI, khám thêm về chuyên khoa tai mũi họng, hô hấp, nội thần kinh và tim mạch trong trường hợp cần thiết.
Đặc biệt cần phân biệt chứng ngưng thở khi ngủ với những vấn đề sức khỏe khác như ngủ gà, thiếu ngủ, trầm cảm, chứng ngủ rũ, tác dụng phụ của việc dùng thuốc hay rối loạn giấc ngủ nguyên phát.
4. Biện pháp áp dụng trong điều trị chứng ngưng thở khi ngủ
Nguyên tắc chung trong điều trị hội chứng này đó là duy trì sự thông thoáng của đường thở khi ngủ. Bác sĩ có thể chỉ định cho bệnh nhân áp dụng các biện pháp như thở áp lực dương (BPAP), áp suất đường thở dương liên tục (CPAP), bổ sung oxy, hỗ trợ thông khí (ASV), điều trị bằng thuốc.
Đối với những trường hợp bị ngưng thở khi ngủ là do tắc nghẽn vì cấu trúc mũi, hàm hay cổ họng thì sẽ thực hiện phẫu thuật giúp mở rộng đường dẫn khí, loại bỏ vật cản hô hấp. Bên cạnh tiếp nhận điều trị bằng các phương pháp y khoa, bệnh nhân cũng nên tự chủ động thực hiện những cách sau để khắc phục chứng ngưng thở khi ngủ:
-
Duy trì cân nặng trong mức hợp lý bằng cách vận động cơ thể, luyện tập thể dục hàng ngày và áp dụng chế độ dinh dưỡng lành mạnh;
-
Tránh xa chất kích thích như rượu bia, ma túy, thuốc lá và không dùng thuốc opioid (oxycodone, morphine và codein), thuốc an thần, thuốc ngủ khi không có chỉ định từ bác sĩ chuyên khoa;
-
Thay đổi tư thế ngủ.
Thay đổi tư thế ngủ và duy trì một lối sống lành mạnh có thể giúp bạn khắc phục chứng ngưng thở khi ngủ
Quan trọng nhất là nếu bạn có các biểu hiện như đột nhiên thức giấc khi ngủ, ngáy to và bị ngưng thở khi ngủ thì nên đi khám ngay. Việc chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ giúp phòng tránh rủi ro gặp phải các biến chứng nghiêm trọng và cải thiện chất lượng sống cho bạn.
Nếu bạn đang có nhu cầu đặt lịch khám và tư vấn chi tiết hơn về các dịch vụ thăm khám tại Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC, hãy liên hệ ngay đến tổng đài 1900 56 56 56 để được tổng đài viên hỗ trợ.