Xếp thứ 2 trong số các loại ung thư phổ biến ở phụ nữ, có thể nói ung thư cổ tử cung là một bệnh lý ác tính có nguy cơ đe doạ tính mạng của hàng triệu phụ nữ trên toàn thế giới. Tuy nhiên chúng ta có thể lường trước được sự hiện diện của căn bệnh này bằng các biện pháp sàng lọc. Vậy sàng lọc ung thư cổ tử cung thực hiện như thế nào? Những thông tin dưới đây do MEDLATEC cung cấp hi vọng sẽ giúp ích cho các chị em còn đang lăn tăn về vấn đề này.
29/09/2021 | Chị em cần nắm rõ các phương pháp điều trị ung thư cổ tử cung 28/06/2021 | Cảnh giác trước các loại ung thư cổ tử cung và mức độ nguy hiểm của nó 14/04/2021 | Bác sĩ giải thích chi tiết 2 phương pháp phẫu thuật ung thư cổ tử cung
1. Khái niệm ung thư cổ tử cung
Cổ tử cung là một khe hẹp liên kết âm đạo với tử cung. Ở điều kiện bình thường, cổ tử cung có màu hồng và được cấu thành từ lớp tế bào vảy phẳng và mỏng. Một loại tế bào khác có tên gọi tế bào trụ là thành phần tạo nên ống cổ tử cung. Tế bào vảy và tế bào trụ giao nhau tại khu chuyển đổi và đây cũng chính là khu vực dễ có nguy cơ phát triển các tế bào bất thường nhất.
Virus HPV chính là thủ phạm tác động đến các tế bào khiến chúng bị biến đổi. Các chủng HPV có nguy cơ cao gây ung thư không chỉ ở cổ tử cung mà còn ở các cơ quan khác như âm đạo, âm hộ, dương vật, cổ họng, miệng và thậm chí là hậu môn.
Phần lớn từ 80 - 90% các ca ung thư cổ tử cung là thuộc loại ung thư biểu mô tế bào vảy, xếp thứ 2 là ung thư tế bào tuyến chiếm khoảng 10 - 20% tổng số ca bệnh. Nguyên nhân dẫn đến ung thư tuyến là do sự bất thường đến từ các tuyến chất nhờn ở trong ống cổ tử cung.
Hiện nay tỷ lệ ung thư biểu mô tuyến đang có xu hướng gia tăng và đối tượng dễ mắc nhất là các phụ nữ trẻ
Ngày nay nhờ sự ra đời và phát triển của công nghệ xét nghiệm Pap - smear và HPV nên số trường hợp phụ nữ tử vong do ung thư cổ tử cung có tín hiệu giảm đi đáng kể. Xét nghiệm sàng lọc sớm ung thư cổ tử cung giúp bệnh nhân phát hiện các vấn đề ở cổ tử cung, từ đó bệnh nhân được điều trị khi ung thư còn ở giai đoạn sớm.
Nữ giới trong độ tuổi trung niên từ 35 - 44 có xu hướng bị ung thư cổ tử cung cao hơn, hiếm khi xảy ra ở phụ nữ dưới 20 tuổi và có khoảng 15% các ca ung thư phát hiện ở phụ nữ trên 65 tuổi (thường là những người trước đây không thực hiện sàng lọc ung thư thường xuyên).
2. Những lưu ý về tầm soát ung thư cổ tử cung
2.1. Tầm quan trọng của tầm soát ung thư cổ tử cung
Thời gian để các tế bào bình thường chuyển biến thành tế bào ung thư là khoảng từ 5 - 10 năm. Sàng lọc ung thư cổ tử cung có tác dụng phát hiện những biến đổi bất thường này trước khi chúng trở thành khối u ác tính. Những phụ nữ bình thường nguy cơ thấp thì nên thực hiện tầm soát định kỳ để kiểm tra xem tế bào có biến đổi bất thường hay không. Còn những phụ nữ có dấu hiệu thay đổi nhiều ở các tế bào cổ tử cung thì cần thực hiện điều trị sớm để loại bỏ ung thư.
2.2. Vậy sàng lọc ung thư cổ tử cung được thực hiện như thế nào?
Tùy theo độ tuổi và dựa trên hướng dẫn của ASCCP 2019 và ASC 2020 về sàng lọc ung thư cổ tử cung, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh nên xét nghiệm Pap hay HPV.
Để tiến hành 2 xét nghiệm trên thì phải lấy mẫu tế bào từ cổ tử cung và quá trình sàng lọc khá nhanh chóng và không quá phức tạp. Trước tiên chị em sẽ nằm trên một chiếc chiếc ghế đặc biệt và bác sĩ sẽ dùng một thiết bị được gọi là mỏ vịt để mở âm đạo. Dụng cụ này giúp bác sĩ quan sát được phần trên âm đạo và cổ tử cung được rõ hơn.
Một chiếc chổi hoặc các thiết bị chuyên dụng sẽ được dùng để lấy mẫu xét nghiệm và nó được đựng trong ống chứa dung dịch, sau đó phòng xét nghiệm tiếp nhận mẫu để phân tích.
Xét nghiệm sẽ giúp chẩn đoán bệnh ung thư cổ tử cung
Xét nghiệm Pap giúp kiểm tra xem mẫu tế bào này có tế bào bất thường mang dấu hiệu ung thư hay không. Còn xét nghiệm HPV nhằm để phát hiện các chủng HPV có nguy cơ cao gây ung thư.
2.3. Thời điểm và loại xét nghiệm sàng lọc nên làm
Tuỳ thuộc vào tiền sử bệnh lý và độ tuổi của người phụ nữ sẽ quyết định thời điểm và loại xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung nên làm. Đối với nữ giới trong độ tuổi từ 21 - 24 nên thực hiện xét nghiệm Pap 3 năm/lần. Độ tuổi này chưa cần thực hiện xét nghiệm HPV. Còn những phụ nữ từ 25 - 65 tuổi nên thực hiện đồng thời cả xét nghiệm Pap và xét nghiệm HPV, chu kỳ 5 năm/lần, hoặc là làm mỗi xét nghiệm Pap 3 năm/lần nếu điều kiện không cho phép.
2.4. Nên ngừng sàng lọc ung thư cổ tử cung khi nào?
Phụ nữ sau 65 tuổi có thể ngừng thực hiện sàng lọc ung thư cổ tử cung nếu:
-
Không có sự xuất hiện của HPV nguy cơ gây ung thư cao sau 2 lần xét nghiệm liên tiếp trong vòng 5 năm;
-
Có 3 kết quả xét nghiệm Pap đều âm tính liên tiếp trong vòng 10 năm qua, và kết quả gần nhất được thực hiện trong 5 năm qua đổ lại.
2.5. Phụ nữ đã cắt bỏ cổ tử cung có cần xét nghiệm sàng lọc ung thư nữ không?
Đối với trường hợp bệnh nhân đã thực hiện cắt bỏ cổ tử cung thì không cần thực hiện sàng lọc ung thư cổ tử cung.
2.6. Nếu kết quả sàng lọc là bất thường bệnh nhân nên làm gì?
Chị em sau khi nhận kết quả xét nghiệm có sự bất thường thì cần lưu ý rằng điều này không có nghĩa là bản thân đã mắc ung thư do sự phát triển bất thường này vẫn có khả năng trở về bình thường nếu được điều trị sớm và đúng cách. Và thường phải mất vài năm để những tế bào bất thường tiến triển thành ung thư.
Ngoài ra, khi sàng lọc cho ra kết quả bất thường, chị em cũng cần phải thực hiện thêm các xét nghiệm bổ sung khác nhằm tìm kiếm các biến đổi có nguy cơ cao và kiểm tra dấu hiệu ung thư có thực sự tồn tại hay không. Tùy từng trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ chỉ định lặp lại xét nghiệm, hoặc sinh thiết cổ tử cung, soi cổ tử cung để khẳng định kết quả và thăm dò mức độ nghiêm trọng của những bất thường này.
Khi đã xác định có nguy cơ cao bị ung thư cổ tử cung thì bệnh nhân nên điều trị sớm theo đúng phác đồ để loại bỏ khối u. Đồng thời cần phải xét nghiệm và kiểm tra, theo dõi thường xuyên sau khi điều trị.
2.7. Mức độ chính xác của các xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung
Không phải lúc nào xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung cũng cho ra kết quả chính xác. Đôi khi kết quả có thể là dương tính giả, tức là phát hiện sự bất thường của các tế bào trong khi thực tế chúng lại hoàn toàn bình thường. Ngược lại cũng có khi kết quả là âm tính giả (các tế bào có dấu hiệu bất thường nhưng xét nghiệm không phát hiện ra sự bất thường đó).
Để giúp kết quả xét nghiệm chính xác hơn, trước 2 ngày thực hiện xét nghiệm bệnh nhân nên tránh sử dụng các sản phẩm vệ sinh phụ khoa, không thụt rửa âm đạo, kiêng quan hệ tình dục và không dùng thuốc đặt âm đạo. Ngoài ra không nên thực hiện sàng lọc khi đang trong chu kỳ kinh nguyệt hoặc đang có biểu hiện viêm nhiễm đường sinh dục dưới cấp tính.
Kết quả sàng lọc không phải lúc nào cũng chính xác tuyệt đối
Như vậy, các thông tin trên đã phần nào giải đáp được băn khoăn: Sàng lọc ung thư cổ tử cung thực hiện như thế nào? của chị em phụ nữ. Để được xét nghiệm một cách nhanh chóng với kết quả có độ chính xác cao, chị em nên tìm đến các địa chỉ thăm khám uy tín như BVĐK MEDLATEC. Nhằm biết thêm chi phí dịch vụ và các gói khám phù hợp, chị em hãy liên hệ tới tổng đài 1900565656 của MEDLATEC nhé!